Phạm Hưng Quốc
Thưa anh Trần Hữu Dũng,
Lâu lắm mới thấy anh đăng một bài hay: Về hiện tượng Chu Hảo: Một nguy cơ lớn xuất phát từ những sự tính toán sai lầm thiển cận của Phạm Hưng Quốc. Anh Chu Hảo rất quen biết với tôi, vì thế tôi hiểu và quý anh ấy, biết anh ấy muốn tranh thủ Đảng CS cho đến giọt cuối cùng trong lương tri của một tổ chức quyền lực duy nhất ở VN, và sự cân nhắc đó khiến anh trong từng bước chiến lược hành động, sẵn sàng tạm "hy sinh" bạn bè nếu cần cho mục tiêu tranh thủ này.
Chẳng hạn khi chúng tôi khởi xướng phong trào chống Dự án bauxite Tây Nguyên, lập trang BVN được dư luận khắp trong ngoài hưởng ứng (2009), bản thân anh ấy rất hoan nghênh. Bên phía nhà nước có sự rúng động trông thấy, nhưng tất nhiên là họ phản ứng. Sát cuối năm 2009, việc đầu tiên họ làm là bắt tôi đi thẩm vấn gần 1 tháng tại cơ quan Bộ CA, song cuối cùng vẫn phải thả sau khi tôi đối thoại với Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng mà ông Hưởng không tìm được cái cớ gì để tiếp tục giữ tôi, và bên ngoài thì anh Phạm Toàn liên tục lên tiếng bằng những bài viết vừa hài hước vừa cứng cỏi được công chúng khắp nơi yêu thích. Sau đó hai năm (2011), có sự cố hồ bùn đỏ ở Hungarie xảy ra. Anh Nguyễn Trung đề xuất một nhóm đưa thỉnh nguyện thư lên nhà nước, đưa tên tôi đại diện cho nhóm BVN lên đầu. Nhưng anh CH sau khi tính toán, muốn cho cuộc đưa thỉnh nguyện thư này có kết quả thực tế mà chắc là các anh đều rất tin và mong, cho nên đã gạch tên tôi đi, thay bằng những cái tên "trung tính" hơn mà trưởng đoàn là Bộ trưởng Tư pháp Lộc vừa về hưu. Tôi và các anh PT, NTH đều rất hiểu anh ấy, không hề tự ái, biết đó là sách lược trong mục tiêu “tranh thủ đến cùng” của anh. Tất nhiên là các anh đã thất bại thì chẳng cần nói nữa.
Đọc bài này thấy tác giả coi việc ĐCS đánh vào Chu Hảo là một sai lầm lớn sẽ đưa đến những hậu quả ghê gớm cho chính ĐCS, tôi thấy rất tâm đắc. Tuy vậy, hình như tác giả phân tích chưa thấu đáo những mâu thuẫn nội tại trong con người ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi không hiểu tác giả ở trong hay ngoài nước nhưng nếu anh ấy ở trong nước thì không hiểu sao anh ấy lại không nắm được tâm lý giới trí thức dân sự hiện nay không hề có một niềm tin nào như tác giả trước các việc NPT đã và đang làm. Thậm chí việc so sánh Nguyễn Phú Trọng với Gorbatshov theo tôi là một phán đoán sai, bởi vì xét tâm địa ông ta, mọi việc NPT làm lại là muốn làm ngược lại với Gorbatshov, chí ít là ngược với chặng đường sau của Gorbatshov. Tôi cho rằng việc đánh CH chính là nằm trong chuỗi những việc làm thể hiện chiều hướng nghịch lý của Trọng chỉ biết trói mình trong mớ lý thuyết rỗng, và nó hình như bác bỏ những gì tác giả ca ngợi hơi quá ở phần đầu. Trọng mà chúng tôi hình dung thì trước sau chi là một cái bóng dò theo đúng vết chân Tập Cận Bình mà thôi, còn mọi sự lợi hại nhìn ở góc quy chiếu cho sự tồn vong của dân tộc gắn liền với vận mệnh của ĐCS như họ Tập thì ông ta không bao giờ có được hoặc không hề biết nghĩ đến dẫu chỉ một lần trên tư cách "lý thuyết gia" (vô vị). Không biết tôi đánh giá như vậy có quá lời không.
Vài hàng, xin phép anh đưa bài viết về trang BVN mà tôi đã thống nhất với GS Phạm Xuân Yêm.
Thân ái,
Nguyễn Huệ Chi
Trước khi nói về hiện tượng Chu Hảo chúng tôi thấy cần phải nhắc tới một số sự kiện quan trọng liên quan tới Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm bảo thủ của ông ta trong thời gian gần đây:
Cần đánh giá đúng mức những gì mà Nguyễn Phú Trọng và lực lượng bảo thủ của ông ta đã làm được trong thời gian vừa qua tại Việt Nam. Nhìn nhận một cách công bằng Nguyễn Phú Trọng đã làm được những việc vô tiền khoáng hậu trong đời sống chính trị Việt Nam kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII đến nay. Chỉ xin nêu ra một số dấu mốc điển hình của những thành công kỳ tài của Nguyễn Phú Trọng:
· Thứ nhất đã loại bỏ được “con sâu chúa” hay là một “hoàng đế” của chế độ Cộng sản Việt Nam trong Đại hội XII. Nguyễn Tấn Dũng trong suốt hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng đã tạo dựng một đế chế cộng sản giả hiệu một cách bi hài kịch nhất trong lịch sử Việt Nam. Vòng xoáy quyền – tiền – quyền thống trị mọi mặt đời sống kinh tế, chính tri, xã hội, an ninh Quốc phòng. Mối gắn bó chặt chẽ giữa quyền và tiền đã trở thành lẽ sống, là chuẩn mực, thậm chí là chân lý cho mọi hoạt động của nhà nước và xã hội, đặc biệt là trong việc tổ chức bộ máy cầm quyền của nước CHXHCN Việt Nam trong cả một thời gian dài qua nhiều thế hệ lãnh đạo mà cao trào là những năm đầu của thế kỷ XXI dưới thời Nguyễn Tấn Dũng. Phải nói rằng Nguyễn Tấn Dũng là bản sao y chang của hiện tượng Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Mậu… và bè lũ của chúng tại Trung Quốc.
· Thứ hai, giống như Tập Cận Bình, sau Đại hội XII Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong chiến dịch chống tham nhũng qua việc cho Đinh La Thăng vào lò cùng với khá nhiều lãnh đạo cao cấp khác của chính quyền.
· Thứ ba, Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các biện pháp khá quyết liệt để phong tỏa và vô hiệu hóa được hàng loạt những con hổ to nhất của triều đình như Trần Đại Quang, Nguyễn Văn Bình… cũng như các vây cánh của các con hổ là thành viên của bộ chính trị cũ như Nguyễn Văn Chi, Lê Thanh Hải, Nguyễn Bá Thanh ….
Một dấu ấn đặc biệt và quan trọng khác mà Nguyễn Phú Trọng và phe cánh của ông ta cũng dũng cảm làm được là đã đánh thẳng vào một trong những cơ quan uy nghiêm nhất là chế độ cộng sản là các cơ quan thuộc ngành cảnh sát, an ninh và tình báo thuộc Bộ Công an, qua việc khởi tố, bắt giữ và xét xử hàng loạt tướng lĩnh cốt cán của các cơ quan này. Quả thực đây là một trong những việc khó khăn nhất mà Nguyễn Phú Trọng đã làm được. Khách quan mà nói ngoài Tập Cận Bình ra thì rất ít nước trên thế giới có thể làm được những việc tương tự kể cả các nước dân chủ, tự do. Rõ ràng việc làm này đã thể hiện sự quyết tâm, khôn khéo, quyết liệt của ngài Tổng bí thư nước CHXHCN Việt Nam. Chỉ cần thiếu một trong những yếu tố trên thì không thể động vào được những cơ quan “nhà nước trong nhà nước” loại này. Việc thay máu gần như toàn bộ ban lãnh đạo của Tổng cục tình báo thuộc Bộ Công an cũng là một viêc ít quốc gia nào dám làm, vì đây là một trong những huyệt đạo trọng yếu và nhạy cảm nhất của chế độ.
· Thứ tư, một việc làm khác cũng rất ấn tượng mà Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn trong thời gian qua là phơi bày ra công chúng vụ AVG. Việc dám đánh thẳng vào vụ AVG là một đòn đánh vỗ mặt vào bộ máy cầm quyền nói chung của chế độ Cộng sản Việt Nam và sự tham tàn của thế hệ lãnh đạo Nguyễn Tấn Dũng nói riêng. Câu chuyện AVG không chỉ là câu chuyện một nhóm “tinh hoa” của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cướp đoạt của nhà nước của chính mình vài nghìn tỷ mà cái chính là Nguyễn Phú Trọng đã dám phơi bày sự trắng trợn của nguyên lý Tiền – Quyền – Tiền ngồi trên pháp luật, đạo lý của nhiều thế hệ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây mà đặc biệt là giới chức quyền cao chức trọng thời Nguyễn Tấn Dũng. Phải nói rằng vụ AVG có thể coi là một mẫu hình tiêu biểu nhất của sự sa đọa về quyền lực. Người ta đã dùng quyền lực để hợp pháp hóa việc trộm tiền của nhà nước. Trương Minh Tuấn, một “hạt giống đỏ” được tổ chức Cộng sản sàng lọc, rèn luyện trong rất nhiều năm nhưng trước khi muốn được lên Bộ trưởng Bộ TT TT thì phải biết vâng lời lãnh đạo cấp trên của mình là Nguyễn Bắc Son: chấp nhận nhúng chàm, trực tiếp tiếp tay cho việc trộm tiền công quỹ. Nguyễn Bắc Son không chỉ là một Bộ trưởng, một Ủy viên TW của Đảng bình thường như các Ủy viên TW khác mà còn là một cận thần của Lê Đức Anh một vị khai quốc công thần đã từng nắm toàn bộ hệ thống an ninh của đất nước. Vụ việc AVG lại được dàn dựng và đạo diễn bởi Nguyễn Thanh Phượng, cô con gái rượu của đương kim “hoàng đế” Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ. Thật thương thay cho hạt giống đỏ Trương Minh Tuấn lúc bấy giờ chỉ còn cách nhắm mắt làm liều theo sự chỉ đạo của quyền lực tuyệt đối, “chân lý” tuyệt đối một thời của triều đại Nguyễn Tấn Dũng. Nay Nguyễn Phú Trọng đã dám động đến vụ AVG là đã dám phơi bày môt sự tha hóa quyền lực một cách trắng trợn nhất của chính quyền Cộng sản. Việc làm này của Nguyễn Phú Trọng có thể được ví như là một việc làm của một bác sĩ dám thông báo với bệnh nhân của mình là tế bào ung thư đã di căn lên tận não bộ….
Sẽ không ngoa khi ví Nguyễn Phú Trọng như là một Gorbachop trong một lĩnh vực nào đó của chế độ Cộng sản Việt Nam. Trước kia Gorbachop làm tan rã chế độ cộng sản của nhà nước Liên Xô thì ngày nay Nguyễn Phú Trọng đã dám đánh thẳng và phơi bày sự tha hóa Quyền – Tiền của đội ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nhận định này không phải chỉ là đánh giá chủ quan của một nhóm người mà đa số người Việt Nam đều ghi nhận được những thành tích vô tiền khoáng hậu này của Nguyễn Phú Trọng. Chính điều này đã làm cho dư luận nhân dân khoan dung hơn đối với các quan điểm giáo điều, cổ hủ thậm chí lú lẫn của ông ta. Nguyễn Phú Trọng vẫn nhận được sự trân trọng của người dân. Nhưng là một lãnh tụ, ông ta cần phải hiểu một nguyên lý bất di bất dịch là muốn xóa bỏ một cái gì tồi tệ thì phải tìm cách xây cái mới tốt đẹp hơn. Tập Cận Bình cùng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi thì cũng phải tìm cách xây “giấc mơ Trung Hoa”. Cho đến nay, người dân Việt Nam chưa thấy lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng hứa hẹn mang lại điều gì cụ thể cho sự phát triển của đất nước ngoài thuật ngữ “chủ nghĩa Mác – Lê Nin“ cũ rích. Nếu Mác, Lê Nin mà sống lại trong thế kỷ 21 này thì chắc chắn người học trò Nguyễn Phú Trọng sẽ bị hai ông này xử phạt đầu tiên vì ông là một người học trò rất tồi, đã không biết cách phát triển lý luận kinh điển của người thầy đã viết ra từ thế kỷ 19 mà còn làm mất đi một nguyên lý cơ bản của luận thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học của thầy là tính biện chứng và tính lịch sử trong việc nhìn nhận và đánh giá sự phát triển của vạn vật.
Việc Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch nước khi vẫn đảm nhiệm vị trí số một của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó cũng không ít người nuôi hy vọng rằng khi đã tập trung được quyền lực trong tay thì ông ta phải khoan dung hơn, phải cải cách, đổi mới hơn. Nhưng việc để ban Kiểm Tra Trung Ương tiến hành kỷ luật Giáo sư Chu Hảo đã dập tắt hy vọng mong manh này. Tại sao vậy? Khi mà Giáo sư Chu Hảo không phải là loại người chống đối chế độ, không đi theo phe cánh nào cả? Chu Hảo chỉ là một trí thức dám nói lên ý kiến độc lập của mình nhiều khi không đồng điệu với đường lối của Đảng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu! Việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo chắc chắn mang lại nhiều cái mất hơn là được cho Đảng của Nguyễn Phú Trọng và chế độ Cộng sản rất rất nhiều. Tại thời điểm này người ta thật khó xác định chính xác nguyên nhân của hành động dị thường, phi chính trị này.
Hiện nay người ta chỉ có thể phỏng đoán các nguyên nhân chính dẫn đến quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo như sau:
– Xuất phát từ tư duy mong muốn duy trì và củng cố sự ổn định về chính trị bằng những biện pháp thiển cận, ấu trĩ, Nguyễn Phú Trọng lại rơi trở lại trạng thái lú lẫn vốn có của mình?
– Giới lãnh đạo chóp bu có tư tưởng bảo thủ và thiển cận nghĩ rằng việc Nguyễn Phú Trọng được bầu chức Chủ tịch nước với tỷ lệ phiếu bầu rất cao thể hiện sự thắng thế của tư tưởng bảo thủ trong giới lãnh đạo. Họ nhận định rằng đây là thời cơ để củng cố quyền lực cho giới lãnh đạo theo hướng bảo thủ để chuẩn bị cho Đại hội 13 trong công tác nhân sự. Thời gian từ nay đến Đại hội không còn nhiều. Nguyễn Phú Trọng tuổi đã cao, sức đã yếu, năng lực lại hạn chế đang rất muốn chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ trẻ hơn. Do vậy rất cần phải tạo môi trường chính trị thuận lợi nhất cho những hậu duệ mà ông ta tin cậy trong Ban lãnh đạo hiện nay nhằm củng cố thanh thế, quyền lực và ảnh hưởng cho bước chuyển tiếp trong Đại hội 13. Việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo chỉ là một hành động thể hiện cái uy của Nguyễn Phú Trọng nhằm răn đe những kẻ không biết nghe lời.
– Các phe phái trên chính trường luôn có một đội ngũ rất đông đảo những kẻ ăn theo, nói leo, hay còn gọi là cơ hội chính trị. Sau sự kiện Nguyễn Phú Trọng được bầu Chủ tịch nước với số phiếu cao gần tuyệt đối, cũng như sau những thắng lợi thu được của phe bảo thủ trong cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua, các lực lượng cơ hội chính trị đi theo hướng bảo thủ đã chớp thời cơ đàn áp giới trí thức phản biện. Qua việc này họ muốn chứng minh lòng “trung thành” của họ với tân Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.
– Một khả năng khác là chính các lực lượng đang bị phe bảo thủ mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng đã, đang, và sẽ bị “cho vào lò” muốn qua việc Chu Hảo để tạo cớ lật ngược tình thế nhằm triệt hạ lực lượng chính trị đang “hành hạ” họ. Lực lượng này rất hiểu rằng họ chỉ có thể lật ngược được tình thế khi tìm được những cái cớ mang tính chính danh để kiềm chế hay loại bỏ Nguyễn Phú Trọng. Rõ ràng việc kỷ luật Chu Hảo là một hình thức đàn áp ngớ ngẩn theo kiểu “cách mạng văn hóa” của thế kỷ 21 sẽ là cái cớ chính danh rất thích hợp để phe tham nhũng núp danh đổi mới sẽ tổ chức phản đòn đối với phe bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng. Nên nhớ rằng lực lượng này chiếm đa số trong bộ máy chính quyền hiện nay. Họ nắm trong tay mọi nguồn lực mạnh có thể chi phối đời sống chính trị của đất nước, đồng thời họ là những bậc thầy về các thủ đoạn chính trị thâm độc.
– Một khả năng cuối cùng là Nguyễn Phú Trọng muốn rập khuôn họ Tập bên Trung Quốc một cách thiếu suy nghĩ.
Cho dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào thì hậu quả của việc làm này sẽ là:
– Làm suy yếu hình ảnh của chính quyền Cộng sản Việt Nam trước con mắt của người dân, mà đặc biệt là tầng lớp trí thức. Tước bỏ triệt để cơ hội cho Đảng Cộng sản trở thành lực lượng chính trị tiên phong của xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vỗ ngực.
– Làm suy yếu sự đoàn kết gắn bó giữa những lực lượng đang mong muốn kiến quốc bằng con đường hòa giải dân tộc khôi phục sức mạnh đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua những thử thách và tranh thủ được cơ hội mà đất nước đang đối mặt.
– Tạo những kẽ hở để những lực lượng ngoại bang tận dụng nhằm giảm đi vị thế độc lập và tự quyết trong mối bang giao giữa Việt Nam với Quốc tế hiện nay. Rõ ràng vị thế độc lập tự quyết mà Việt Nam đang có và phải cố gắng duy trì và củng cố là cái phao cứu sinh hữu hiệu nhất cho con thuyền Việt Nam trong phong ba bão táp.
– Đưa nền chính trị quốc gia đi vào sự bế tắc tăm tối. Tạo tiền đề cho những sự đổ vỡ tiềm tàng tương lai trong lòng đất nước.
– Trước mắt sẽ ảnh hưởng tới uy tin của Nguyễn Phú Trọng và tính chính danh của chiến dịch chống tham nhũng của ông ta.
Một vài lời nhắn gửi ông Nguyễn Phú Trọng:
Thưa ông, theo chúng tôi nghĩ chủ nghĩa Mác – Lê Nin vốn dĩ là một trong những sản phẩm lý luận đáng khâm phục của loài người vào thời điểm thế kỷ thứ 19. Tiếc thay qua năm tháng chủ nghĩa Mác – Lê nin đã bị con người làm sai lệch, xuyên tạc và bôi xấu. Trớ trêu thay những kẻ tự nhận là môn đồ trung thành của chủ nghĩa Mác lại chính là những thủ phạm đã tàn phá Chủ nghĩa Mác – Lê nin một cách điên cuồng và triệt để nhất bằng chính những việc làm tán ác, xấu xa, kém cỏi của họ. Đối với người Việt Nam, trong quá khứ khi đất nước trầm luân dưới ách thực dân phát xít thì 99% những người tự nguyện đi theo chủ nghĩa cộng sản trước đây đều chỉ hiểu một cách đơn giản rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ đánh đuổi mọi kẻ xâm lược, mang lại độc lập, thống nhất cho đất nước, hòa bình ấm no cho người dân, công bằng bác ái cho xã hội. Vậy nếu ai đó tự nhận là Cộng sản thì trước tiên hãy làm việc này cho đất nước, dân tộc. Hãy đừng dùng những lý luận đao to búa lớn, rối rắm để ngụy biện, để lòe bịp nhau, quy chụp và triệt hạ nhau.
Ông thường răn dạy mọi người “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Nhưng chính ông đang làm vậy. Thành tích lớn nhất mà ông đạt được trong thời gian qua là chống tham nhũng. Xin ông hãy tỉnh táo nhìn lại và lắng nghe. Cái mà ông đạt được vẫn chỉ có tính tượng trưng, vì hơn ai hết chính ông biết rằng, tham nhũng đã ăn sâu vào toàn bộ hệ thống cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tốc độ này thì 100 năm nữa vẫn không xử lý hết những vụ việc xảy ra trong quá khứ và những vụ việc mới lại nảy nở! Ngay cả những việc mà ông đã cho là thành công trong thời gian qua cũng mắc quá nhiều khiếm khuyết rất cơ bản. Đành rằng đối với các vụ án như Đinh La Thăng, ngân hàng Đại Dương, PVN, ngân hàng Xây Dựng…. được biết chủ trương của ông là đập chuột không làm vỡ bình nhưng những tội danh mà các cơ quan công tố giành cho các bị cáo không có tính thuyết phục. Cách xử lý của các cơ quan tố tụng lại rất tắc trách, chiếu lệ, phản cảm nên đã không gây được hiệu ứng tích cực lẽ ra phải có cho xã hội, ngược lại đã gây hoài nghi trong dư luận về tính công minh của pháp luật. Đối với những chính sách vĩ mô mà ông Nguyễn Xuân Phúc với mục tiêu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo và bà Nguyễn Thị Kim Ngân với mục tiêu xây dựng Quốc hội dân chủ, đổi mới… chỉ có thể trở thành hiện thực khi đảng của ông phải có những bước đi tương xứng. Nếu ông không chuyển hóa được Đảng của ông trở thành lực lượng chính trị tiên phong thực sự thì chắc chắn Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bị xã hội Việt Nam đào thải. Ông sẽ là kẻ tội đồ của tương lai và cả của quá khứ trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Nếu ông thực sự muốn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê nin thì hãy đừng biến chủ nghĩa Mác – Lê nin trở thành kẻ thù của sự phát triển, của dân chủ, tự do, đi ngược lại với xu hướng phát triển của văn minh nhân loại.
P.H.Q.
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/PHungQuoc_HienTuongChuHao.html