Những con số

BVN chưa dám tin vào cách suy luận của bạn Đông A, tuy rằng đây là một suy luận logique khó lòng bác bẻ. Có lẽ một cách hiểu thỏa đáng hơn là, do cái đại dự án ĐSCT các ông Đảng bàn nhau đem ra trình QH nó lộ liễu quá, đến nỗi lương tri con người trong những đảng viên tỉnh táo cũng không cho phép họ thừa nhận, vì thế mà chỉ có 33% đảng viên cơ sở phải nhắm mắt “chấp hành” theo Đảng mà thôi. Chứ nếu mấy ổng quan tâm đến nước và dân thật sự, đề xuất những việc rõ ràng chỉ mong ích nước lợi dân, thì dù những điều họ đưa ra có mặt nào còn thiếu, còn sai, người ta cũng sẽ góp ý chân thành để bổ cứu cho đến lúc hoàn thiện. Vậy vấn đề là chỗ đứng vì dân trong mấy ổng đã biến dạng, còn đảng tính của đảng viên có suy sút hay không thì… chưa chắc.

Bauxite Việt Nam

Tôi để ý tới những con số của kết quả thăm dò ý kiến các đại biểu Quốc hội về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc. Tôi thấy những con số này cũng khá thú vị. Trong 474 phiếu thu về có 271 phiếu đồng ý và 192 phiếu không đồng ý, còn lại là phiếu trắng hay ý kiến khác. Như vậy có thể thấy có tới 40,5% đại biểu Quốc hội không đồng ý với chủ trương do Đảng đề xuất. Đây là một con số lớn, bởi vì đại biểu Quốc hội đã được lựa chọn đặc biệt trong dòng chính, số lượng Đảng viên trong Quốc hội chiếm tỷ lệ 91%, và câu hỏi trong phiếu thăm dò ý kiến đã được thiết kế có dụng ý định hướng. Từ con số 40,5% này có thể nghĩ rằng nếu lấy ý kiến quốc dân thì con số  không đồng ý có khả năng sẽ cao hơn 50%. Con số 40.5% này cho thấy đây là một thất bại của hệ thống chính trị và hệ thống tuyên truyền, mặc dù chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc sẽ được thông qua. Được thông qua, nhưng đó không phải là một thắng lợi, mà là một thất bại chính trị.

Nếu coi 91% đại biểu Quốc hội là Đảng viên phân bố đều trong cuộc thăm dò ý kiến trên, thì trong số 271 đại biểu đồng ý có 247 Đảng viên. BCH TW có 160 người, và tất nhiên 160 người này đều là đại biểu Quốc hội. Giả sử Ủy viên BCH TW Đảng đều tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc và tham gia cuộc thăm dò. Giả sử này không phải là một điều gì đó quá phi lý, bởi vì không thấy một Ủy viên BCH TW nào có ý kiến công khai phản đối. Như vậy chỉ có 87 đại biểu Đảng viên cơ sở (không phải Ủy viên BCH TW) đồng ý với chủ trương của Đảng. 87 đại biểu Đảng viên cơ sở này chiếm tỷ lệ 33% đại biểu Đảng viên cơ sở tham gia cuộc thăm dò. Suy rộng ra chỉ có 33% Đảng viên cơ sở tán thành chủ trương của Đảng. Đây là một con số thấp, phản ánh sự phân hóa trong Đảng giữa cơ sở và Trung ương.

Giả sử có một sự biến chính trị nào đấy xảy ra, ai sẽ là người bảo vệ hệ thống chính trị? Con số 33% là một lực lượng không đủ để bảo vệ. Sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu cho thấy các nước này đã không có những điều tra xã hội nghiêm túc, để có thể dự báo xã hội mà điều chỉnh những khiếm khuyết và hạn chế kịp thời. Khi có sự biến xảy ra ở Đông Âu, hệ thống chính trị bị tê liệt ngay lập tức vì lực lượng ủng hộ ngay trong nội bộ đã không đủ lớn. Cũng nên nhớ rằng lực lượng cơ sở mới là yếu tố quyết định trong các biến sự. Có thể lấy sự thất bại của cuộc đảo chính Gorbachev do đa số thành viên Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô tiến hành làm ví dụ. Tôi cảm thấy dường như ở Việt Nam người ta không quan tâm tới những thống kê điều tra xã hội nghiêm túc.

Đ. A.

Nguồn: http://donga01.blogspot.com/2010/06/nhung-con-so_16.html

This entry was posted in giao thông, quốc hội. Bookmark the permalink.