Vận động hành lang?

TP – Về dự án đường sắt cao tốc, qua báo chí tường thuật thảo luận ở Quốc hội, được biết: Tổng Công ty Đường sắt là cơ quan chủ đầu tư đã mời 21 đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh thành đi tham quan đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Không rõ kinh phí tham quan do Quốc hội hay do doanh nghiệp chi? Liệu đây có là vận động hành lang? Liệu việc ấy có hợp pháp?

Đường sắt cao tốc tại Trung Quốc Ảnh: CRI.CN

Đường sắt cao tốc tại Trung Quốc Ảnh: CRI.CN

Nếu 21 vị này chủ động đi tham quan theo quyết định của Quốc hội và bằng kinh phí của Quốc hội để thu thập thông tin, để tìm hiểu rõ vấn đề, nhằm giúp cho việc quyết định, thì không thể gọi là đi tham quan mà là đi công tác, làm công vụ và, khi về, họ phải có báo cáo và như vậy là hợp pháp.

Nhưng họ đi tham quan theo lời mời của doanh nghiệp chứ không phải đi công tác? Việc doanh nghiệp làm rõ ràng là hành vi vận động hành lang (tức là tìm cách ảnh hưởng đến những người có quyền quyết định).

Tại nhiều nước, việc vận động hành lang (lobby) là hợp pháp và khá phổ biến. Họ có luật về lobby, nhưng việc lobby nhiều khi rất gần với hối lộ, tham nhũng và mỗi khi có những vụ lớn gây tai tiếng như vậy trong dư luận thì người ta lại hoàn thiện luật pháp về lobby theo hướng minh bạch hơn. Thí dụ, Luật về Đạo đức của Quốc hội Mỹ cấm dân biểu nhận bất cứ món quà nào trên 50 USD (vé coi thể thao, đi chơi, tham quan,…) từ chính phủ liên bang hay tiểu bang, thành phố, hay đại học, hay từ những người lobby (lobbyist) của doanh nghiệp (doanh nghiệp muốn lobby phải qua các tổ chức lobby thứ ba được đăng ký).

Việt Nam chưa có luật về vận động hành lang, vì thế khó có thể xác định hành vi nào là hợp pháp hay không hợp pháp.

Thế từ phía các đại biểu Quốc hội đã đi tham quan theo lời mời (và chắc là bằng kinh phí) của doanh nghiệp thì sao? Luật Tổ chức Quốc hội không có quy định đại biểu Quốc hội không được làm những việc gì. Không rõ quy chế nội bộ của Quốc hội quy định thế nào. Có lẽ các luật liên quan là Luật Cán bộ Công chức, và Luật Phòng chống tham nhũng.

Rất nên tránh

Vấn đề là liệu các đại biểu Quốc hội có là đối tượng của các luật này hay không? Các đại biểu chuyên trách có thể được coi là cán bộ (theo quy định của Điều 4 của Luật Cán bộ, Công chức, “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụchức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước…”; các đại biểu không chuyên trách có thể là cán bộ hay công chức (theo tiêu chí ở nơi làm việc ngoài Quốc hội của họ) nhưng cũng có thể là công dân bình thường (không là cán bộ, cũng chẳng là công chức nhưng là đại biểu Quốc hội).

Chính vì thế, để minh bạch, nên công khai họ tên và chức vụ của 21 vị đại biểu đã đi tham quan và làm rõ họ là đại biểu chuyên trách (khi đó họ là cán bộ) hay là đại biểu không chuyên (khi đó cũng phải làm rõ họ có là cán bộ công chức hay chỉ là công dân), cũng như kinh phí tham quan là do Quốc hội hay doanh nghiệp cấp, thì mới có thể đánh giá về hành vi của họ chấp nhận dịch vụ (tham quan) mà doanh nghiệp chào mời.

Nếu họ được coi là cán bộ hay công chức thì trong số nhiều việc họ không được làm có những việc “lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi” (Điều 18 Luật Cán bộ, Công chức; hay “không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Điều 40 Luật Phòng, Chống tham nhũng).

Luật cũng quy định thế nào là vụ lợi: Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng (Điều 2, Luật Phòng, Chống tham nhũng).

Hãy xem việc “đi tham quan” có thuộc các quy định cấm nêu trên hay không. Trong mọi trường hợp, việc đi tham quan theo lời mời (và có lẽ bằng kinh phí) của doanh nghiệp chắc chắn nêu ra những vấn đề xung đột lợi ích nghiêm trọng mà các đại biểu Quốc hội của chúng ta rất nên tránh.

N. Q. A

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/Chuyen-Hom-Nay/503350/Van-dong-hanh-lang.html

This entry was posted in xây dựng. Bookmark the permalink.