Đường dây đánh bạc nghìn tỷ: Tội nhận hối lộ thì sao?

Nguyễn Tường Thụy

Qua 18 ngày xét xử, giai đoạn đoạn đầu của phiên tòa vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã kết thúc. Phan Văn Vĩnh bị kết án 9 năm tù giam còn Nguyễn Thanh Hóa 10 năm cho tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong giai đoạn này, tòa chưa đả động gì đến hành vi nhận hối lộ của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (theo lời khai của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam).

Nguyễn Văn Dương được miễn truy cứu trách nhiệm tội đưa hối lộ tại điểm c, khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể là:

Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. […] Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Những điều luật này nhằm khuyến khích việc tố giác tội phạm.

Cần phải đưa ra căn cứ pháp luật như vậy, chứ không thể nói chung chung như những ngày đầu của vụ án là “thực hiện chính sách khoan hồng của nhà nước”, gây nên sự bất bình của báo chí và dư luận.

https://4.bp.blogspot.com/-nF25ToX-J_c/XAVUaOtRfGI/AAAAAAAADIc/YLM308Pt4WAUP_c0tw__c32TG6ARnMPEACLcBGAs/s640/cuu-trung-tuong-phan-van-vinh-nhap-vien-truoc-ngay-bi-xet-xu-59-.9818.jpg

Khi phiên tòa bắt đầu, trả lời BBC, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng dường như cơ quan điều tra đã bỏ sót một số tội danh với Vĩnh và Hóa, không loại trừ xem xét vai trò đề xướng tổ chức đối với hai bị cáo này. Ban đầu, Hóa bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc nhưng khi ra tòa thì lại xử theo tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nhưng tội này mới là lớn, đó là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương khai đưa hối lộ cho Vĩnh và Hóa, nếu qui ra VND thì lên tới cả trăm tỷ đồng.

Theo khoản 4 điều 354 Bộ luật hình sự 2015 thì của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong quá trình điều tra, Vĩnh và Hóa không thừa nhận hành vi nhận hối lộ này. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho biết, trong giai đoạn 2 của vụ án, sẽ tiếp tục làm rõ hành vi nhận hối lộ của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.

Những người quan tâm đến vụ án đều tin ở lời khai đưa hối lộ của Dương và Nam. Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra, công tố và Hội đồng xét xử có quyết tâm và có làm rõ được hành vi nhận hối lộ của Vĩnh và Hóa hay không. Nếu không làm ra được thì nó chứng tỏ một nền pháp luật có kẽ hở quá lớn, hoặc năng lực của cơ quan điều tra kém hoặc là chủ trương cho chìm xuống.

Đã có nhiều vụ án về tội nhận hối lộ. Trên thực tế, hiếm khi kẻ nhận hối lộ thừa nhận hành vi của mình. Hành vi nhận hối lộ thường không có biên nhận, không có video làm bằng chứng. Tuy nhiên, cuối cùng, kẻ phạm tội cũng phải thừa nhận. Bằng cách như thế nào để bị can nhận tội, cơ quan điều tra biết rõ nhất. Còn nhớ trong vụ Năm Cam, có một vị Ủy viên TW nhận hối lộ 11500 USD và 100 triệu đồng, dù không nhận tội nhưng vẫn lãnh án 9 năm tù giam. Không lẽ, vụ này họ lại chịu bó tay.

https://1.bp.blogspot.com/-FuSw_t4IbrQ/XAVUTGLapxI/AAAAAAAADIY/WVYcd5wTCE4D9MDnRrtDZgrRb3aYGl43QCLcBGAs/s400/1453484-470465-smartselectimage-2018-05-30-08-51-20-x6m8h9nqr0rbbetglxy3.jpg

Vụ Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa nghiêm trọng hơn vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Nếu Thăng và Thanh phạm tội cố ý làm trái và tham ô tài sản thì đây là tội tổ chức đánh bạc sử dụng công nghệ cao ở ngay cơ quan phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Số tiền chiếm đoạt là rất lớn, tới gần 10 nghìn tỷ đồng và thu hút tới 43 triệu tài khoản tham gia. Số tiền đưa, nhận hối lộ cũng rất lớn. Vĩnh và Hóa so với Thăng, Thanh còn táo tợn hơn, gây ảnh hưởng nhiều hơn. Xét về ý nghĩa và cả số tiền chiếm đoạt thì nó kinh khủng hơn vụ Đinh La Thăng rất nhiều. Không lẽ Thăng chịu án 31 năm, Thanh bị 2 án chung thân mà vụ này mức án chỉ có thế.

Theo dõi diễn biến tại tòa thì thấy hai cựu tướng này được cư xử khá nhẹ tay. Vì vậy, Vĩnh mới đòi kháng cáo, cho rằng bản án 9 năm là quá… nghiêm khắc, theo kiểu được voi đòi… Hai Bà Trưng.

Nếu như xử Thăng và Thanh bằng tất cả sự nghiêm khắc của pháp luật thì với Vĩnh và Hóa, người ta có cảm giác như thể đối với người đồng chí trót mắc sai lầm.

Từ khi Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị bắt, người dân rất phấn khởi theo dõi vụ án này. Hiện nay, vì mới kết thúc giai đoạn 1 nên còn phải chờ đợi và có thể sự chờ đợi này chấm dứt bằng một sự chưng hửng. Án 9 và 10 năm cho hai cựu tướng công an hẳn mới chỉ là một phần so với tội mà 2 bị cáo này gây nên. Nếu phiên tòa đi vào bế tắc thì đây là một thất bại của công lý. Quan tham cứ việc yên tâm nhận hối lộ vì không có bằng chứng nào. Và người ta nghĩ ngay đến cái lò của ông Trọng, nó cháy bằng củi nói chung hay củi có lựa chọn.

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in công an. Bookmark the permalink.