Mỏ vàng lớn nhất VN và thông điệp của một Bộ trưởng

“Quan niệm một con đường hay một cái TRỤC lại có chức năng kết nối các vùng văn hóa là một quan niệm hoàn toàn sai lầm và không hiểu một chút gì về bản chất văn hóa. Nếu cứ làm một cái TRỤC mà kết nối được những điều như thế thì có vấn đề gì mà người Việt Nam chưa làm được thì cứ làm một con đường hay một cái TRỤC là xong. Như thế, chúng ta sẽ có TRỤC kết nối Nhà nước với nhân dân, kết nối người giàu có với người nghèo để san sẻ cho nhau, môi trường sạch và môi trường nhiễm độc, kết nối Vedan với dân cư hai bờ sông Thị Vải, kết nối các nước cùng biên giới để hóa giải những bất đồng, kết nối…

Có một sự kiện đáng lẽ truyền thông phải nói đến rất nhiều thì nó chỉ được thể hiện như một mẩu tin ngắn và đầy vô cảm trên một tờ báo trong nước. Đó là sự kiện một lái xe taxi tìm cách trả lại một chiếc túi của hành khách bỏ quên trên xe của anh có đựng số tiền gần 500 triệu đồng.

Số tiền ấy đối với tôi là quá lớn và đối với một người lái taxi thì là một số tiền khổng lồ. Người lái taxi đó tên là Đoàn Thanh Xuân, 24 tuổi, thuộc Công ty Dịch vận tải Cửu Long Petrol Gas JSC. Người lái taxi có một ngàn linh một cách để giữ số tiền ấy. Nhưng anh đã tự nguyện mang trả lại. Hành động của anh làm lòng tôi run lên vì xúc động trong lúc cái nắng đang đổ xuống với nhiệt độ 40 độ C.

Nhưng thực tế dù công khai hay che đậy vẫn cho chúng ta thấy có quá nhiều những kẻ luôn luôn rao giảng về nhân cách nhưng trong lòng lại chứa đựng sự tham lam vô độ. Tiền bao nhiêu cũng không làm lòng họ bớt điên cuồng vì tiền. Họ sẵn sàng vứt đi lợi ích của nhiều người để cho lợi ích cá nhân họ.

Nhưng điều đắng cay và thất vọng hơn cả là những hành động nhân văn bây giờ đã và đang trở thành một thứ phù phiếm trong xã hội mang tên con người”.

Vô cùng  cần thiết những cái trục kết nối như bác Trực Ngôn đưa ra vì thực tế xã hội có thể kiểm nghiệm rõ mười mươi là mọi mối liên hệ vốn có từ nhiều năm qua giữa nhà nước và nhân dân, giữa người giàu với kẻ nghèo, trong thiết chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của chúng ta tiếc thay đã dần dần bị thui chột. Tôi đã nghe nhiều người nhân cách rất đàng hoàng phát biểu là hễ cứ nhìn thấy những khuôn mặt các vị đứng đầu các cơ quan quyền lực xuất hiện trên tivi để “diễn trò” là họ lập tức tắt máy.

Còn việc bác Trực Ngôn coi lòng nhân ái bây giờ đã thành một món hàng xa xỉ, theo tôi cũng nên hỏi mấy ông chức sắc; một người như ông Hồ Nghĩa Dũng trong trái tim ông ta liệu có còn một nhịp đập nào vì các em học sinh đu dây hàng ngày trên sông Pô Cô hay không? Hỏi ông Nguyễn Sinh Hùng thì chắc còn rõ hơn. Cho nên, người nghèo khổ, trừ một vài người như bác Trực Ngôn đã dẫn, cũng đành phải giấu đi thứ vốn quý sẵn có của mình.

Bauxite Việt Nam

“Tôi yên tâm”… nhưng “tôi nhân dân” không yên tâm

Cho đến bây giờ, dự án xây dựng đường sắt cao tốc vẫn chưa làm cho nhiều đại biểu QH tâm phục, khẩu phục. Theo kết quả lấy ý kiến các đại biểu QH về vấn đề này thì chỉ có khoảng 1/3 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự án do Chính phủ đề xuất cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột gỗ lim: “Tôi yên tâm”.

Xin thưa lại với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rằng: không ai nghi ngờ quyết tâm của ông trong việc xây dựng đường sắt cao tốc. Nhưng với số tiền đầu tư cho dự án quá khổng lồ và hiệu quả kinh tế của dự án này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng thì đúng là “tôi yên tâm” mà dân thì không yên tâm tí nào.

Khát vọng về tương lai của đất nước của những nhà lãnh đạo đất nước là vô cùng quan trọng. Nếu những nhà lãnh đạo không có khát vọng thì đất nước làm sao mà “bay” lên được. Nhưng khát vọng phải dựa trên hiện thực mang tính khoa học cao nếu không khát vọng sẽ trở thành ảo vọng.

Để bảo vệ luận thuyết “Tôi không lo”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có đề cập đến một số lý do trong đó có 2 lý do được dư luận xã hội liên tục nhắc đến. Nhưng cả 2 lý do này lại làm dân… lo. Có lẽ dân chưa hiểu hết hay chưa hiểu đúng ý của Phó Thủ tướng chăng (?)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột gỗ lim: "Tôi yên tâm". Ảnh: VNN

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột gỗ lim: "Tôi yên tâm". Ảnh: VNN

Lý do thứ nhất: Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc”. Cho đến bây giờ, người dân nghĩ nát óc vẫn chưa tìm ra luận chứng để thấy không thể không làm đường sắt cao tốc. Không thể không làm nghĩa là không có con đường nào khác hoặc không làm là chết. Cũng như người ta thường nói không thể không ăn, không thể không uống, không thể không thở chứ không ai nói không thể không ở nhà 5 tầng.

Nhân dân thực sự muốn được nghe những người có trách nhiệm, đặc biệt là Phó Thủ tướng, nói cho dân một cách rành rõ vì sao nước ta không thể không làm đường sắt cao tốc. Và nếu không làm đường sắt cao tốc thì Việt Nam sẽ phải đứng trước những nguy cơ gì?

Lý do thứ hai: Theo báo VNN, Phó Thủ tướng đưa ra lý do “phải làm” đường sắt cao tốc “vì không có nước nào có diện tích dài như Việt Nam”. Thưa Phó Thủ tướng, nếu nói như Phó Thủ tướng thì phải hiểu cho đúng là Việt Nam là nước có chiều dài dài nhất so với tất cả các nước trên thế giới. Theo tìm hiểu của tôi thì đây là thông tin hoàn toàn sai. Nhưng chuyện sai này không hề quan trọng một tí nào vì Phó Thủ tướng chứ đâu phải giáo viên dạy địa lý. Điều quan trọng nhất là: cứ cho Việt Nam là một trong những nước có chiều dài dài nhất thế giới đi chăng nữa thì có bắt buộc phải làm đường sắt cao tốc không? Không ít nước có chiều dài hơn Việt Nam nhưng không có đường cao tốc.

Còn một điều nữa người dân không dám khẳng định nhưng cứ thấy mơ hồ mặc dù ai cũng mong cuộc sống của mình sẽ đến ngày như thế. Đó là việc ông dự tính đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người là 20.000 USD/ năm (khoảng gần 1.700 đôla/tháng = 32.300.000 đồng). Theo dự tính của các nhà nghiên cứu xã hội thì 40 năm nữa (năm 2050), tỉ lệ nông dân ở nước ta có thể chỉ chiếm khoảng 60 phần trăm. Thu nhập đầu người ở nông thôn Việt Nam hiện nay khoảng 600.000 đồng/tháng (khoảng 30 đô la).

Năm 2050, dự tính thu nhập bình quân đầu người là 1.700 đôla (32.300.000 đồng) đồng/tháng thì cứ cho là nông dân sẽ thu nhập khoảng 700 đôla (13.000.000 đồng). Vậy làm thế nào để những người nông dân tăng thu nhập của họ từ 600.000 đồng lên cứ cho là 13.000.000 đồng khi mà đất canh tác của nông dân mỗi ngày một thu hẹp. Và chúng ta không thấy một dấu hiệu nào khả quan về một cuộc Cách mạng xanh với sự đổi thay phương tiện sản xuất và tư duy sản xuất nông nghiệp. Hay phép tính thu nhập bình quân này chứa đựng bên trong sự chênh lệch giàu nghèo đến khủng khiếp? Ví dụ một bên có tài khoản hàng chục triệu đôla và một bên chỉ có mấy bồ thóc, mươi con gà, mươi con vịt và một hai con lợn?

Xin thưa, đây cũng chỉ là những tư duy đơn giản nhưng chứa đựng sự “không hề yên tâm” của người dân mà thôi. Chúng ta hãy cùng nhau làm cho người dân được thực sự yên tâm. Vì đó chính là sứ mệnh của những người có trách nhiệm với đất nước. Và hơn nữa, với sự tin tưởng vào Chính phủ, cái gì dân chưa hiểu thì dân hỏi cho dù chưa chắc người dân đã được trả lời thấu đáo.

Có một mỏ vàng nhân tạo lớn nhất ở Việt Nam

Ba Vì, một nơi cách đây mươi năm chỉ là chốn “sơn lâm thăm thẳm” trong ký ức của những người Hà Nội. Nhưng đến một ngày, khi người dân thức dậy, họ thấy một thứ ánh sáng chói loà hắt lên từ những mảnh vườn lơ thơ mấy luống rau muống, rau dền, từ những khu đất nhiều đá sỏi với cây dại, từ những ngôi nhà nghèo nàn mà chủ nhân muốn rời bỏ để đến thành phố lập nghiệp làm ăn…

Ánh sáng gì vậy? Cuối cùng người ta phát hiện đó là ánh sáng do vàng lá, vàng miếng… hắt lên. Mỏ vàng lớn chăng? Đúng. Nhưng không phải mỏ vàng thiên nhiên mà mỏ vàng nhân tạo. Đấy chính là giá đất ở Ba Vì.

Ba Vì sẽ trở thành Trung tâm hành chính quốc gia? Trục Thăng Long có thể kết nối các vùng văn hoá? Ảnh: VNN

Ba Vì sẽ trở thành Trung tâm hành chính quốc gia? Trục Thăng Long có thể kết nối các vùng văn hoá? Ảnh: VNN

Ôi, mọi chuyện ở trên đời này đều có thể và chẳng ai lường trước được. Nghe nói có người dân đã bán rẻ như bèo hàng nghìn mét đất trước khi Ba Vì được “vàng hóa” (xin lỗi không phải là hóa vàng) giờ tiếc của quá mà sinh ốm nặng. Lại nghe nói có người đã bán đất trước kia giờ tiếc quá đâm lẩn thẩn. Thế là đêm về lẻn đến mảnh đất xưa của mình bốc trộm mấy cục đất bỏ vào túi mang về nhà giấu kín vì bị ảo giác nên nhìn đất sỏi lại thấy đó là những cục vàng lấp lánh.

Ba Vì sẽ trở thành Trung tâm hành chính quốc gia. Đó có phải là một tin đồn không? Không. Người dân tin đó là một dự án có thật vì Chính phủ, Quốc hội, các chuyên gia, các phương tiện truyền thông đã và đang bàn luận rầm rộ từ lâu nay. Thế nhưng ngày 15/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định trước Quốc hội là không có chuyện dời đô lên Ba Vì.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng tất nhiên là thành viên của Chính phủ mà lại là thành viên vô cùng quan trọng vì phụ trách việc xây dựng đã khẳng định như thế. Không có chuyện đó sao lại bàn luận công khai và bàn luận một cách nghiêm trọng như thế? Vậy đây là cái gì và vì sao lại thế?

Những người dân kém cỏi và ít năng lực như Trực Ngôn đây đang rơi vào một “trận đồ bát quái” của thông tin mà chẳng biết thực hư thế nào. Đã có những đại biểu QH nói vì nhiều cán bộ có đất ở đó nên tạo ra “tin đồn” này để nâng giá đất (phát biểu của ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội  Luật gia VN). Than ôi! Chẳng lẽ những người làm ra “tin đồn” kia lại có thể “lừa được” cả Quốc hội à? Có thể qua mặt được người phụ trách toàn bộ việc xây dựng của đất nước à?

Người dân như tôi không dám bàn đến những điều lớn lao hay bàn đến chuyện tâm linh hay phong thủy nếu xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia tại đó. Người dân chỉ hoang mang chạy vòng quanh như gà mắc tóc hay như một người loạn thị vì thấy người có trách nhiệm này bảo có, người có trách nhiệm kia bảo không… chẳng biết đâu mà lần.

Rồi lại trục Thăng Long nữa chứ. Có quá nhiều chuyện mà tôi không thể nào kể hết ra đây. Tôi chỉ muốn nói đến một việc thôi. Đó là việc tôi chưa bao giờ nghe nói đến một cái đường rộng mà chúng ta gọi với một thuật ngữ cao siêu là TRỤC lại có thể kết nối vùng (hoặc nền) văn hóa này với vùng (nền) văn hóa khác. Và tôi xin lỗi được nói rằng: tôi sẵn sàng tiếp chuyện những ai có quan niệm về sự kết nối các vùng văn hóa như vậy.

Đấy là tôi chưa nói đến việc “đô thị hóa” một cách sai lệch chính là thuốc độc bảng A giết chết những vùng (nền) văn hóa. Trên thực tế, chúng ta đã và đang giết chết nhiều vùng văn hóa bằng những cuộc “xâm lược” thô bạo của nhiều dự án. Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu QH Vũ Hồng Anh khi ông khẳng định: “Trước nay trên thế giới không nước nào và không ai chỉ bằng một trục đường thẳng mà có thể kết nối văn hóa giữa các vùng miền”.

Quan niệm một con đường hay một cái TRỤC lại có chức năng kết nối các vùng văn hóa là một quan niệm hoàn toàn sai lầm và không hiểu một chút gì về bản chất văn hóa. Nếu cứ làm một cái TRỤC mà kết nối được những điều như thế thì có vấn đề gì mà người Việt Nam chưa làm được thì cứ làm một con đường hay một cái TRỤC là xong. Như thế, chúng ta sẽ có TRỤC kết nối Nhà nước với nhân dân, kết nối người giàu có với người nghèo để san sẻ cho nhau, môi trường sạch và môi trường nhiễm độc, kết nối Vedan với dân cư hai bờ sông Thị Vải, kết nối các nước cùng biên giới để hóa giải những bất đồng, kết nối…

Thông điệp của một Bộ trưởng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là “một sáng tạo không ai ngờ tới”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là "một sáng tạo không ai ngờ tới". Ảnh: VNN

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là "một sáng tạo không ai ngờ tới". Ảnh: VNN

Tôi rất tiếc không được trực tiếp nghe câu trả lời này của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng để xem biểu cảm trên gương mặt của ông khi nói câu này. Bởi với suy nghĩ của tôi và của rất nhiều người dân thì khi nói câu đó gương mặt của Bộ trưởng là một gương mặt dày vò, xót xa.  Bởi với vị trí và trách nhiệm của ông, ông không thể nào yên lòng khi để những đứa trẻ tuổi con cháu ông phải đu trên một cái ròng rọc qua sông đi học mà bất cứ lúc nào cái dây kia cũng có thể đứt.

Đây không phải là sự sáng tạo. Đây là sự cùng cực. Chỉ riêng việc người ta chi phí cho việc đào đường lên lấp đường xuống và vô vàn cái vô lý trong xây dựng đã thừa tiền để xây dựng cả trăm chiếc cầu bắc qua sông như sông Pôkô. Nếu việc túm vào dây ròng rọc để “bay” qua sông là “một sáng tạo không ai ngờ tới” thì Việt Nam là một đất nước ngập tràn những sáng tạo không ngờ tới. Đó là sáng tạo leo qua dải phân cách để sang đường, sáng tạo những cái thuyền quái gở để đi trên phố của thủ đô mênh mông nước ngập chỉ sau một cơn mưa, sáng tạo xây những ngôi nhà siêu mỏng, sáng tạo chôn ảnh kỷ niệm, chôn báo chí, chôn cả điện thoại di động của nước người xuống đất trong thời gian là 1000 năm để các hậu duệ của chúng ta kỷ niệm… 2000 năm Thăng Long cho thêm nhiều ý nghĩa.

Nhiều người dân đã phản ứng câu nói này của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Nhưng tôi xin làm Luật sư bào chữa cho ông. Bởi tôi tin, một đồng chí bộ trưởng nói câu đó chắc phải có thông điệp sâu sắc. Vậy thông điệp ấy là gì? Tôi xin tạm dịch là: Thưa Quốc hội, việc những đứa trẻ phải đu trên dây qua sông đến trường mà chúng có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào và có thể bị cướp đi tính mạng trong lúc chúng ta đang bàn đến đường sắt cao tốc và trục Thăng Long của 50 năm sau là một câu chuyện đau lòng không ngờ…

Sau khi nghe tôi dịch nội dung bản thông điệp của câu nói ấy, con trai tôi cười khanh khách nói: “Bố dịch khá đấy, 9,5… 9,5 và 9,5”. Nhưng trước khi đợi Nhà nước xây chiếc cầu không đáng bao nhiêu tiền nhưng lại vô giá về lòng nhân ái, yêu thương thì báo chí đã kêu gọi các nhà hảo tâm nhanh chóng xây chiếc cầu đó. Bởi cứ thủ tục giấy tờ, v.v. thì những đứa trẻ đu dây kia có lẽ quên mất thói quen đi trên mặt đất và trở thành những Tarzan vùng sông Pôkô.

Những cuộc “di tản” trong bóng tối

Đã có một thời, người dân gọi Sở điện là Sở “điên nặng” (đánh vần tiếng Việt: đờ iên điên nặng điện). Cho dù đấy là cách nói hài hước nhưng cũng cho thấy tình trạng của ngành điện Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân cắt điện quá nhiều trong dịp này là người ta làm lại hệ thống điện gì gì đó cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ảnh: VNN

Một trong những nguyên nhân cắt điện quá nhiều trong dịp này là người ta làm lại hệ thống điện gì gì đó cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ảnh: VNN

Theo sơ đồ của ngành điện thì 20 năm nữa vẫn còn thiếu điện. Một trong những nguyên nhân mà người có trách nhiệm liên quan giải thích là vì chúng ta vẫn dùng thiết bị lạc hậu hao tổn năng lượng và vì người dân vẫn chưa biết tiết kiệm điện.

Có người có trách nhiệm lại đổ tại trời. Chắc là vì trời ít mưa và ông trời không biết điều phối có kế hoạch các cơn mưa của mình chăng. Tôi đã từng ở Pakistan nhiều ngày. Đó là một đất nước khô cằn đến mức người dân ở đó nói có thể đổi mạng người lấy một cái cây xanh. Nhưng người dân ở đó cũng chưa bao giờ rơi vào “thảm kịch” cắt điện như ở Việt Nam.

Những lý do này có tác động đến hao tổn điện nhưng chỉ là một trong những lý do rất phụ mà thôi. Theo một số nhà nghiên cứu thì Việt Nam là nước cắt điện nhiều nhất ở khu vực châu Á. Nó cho thấy năng lực của ngành điện quả có vấn đề gì đó rất “nặng”.

Mấy ngày nay, Hà Nội nóng kinh khủng. Cùng với sự tấn công của thiên nhiên là cuộc tấn công “từng phần” nhưng dai dẳng của ngành điện. Nghĩa là điện cứ cắt từng buổi sáng, từng buổi chiều, từng buổi tối và từng đêm ở nơi này và nơi kia.  Cùng với cái nóng khủng khiếp đó là lúc những fan hâm mộ bóng đá đang “điên lên” vì World Cup.

Chính vì thế mà những đêm này ở Hà Nội, người ta bắt đầu thấy những cuộc “di tản” trong bóng tối. Đó là cuộc “di tản” từ nhà mình đến các nhà nghỉ. Nhà nghỉ, trong con mắt của những người theo chủ nghĩa đạo đức học chỉ là nơi giành cho những đôi tình nhân và những kẻ ngoại tình. Thế nhưng bây giờ họ thấy xuất hiện cả trẻ con và các ông bà già cũng “âm thầm” đến đó để chạy trốn những cơn nóng đến “nhão óc” và để thỏa mãn cơn ghiền bóng đá. Nhiều nhà nghỉ trong khu vực họ cũng mất điện nhưng các nhà nghỉ này đã rút kinh nghiệm từ nhiều năm nay nên đã chuẩn bị máy phát điện chạy dầu, chạy xăng.

Một trong những nguyên nhân cắt điện quá nhiều trong dịp này là người ta làm lại hệ thống điện gì gì đó cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Lẽ ra, mọi việc “làm mới” cho Hà Nội phải được kết thúc cơ bản vào cuối năm 2009. Chứ bây giờ đã là giữa tháng 6 rồi mà bộ mặt thành phố vẫn chưa đâu vào đâu. Thế là để lấy thành tích người ta sẽ làm vội làm vàng, bôi bôi trát trát, đào bới lung tung, điện đóm mịt mùng. Hơn nữa, những người phụ trách ngành điện thừa biết tháng 6 là tháng World Cup đến nỗi có Bộ trưởng phát biểu ở QH là trả lời ngắn vì để xem khai mạc World Cup cơ mà.

Vậy người dân rất cần điện trong những ngày này. Tôi có người quen ở gần Ba La, Hà Đông nói rằng từ lúc khai mạc World Cup đến giờ gần như không được xem ở nhà mình vì cắt điện mà phải vào nhà nghỉ đèn đỏ đèn xanh ảo mờ để… xem World Cup.

Những người có trách nhiệm ngành điện giải thích việc cắt điện là do ưu tiên phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nghe thật lạ lùng phải không các vị. Lẽ ra bây giờ, người dân Thủ đô phải được hưởng những gì đó trong cái năm vô cùng đặc biệt mà có lẽ 1000 năm mới có thì họ lại đang phải đương đầu với bao mệt mỏi như đường sá đào lấp, vỉa hè bới tung, điện cắt liên tục, bụi bặm mịt mù…

Người dân sẽ phải chịu đựng cho đến một đêm nào đó chợt thấy trống đánh vang, pháo hoa bắn lên trời… mới biết Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã đến. Nhiều người già thở dốc vì nóng tới 40 độC mà không có điện bỗng ao ước: “Giá mà họ để đến 2000 năm làm Đại lễ thì sướng biết bao”.

Một văn bản cổ xưa vừa tìm thấy

Với 2.400 chữ của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tựa đề “Bốn năm giáo dục qua các con số”, năm người bạn tôi đều là giáo viên ở các cấp từ PTTH đến Đại học đều cười và nói: “Bài viết này giống một bản báo cáo thành tích cách đây nhiều năm của ngành giáo dục”. Còn tôi, tôi gọi đó là “văn bản cổ xưa vừa tìm thấy trong… máy vi tính”.

Những gì ngành giáo dục đã làm thiết nghĩ nhiều người đều biết cả, đặc biệt những người công tác trong ngành giáo dục. Tôi không hiểu ông Thứ trưởng kia viết bài báo này và gửi bài báo này để in lên báo làm gì???

Theo Thứ trưởng, thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là một trong những thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục. Ảnh: thanhnienbrvt.com

Theo Thứ trưởng, thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là một trong những thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục. Ảnh: thanhnienbrvt.com

Có quá nhiều vấn đề trong bài báo này cần phải được bàn đến nơi đến chốn. Nhưng tôi chỉ nói qua một hai điều mà thôi. Ông Thứ trưởng viết rằng các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt. Xin thưa ông Thứ trưởng, có thể số lượng giáo viên vi phạm đạo đức bị ngành giáo dục phát hiện ít hơn trước kia. Nhưng mức độ vi phạm đạo đức thì kinh hoàng mà tôi không muốn kê khai những vụ việc ấy ra nữa.

Trong bản báo cáo của một Thứ trưởng về nền giáo dục đang bị xã hội lên tiếng như những hồi chuông báo động gấp mà ông lại nói về mấy em đi thi không bị tai nạn xe máy, xe đạp. Vấn đề đi xe máy, xe đạp có va chạm hay bị tai nạn cho dù có em học sinh đã mất đi mạng sống thì cũng không thuộc về những yếu tố cơ bản của một nền giáo dục mà Nhà nước và nhân dân đang đau đầu tìm cách giải quyết.

Ông viết: “Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc”.

Đoạn báo cáo trên quá cũ, quá sáo mòn mà chúng ta đã phải nghe lâu lắm rồi. Trường học đang ngày càng mất đi bản chất “mái trường thân yêu” của nó và học sinh càng ngày càng trở nên tự do một cách bất cần. Tôi nói những lời lẽ này với ông cho dù nặng nề thế nào thì ông vẫn là Thứ trưởng và tôi vẫn là dân thường. Nhưng chúng ta không còn cách nào là phải nhìn vào sự thật.

Ông đưa cả mấy buổi truyền hình trực tiếp coi như thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục thì những phụ huynh như tôi không biết nói gì nữa đây. Một trong những hoạt động tốn phí tiền của và nhiều phù phiếm là các buổi truyền hình trực tiếp cho dù không phải là tất cả các buổi truyền hình trực tiếp. Nhưng đối với ngành giáo dục thì có đến triệu buổi truyền hình trực tiếp cũng chẳng có ý nghĩa gì về bản chất của nó.

Quả thực, một trong những hội chứng thời công nghệ hiện đại ở nước ta là “hội chứng truyền hình trực tiếp”. Liệu ông có thể bớt một buổi truyền hình trực tiếp để làm một cái cầu tre thôi cho những học sinh thân yêu của ông ở Pôkô không phải đu ròng rọc như “khỉ đu dây” qua sông đi học không?

Ông viết: 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tôi cam đoan với ông rằng: ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới cũng không dám tuyên bố gần 100% hệ thống giáo dục THCS của họ đạt CHUẨN. Hay ở Việt Nam, CHUẨN của chúng ta khác CHUẨN của họ? Thay mặt bạn đọc, xin ông viết cho một bài có thể là 10 kỳ cũng không sao để nói rõ chúng ta đã đạt CHUẨN như thế nào.

Rồi những hội thảo, những bài báo hay là lượng truy cập của Báo điện tử của ngành giáo dục mà ông đưa ra trong bài viết như thành tích của nền giáo dục quả thật làm các phu huynh buồn quá, thất vọng quá. Nó chẳng nói lên điều gì về bản chất của bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Đó chỉ là những hoạt động phụ trợ không hẳn cần thiết cho một nền giáo dục yếu kém như nền giáo dục chúng ta. Vì Bộ GD-ĐT không phải là đơn vị tổ chức sự kiện (hội thảo) hay là một tờ báo cần phải tăng lượng hit.

Không, không… tôi sẽ không tiếp tục nói nữa. Bởi nếu nói tiếp tôi sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn bởi những con số trong bài viết của ông. Nếu thấy cần thiết, chúng ta sẽ tổ chức diễn đàn bàn luận về những con số đó. Có không ít các giáo sư danh tiếng và đông đảo những người quan tâm đến nền giáo dục chúng ta sẵn sàng luận bàn về những con số này.

Bất công hay vô cảm

Có một sự kiện đáng lẽ truyền thông phải nói đến rất nhiều thì nó chỉ được thể hiện như một mẩu tin ngắn và đầy vô cảm trên một tờ báo trong nước. Đó là sự kiện một lái xe taxi tìm cách trả lại một chiếc túi của hành khách bỏ quên trên xe của anh có đựng số tiền gần 500 triệu đồng.

Anh Đoàn Thanh Xuân (bên phải) đang trao trả lại túi tài sản cho ông Phạm Trần Anh. Ảnh: SGGP Online

Anh Đoàn Thanh Xuân (bên phải) đang trao trả lại túi tài sản cho ông Phạm Trần Anh. Ảnh: SGGP Online

Số tiền ấy đối với tôi là quá lớn và đối với một người lái taxi thì là một số tiền khổng lồ. Người lái taxi đó tên là Đoàn Thanh Xuân, 24 tuổi, thuộc Công ty Dịch vận tải Cửu Long Petrol Gas JSC. Người lái taxi có một ngàn linh một cách để giữ số tiền ấy. Nhưng anh đã tự nguyện mang trả lại. Hành động của anh làm lòng tôi run lên vì xúc động trong lúc cái nắng đang đổ xuống với nhiệt độ 40 độ C.

Cái tin đó đưa lên và ngay sau đó nó bị nhấn chìm trong những mối quan tâm sôi sùng sục của xã hội về giá vàng, giá đất, giá chứng khoán, giá căn hộ cao cấp… Cái tin đó giống như một phép thử về nhân cách sống của một xã hội. Một triết gia đã viết: “Một con người chỉ biết săn lùng vật chất để hưởng thụ chẳng khác gì một con vật lùng kiếm thức ăn. Chỉ khi con người kiếm tìm những ý nghĩa nhân văn thì con người mới bắt đầu tách ra khỏi đời sống của hoang thú”. Đấy là chân lý.

Chúng ta đã từng chứng kiến hành động nhân văn của bà Tim nuôi chim và ông Ái nhặt đinh, rồi người chèo bè ở Thác Bản Giốc và bây giờ đến anh Xuân trả lại gần 500 triệu đồng. Tôi đã nói nhiều lần và bây giờ nói lại là hàng tuần tôi cùng các đồng nghiệp luôn luôn có ý thức tìm kiếm những hành động nhân cách như của những con người nói trên mà khó như xuống biển tìm chim, lên trời tìm cá vậy.

Nhưng cho dù xã hội có lúc tao loạn, trắng đen lẫn lộn thì những con người sống nhân cách vẫn còn. Nếu không thì thế giới loài người đã bị diệt vong lâu rồi. Nhưng tại sao chủ yếu những người có nhân cách lại là những người nghèo khổ. Lẽ ra những người nghèo khổ thì dễ sinh lòng tham. 500 triệu đồng đối với một người lao động bình thường quả là một số tiền thường là cả đời họ cũng không tích cóp đủ.

Nhưng thực tế dù công khai hay che đậy vẫn cho chúng ta thấy có quá nhiều những kẻ luôn luôn rao giảng về nhân cách nhưng trong lòng lại chứa đựng sự tham lam vô độ. Tiền bao nhiêu cũng không làm lòng họ bớt điên cuồng vì tiền. Họ sẵn sàng vứt đi lợi ích của nhiều người để cho lợi ích cá nhân họ.

Nhưng điều đắng cay và thất vọng hơn cả là những hành động nhân văn bây giờ đã và đang trở thành một thứ phù phiếm trong xã hội mang tên con người.

T. N.

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-18-pn-and-hd-mo-vang-lon-nhat-vn-va-thong-diep-cua-mot-bo-truong

This entry was posted in giao thông, Tản Mạn. Bookmark the permalink.