Gia Định Báo

Trần Văn Chi (*)

(Bài thuyết trình ngày 8 tháng 12 năm 2018 tại “Triển lãm và hội thảo về Petrus Trương Vĩnh Ký”)

1. Mở

Từ khi Ngô Quyền giành độc lập (939), người Việt mượn chữ chữ Hán (chữ Nho) dùng trong hành chánh, học thuật, nhưng vẫn nói tiếng Việt.

Chữ Nôm được ghi nhận chính thức xuất hiện vào thế kỷ 13 dưới triều Trần Nhân Tông (1278-1293). Đến thế kỷ 17 trở đi, một thứ chữ mới xuất hiện trở nên phổ thông và ngày đó người Việt gọi là chữ Quốc ngữ.

Do hoàn cảnh lịch sử đưa chữ Quốc ngữ vốn là một phương tiện để học tiếng Việt cho người nước ngoài, trở thành phương tiện giao tiếp của các linh mục người Việt và người nước ngoài. (Chữ quốc ngữ thời Hội thừa sai, Phạm Thị Kiều Ly, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ – Đại học Sorbonne)

Việc các nhà truyền giáo Âu châu đến Việt Nam đã tạo ra bộ mẫu tự La tinh cho tiếng Việt không có gì quá độc đáo, vì đã xảy ra sau Nhật và  Trung Hoa khá lâu.

Bấy giờ:

Đại Nam ký Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn giữa đại diện triều Nguyễn là chính sứ Phan Thanh Giản  với đại diện của Pháp là thiếu tướng Bonard và đại diện của Tây Ban Nha là đại tá Don Carlos Palanca Guttiere.

Người dân sống trên dải đất Nam Kỳ tuy mới thành lập, nhưng họ cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Phật, Khổng, Lão, lại có cá tánh hào hùng, nghĩa khí, có tinh thần yêu nước, kể cả người bình dân. Họ chống lại việc học chữ Quốc ngữ, được ghi lại trong Ca dao:

Anh về học lấy chữ Nhu [Nho],

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.’

Phải chăng sự hình thành chữ Quốc ngữ ban đầu không hề có sự tự nguyện nào, mà phần lớn là sự cưỡng bức (?).

2.  Gia Định Báo với Ernest Potteaux (1865 – 1869)

2.1. Ý tưởng ban đầu Pháp muốn xóa tiếng Việt

Trước khi Gia Định Báo (GĐB) ra đời, Pháp đã cho ra ba tờ báo bằng tiếng Pháp là Le Bulletin Officiel de l’Expedition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo), Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo) và Le Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín).

Nhưng tiếng Pháp vẫn còn là một cách biệt lớn giữa chính quyền thực dân và dân chúng, vì vậy mà tờ báo tiếng Việt ra đời. Nó vừa là công cụ để chính quyền phổ biến thông tin, vừa là tài liệu để các viên thông ngôn, học trò trong các trường dùng để thực tập chữ Quốc ngữ.  (Tuổi Trẻ Online, “Bếp núc” tờ Gia Định báo, TRẦN NHẬT VY)

Vậy ý tưởng ban đầu Pháp muốn xóa toàn bộ tiếng Việt và áp dụng tiếng Pháp cho toàn Đông Dương như Paris đã làm ở châu Phi, nhưng họ đã thất bại sau khi ra báo tiếng Pháp.

2.2. Báo tiếng Pháp, tiếng Hoa thất bại      

Trong thời kỳ đầu tiên của chế độ thuộc địa Pháp tại Nam kỳ, một trong những công cụ được sử dụng sớm nhất là báo chí.

Đầu năm 1862, khi hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) công nhận quyền thống trị của Pháp tại Sài Gòn và ba tỉnh miền Đông Nam kỳ chưa ra đời, họ đã phát hành tờ công báo bằng tiếng Pháp đầu tiên có tên Bulletin officiel de l’expédition de Cochinchine (Nam kỳ viễn chinh công báo: BOEC). Trang đầu của tờ báo nêu rõ: ”Tờ Nam kỳ viễn chinh công báo đăng những văn kiện chính của ông Tổng tư lệnh sẽ phát hành mỗi tuần một lần; nó bao gồm các nghị định, quyết định và thông cáo có liên quan đến các giới chức dân sự và quân sự và cư dân nước ngoài thuộc lục địa châu Á sống tại Nam kỳ, trong những tỉnh đặt dưới thẩm quyền của nước Pháp. Các quảng cáo và lời rao thương mại được đăng ở một trang riêng kèm theo tờ công báo….”.
Cuối trang, chính quyền thực dân cũng thông báo cả việc phát hành song hành một tờ Bulletin des Communes (Tập san hàng xã) in bằng chữ Hoa, cũng với những mục đích tương tự.

Tờ báo tồn tại một năm rưỡi. Đầu tháng 7.1863, nó được thay thế bằng tờ Bulletin officiel de la Cochinchine française (Công báo Nam Pháp: BOCF), với nội dung và hình thức hầu như không có gì thay đổi.

Ngày 1.1.1864, Pháp lại cho ra đời tờ Courrier de Saigon (Tây Cống Nhật Báo). Báo ra nửa tháng một kỳ, nội dung gần gủi với báo chí đời thường hơn, vì ngoài phần công vụ, còn có các mục nghị luận, khảo cứu, quảng cáo…

Cũng trong năm 1864, một cơ quan quan trọng được thành lập có tên là Direction de l’Intérieur (Nha Nội vụ), ngôn ngữ thời đó gọi là Dinh Thượng Thơ hay Dinh Hiệp lý. Viên chức đứng đầu cơ quan này (Directeur de l”intérieur: Giám đốc Nội vụ) thường được người dân thời đó gọi là quan Lại Bộ thượng thơ, có quyền hạn bao trùm bộ máy cai trị đương thời.

Ngày 7.12.1865, Thống đốc De La Grandière ký nghị định cho ra đời tờ Bulletin de la Direction de l’Intérieur (Tập san Nha Nội vụ – BDI), cũng có chức năng như tờ BOCF, nhưng trong một tầm mức hạn hẹp hơn, chủ yếu đăng những quyết định, thông báo của Giám Đốc Nha Nội vụ nhằm phổ biến cho bộ máy hành chánh trong phạm vi thẩm quyền để thi hành.

Như trên để thấy rằng chỉ trong chưa đầy 5 năm nắm quyền thống trị phân nửa lãnh thổ Nam kỳ, sau khi cho ra đời đủ loại báo bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hoa, việc  Pháp phát hành một tờ báo bằng chữ quốc ngữ là một biện pháp tất yếu nhằm kiện toàn bộ máy cai trị của họ.

Và Gia Định Báo đã góp mặt vào sinh hoạt báo chí những năm đầu Pháp thuộc trong bối cảnh như thế. (Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Gia Định Báo – Tờ báo Việt ngữ đầu tiên, LÊ NGUYỄN)

http://www.petrusky.de/images/Fotos/TruongPK/PetrusKy-1.JPG

http://www.petrusky.de/images/Fotos/TruongPK/PetrusKy-2.JPG

[trích từ Kỷ Yếu trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, niên khóa 1972-1973]

Năm 1865, Trương Vĩnh Ký xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ.

Tên gọi chữ quốc ngữ lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định Báo.

Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ khỏi tên gọi để chỉ còn là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt.

3. Gia Định Báo với Trương Vĩnh Ký (1869-1872 hay 1873)

Năm 21 tuổi (1858), Trương Vĩnh Ký học xong và về nước đúng vào lúc mẹ ông qua đời.

Lúc Pétrus Ký trở về quê hương Cái Mơn, cũng là lúc thực dân Pháp đem quân sang xâm chiếm Việt Nam (Đà Nẵng bị tấn công ngày 1 tháng 9 năm 1858). Vì thế, việc cấm đạo Công giáo cũng diễn ra gay gắt hơn. (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes, Vũ Ngự Chiêu sưu tập)

3.1. «Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà»   

Truong-Vinh-Ky
Trương Vĩnh Ký

“Trương Vĩnh Ký luôn chủ trương người Việt phải dùng chữ Việt. Người Việt Nam phải dùng tiếng Việt để nói tiếng Việt; và muốn được sâu sát nữa về phương diện triết học, sử học và di sản văn hoá dân tộc thì phải biết chữ Hán nữa” (Nguyễn Đình Đầu (2017), Petrus Ký, Nỗi oan thế kỷ,  bị thu hồi).

Sau khi Trương Vĩnh Ký (TVK) trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869  mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định Báo cho Trương Vĩnh Ký làm “chánh tổng tài” (tiếng Pháp: rédacteur en chef), nay gọi là giám đốc; Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.

Từ khi được bổ nhiệm làm Chánh Tổng Tài tờ Gia Định Báo (16/09/1869), Trương Vĩnh Ký có cơ hội để phát triển dịch thuật và viết văn bằng chữ quốc ngữ. Đây cũng là vị trí và phương tiện giúp ông phổ biến rộng rãi hơn chữ quốc ngữ. Thái độ ủng hộ việc truyền bá học thuật bằng ký tự La tinh này đã được ông thể hiện với Richard Cortembert ngay từ chuyến công du sang Pháp.

Sau này, lợi ích và vai trò của quốc ngữ còn được ông nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học, 1876) như sau:

«Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này».

Vì theo Ông loại chữ viết đơn giản, dễ học này sẽ là phương tiện hiệu quả để tiếp thu những kiến thức mới do ba lý do :

Thứ nhứt, do nạn mù chữ trong dân, hai là chữ Hán sẽ không còn có ích một khi người Pháp cai trị Nam Kỳ và cuối cùng, chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc và viết chữ quốc ngữ. Và, theo ông, công cụ duy nhất để có thể đạt tới trình độ «Học thuật Châu Âu».

3.2. Pháp dùng quốc ngữ loại bỏ văn hóa Trung Hoa      

Về phần chính phủ Pháp, họ tận dụng thời cơ phổ biến chữ quốc ngữ để tách rời dân Nam Kỳ khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.

Đến khi chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức tại Nam Kỳ vào năm 1882, ông Trương Vĩnh Ký chuyển ngữ ngay nền văn chương truyền khẩu bình dân, gồm những áng văn vần và chuyện dân gian rất được ưa chuộng, như: Phép lịch sự Annam (1881), Thơ dạy làm dâu (1882), Thơ mẹ dạy con (1882), Nữ tắc (1882), Thạnh suy bỉ thới phú (1883), Cờ bạc nha phiến (1884), Ngư tiều trường điệu (1884)…

Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận định: «Hồi đó, ông (Trương Vĩnh Ký) cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian…».    

3.3. Gia Định Báo dạy viết nhựt trình

Ngày 16.9.1869, Thống đốc Nam Kỳ G. Ohier đã ký quyết định số 189 bổ nhiệm Trương Vĩnh Ký phụ trách biên tập tờ Gia Định Báo.

Toàn văn văn kiện này được tạm dịch như sau:

Quyết định:

Kể từ hôm nay, việc biên tập tờ Gia Định Báo được giao phó cho ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là chánh tổng tài của tờ này, sẽ được lãnh một khoản lương hàng năm là 3000 đồng quan Pháp.

Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần.

Nó sẽ được chia ra làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông Thống Đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do Nha Nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác, không chính thức, sẽ gồm có những bài viết bổ ích và vui về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời … để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến.

Gia Định Báo số 11 phát hành ngày 8.4.1870 có đăng lời kêu gọi của Chánh tổng tài Trương Vĩnh Ký như sau:

Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập vân vân đặng hay:

Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở, như:

Ăn cướp, ăn trộm.

Bệnh hoạn, tai nạn.

Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt.

Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào.

Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân.

Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ, đem vô nhựt trình cho người ta biết, viết rồi thì phải đề mà gởi về cho Gia Định Báo Chánh tổng tài ở Chợ quán…”.

Và Trương Vĩnh Ký với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, nội dung tờ báo thêm phần phong phú: có bài khảo cứu, nghị luận, có mục sưu tầm tục ngữ ca dao, thi ca và cổ tích.

Đây là một tờ tuần báo, nhưng ngày ra không nhất định – khi thì thứ Ba, khi thì thứ Tư hoặc thứ Bảy. Số trang cũng không ổn định – từ 4 đến 12 trang. Báo có khuôn khổ 32 x 25 (cm), giá bán mỗi số là 0,17 đồng (nếu đặt mua cả năm 6,67 đồng).

Ban đầu nội dung bao gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ, về sau có thêm phần mở rộng (phần khảo cứu, nghị luận).

Phần mở rộng có giá trị và sức lôi cuốn nhất. Đây là phần khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, phong tục, lễ nghi, tư tưởng, lịch sử, thơ văn…

Ngoài những phần trên, Gia Định Báo còn có mục quảng cáo gồm những lời cáo dưới dạng thông báo, nhắn tin, bố cáo, cáo phó… và những lời rao vặt như trên  các báo Pháp thời đó.

3.4. Gia Định Báo làm sách giáo khoa  

Từ khi mới tổ chức nền giáo dục ở Nam kỳ (1861) lúc đó chưa có sách giáo khoa nên đã phải cho học sinh dùng tờ Gia Định Báo làm sách tập đọc.

Một thời gian sau Pháp lại mang sách từ Pháp sang nhưng vì không hợp với năng lực của giáo viên và trình độ của học sinh nên kết quả rất hạn chế. Cho đến những năm 80 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký và một số giáo viên người Việt và người Pháp ở cơ quan học chính Nam Kỳ đã biên soạn hoặc dịch một số sách giáo khoa tiếng Pháp để dạy trong các trường tiểu học. Những sách này dần dần được bổ sung thêm một số quyển khác và đã thành những sách dạy trong các trường tiểu học lúc đó.

3.5. Gia Định Báo đào tạo công chức  

Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX

Collège des interprètes Sài Gòn / Pétrus Ký và các học trò

Trong thư văn đề ngày 15/01/1866 gởi cho thống đốc Sài Gòn, giám đốc nội vụ Paulin Vial có viết: «Từ những ngày đầu người ta (Pháp) đã hiểu rằng chữ Hán còn là một ngăn trở giữa chúng ta và người bản xứ; sự giáo dục bằng thứ chữ tượng hình khó hiểu làm chúng ta rơi tuột hoàn toàn; lối viết này khó cho việc truyền đạt đến dân chúng những điều tạp sự cần thiết có liên quan tới khung cảnh của nền cai trị mới cũng như cho việc thương mại… Chúng ta bắt buộc phải theo truyền thống nền giáo dục riêng của chúng ta; đó là cách duy nhất khiến chúng ta có thể gần gũi người An Nam thuộc địa hơn, ghi vào tâm não họ những manh mối của nền văn minh Âu châu đồng thời cô lập họ khỏi ảnh hưởng đối nghịch của các lân quốc của chúng ta».

Tuy nhiên, các đô đốc Pháp nhanh chóng hiểu rằng rất khó thay đổi được một đất nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo và lòng trung thành sâu sắc của người dân đối với triều đình. Họ chú ý tăng cường ảnh hưởng của Pháp tới đời sống và phong tục của người Nam Kỳ.

Để thực hiện thành công chính sách cai trị, các “quan” Pháp được khuyến khích học chữ Hán, chữ quốc ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam. Chính vì thế, rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt mang tính chuyên môn cao được các “học giả” quân sự dịch và soạn thảo trong giai đoạn này.

Ngay từ năm 1864, các trường tiểu học quốc ngữ được thành lập tại các trung tâm quan trọng nhất và các làng công giáo. Mục đích chính là nhằm đào tạo một thế hệ công chức tương lai tận tâm với nước Pháp, đồng thời cắt đứt ảnh hưởng của Nho giáo.

Đến năm 1882, chữ quốc ngữ được dùng là văn tự chính thức trong giao dịch, giấy tờ hành chính, tư pháp và thương mại của nhà cầm quyền thuộc địa. Các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ và chỉ được thăng chức hay giảm thuế nếu biết đọc, biết viết loại văn tự này.    

3.6. Gia Định Báo dạy viết văn xuôi   

Thông qua những bản dịch, lần đầu tiên một loại hình văn học mới được đưa vào An Nam. Đó là văn xuôi, với nhiều thể loại khác nhau, như tiểu luận, ký sự hay tiểu thuyết. Tại thời kỳ đó, thể loại này còn chưa được ưa chuộng và không được coi là «văn học», vì người ta cho rằng văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ ngang như lời nói.

Bài văn xuôi đầu tiên do Trương Vĩnh Ký biên soạn, dài khoảng 7 trang,  dưới tựa đề Ghi về vương quốc Khơ Me (1863).

Phải tới khi Trương Vĩnh Ký viết một tập bút ký khác, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), công phu hơn và trau chuốt hơn được in năm 1881. Tuy nhiên, ông phải mượn rất nhiều từ Hán để có thể miêu tả tỉ mỉ chuyến đi này. Không bàn tới mục đích của chuyến công du Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký, ở đây chúng ta chỉ quan tâm sau chuyến đi này, ông viết một bản hồi ký ghi lại những kỷ niệm, những điều «mắt thấy tai nghe», vị trí địa lý, lịch sử, những phong tục tập quán của những địa phương nơi ông đi qua.

Một nhà nghiên cứu nhận xét đây là «một trong vài tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ sớm nhất của thế kỷ XIX, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi để lại nhiều dấu ấn ngôn ngữ với những phương ngữ, tiếng Việt cổ có giá trị về mặt ngôn ngữ. Câu văn khúc chiết, sinh động chứng tỏ năng lực viết văn xuôi quốc ngữ của tác giả trong buổi sơ khai của loại chữ mới mẻ này.

Tới năm 1918, quốc ngữ trở thành chữ viết bắt buộc tại Bắc Kỳ.

Từ giai đoạn này trở đi, các nhà trí thức trẻ không ngừng trau dồi, phát triển và phổ biến nền văn học hiện đại Việt Nam. Năm 1954, quốc ngữ trở thành chữ chính thức của các cơ quan hành chính Việt Nam. Điều này đã khẳng định tiên đoán cũng như mong muốn của Trương Vĩnh Ký vào năm 1876: «Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà».

Văn phong Trương Vĩnh Ký lúc đầu chưa phân biệt rõ nói và viết nên tính chất nôm na, khẩu ngữ khá đậm nét, hình thức mỹ thuật chưa đẹp, nhưng với nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến, cổ vũ chữ quốc ngữ, cung cấp những kiến thức, thông tin mọi mặt cho dân chúng.

Gia Định Báo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, xứng đáng là  tờ báo tổng hợp có giá trị cao và tạo tiền đề cho báo chí Việt Nam phát triển.

Chữ Quốc Ngữ phát triển sớm nhất tại Nam Kỳ vì tại Nam Kỳ, Nho học được bãi bỏ sớm nhất, quốc ngữ được sử dụng sớm nhất và ngành in ấn phát triển sớm nhất.

Cũng tại Nam Kỳ, tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện năm 1887 là Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản do nhà xuất bản J. Linage ấn hành năm 1887 tại Sài Gòn, trong khi ở Hà Nội, truyên Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách được ấn hành năm 1925.

 4. Gia Định Báo, những điểm cần biết  

blank

4.1. Văn kiện cho ra đời tờ báo?  

“Quyết định về việc tờ Gia Định Báo sẽ ra mỗi ngày thứ Hai, và ông Potteaux, người biên tập của tờ báo này sẽ nhận được một khoản phụ cấp là 1.200 đồng quan Pháp mỗi năm”.

Điều 1 quyết định nêu rõ tờ Gia Định Báo sẽ phát hành vào mỗi ngày thứ Hai hàng tuần kể từ ngày 1.4.1869.

Căn cứ vào đó, có thể xác định hai điều:

Một là từ tháng 4.1869, Gia Định Báo đã là một tờ tuần báo. Chi tiết này cho thấy sự nhầm lẫn của một số tư liệu nghiên cứu khi xác định vào thời điểm trên, Gia Định Báo ra hai hoặc ba kỳ mỗi tháng.

Hai là cho đến lúc này, chưa ai tìm thấy một văn kiện chính thức nào qui định việc phát hành Gia Định Báo vào năm 1865. Nếu có thì theo thông lệ hành chánh, các văn kiện ban hành về sau liên quan đến nhân sự hay điều hành tờ báo đều phải tham chiếu hay viện dẫn văn kiện căn bản cho ra đời tờ báo.

Về ngày phát hành số báo đầu tiên

Tác giả Huỳnh Văn Tòng cũng tìm thấy tờ Gia Định Báo số 4 phát hành ngày 15.7.1865 tại Trường Sinh ngữ Đông phương, Paris (Pháp); điều này đã phủ nhận thời điểm do học giả Đào Trinh Nhất đưa ra (1867). (Huỳnh Văn Tòng – Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 – NXB Thành phố Hồ Chí Minh).    

4.2. Gia Định báo tồn tại bao lâu?

Trong các tài liệu nghiên cứu phổ biến trước năm 1974, chi tiết này hoặc dựa vào sự suy đoán hoặc không được đề cập đến. Căn cứ vào những số báo còn lưu trữ tại Thư viện và năm mất của học giả Trương Vĩnh Ký, một vài tác giả, trong đó có nhà báo Nguyễn Ngu Í trên tạp chí Bách Khoa số 217 phát hành vào tháng 1.1966, đã suy đoán là tờ báo đình bản vào năm 1897.

Tập “Mục lục báo chí Việt ngữ trong 100 năm (1865-1965)” của Lê Ngọc Trụ cũng ghi thời gian tồn tại của Gia Định Báo là 1865-1897.

Đến thập niên 1970, các số Gia Định Báo phát hành năm 1909 do tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng tìm được tại Pháp đã gián tiếp phủ nhận những suy đoán sai lạc trên.

Tháng 10.1974, trên giai phẩm Bách Khoa số 416, một công chức đang làm việc tại Tòa Hành chánh tỉnh Bình Dương có dịp công bố chi tiết tìm thấy trong một văn kiện in trên tờ Tập san hành chánh Nam kỳ năm 1909, trang 3464. Đó là nghị định ngày 21.9.1909 của Thống Đốc Nam kỳ Gourbeil ấn định ngày chính thức đình bản tờ Gia Định Báo là 1.1.1910.

Như vậy, có thể xác định thời gian tồn tại của Gia Định Báo là trên 44 năm (15.4.1865 – 31.12.1909) và dữ liệu này không còn gì phải tranh cãi nữa.

4.3. Phụ trách quản lý tờ Gia Định Báo  

– Từ 4.1865 đến 9.1869: Ernest Potteaux

– Từ 9.1869 đến 1872 (hay 1873): Trương Vĩnh Ký

– Từ 1872 (hay 1873) đến 1881: J. Bonet

– Từ 1881 đến 1897: Trương Minh Ký

– Từ 1897 đến 1908: Nguyễn Văn Giàu

– Từ 1908 đến 1909: Diệp Văn Cương

5. Kết

Gia Định Báo chủ yếu là phương tiện thông tin của thực dân Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, đạo dụ, thông tư của chính quyền.

Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử… Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa. Gia Định Báo cũng góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam (Theo Wikipedia tiếng Việt).

https://static.tuoitre.vn/tto/i/s626/2015/12/31/4-khanhthanhtuongpky-1-1451535126.jpg

Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký ngày 24-12-1927 ở một góc công viên Thống Nhất trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Tượng do nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh để xây dựng – Ảnh tư liệu

5.1. Tương đồng giữa sự ra đời của Chữ Quốc Ngữ và vai trò của Gia Định Báo trong đời sống dân tộc

Nhìn qua quá trình lịch sử những thế kỷ 17, 18, 19, có thể nhận thấy trên một khía cạnh nào đó, có sự tương đồng giữa sự ra đời của chữ Quốc ngữ và vai trò của Gia Định Báo trong đời sống dân tộc.

Lúc khởi thủy, chữ Việt la tinh hóa chỉ được các giáo sĩ phương Tây sử dụng như một công cụ truyền giáo của họ, nhưng sau hàng trăm năm, những biến chuyển lịch sử đã biến nó thành chữ của người Việt .

Gia Định Báo cũng thế. Xét về bản chất, nó chỉ là một công cụ truyền thông được thực dân Pháp sử dụng trong mục tiêu kiện toàn bộ máy cai trị của họ, song nhờ vào  tinh thần Dân Tộc của những người Việt Nam tuy cộng tác với Pháp nhưng vẫn có tấm lòng hướng về dân tộc mà nó trở thành gần gủi với đời sống tinh thần của người Việt bấy giờ.

Việc phiên dịch các văn kiện hành chánh của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã đành là một công tác thuộc phạm vi trách nhiệm do Pháp giao, song không thể nói là không có tác dụng hữu ích về mặt khách quan đối với đời sống dân Nam kỳ lúc bấy giờ.

Với một kiến thức ít người sánh kịp, hai học giả đã làm phong phú vốn ngôn ngữ Việt còn ở trong thời kỳ phôi thai, tạo được sinh khí cho việc học  chữ Quốc ngữ qua nội dung hấp dẫn của những câu chuyện ngụ ngôn do Trương Minh Ký biên dịch, những bài viết về khoa học thường thức mới mẻ do Ernest Potteaux biên soạn trên từng số báo.

Nhờ Gia Định Báo, người dân biết thế nào là “điển khí”, núi lửa, động đất ra sao, được hướng dẫn “ở ăn cho được mạnh khỏe” thế nào , thấm nhuần tính nhân bản trong các truyện dân gian Nhị thập tứ hiếu, Lục súc tranh công…

Có thể nói sự ra đời của những tờ báo sau GĐB do người Việt đứng ra thành lập hoặc giữ vai trò chủ nhiệm, chủ bút như Thông loại khóa trình (1888-1889), Phan Yên Báo (1898 -1899), Nông cổ mín đàm (1901-1924), Lục tỉnh tân văn (1907-1943)… không thể không có ảnh hưởng của Gia Định Báo.

Đáng nói hơn nữa là trong khi những tờ báo ra đời mấy mươi năm sau GĐB còn đầy rẩy lỗi chính tả, thì ở Gia Định Báo, họa hoằn mới tìm ra một lỗi. Bởi do công của Huỳnh Tịnh Của, là tác giả bộ từ điển Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam có tên “Đại Nam quấc âm tự vị” xuất bản năm 1896.

Công lao của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã được giới nghiên cứu nói đến nhiều, song dường như công luận chưa có sự quan tâm đúng mức đối với Trương Minh Ký, người đã có những đóng góp to lớn cho Gia Định Báo cho đến ngày qua đời (1900).

Và cũng không thể bỏ qua công lao của Ernest Potteaux, người quản nhiệm đầu tiên của Gia Định Báo, là tác giả của rất nhiều bài viết khoa học có tác dụng nâng cao trình độ hiểu biết của người dân thuộc địa, giúp họ giũ bỏ được phần nào những thói tục mê tín dị đoan còn hằn sâu trong xã hội.

Nghiên cứu Gia Định Báo và chữ Quốc ngữ không nên có sự phân biệt chủng tộc, nguồn gốc xuất thân, làm việc hay tôn giáo… chúng ta chứng tỏ  rằng người Việt Nam là một dân tộc biết trọng đạo nghĩa, không quay lưng lại với những ai đã làm điều tốt đẹp cho dân tộc.

Gia Định báo  góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ, mở đường cho các thể loại văn xuôi bằng chữ quốc ngữ, và đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.  

https://photo-2-baomoi.zadn.vn/w700_r1/17/09/11/284/23248405/2_341503.jpg

Bức hình chụp cả nhà họ Trương trong ngày chôn cất Trương Vĩnh Ký

5. 2. Trương Vĩnh Ký có một căn cơ về văn hoá dân tộc

Tuy được đào tạo rất hệ thống của giáo hội Cơ Đốc giáo từ nhỏ trong nền văn hoá phương Tây, song Trương Vĩnh Ký vẫn có một căn cơ khá bền vững về văn hoá dân tộc, đặc biệt là truyền thống văn hoá ở Nam Kỳ.

Là nhà trí thức nổi tiếng thông minh và uyên bác, trong quá trình phục vụ cho chính sách của “tân trào” cũng đã tạo ra nhiều công trình học thuật và văn hoá theo tinh thần “tân học”, về nhiều mặt có phần tân tiến và cập thời hơn các nhà trí thức “cựu học”.

Rõ rệt nhất là vai trò của ông trong việc sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ, lúc ban đầu là công cụ của thực dân song về sau trở thành công cụ của nền văn hoá hiện đại Việt Nam.

ngoi-truong-thoi-phap-mang-ten-hoc-gia-truong-vinh-ky-1

Học sinh trường Pétrus Ký thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Hai mặt của con người Trương Vĩnh Ký rất rõ ràng. Tuy nhiên không vì thế mà mặt trước che mờ mặt sau, mặt ngoài che lấp mặt trong (!).

Sau Gia Định Báo, khi hai tạp chí Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) ra đời, thì vai trò truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký mới thực sự nở rộ.

Hai tờ tạp chí nầy đều được xuất bản ở Bắc kỳ nên cách viết, cách sử dụng từ, sử dụng câu và cách phát âm có phần chuẩn hơn Gia ĐỊnh Báo ở miền đất mới  Nam Kỳ.

Từ đó cách viết quốc ngữ tương đối thống nhất và hoàn chỉnh, dùng từ ngữ dễ hiểu, loại bỏ nhiều phương ngữ, góp phần vào quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký.

T.V.C.

Tài liệu tham khảo

1. Vương Hồng Sển,1991, Sài Gòn năm xưa, Nxb TP. HCM.

2.  Nhiều tác giả (1987), Địa Chí Văn Hóa TP.HCM, Nxb Tổng hợp TP.HCM.

3. Nam Sơn Trần Văn Chi (2008), Nhân Vật Miền Nam, Nxb Văn Mới, Hoa Kỳ .

4.  Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa xưa, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

5. Sơn Nam (1997), Cá tính miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM.

6. Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại, Nxb Tân Dân, Hà Nội (tái bản năm 1994, Nxb Văn học, Hà Nội).

7. Nguyễn Đình Đầu (2017), Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ, bị thu hồi.

8. Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy (1974), Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn.

9.  Nguyễn Văn Trung (1993), Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

10. Wikipedia tiếng Việt.

————-

(*) Trần Văn Chi

– Tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, ban Sử Địa 1964-1968

– Tổng Thư Ký Hội Liên Trường trước 1975 (Gồm Chasseloup Laubat, Pétrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản)

– Giảng viên, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Hoà Hảo, trước 1975

– Hiện định cư tại Quận Cam, Hoa Kỳ

– Nhà biên khảo Văn hoá, Phong tục (có 8 đầu sách đã in)

– Nhà bình luận chánh trị trên truyền hình Quận Cam, Hoa Kỳ

– Cộng tác viên nhật báo Người Việt Quận Cam, Hoa Kỳ

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in báo chí, Trương Vĩnh Ký. Bookmark the permalink.