Chu Mộng Long
Phần thứ hai
Sau khi kể chuyện ngày xưa về cuộc gặp John, bỗng hôm nay John lù lù xuất hiện. John sang Việt Nam, có lẽ du lịch rồi tình cờ đọc chuyện tôi viết nên tìm gặp lại tôi.
Nếu John không giới thiệu thì có lẽ tôi không nhận ra. John già đi nhiều. Tóc bạc, râu dài, mặt nhiều nếp nhăn chứ không phải như chàng thực tập sinh nhẵn nhụi năm xưa. John nói:
– Đất nước các bạn thay đổi nhiều so với mấy chục năm trước.
Tôi cảm thấy rất tự hào, suýt nữa hát lên “Tự hào quá Việt Nam ới, Việt Nam ơi…”. Không ngờ John tiếp:
– Nhưng con người Việt Nam thì không thay đổi.
Chính câu này làm tôi cụt hứng. Trong vô thức của tôi, bất cứ thằng Mỹ nào, dù nó không phải là giặc cũng làm tôi cảnh giác. Tôi hỏi:
– Đó là nghĩa tốt hay nghĩa xấu? Tố Hữu, nhà thơ lớn của chúng tôi từng viết: “Bốn nghìn năm ta lại là ta”, còn hôm nay chúng tôi đang phòng chống diễn biến và tự diễn biến. Đó là lập trường kiên định của chúng tôi.
John ồ lên một tiếng và cố gắng né tránh chuyện chính trị:
– Gặp lại bạn tôi rất vui. Sau mấy chục năm bạn không khác xưa nhiều lắm!
Dù John muốn nói về “nhan sắc” của tôi, nhưng tôi vẫn thấy có gì đó mỉa mai, vì nó nằm trong ngữ cảnh của lời nói trên kia. Lẽ nào bọn Mỹ lại thâm như Tàu? Tôi lờ đi và đáp lại:
– Tôi cũng không ngờ gặp lại anh. Và tôi cũng rất vui.
Tôi hỏi ngọn gió nào đưa John trở lại Việt Nam và nhắc lại chuyện xưa:
– Chắc là lần này không bị đánh như lần trước?
John cười ha ha. Tưởng John sẽ khoe được người Việt tiếp đón nồng nhiệt như thể nhà nước đang rải thảm đón Tổng thống Jump, không ngờ John lắc đầu:
– Không bị đánh, nhưng cũng suýt bị vỡ đầu.
John kể đi xem lễ hội ngoài Bắc, bọn thanh niên tranh cướp choảng nhau, suýt nữa bị vạ lây bèn bỏ chạy về khách sạn, và khi đọc Facebook, thấy chuyện tôi kể đúng là chuyện ngày xưa mà anh ta là nhân vật nên tìm cách vào đây. John tiếp:
– Tôi vẫn khẳng định người Việt anh hùng ngay trong đời thường.
Tôi cắt, đúng ra là tiếp lời:
– Sao anh không nói anh hùng từ bốn nghìn năm nay?
Cả tôi và John đều không muốn tranh luận về chính trị, nhưng không ngờ lại bị trôi tuột vào chính trị lúc nào không biết. John say sưa nói, cứ như diễn thuyết một vấn đề mà tôi từng đọc trong sách triết học và văn chương Mỹ:
– Xin lỗi bạn đừng giận. Phẩm chất anh hùng là một mặt khác của sự hèn nhát. Người Việt các bạn khi ở thế đường cùng hay tranh chấp quyền lợi thì rất hăng máu, nhưng khi cầu lợi cho mình thì rất hèn. Bằng chứng là thái độ uốn gối khom lưng với người có tiền có quyền, bất luận là giặc bên ngoài hay quan chức bên trong. Trong các lễ hội mà tôi được xem, người ta sì sụp lạy thánh thần lẫn ma quỷ để cầu lợi cũng là một sự hèn…
Điều này thì tôi thừa nhận John đúng. Tôi đã từng viết nhiều bài phê bình và cũng từng làm cho người Việt của tôi khó chịu. Nhưng vì lòng tự ái dân tộc, tôi vẫn cãi:
– Nhưng không phải ai cũng vậy!
John nói:
– Nhưng tôi nghĩ đó là số ít hoặc những người yếu thế. Nếu thành phần đó đông và mạnh thì người Việt đã có một cuộc sống khác, giàu có hơn, tự do hơn.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ, chẳng tỏ ra tán thành cũng chẳng biết phản đối như thế nào. Tôi nhìn cái mặt trông chờ của John, bèn nói như cái máy:
– Chúng tôi đã có tự do. Còn giàu có không phải là vấn đề.
John vẫn hùng biện theo cách của thằng Tây:
– Tự do của các bạn chỉ là tự do ảo. Khi các bạn không giàu có bằng người ắt các bạn lệ thuộc. Lệ thuộc chính trị, lệ thuộc kinh tế, lệ thuộc công việc làm, lệ thuộc suy nghĩ, và lệ thuộc cả cái ăn…
Tôi không muốn nghe những lời tuyên truyền trịch thượng như vậy. Mắt tôi lơ đãng nhìn ra phố. Đường phố vẫn đông người qua lại. Thỉnh thoảng có những chiếc xe chạy ngược chiều. Một vài thanh niên không đội mũ bảo hiểm nẹt bô phóng xe như điên. Trước nhà tôi, ai đó vừa ném một bãi rác to tướng. Tôi đang bực mình thì chú cún lại nhảy lên ghế, lấy chân trước cào cào vào tay tôi để xin cái gì đó. Tôi đạp nó xuống và nhìn nó buồn thiu bước vào xó ngồi thu lu. John cũng quan sát theo tôi và tiếp tục nói chuyện:
– Người Việt các bạn không chịu thua ai là một thiệt thòi. Cũng như sự toàn thắng trong chiến tranh là một bất hạnh…
Tôi cắt lời John:
– Nhân loại chỉ tự hào bách chiến bách thắng chứ không ai xem thắng lợi là bất hạnh.
John cười, nếu không phải nụ cười hiền lành thì tôi đã tiễn John vì hơi bực mình. Rất điềm đạm, John nói:
– Chiến tranh là sự điên rồ, hiển nhiên. Nhưng nếu như các bạn thua Pháp hay thua Mỹ, hoặc cao tay hơn, các bạn không cần đánh lại họ, có khi là may mắn cho các bạn.
Tôi từng nảy lửa với John về điều này, không ngờ anh ta vẫn tiếp tục đề tài nhạy cảm như vậy. Bây giờ thì không nóng nảy nữa nhưng chẳng dễ chịu tí nào. Tôi hỏi:
– May mắn thế nào?
John nói:
– Do tranh chấp hơn thua mới kéo dài chiến tranh và làm cho nó trở nên khốc liệt. Chính chiến thắng làm cho các bạn say sưa với quá khứ. Và người ta cũng lợi dụng sự say sưa ấy để ru ngủ các bạn. Giấc mơ làm cho người ta cảm thấy như là sống trong tự do. Nếu rủi ro thua cuộc như người Đức, người Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các bạn đã bừng tỉnh và sống cao thượng hơn. Và khi ấy các bạn có may mắn đối mặt với hiện tại và xây dựng tương lai.
Tôi hiểu điều John nói, vì cho đến hôm nay, tôi không còn bị nhốt trong cái ngôi nhà đã bế quan tỏa cảng như ngày xưa. Và tôi cũng không còn tự ái vì John nói thẳng dân tộc tôi không cao thượng như các dân tộc khác. Thấy tôi im lặng trầm tư, John tiếp tục:
– Không chỉ người Đức, người Nhật, các dân tộc bị thua cuộc trong chiến tranh đều có may mắn như vậy. Nhiều quốc gia Bắc Âu, trong lịch sử của họ, họ chưa tranh chấp và giành thắng lợi với ai bao giờ, họ có hạnh phúc và tự do hơn tất cả. Tự do và hạnh phúc là san sẻ. Nếu ai cũng tranh giành tự do và hạnh phúc thì, hoặc là tự do và hạnh phúc của người này nuốt chửng tự do và hạnh phúc của người khác, hoặc không ai có tự do và hạnh phúc cả.
Tôi nuốt từng lời John và ngẫm nghĩ, điều John nói liệu có phải là thực hiện diễn biến hòa bình không? Buổi trưa nay tôi định mời John ở lại dùng cơm, nhưng e là người ta nhìn ngó và không chừng bị theo dõi hoặc bị xem như “có quan hệ với người nước ngoài”. Tôi tiễn John với nỗi buồn vô hạn…
(Còn nữa)
Tháng Giêng năm Kỷ Hợi
Nguồn: FB Chu Mộng Long