Muốn phát triển bền vững phải có lãnh đạo đúng tầm

Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng

Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng

Cách trả lời ngạo mạn [của ông PTT Nguyễn Sinh Hùng], tự coi mình là cấp trên của Quốc hội, coi thường Quốc hội, coi thường dư luận xã hội, thiếu sự cầu thị, khiêm tốn cần thiết làm cho cử tri rất lo ngại và bất bình về nội dung, tác phong và cách ứng xử.

Không phải đến bây giờ mà lâu nay, qua cách phát biểu của một số người có trách nhiệm bên cơ quan hành pháp coi thường vai trò cơ quan lập pháp  như thế là vi phạm Hiến pháp. Đấy là thói quen áp đặt chưa nói đến thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử. Quốc hội không phải là nơi giảng về kỷ luật tập trung dân chủ trong Đảng. Hài hước nhất là có ông Bộ trưởng kiêm đại biểu Quốc hội có lúc cao hứng, tự đắc tuyên bố với báo chí câu bất hủ: “Quy hoạch là ý chí của quyền lực”!?

Quyền lực của ông Bộ trưởng và ê kíp ủng hộ ông đúng là to thật nhưng tư duy phương pháp luận quy hoạch phản khoa học đó chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải bởi thực tế, dư luận xã hội và ý chí, quyền lực của nhân dân.

Ngẫm kỹ, triết lý Phật trong tư duy của Ông Cha ta có những khía cạnh thật đáng kính phục. Chẳng hạn như trong lời sư Vạn Hạnh bảo các đệ tử: “Thân người như bóng chớp, có rồi trở lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo“. Để rồi từ đó mà dẫn đến cái ý sau đây thì quả thật là cao vòi vọi: Thịnh suy của một chế độ, nhìn vào lịch sử, chỉ như “khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ thì chẳng có gì phải bi quan cả.

Tô Văn Trường

Sau khi nghe giải trình của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trước Quốc hội, nhiều người dân bày tỏ sự thất vọng vì không có lập luận, căn cứ khoa học, thực tiễn, không đi vào các vấn đề đã được đề cập, thiếu tính nghiêm túc cần thiết trong khi trả lời lại các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trả lời không chỉ loanh quanh, không đúng tầm như vấn đề thiếu điện, nhưng đáng trách hơn cả là đặt Quốc hội trước sự việc đã rồi: “không thể không làm đường sắt cao tốc”! Quốc hội không được thông báo đầy đủ các thông tin, các ý kiến phân tích đánh giá của các nhà khoa học, và kết quả thăm dò ý kiến của người dân trên 3 tờ báo chính thống của Nhà nước là đại đa số cử tri không tán thành xây dựng dự án đường sắt cao tốc mà cứ dạy dỗ Quốc hội hãy yên trí tin tưởng đi!? Cách trả lời ngạo mạn, tự coi mình là cấp trên của Quốc hội, coi thường Quốc hội, coi thường dư luận xã hội, thiếu sự cầu thị, khiêm tốn cần thiết làm cho cử tri rất lo ngại và bất bình về nội dung, tác phong và cách ứng xử.

Không phải đến bây giờ mà lâu nay, qua cách phát biểu của một số người có trách nhiệm bên cơ quan hành pháp coi thường vai trò cơ quan lập pháp  như thế là vi phạm Hiến pháp. Đấy là thói quen áp đặt chưa nói đến thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử. Quốc hội không phải là nơi giảng về kỷ luật tập trung dân chủ trong Đảng. Hài hước nhất là có ông Bộ trưởng kiêm đại biểu Quốc hội có lúc cao hứng, tự đắc tuyên bố với báo chí câu bất hủ: “Quy hoạch là ý chí của quyền lực”!? Quyền lực của ông Bộ trưởng và ê kíp ủng hộ ông đúng là to thật nhưng tư duy phương pháp luận quy hoạch phản khoa học đó chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải bởi thực tế, dư luận xã hội và ý chí, quyền lực của nhân dân.

Đừng lấy con số phần trăm đại đa số đại biểu Quốc hội luôn bấm nút ủng hộ các chủ trương của Đảng và Chính phủ như bauxite Tây Nguyên, mở rộng Thủ đô để biện minh cho sự đồng thuận của nhân dân. Chất lượng, bản lãnh của phần lớn các vị dân biểu phụ thuộc vào quy chế, cách tuyển chọn đầu vào như thế nào thì đầu ra ắt phải thế, không có gì lạ. Trong cuộc sống thực tế không phải bao giờ thiểu số cũng thua đa số về chỉ số thông minh IQ thứ thiệt, không giống như biện luận so sánh quan hệ giữa IQ “ảo” và đường sắt cao tốc Bắc Nam như vị dân biểu tỉnh Hà Nam vì quyết tâm chính trị đã phát biểu! Minh chứng là trước đây các thành viên trong Hội đồng Chính phủ do Ông Phan Văn Khải là Thủ tướng lúc đầu chỉ có 1 phiếu của GS Đặng Vũ Minh ủng hộ phương án nhà máy thủy điện Sơn La quy mô thấp, GS Nguyễn Minh Hiển bỏ phiếu trắng còn lại tất cả bỏ phiếu ủng hộ phương án Sơn La quy mô cao. Nhờ biết lắng nghe phản biện của các nhà khoa học, dư luận xã hội đến giờ chót Chính phủ đã họp lại và thay đổi quyết định là bỏ phiếu ủng hộ cho phương án Sơn La quy mô thấp. Câu khẩu hiệu “We can change” đã giúp Tổng thống Barack Obama thắng cử, suy cho cùng Ông ta đã khôn ngoan, học tập bài học kinh nghiệm của các chính khách Việt Nam. Nhìn xa hơn, cuối thập niên 60, khi làm Quy hoạch Thủ đô mới, Bộ trưởng Bùi Quang Tạo trực tiếp chỉ đạo, đề xuất đưa Hà Nội mới lên Vĩnh Yên đã được Bộ Chính trị thông qua, tất cả chấp hành chỉ có 3 người bảo lưu ý kiến là KTS Ngô Huy Quỳnh, KTS Đàm Trung Phường và Kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Hồi ấy, người ta cũng gọt trọc được mấy quả đồi để làm xong vài con đường và các tòa nhà tạo ra bộ mặt nham nhở của thị trấn Xuân Hòa. Cuối cùng, Bộ Chính trị cũng đã phải hủy quyết định đưa Thủ đô lên Vĩnh Yên!

Đất nước ta sẽ đi về đâu nếu đại hội Đảng XI sắp đến lại tiếp tục có các vị quan “phụ mẫu” coi quy hoạch là ý chí của quyền lực không dựa trên các lập luận và phân tích khoa học?. Sức mạnh của các vị dân biểu là đại diện cho tiếng nói của cử tri, chất lượng của các phương tiện thông tin đại chúng là tri thức xã hội mà không biết khẳng định vai trò, vị thế của mình, không vượt lên chính mình thì người dân cũng không có gì ngạc nhiên những gì đã và đang diễn ra trên đất nước thân yêu của chúng ta.

Cuộc đời quả là có chuyện “sắc sắc không không” theo một khía cạnh nào đấy của triết lý Phật giáo, còn theo triết lý dân gian thì “ngựa Tái ông, họa phúc biết về đâu“.  Thế nhưng, trong cái sắc sắc không không ấy, ngẫm kỹ, triết lý Phật trong tư duy của Ông Cha ta có những khía cạnh thật đáng kính phục. Chẳng hạn như trong lời sư Vạn Hạnh bảo các đệ tử: “Thân người như bóng chớp, có rồi trở lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo“. Để rồi từ đó mà dẫn đến cái ý sau đây thì quả thật là cao vòi vọi: Thịnh suy của một chế độ, nhìn vào lịch sử, chỉ như “khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ” thì chẳng có gì phải bi quan cả.

Vậy phải làm cái gì, làm như thế nào, khi nào để người ta không còn “ngồi xổm” trên dư luận xã hội, không coi Quốc hội  là “hình rơm”? Trước hết  hãy cùng nhau nhìn lại Hiến pháp năm 1946.  Đến ngày nay, qua bao lần sửa đổi, Hiến pháp  năm 1946 vẫn là trí tuệ nhất vì coi trọng nhà nước pháp quyền. Chính phủ của Cụ Hồ đã tập trung được nhiều trí thức có năng lực chuyên môn, nhiều người có tầm nhìn văn hóa. Nhưng thực tế Hiến pháp năm 1946 bị “chết yểu” không thì hành được ngày nào vì đất nước bước vào cuộc kháng chiến, nên mọi thi hành của Chính phủ đều chỉ là Sắc lệnh v.v.

Theo quy định, phải sau khi gia nhập WTO được 12 năm các nước mới bàn đến việc công nhận nền kinh tế thị trường. Phải chăng hiện nay, chúng ta đang dùng biện pháp “đi tắt đón đầu” thương lượng với một số nước để sau này đỡ bị động? Kinh tế thị trường bản chất là sở hữu tư nhân đóng góp phần lớn vào GDP, không phải chủ yếu  dựa vào quốc doanh.  Không có nền kinh tế thị trường thì không thể có xã hội dân sự. Không có hệ thống tòa án khu vực mà chỉ có tòa  án theo đơn vị hành chính như hiện nay thì “án bỏ túi” vẫn còn đất hoành hành trên nỗi đau của những người dân “thấp cổ bé họng”!

Vấn đề nhân dân quan tâm nhất hiện nay là phát triển bền vững của đất nước cần phải có những người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm. Phát triển là nhu cầu của mọi xã hội dù ở bất cứ giai đoạn nào. Tuy nhiên, thế nào được gọi là phát triển thì lại rất khác nhau tùy theo phát triển đó là cho ai, do ai, về cái gì, bằng cách nào và vào thời điểm nào. Xét về mặt không gian, sự phát triển ở các nước công nghiệp lại đưa đến kết quả phản phát triển ở các nước nghèo, và điều này được thể hiện rõ nét qua hậu quả của biến đổi khí hậu mà nhân loại đang phải đối mặt. Nếu qua lát cắt thời gian, chúng ta lại thấy những gì mà trước đây được coi là phát triển thì hiện tại lại cho là phản phát triển. Đi sâu vào các ngành, các lĩnh vực đều tìm thấy rất nhiều ví dụ về những dự án phát triển của ngành hay lĩnh vực này lại tạo ra nhiều sự khó khăn cho ngành hay lĩnh vực khác phải khắc phục hậu quả. Như vậy, phát triển là nhu cầu của bất cứ xã hội nào không kể thời gian, nhưng nhu cầu đó không phải luôn luôn được thỏa mãn. Vậy liệu phát triểnphản phát triển có phải là hai mặt của một đồng xu? Liệu con người có thể theo đuổi phát triển mà không sợ phản phát triển đang chờ đợi? Đó là những câu hỏi đã ám ảnh nhân loại từ lâu. Qua thời gian, con người đã mổ xẻ phát triển ở nhiều góc độ khác nhau, và những năm gần đây đã cho ra đời khái niệm phát triển bền vững. Phát triển bền vững được xem như là ước mơ, mong muốn đích thực của nhân loại. Tuy nhiên, con đường đó như thế nào thì vẫn còn đầy mơ hồ, thiếu biển chỉ báo và không có đích đến rõ ràng. Khi truy tìm cội nguồn của khái niệm phát triển bền vững, các nhà khoa học đã chỉ ra một số vấn đề chính mà phát triển trong tương lai phải quan tâm là sự  gia tăng dân số, sự gia tăng tiêu dùng tài nguyên và sản phẩm dẫn đến kết quả là gia tăng chất thải gây ô nhiễm, sự cạn kiệt của nguồn tài nguyên không thể tái tạo, vấn đề quản lý nguồn cung tài nguyên và cầu tiêu dùng, vai trò của khoa học công nghệ, vai trò của con người và văn hóa của họ, xác định mối quan hệ giữa môi trường và phát triển. Khái niệm phát triển bền vững được nhiều nhà khoa học diễn giải chi tiết hơn dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội, và môi trường theo không gian và thời gian. Phát triển bền vững sẽ không thể đạt được nếu nó không có điểm tựa vững chắc, nền tảng đó là  bền vững sinh thái, đạo đức xã hội và vai trò lãnh đạo.

Phát triển bền vững ngày càng trở thành vấn đề tranh luận nóng bỏng của thời đại. Trái đất ngày càng trở nên mong manh, dễ vỡ  và chúng ta đang phải đối đầu với các rủi ro của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa từng có. Hậu quả không chỉ tác động đến các hệ sinh thái, mà còn đe dọa đến sự đổ vỡ của hệ thống kinh tế-xã hội, và sự tồn vong của các giống loài, kể cả con người. Nhu cầu phát triển bền vững cũng đòi hỏi vai trò lãnh đạo phải thể hiện qua việc thay đổi hành vi, thói quen, cách nghĩ của toàn xã hội.

Dự thảo Cương lĩnh của Đảng vẫn coi kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành nền tảng của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa!. Có những điểm trong Cương lĩnh còn thụt lùi so với trước như lĩnh vực nông nghiêp. Đánh giá cán bộ dựa trên sự trung thành với chủ nghĩa Mác Lê Nin hơn chủ nghĩa dân tộc, tuyển chọn vẫn theo cách làm ban chấp hành kỳ trước giới thiệu ban chấp hành kỳ sau, liệu có được bao nhiêu người thực sự tài năng, sáng tạo, bản lãnh, dám nghĩ, dám quyết, dám làm, lọt được vào “mắt xanh” của lãnh đạo? Đại hội Đảng khóa XI, Chính phủ và Quốc hội khóa tới liệu có sàng lọc, tuyển chọn được các “hiền tài là nguyên khí của Quốc gia” để giúp cho đất nước phát triển bền vững? Các câu hỏi này xin dành cho những người có trách nhiệm đang điều hành quản lý đất nước.

TVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Đảng CSVN, quốc hội. Bookmark the permalink.