Châu Thị Phan
Tháng 11/2018, tôi đến thăm khu tưởng niệm cựu chiến binh Hoa kỳ tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veteran war Memorials) tại Sacramento. Khu tưởng niệm không lớn lắm, nằm khiêm tốn bên cạnh khu vườn hoa hồng trong khuôn viên toà nhà Quốc hội tiểu bang California.
Khu này gồm bốn bức tường xây theo kiểu vòng tròn, bên trên mỗi bức tường là tấm đá hoa cương đen khắc danh sách của 5822 binh sĩ (ở California) đã tử trận và mất tích tại Việt Nam. Tuổi đời của các chiến binh này còn rất trẻ, nhiều nhất là từ 19 đến 26. Nhưng ấn tượng nhất là những bức tượng chạm trổ nổi bằng đồng cao bằng người thật ghi lại những sinh hoạt của binh lính Mỹ trong những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam: bị thương, đánh trận, nghĩ ngơi, làm tù binh…
Đặc biệt bức tượng một chiến binh trẻ bần thần ngồi đọc thư nhà đặt ngay chính giữa khu tưởng niệm. Tất cả đều toát lên một nét chung nhất là đăm chiêu và buồn bã như không biết ngày mai sẽ ra sao.
Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi là tấm biển bằng kim loại, trên đó có sao chép trích đoạn nguyên bản lá thư viết tay của một người mẹ Mỹ gửi cho con trai đang chiến đấu ở chiến trường tại Việt Nam nhân ngày sinh nhật cậu ấy bước vào tuổi hai mươi.
“… Con trai à, ba mẹ vô cùng yêu thương con. Làm ơn,ráng tự chăm sóc mình nghe con. Đừng trở thành một anh hùng. Ba mẹ không cần tấm Huân chương danh dự. Chúng ta chỉ cần một đứa con
Yêu thương con với tất cả tấm lòng
Ba-mẹ”
(… we love you,son. Please take care of yourself and don’t be a hero. We don’t need a Medal of Honor. We need a son.
All our love
Mom and Dad)
Lạ lùng thật, Mỹ là một Đất Nước nổi tiếng… hung hăng về mặt quân sự. Nước nào láng cháng vi phạm đến quyền lợi của Nước Mỹ hay đến an nguy hòa bình thế giới là bị bộp liền. Vậy mà khu tưởng niệm này mang đầy màu sắc phản chiến, (không giống bên nước ta tượng đài nào cũng hừng hực lửa giết, giết và kêu gọi khắc sâu mối hận thù). Hay… thật ra ở Mỹ, phản chiến mới chính là đích đến còn tham chiến chỉ để vì… phản chiến?
Tôi cũng băn khoăn khi đặt mình vào vị trí bà mẹ người Mỹ. Liệu tôi có dám đặt bút viết những dòng thư tương tự như bà nếu một ngày nào đó các con tôi có đứa cũng phải cầm súng để bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa hay ở một vùng biên giới nào đó để chống lại kẻ thù Trung Cộng? Tình thương của một người mẹ luôn mong con tôi được sống yên ổn trở về. Nhưng trái tim của một người dân trước họa mất Nước lại cất lên tiếng nói khác.
Câu trả lời ấy trong tôi vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu là các bạn… thì sao?
Những câu trả lời đọc thấy trên mạng
Bạn đã nhầm to. Việc Mỹ tham chiến ở VN khó nói lên được điều gì rõ ràng. Còn khi VN tham chiến để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa là bảo vệ Tổ quốc chống giặc Trung Quốc: cuộc chiến này cần nhiều anh hùng.
Chẳng ai thích chiến tranh và súng đạn bởi súng đạn là giết chóc. Người mẹ Mỹ kia không muốn con mình bắn giết là lẽ đương nhiên, còn chúng ta, nếu vì sự sống còn của Dân Tộc mà phải cầm súng, em tin chị và em cũng cầm được súng. Chúng ta không cần con ta làm anh hùng nhưng chúng ta cần chúng cầm súng giữ nước chị à.
Thưa chị ở đây các bà Mẹ VN cũng như Hoa Kỳ sẽ đều có điểm tương đồng là yêu chuộng hòa bình, thù ghét chiến tranh và mong muốn sự bình yên cho đứa con hơn những tấm Huân chương. Tuy nhiên có lẽ ta nên hiểu câu chuyện ở hai thái cực khác nhau. Một bên là con mình phải chiến đấu ở một cuộc chiến phi nghĩa. Còn một bên là buộc phải cầm súng để bảo vệ đất nước thì sẽ có những ý chí khác nhau đấy chị ạ.
Thưa các chị, không ai muốn con mình đi đến nơi nguy hiểm, không ai đổi sinh mạng con mình để lấy tấm huy chương cũng như không ai muốn mình được làm người mẹ anh hùng cả.Nhưng khi đất nước bị xâm lược thì không bà mẹ nào muốn con mình là kẻ hèn nhát đâu.
C.T.P.
Nguồn: https://www.facebook.com/chuoichin.cay.3/posts/1017589648442072