Hỏi và đáp về Phong trào Dân chủ Việt Nam (Bài 1)

Nguyễn Vũ Bình

Câu hỏi: Phong trào Dân chủ là gì?

Trả lời: Phong trào Dân chủ là toàn bộ những hoạt động của người dân hướng tới, nhằm dân chủ hóa đất nước. Đây là khái niệm rộng và chung nhất. Cốt lõi của dân chủ hóa đất nước là cần có một thể chế chính trị dân chủ, để bảo đảm tự do của người dân, từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh.

Câu hỏi: Phong trào Dân chủ Việt Nam có nội dung hoạt động cốt lõi là gì?

Trả lời: Việt Nam chưa có thể chế chính trị dân chủ, hiện đang ở trong chế độ toàn trị cộng sản, chính vì vậy, nội dung hoạt động cốt lõi của Phong trào Dân chủ Việt Nam chính là góp phần thay đổi thể chế chính trị hiện hành, xây dựng thể chế chính trị dân chủ.

Câu hỏi: Hiện nay, trong các bài viết, trên mạng xã hội có đề cập tới Phong trào Dân chủ, nên hiểu phạm trù này như thế nào?

Trả lời: Đó là toàn bộ những hoạt động của cá nhân và tổ chức đang thực hiện các công việc sau: thông tin sự thật, phê phán sự dối trá, lên án hành vi sai trái, tố cáo sự bất công, cái ác; chia sẻ những kiến thức, nhận thức đúng về tình hình đất nước, về các quyền con người; lập các hội, nhóm, tổ chức và thực hiện các hoạt động hỗ trợ người dân đòi quyền dân sinh, đấu tranh với những sai trái, áp bức, bất công của hệ thống cầm quyền đối với người dân, đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị hiện nay… Tóm lại, đó là những hoạt động góp phần thay đổi thể chế chính trị hiện nay của đất nước.

Câu hỏi: Những ai có thể tham gia vào Phong trào Dân chủ?

Trả lời: Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào Phong trào Dân chủ, bởi vì Phong trào Dân chủ bao hàm cả những người nói ra sự thật, phê phán sự dối trá… đó là những điều giản dị nhất, nên ai cũng có thể tham gia.

Câu hỏi: Những người tham gia vào Phong trào Dân chủ có thể có nhiều mức độ khác nhau, có sự phân chia nào để phản ảnh sự khác nhau đó không?

Trả lời: Có, những người tham gia vào Phong trào Dân chủ có rất nhiều mức độ, đa dạng và phong phú. Đó là những người bất đồng chính kiến, người phản kháng, người ly khai, người hoạt động và đấu tranh nhân quyền, người đấu tranh dân chủ.

– Người bất đồng chính kiến là những người có ý kiến khác, ngược lại hoặc phản đối các chủ trương đường lối chính sách, hoặc những việc làm của nhà cầm quyền Việt Nam.

– Người phản kháng là những người có hành động phản đối, chống lại chủ trương, đường lối, thái độ hoặc những việc làm của nhà cầm quyền. Ví dụ, đó là những người xuống đường phản đối thái độ của nhà cầm quyền với trung Quốc, chống lại Trung Quốc o ép, thôn tính lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

– Người ly khai là người bất đồng chính kiến hoặc phản kháng tự nguyện rời bỏ đảng cộng sản hoặc từ bỏ các cơ quan công tác trong hệ thống đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.

– Người hoạt động và đấu tranh nhân quyền là những người phổ biến kiến thức về nhân quyền, đấu tranh để nhà nước thực thi các quyền con người, tự mình thực thi các quyền con người qua đó động viên người dân thực thi quyền con người của mình.

– Người đấu tranh dân chủ là những người có ý thức về việc đấu tranh nhằm thay đổi chế độ, để xây dựng một thể chế dân chủ cho đất nước. Đồng thời, họ có những hoạt động trực tiếp, góp phần vào việc thay đổi chế độ.

Hà Nội, ngày 25/9/2018

N.V.B.

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/4714

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.