Mùa hè năm nay ở nước ta có lẽ nắng và nóng hơn rất nhiều so với những năm trước. Cái nắng gay gắt một phần vì nước ta là một trong 5 nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu, thêm vào đó là tình trạng cúp điện liên miên. Nếu EVN không đảm bảo cung ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất của nước ta thì đây chính là lực cản của sự phát triển kinh tế đất nước ta.
Từ chính trị, an ninh-quốc phòng
Bên cạnh cái nắng-nóng với đúng nghĩa đen của nó thì một loạt các dự án, đề án được Đảng và Chính phủ “xuất” ra cũng “đốt nóng” dư luận hừng hực không kém gì cái anh thiên nhiên, nào là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, dự án cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn; việc ngư dân nước ta bị “tàu lạ” bắt, giam, đánh đập, đòi tiền chuộc và cấm đánh bắt các ngư trường thuộc lãnh hải ta; đồ án quy hoạch lại Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính nhà nước lên Ba Vì, dự án trục Thăng Long và mới đây nhất là dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Điều đáng nói ở các dự án, đề án này là thứ nhất, các dự án, đề án này dù đang còn nằm trên giấy tờ hay đang thực thi đều gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến chủ quyền, tình hình an ninh-quốc phòng, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường… đối với nước ta; thứ hai, nhiều dự án có mức kinh phí vô cùng lớn so với GDP của nước ta như dự án quy hoach Thủ đô Hà Nội ước tính 90 tỷ USD (bằng GDP của nước ta), dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam với 55.8 tỷ USD (bằng 2/3 GDP, chưa tính mức tăng kinh phí khi thực hiện); thứ ba, hệ quả từ hai nhân tố trên: nhân dân hết sức bức xúc và phản đối gay gắt.
Không hiểu sự biến đổi khí hậu, thời tiết biến đổi thất thường có tác động tiêu cực đến đội ngũ “tinh hoa” (elite) của dân tộc ta trong thời gian qua hay không mà làm cái gì cũng đều bị công luận phản đối gay gắt?
Chuyện 10 tỉnh nước ta cho nước ngoài thuê đất rừng ở nhiều vùng trọng yếu, vùng phên giậu của nước ta với giá thuê đất ở nhiều vùng gọi là tượng trưng mà Chính phủ chẳng hề hay biết. Không biết trách nhiệm “lo trước cái lo của thiên hạ” của giới lãnh đạo trung ương và địa phương ở đâu? Quyền hành địa phương dám lấn lướt, qua mặt và che mắt cả chính quyền trung ương? Chuyện dự án khai thác bauxite Tây Nguyên cũng là một “dự án tương tự, nó nghiêm trọng đến mức vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp sống gần trọn “ba vạn sáu ngàn ngày”, và hàng ngàn con dân đất Việt sống khắp nơi trên địa cầu viết những lá thư tâm huyết, lập bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ để can ngăn nhưng cuối cùng dự án cũng cứ “phải” thông qua.
Ngư dân ta khai thác trên ngư trường của ta lại bị “tàu lạ” hành hạ đủ kiểu mà không thấy vị quan chức nào đứng ra lên tiếng bênh vực, có chăng thì cũng gọi là chỉ thấy cô phát ngôn Bộ Ngoại giao phát lui phát tới một điều, kiểu đại ý: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trưởng Sa và kêu gọi “nước lạ” không làm căng thẳng thêm tình hình biển Đông. Ngư dân nước ta nhìn chung đánh bắt nhỏ lẻ, phương tiện đánh bắt còn nghèo nàn nhưng đó là phương tiện mưu sinh duy nhất của họ. Ngư dân là những người thường xuyên phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn từ biển khơi, nay lại phải gánh chịu những cơn bão táp với “sức tàn phá” không kém thiên nhiên từ những chiếc “tàu lạ” mà cũng chẳng thấy Chính phủ lập quỹ hỗ trợ, bảo vệ ngư dân từ các vị khách không mời đó. Sáng kiến lập quỹ hỗ trợ cho ngư dân bị xâm hại được đưa ra tuy còn mang tính địa phương, nhỏ lẻ, manh mún nhưng rất cấp thiết và đã có những đóng góp tích cực cho ngư dân một số vùng.
Việc “tàu lạ” xâm nhập trái phép và bắt bớ, hành hạ, đòi tiền chuộc ngư dân ta trên vùng lãnh hải của ta là hành động vi phạm công ước quốc tế trắng trợn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh hải, uy tín, danh dự, nhân phẩm của đất nước ta, nhân dân ta. Do đó, một vấn đề tối quan trọng trong vấn đề này là phải hoàn chỉnh pháp lệnh về biển đảo Việt Nam.
Đến hiệu quả kinh tế
Người đời thường hay bảo rằng “thùng rỗng kêu to”, không biết nó có đúng đến đâu nhưng cứ nhìn vào những siêu dự án mà Đảng và Chính phủ đưa ra thì có lẽ điều đó không sai một tẹo nào. Một đất nước nhỏ có 330 nghìn km2 với hơn 86 triệu dân ( chưa kể dân sống chui, đẻ chui), GDP có 90 tỷ USD mà cả gan dám đưa ra các dự án, đề án xấp xỉ trăm tỷ USD (dường sắt cao tốc dự kiến là 55.8 tỷ nhưng nếu khi làm xong thì kinh phí đội lên chí ít cũng 30% mức chi ban đầu vì đây là truyền thống trong ngành xây dựng của Việt Nam, ít có khả năng ngược lại vì tiền đây là tiền của “cha chung không ai khóc”, nhưng đúng ra là tiền thuế của dân).
Cái bệnh nhà nghèo mà đòi chơi sang, không có tiền cũng ưa chạy theo, học đòi mốt của thời đại không biết có phải do chịu tác động của nền kinh tế thị trường không mà vị đại biểu Quốc hội đáng kính ở Hà Nam bảo “các nước có IQ cao đều làm đường sắt cao tốc” (Vietnamnet, 08/06/2010) ? Cơ quan công quyền nhà cao cửa rộng rồi còn muốn quy hoạch lại, xây dựng lại cho to lớn, hoành tráng để xứng tầm với cái chỉ số IQ của dân tộc, hay để thỏa mãn cơ hội làm giàu cho một số cá nhân? Đọc bài viết Ước gì lãnh đạo nước mình nhìn ảnh chụp Nhà Trắng trên BVN của Thầy giáo Hà Văn Thịnh (là giáo viên Chủ nhiệm tôi năm cuối) tôi nghĩ mãi mà không lý giải nổi tại sao nước mình nghèo khó đến thế mà giới lãnh đạo mình ích kỷ quá thế.
Phải nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận sự thật này: Việt Nam ta là một nước còn nghèo, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở y tế còn thiếu thốn, nghèo nàn; chất lượng môi trường giáo dục vẫn còn thấp và xuống cấp nghiêm trọng; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân, thêm vào đó là nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông, triều cường dâng cao do phòng tuyến đê bao yếu kém, thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt… Thiết nghĩ, Nhà nước của ta là nhà nước “của dân, do dân vì dân” thì nhà nước nên chú trọng đến các nhân tố cơ bản của con người như ăn, ở, đi lại, sinh hoạt, học hành, sức khỏe của người dân trước đã rồi mới tính đến các vấn đề khác.
Chúng ta có quyền tự hào cha ông ta đã đổ bao xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chúng ta không bao giờ quên những Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Rạch Gầm-Xoài Mút, Ngọc Hồi-Đống Đa, Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ, Đồng Khởi, Mùa Xuân 1975 nhưng chúng ta cũng không quên phê phán những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đã bán nước hại dân. Nhưng với những dự án, đề án trên đây thì con cháu chúng ta sẽ phán xét chúng ta ra sao, khi những người sống bây giờ sau dăm bảy chục năm nữa sẽ thành người thiên cổ và “gia tài của mẹ để lại cho con” là một đất nước cạn kiệt tài nguyên, sông ngòi bị bức tử vì ô nhiễm và nhà máy thủy điện, nợ nần chồng chất… Thật xấu hổ và đau buồn cho con cháu chúng ta vì chúng đã có không ít người cha, người ông lãnh đạo thiếu tâm, thiếu tầm và ích kỷ!
Xin đừng đổ thêm gánh nặng lên đầu con cháu chúng ta!!!
Thừa Thiên Huế, 13/06/2010
PNU
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập