1945-1975: Tính chính thống và chủ quyền quốc gia

Quốc Phương/BBC Tiếng Việt

clip_image002

Ảnh: AFP/GETTY IMAGES – Năm nay, nhà nước Việt Nam đánh dấu 73 năm Cách mạng Tháng Tám và 2/9.

Nhân đánh dấu 73 năm cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày 2/9 ở Việt Nam năm nay, BBC Tiếng Việt giới thiệu thêm các ý kiến về một số mốc lịch sử và vấn đề tính chính thống của nhà nước đang cầm quyền, cũng như vấn đề chủ quyền ở Việt Nam.

Nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn từ Bordeaux, Pháp hôm 01/9/2018 cho rằng nếu không có vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thì ngày nay ‘không có gì bàn lại’. Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một quốc gia “mới”, chính quyền có được do “chinh phục bằng vũ lực” và “ngay cả ngày 30/4/1975 cũng vậy”.

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Phản biện Độc lập IDS (đã tự giải thể) từ Hà Nội cho rằng nếu hiểu tính chính danh hay tính chính đáng (legitimacy) theo nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố là ‘của dân, do dân, vì dân’ thì chế độ này ‘không có tính chính danh’, bởi vì người dân ‘không có quyền chính trị cơ bản nhất’ là bầu chọn ra những người cai trị mình.

Luật sư Trần Thanh Hiệp từ Paris, Pháp cho rằng ý nghĩa về mặt công nhận quốc tế ‘không thể là ý nghĩa của quốc nội’ được mà theo ông nếu trong quốc nội dân chúng ‘bị gạt ra ngoài rìa’, thì nhà nước sẽ bị coi là ‘không có tính chính đáng quốc gia’.

Theo tôi, năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có tính chính danh của nó vì đấu tranh giành độc lập, bầu cử 1946 cũng tương đối dân chủ trong bối cảnh lúc đó; đến hiệp dịnh Geneva vẫn thế, họ vẫn giữ được tính chính danh (dù chưa phải hoàn toàn) đó – Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A

Theo tôi, nếu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chứng minh được sự “liên tục quốc gia”, tức có kế thừa các nhà nước tiền nhiệm như nhà Nguyễn, thực dân Pháp, và ngay cả Việt Nam Cộng hòa… thì Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa – Nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn

Theo tôi biết thì họ có quan tâm đến tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của ĐCSVN tương tự như những ý kiến mà tôi đã nói vì tính chính danh có thể phụ thuộc vào sự chính danh do bầu cử và tính chính danh “công cụ” do thành tích – TSKH Nguyễn Quang A

Ý nghĩa về mặt quốc tế không thể là ý nghĩa của quốc nội được. Nếu mà trong quốc nội, dân chúng bị gạt ra ngoài, thì cái đó không có tính chính đáng quốc gia – Luật sư Trần Thanh Hiệp

*

Tính chính danh, nhất là chính danh của một nhà nước kể cả đối nội và đối ngoại, đều phải hiểu như một quá trình biện chứng, lúc này có, lúc khác có thể lại mất đi. Năm 1945, ĐCSVN, nhờ ẩn mình vào Mặt trận Việt minh và dưới tài lèo lái rất giỏi của Hồ Chí Minh, đã xây dựng và củng cố được một nhà nước VNDCCH mang bộ mặt chính danh của nó, được dân chúng và trí thức ủng hộ để tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp có tiếng vang trên trường quốc tế đưa đến hội nghị Genève 1954. Đó là một giai đoạn, không thể không ghi nhận.

Nhưng sau 1954, khi một Chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chỗ hữu danh vô thực trong những năm tạm gọi là phải “núp bóng” quân đội Pháp để từng bước hình thành, đến chỗ được thừa nhận kể từ sau Hội nghị Genève, lúc ông Ngô Đình Diệm đã lên làm Tổng thống, tổ chức ra một chính quyền hẳn hoi, được LHQ thừa nhận (dù cả VNDCCH và VNCH trên pháp lý chỉ là hai miền phân chia tạm), thì muốn đánh cướp lãnh thổ của nó, ĐCSVN lại phải làm những chuyện trá hình như Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam 1959, nghĩa là giở lại những đòn phép cũ thời chống Pháp. Họ tưởng rằng với mưu sâu kế hiểm ấy họ đã thắng tiếp những keo ngoạn mục, mà trong nhất thời thì thắng thật, đưa đến hòa đàm Paris 1972-1973, rồi dấn luôn đến cuộc đánh chiếm miền Nam năm 1975, thu gộp được hai miền về một mối. Đó là giai đoạn thứ hai.

Có ngờ đâu, ngủ quên trong chiến thắng, họ không dám đi đến tận cùng của sự “chính danh hóa” là tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, trả lại quyền quản lý đất nước cho dân (tất nhiên là trước đó phải thật lòng hòa giải với dân chúng một nửa nước phía Nam cái đã), còn mình cũng phải tuân thủ Hiến pháp và luật pháp để như một đơn vị nằm trong cuộc cạnh tranh công khai và công bằng đó. Còn tệ hơn thế, họ còn lợi dụng một vài điều khoản mơ hồ mà chính họ đặt ra như “quyền sở hữu toàn dân về đất đai” để cướp đoạt tài sản của dân, bần cùng hóa người dân một cách trắng trợn, không khác gì các chế độ cũ hoặc cá biệt có việc có nơi còn ghê tởm hơn cả chế độ cũ. Rút cục, tất cả những việc làm “tái ông” ấy đã trở thành một bức tranh vân cẩu. Tính chính danh, chính thống của một đảng độc nhất trở nên ngày càng ngược ngạo vô lý, thách thức lương tri dân tộc. Và đương nhiên, “cái gì hợp lý thì tồn tại, cái tồn tại là hợp lý” (Ce qui est rationnel est réel et ce qui est réel est rationnel – Hegel), còn cái gì không hợp lý thì cuối cùng sẽ phải mất đi. Trước sau, đó là lẽ trời.

Nguyễn Huệ Chi

Trước hết, trước câu hỏi liệu tính chính thống, hay tính chính danh của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay còn có vấn đề gì đáng lưu ý để bàn luận nữa hay không còn cần bàn lại hoặc bàn thêm sau 73 năm tính từ mốc Cách mạng Tháng Tám, từ Bordeaux, ông Trương Nhân Tuấn, tác giả của cuốn biên khảo ‘Biên giới Việt-trung 1885-2000′ đáp:

“Nếu không có vấn đề chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì không có gì bàn lại. Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một quốc gia “mới”, chính quyền có được do “chinh phục bằng vũ lực”. Ngay cả ngày 30/4/1975 cũng vậy, “thống nhất” bằng vũ lực, một lãnh thổ này đơn thuần sáp nhập vào một lãnh thổ khác, không có kế thừa.

“Đứng trên quan điểm này thì [nếu xử lý không cẩn thận] Hoàng Sa và Trường sẽ được coi là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trên tay của Việt Nam Cộng hòa, không dính dáng gì đến Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đồng thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa được cho là đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa qua công hàm 1958.

“Nhưng nếu vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam thì có nhiều điều cần bàn. Đó là tính chính danh trong việc “kế thừa” di sản thực dân Pháp, di sản Việt Nam Cộng hòa”.

clip_image004

Ảnh: AFP/GETTY IMAGES – Việt Minh cướp chính quyền năm 1945

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A hôm 01/9/2018 nêu quan điểm với BBC:

“Nếu hiểu tính chính danh hay tính chính đáng (legitimacy) theo nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn muốn có là của dân, do dân, vì dân, thì chế độ này của Đảng Cộng sản Việt Nam không có tính chính danh”, ông nhấn mạnh và giải thích.

“bởi vì người dân không có quyền chính trị cơ bản nhất là bầu chọn ra những người cai trị mình: dân Việt Nam đã chưa bao giờ có quyền đó và nhiều quyền chính trị và dân sự khác dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Tuy nhiên nếu hiểu theo nghĩa rộng là việc đảm bảo an ninh, việc làm,… thì có thể nói nó có tính chính đáng nhất định, nhưng tính chính đáng mang tính công cụ như vậy sẽ nhanh chóng tan biến khi kinh tế gặp khó khăn hay có biến động xã hội.

“Đảng Cộng sản muốn có tính chính danh thì đầu tiên nó phải ‘đăng ký’ với nhà nước, chấp nhận đa đảng và thúc đẩy dân chủ hoá, còn ngược lại thì tính chính danh thật đã không có và tính chính danh công cụ sẽ mau chóng tan biến với tham nhũng tràn lan, với khó khăn kinh tế… đang lù lù trước mặt”.

Chính danh và các mốc lịch sử

Trước câu hỏi có thể bình luận chi tiết như thế nào về tính chính thống của chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trải qua các mốc sự kiện như 2/9/1945, Hiệp định Geneva, Hòa đàm Paris và 30/4/1975, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn đáp:

“Việt Nam Dân chủ cộng hòa không nhìn nhận Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, xem đây là “ngụy”. Đến khi họ chịu ngồi vào bàn đàm phán bốn bên để ký kết Hiệp định Paris thì họ lại nhìn nhận “quyền tự quyết của dân tộc miền Nam”.

“Tức là mặc nhiên nhìn nhận Việt Nam Cộng hòa là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”. Bởi vì yếu tố “dân tộc tự quyết” chỉ áp dụng cho “quốc gia”. Cuối cùng họ phủ nhận nốt hiệp định Paris 1973, dùng vũ lực “thống nhất đất nước”.

“Về hiệp định Genève 1954. Khi ông Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ với Pháp 1948 [9-3-1946] thì mặc nhiên ông Hồ phủ nhận Việt Nam Dân chủ cộng hòa là “một quốc gia mới, phủ nhận di sản của phong kiến và thực dân”. Tức là Việt Nam Dân chủ cộng hòa chỉ là “một bên” của Việt Nam, bên kia là Việt Nam Cộng hòa, lúc đó là Quốc gia Việt Nam.

clip_image006

Ảnh: GETTY IMAGES – Việc thống nhất quốc gia ‘bằng bạo lực và biện pháp chiến tranh’ cũng đặt ra nhiều vấn đề về tính chính danh của chế độ và nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, theo giới phân tích và quan sát

“Vì vậy lập luận về “sự liên tục quốc gia” của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo tôi rất là phức tạp, khó thuyết phục được dư luận quốc tế. Vấn đề là Đảng CSVN đặt nền tảng trên “sức mạnh vũ lực”. Họ dùng vũ lực để giải quyết tất cả và không cần biện hộ cái gì. Bây giờ, gặp lúc Trung Quốc đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không dựa vào quốc tế, hoặc bên ngoài, chẳng hạn có người cho là dựa vào Mỹ (?), thì Việt Nam không hay khó có tư cách hay thực lực gì gì để bảo vệ chủ quyền”.

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A đưa ra quan điểm của mình:

“Theo tôi, năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có tính chính danh của nó vì đấu tranh giành độc lập, bầu cử 1946 cũng tương đối dân chủ trong bối cảnh lúc đó; đến hiệp dịnh Geneva vẫn thế họ vẫn giữ được tính chính danh (dù chưa phải hoàn toàn) đó; đến 1973 cũng thế, tuy tiến hành cuộc chiến uỷ nhiệm nhưng với sự tuyên truyền khéo léo của họ về chống ngoại xâm,… họ vẫn có tính chính đáng, nếu không thì họ đã chẳng được sự ủng hộ quốc tế và sự ủng hộ của dân trong nước như họ đã được.

“Lẽ ra sau 1975, họ phải tiến hành cải cách chính trị để có được tính ‘chính đáng thật’. Tôi tin lúc đó nếu có bầu cử dân chủ thật họ đã vẫn thắng, rất tiếc họ đã không làm vậy và kể từ đó trở đi tính chính đáng của nó sụt liên tục cho đến đầu các năm 1990, thực sự lúc đó họ mới trả lại cho dân một số quyền kinh tế mà họ gọi là “đổi mới”; trong thời kỳ “đổi mới” với sự phát triển kinh tế, tính chính đáng của họ được cải thiện và rồi lại giảm trong mấy năm qua khi tham nhũng tràn lan, và đối mặt với nhiều vấn đề xã hội trầm trọng”.

Tại sao còn đặt ra câu hỏi?

Cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc và nhiều định chế quốc tế về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, đã công nhận Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trước câu hỏi tại sao dường như vẫn còn có những ý kiến tới tận ngày hôm nay đặt câu hỏi về tính chính thống hay tính chính danh của nhà nước CHXHCN Việt Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại nước này, ông Trương Nhân Tuấn đáp:

“Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau này Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nối, đã nói là “một quốc gia mới”, quyền lực “chinh phục được” bằng vũ lực, với sự giúp đỡ tận lực của Trung Quốc và Liên Xô. Quốc gia này được sự nhìn nhận hiển nhiên của khối cộng sản.

“Cũng tương tự như Trung Quốc, đến một lúc nào đó người ta nhìn nhận “sự đã rồi”, là nhìn nhận Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở Liên Hợp Quốc, thủ tục “kế thừa” Việt Nam Cộng hòa rất đơn giản, chỉ là việc thay thế tên Việt Nam Cộng hòa bằng Cộng hòa Miền nam Việt Nam.

clip_image008

Ảnh: GETTY IMAGES – Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông liên quan tới các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang đặt ra vấn đề chính quyền và nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ xử lý ra sao và có công nhận hay không nhà nước và chế độ Việc Nam Cộng hòa trước 30/4/1975

“Nhưng tôi cũng đã nói là việc xét lại tính “chính danh” của VNDCCH và CHXHCNVN là cần thiết, trước hết vì “lịch sử”, thứ hai vì “hồ sơ pháp lý” ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước CHXHCNVN luôn nói là có chủ quyền bất khả tranh biện ở Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bằng chứng đưa ra thì không thuyết phục.

“Đơn giản vì Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đơn thuần là “quốc gia mới”, không kế thừa Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng với tư cách người Việt Nam có hiểu biết, tôi nghĩ mình cần phải đặt lại vấn đề, thuyết phục nhà nước Cộng sản Việt Nam kế thừa danh nghĩa Việt Nam Cộng hòa để thiết lập tính “liên tục quốc gia” bổ túc cho hồ sơ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A về phần mình nêu quan điểm:

“Các tổ chức quốc tế và các định chế quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, UNESCO v.v… có nhiều thành viên còn tồi tệ hơn Việt Nam nhiều, về mọi mặt; chuyện tính chính danh và sự công nhận quốc tế cũng như tham gia vào các định chế quốc tế có liên quan đến nhau nhưng không có nghĩa là ‘không có tính chính danh thật’ hay chỉ có tính chính danh công cụ thì không được công nhận.

“Tính chính danh chúng ta đang bàn ở đây là tính chính danh của kẻ cai trị đối với những người bị trị, tức là của ĐCSVN và nhân dân Việt Nam, chứ không phải trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia với nhau. Tất nhiên trong quan hệ quốc tế như vậy Nhà nước CHXHCN Việt Nam có tính chính danh “đối ngoại” của nó đối với các nước khác và các định chế quốc tế”.

Quốc tế có quan tâm?

Trước câu hỏi các giới nghiên cứu, quan sát và phân tích khu vực, quốc tế có sự quan tâm ra sao về vấn đề tính chính thống, tính chính danh của chế độ và nhà nước CSVN hiện đã và đang cầm quyền nhiều thập niên qua và nếu có thì khía cạnh nào được quan tâm, cùng lý do ra sao, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn đáp:

clip_image010

Ảnh: BBC NEWS TIẾNG VIỆT – Luật sư Trần Thanh Hiệp (trái) nêu quan điểm về tính chính thống hay tính chính danh của chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo kể từ Cách mạng tháng Tám đến nay.

“Hiện nay không ai quan tâm đến tính “chính thống, chính danh” của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ có chúng ta đặt ra vì quyền lợi của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ.

“Theo tôi, nếu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không chứng minh được sự “liên tục quốc gia”, tức có kế thừa các nhà nước tiền nhiệm như nhà Nguyễn, thực dân Pháp, và ngay cả Việt Nam Cộng hòa… thì Việt Nam sẽ mất vĩnh viễn danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

“Việt Nam chỉ có thể [buộc phải] giải quyết bằng sức mạnh hay thuơng thuyết với Trung Quốc. Nhưng không thể giải quyết bằng pháp lý.

“Mà không giải quyết bằng pháp lý, Việt Nam là một nước nhỏ, yếu so với Trung Quốc, chắc chắc Việt Nam sẽ bị nhiều thiệt hại”.

Còn Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A bình luận:

“Theo tôi biết thì họ có quan tâm đến tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của ĐCSVN tương tự như những ý kiến mà tôi đã nói vì tính chính danh có thể phụ thuộc vào sự chính danh do bầu cử và tính chính danh “công cụ” do thành tích, chẳng hạn an ninh, phát triển kinh tế, thành công ngoại giao, v.v… mang lại.

“Họ quan tâm đến cả hai hay nhiều khía cạnh của tính chính danh”.

Trong một trao đổi gần đây với BBC Tiếng Việt từ Paris hôm 29/8/2018, cựu Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn và Tòa Thượng thẩm Paris, ông Trần Thanh Hiệp đưa ra một số bình luận về tính chính thống, hay tính chính danh liên quan tới chế độ và nhà nước cộng sản Việt Nam đang cầm quyền lâu nay ở Việt Nam, ông nhận xét:

“Ý nghĩa về mặt quốc tế không thể là ý nghĩa của quốc nội được. Nếu mà trong quốc nội, dân chúng bị gạt ra ngoài, thì cái đó không có tính chính đáng quốc gia. Mà không có tính chính đáng quốc gia, thì dù rằng quốc tế có nhìn nhận, thì quốc tế cũng chỉ ở mặt quốc tế của quốc gia mà thôi, chứ quốc tế không thay mặt dân chúng quốc gia để mà công nhận có tính chính đáng của quốc nội, nếu dân chúng không được tham gia vào việc quản trị đất nước”.

Nhìn lại cả một giai đoạn với các dấu mốc lịch sử giữa 1945-1975 với Việt Nam, ông nói tiếp: “Đảng Cộng sản Việt Nam khi cướp chính quyền (1945) thì giữ luôn chính quyền cho riêng mình và giành lấy độc quyền, rồi từ đó đến nay mở ra đường lối toàn trị. Thành ra Đảng Cộng sản tự cho mình quyền thay dân chúng để sử dụng chủ quyền quốc gia.

“Vì thế cho nên không thể nào coi là có tính chính đáng hay là theo từ ngữ cũ gọi là tính chính thống (legitimacy). Tôi cho rằng Đảng Cộng sản tự phong cho mình quyền thay dân chúng, chứ không trả lại cho dân chúng để bình thường hóa việc cướp chính quyền”.

“Cho đến năm 1975 cũng vẫn không trả lại cho dân chúng để bình thường hóa việc cho dân chúng tham gia vào việc quản trị đất nước, thì đó chỉ là mở rộng phạm vi chính quyền đã cướp được để cho chính quyền đó có tính chất cả nước, chứ không thể gọi là thống nhất, mà cũng không thể gọi là giải phóng được”, Luật sư Trần Thanh Hiệp nêu quan điểm với BBC.

Q.P.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45387576

This entry was posted in Tính chính danh của nhà nước cộng sản. Bookmark the permalink.