Mạng Xã hội trong những ngày gần đây có hiện tượng tập trung rất nhiều vào việc tranh cãi xung quanh “cách đánh vần lạ” và một số chi tiết khác được chụp trên sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, từ đó đến tranh cãi về toàn bộ phương pháp Công nghệ Giáo dục đang được thực hiện trên diện rộng. Vì Giáo dục liên quan đến mọi gia đình, hiện tượng trên là điều dễ hiểu, và cũng là mặt tích cực của Mạng Xã hội, phương tiện chưa từng có để người dân Việt Nam phát biểu ý kiến của mình về các chủ trương chính sách của Nhà nước.
Góp ý, phê bình cho một quyển sách dạy tiếng Việt và một phương pháp giảng dạy mới liên quan đến hàng triệu con em của đẩt nước là việc rất đúng, rất tốt.
Tuy nhiên, việc tập trung bất thường vào một bộ sách giáo khoa “phi-nhà nước” có khả năng cạnh tranh với bộ sách giáo khoa chính thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo đương lưu hành cũng như một bộ sách giáo khoa mới cũng của Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp đưa ra, cùng với những thông tin mang tính gán ghép, xuyên tạc, suy diễn, khiến nhiều người không thể không băn khoăn.
Đáng băn khoăn hơn nữa, theo thông tin báo chí cung cấp, trong buổi họp Quốc hội mới đây, một số vị lãnh đạo Quốc hội công khai nêu lên khả năng bãi bỏ quy định “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” trong Nghị quyết 88 của chính Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, trở lại chính sách “một chương trình, một sách giáo khoa” như lâu nay.
Chúng tôi cực lực phản đối ý đồ của bất kì ai, của cấp nào, nhân vụ tranh cãi trên Mạng Xã hội quanh sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, công nghệ giáo dục, để rắp tâm quay lại áp đặt ách độc quyền đã chứng tỏ quá tai hại đối với nền giáo dục và khủng hoảng đến tận cùng!
Nền giáo dục Việt Nam phải được cải tổ căn bản, từ triết lý Giáo dục, khôi phục tinh thần “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”, đến phương pháp Giáo dục, cập nhật những thành tựu của nhân loại, và tổ chức Giáo dục theo hướng Dân chủ, cởi mở, trong đó có việc Tự do soạn, xuất bản và lựa chọn học sách giáo khoa như đã và đang là chuyện bình thường ở tất cả các nước Dân chủ.
Xoá bỏ Độc quyền sách giáo khoa nằm trong toàn bộ tiến trình xoá bỏ Độc quyền về mọi mặt của thể chế. Lộ trình đi đến đích ấy là rất gian nan, không thể chấp nhận một bước lùi như một số người có trách nhiệm cao nhất của Nhà nước đang dự kiến.
Ngày 13 tháng 9 năm 2018
Nhóm Lão Mà Chưa An