Mai Hưng dịch
TQ mở rộng tầm với tới châu Mỹ Latinh
Một ăng-ten chảo khổng lồ nhô lên trên bề mặt sa mạc như một dị vật, một tháp kim loại lấp lánh vươn cao 16 tầng bên trên một dải đất lộng gió bất tận của vùng Patagonia.
Một thiết bị nặng 450 tấn, với một cái ăng-ten chảo của nó bao quát cả một vùng trời bao la, là bộ phận quan trọng nhất của một trạm kiểm soát các vệ tinh và các chuyến bay vũ trụ trị giá 50 triệu đô la được xây dựng bởi quân đội Trung Quốc.
Trạm rada biệt lập này là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của Bắc Kinh nhằm biến đổi Mỹ Latinh và định hình khu vực này trong thời gian tới – thường theo những cách thức làm suy yếu quyền lực chính trị, kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trung Quốc, với sự giúp đỡ của Argentina, đang nỗ lực để khám phá vùng tối của mặt trăng. Một vệ tinh đã được phóng từ Trung Quốc vào tháng Năm để hỗ trợ cho nỗ lực này. Ảnh: Getty Images
Trạm này bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 3, đóng một vai trò then chốt trong công cuộc thám hiểm táo bạo của Trung Quốc đối với vùng tối của Mặt trăng – một nỗ lực mà các quan chức Argentina cho biết là họ rất ủng hộ.
Nhưng cái cách thức mà trạm này được thương lượng – một cách bí mật, tại thời điểm khi mà Achentina thiếu hụt các khoản đầu tư một cách trầm trọng – và những mối lo ngại rằng nó có thể hỗ trợ khả năng thu thập các tin tức tình báo của Trung Quốc ở Tây bán cầu đã gây ra một cuộc tranh luận ở Argentina về những rủi ro và lợi ích của việc (Argentina) bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Ông R. Evan Ellis, Giáo sư của cơ quan nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Học viện Chiến tranh của Quân đội Hoa Kỳ cho biết: “Bắc Kinh đã làm biến đổi khu vực, từ các chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo và doanh nhân, cấu trúc các ngành kinh tế, nội dung của đời sống chính trị và thậm chí các hoạt động an ninh của khu vực”.
Phần lớn thập kỷ qua, Hoa Kỳ không mấy chú ý đến sân sau của mình. Thay vào đó, nước này tuyên bố xoay trục về Á châu, hy vọng sẽ tăng cường các mối quan hệ kinh tế, quân sự và ngoại giao với các nước châu Á như là một phần trong chiến lược của chính quyền Obama nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Từ khi nhậm chức, chính quyền Trump đã từ bỏ cách tiếp cận đó, tránh một hiệp ước thương mại tự do với các quốc gia Thái Bình Dương (TPP), khởi động một cuộc chiến thương mại toàn cầu và ca thán về gánh nặng liên quan đến cam kết an ninh của Washington đối với các đồng minh thân cận nhất ở châu Á và các khu vực khác của thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành một kế hoạch sâu rộng của riêng mình trên khắp châu Mỹ Latinh. Bắc Kinh đã mở rộng thương mại, ra tay hỗ trợ các chính phủ, xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, tăng cường các mối quan hệ quân sự và đầu tư những khoản tiền lớn vào các nguồn lực, cột chặt số phận của một số quốc gia trong khu vực vào số phận của chính mình [Trung Quốc].
Trung Quốc đã bộc lộ một cách khá rõ ràng những ý định của mình ngay từ năm 2008. Trong một nghiên cứu chính sách đầu tiên đề cập đến vấn đề này, theo đó – Bắc Kinh cho rằng các quốc gia ở châu Mỹ Latinh “đang ở giai đoạn phát triển tương đồng” với Trung Quốc, và cả hai phía đều sẽ thu được nhiều lợi ích.
Các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Mỹ – Latinh là những người thể hiện sự hồ hởi. Mối ưu tiên đối với khu vực Mỹ Latinh mà Washington coi là điều hiển nhiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nay bị thách thức bởi trục Tổng thống cánh tả – những người cai quản phần lớn khu vực – bao gồm Brazil, Argentina, Venezuela, Ecuador, Uruguay và Bolivia – và họ mong muốn một khu vực có nhiều tự trị hơn.
Sự mời gọi của Bắc Kinh diễn ra vào một thời điểm ngẫu nhiên: đúng vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Sự đói khát kinh niên của Trung Quốc đối với dầu mỏ, quặng sắt, đậu tương và quặng đồng của khu vực này đã kết thúc bằng sự giải cứu châu Mỹ Latinh khỏi những những điều tồi tệ nhất.
Lối vào khu vực Trung Quốc ở Buenos Aires. Ảnh: NYT
Sau đó, khi giá dầu và các mặt hàng khác giảm mạnh trong năm 2011, một số quốc gia trong khu vực đột nhiên cảm thấy bị tác động tiêu cực. Một lần nữa, Trung Quốc lại đến giải cứu cho họ với các thỏa thuận gây kinh ngạc, và điều này đã tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của Bắc Kinh ở châu Mỹ Latinh trong nhiều thập kỷ.
Ngay cả với một số quốc gia của châu Mỹ Latinh mà những năm gần đây về mặt chính trị hiện đang chuyển dịch sang phía tả, các nhà lãnh đạo của họ cũng đã điều chỉnh chính sách để đáp ứng các đòi hỏi của Trung Quốc. Sự thống trị của Bắc Kinh ở phần lớn khu vực cũng đồng nghĩa với sự suy yếu của vị thế của nước Mỹ một cách sắc nét.
Diego Guelar, Đại sứ của Argentina tại Trung Quốc, nói: “Đó là một sự đã rồi”.
Ngay từ năm 2013, ông đã xuất bản một cuốn sách với nhan đề gióng lên hồi chuông báo động: “Một cuộc xâm lược thầm lặng: cuộc đổ bộ của người Trung Quốc vào Nam Mỹ”.
Thương mại giữa Trung Quốc và các nước ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean đạt 244 tỷ đô la năm ngoái, gấp hơn hai lần so với thập kỷ trước đó, theo Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston. Từ năm 2015, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ. Bắc Kinh cũng đã chi hàng chục tỷ đô la cho các khoản vay mua hàng hóa trên khắp châu Mỹ.
Trung Quốc cũng không vắng mặt trong các phiên vụ giải cứu chính phủ và các công ty quan trọng do nhà nước kiểm soát ở các nước như Venezuela và Brazil, sẵn sàng đặt cược lớn để đảm bảo vị thế của mình trong khu vực.
Tại Argentina, một quốc gia từng đã bị đóng cửa thị trường tín dụng quốc tế vì mất khả năng chi trả khoản nợ trị giá 100 tỷ đô la, Trung Quốc đã trở thành một vị thần cho Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner.
Và trong khi mở rộng vòng tay giúp đỡ, Trung Quốc cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật liên quan đến trạm kiểm soát vệ tinh và không gian tại Patagonia.
Frank A. Rose , trợ lý Bộ trưởng trong chính quyền Obama, cho biết ông đã dành nhiều thời gian của mình với những động thái của Trung Quốc về không gian.
“Họ đang triển khai để đạt lợi thế quân sự với Mỹ”, ông Rose nói.
Trung Quốc tất nhiên không thể độc tôn không gian như một địa bàn quan trọng trong cuộc chiến tranh trong tương lai. Tháng trước, chính quyền Trump cũng tuyên bố bắt đầu nhảy vào khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh của trạm vũ trụ của Trung Quốc ở Argentina. Ảnh: Google Earth
Trở lại vấn đề, Ăng-ten và các thiết bị khác hỗ trợ các nhiệm vụ không gian, giống như loại Trung Quốc hiện có ở Patagonia, có thể làm tăng khả năng thu thập tình báo của Trung Quốc, các chuyên gia nói.
“Ăng-ten khổng lồ giống như một máy hút bụi khổng lồ”, Dean Cheng, một nghiên cứu viên, chuyên nghiên chính sách an ninh quốc gia của Trung Quốc cho biết. “Nó hút tín hiệu, dữ liệu, tất cả mọi thứ”.
Trung tá Christopher Logan, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết các quan chức quân đội Mỹ đang đánh giá những tác động của trạm quan trắc Trung Quốc. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc từ chối yêu cầu phỏng vấn về căn cứ và chương trình không gian của họ.
Cùng lúc đó, một số nhà lãnh đạo ở Mỹ Latinh hiện thời đang dấy lên nghi ngờ lẫn hối hận về mối quan hệ giữa họ với Bắc Kinh. Họ cho rằng, chính phủ trước đây đã gây gánh nặng quốc gia khi vay các khoản nợ không lồ, và đồng nghĩa là trao hết tương lai (đất nước) cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Guelar lập luận rằng việc đánh chặn sự tham gia của Trung Quốc là thiển cận, đặc biệt là vào thời điểm Washington từ bỏ vai trò lâu dài của mình như là khu neo đậu chính trị và kinh tế của khu vực.
“Đã có một sự thoái vị” của lãnh đạo Hoa Kỳ, ông nói. “Washington từ bỏ vai trò đó không phải vì nó mất nó, nhưng bởi vì họ không muốn tiếp tục.”
‘Cửa sổ cho thế giới’
Chính phủ Argentina đang trong tình trạng khủng hoảng năm 2009. Lạm phát cao. Hàng tỷ đô la trong các khoản thanh toán nợ đến hạn. Cơn giận dữ của dân chúng bao trùm lên chính phủ, bao gồm cả quyết định quốc hữu hóa 30 tỷ đô la trong các quỹ hưu trí . Và hạn hán tồi tệ nhất trong năm thập kỷ đã làm cho tình hình kinh tế ảm đạm hơn .
Bắc Kinh nắm lấy cơ hội đó, đầu tiên nước này ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 10,2 tỷ đô la giúp ổn định đồng peso của Argentina, và sau đó hứa sẽ đầu tư 10 tỷ đô la để sửa chữa hệ thống đường sắt đổ nát của quốc gia Nam Mỹ này.
Trung Quốc cũng không quên cử một nhóm đến Argentina, một biểu hiện: tham vọng của Bắc Kinh trong không gian.
Người Trung Quốc muốn có một trung tâm theo dõi vệ tinh ở phía bên kia của trái đất trước khi phóng một chuyến thám hiểm đến vùng tối của mặt trăng. Đây sẽ là cột mốc khám phá không gian của nước này, mở đường cho việc khai thác heli 3, nguồn năng lượng mà một số nhà khoa học tin rằng có tính cách mạng.
Félix Clementino Menicocci, Thư ký Ủy ban hoạt động Không gian quốc gia của Argentina, một cơ quan chính phủ, cho biết người Trung Quốc đã ném về các quan chức lời hứa về phát triển kinh tế và triển vọng tạo nên lịch sử.
“Họ đã trở thành những người chơi chính trong không gian trong một vài năm”, ông Menicocci nói về chương trình không gian của Trung Quốc.
Sau nhiều tháng đàm phán bí mật, tỉnh Neuquén và Chính phủ Trung Quốc đã ký một thỏa thuận vào tháng 11 năm 2012, cho Trung Quốc quyền được miễn tiền thuê đất – trong 50 năm.
Betty Kreitman, một nhà lập pháp ở Neuquén vào thời điểm đó, cho biết bà cảm thấy xúc phạm khi quân đội Trung Quốc được phép thiết lập một căn cứ trên đất Argentina.
“Trao đổi chủ quyền là đáng xấu hổ”, bà Kreitman nói.
“Đây là một cửa sổ thế giới,” cô nhớ lại giám sát viên của Trung Quốc nói. “Nó khiến tôi lạnh run. Bạn làm gì với một cửa sổ với thế giới? Một gián điệp trên thực tế”.
Tăng trưởng nhanh, và sau đó nguy hiểm
Tài liệu chính sách của Trung Quốc về Mỹ Latinh năm 2008 đã hứa với các chính phủ trong khu vực là sẽ “đối xử với nhau bình đẳng”, một tham chiếu rõ ràng về mối quan hệ bất đối xứng giữa Hoa Kỳ và các nước láng giềng ở bán cầu.
“Mối quan hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ giảm đi, và tăng lên với Trung Quốc”, cựu Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff cho hay.
Quan hệ với chính quyền Obama giống như bị kiểm soát, bởi một nguồn tin cho biết, Hoa Kỳ đã theo dõi bà, và các hoạt động của đất nước này. Trung Quốc thì không như vậy.
Liên minh mới đã được đền đáp, Mỹ Latinh đạt tốc độ tăng trưởng mà châu Âu và Hoa Kỳ ghen tị.
Lily Huang, 28 tuổi, đến từ Trung Quốc, làm việc tại siêu thị Argen-Chino tại thị trấn Las Lajas, khoảng 37 dặm về phía nam của trạm vũ trụ của Trung Quốc tại Argentina. Ảnh: NYT
“Châu Mỹ Latinh trúng số với Trung Quốc”, Kevin P. Gallagher, một nhà kinh tế học tại Đại học Boston cho biết. “Nó đã giúp khu vực có sự tăng trưởng lớn nhất từ những năm 1970”.
Tuy nhiên, ông Gallagher cho biết, tiền thưởng đi liền với nguy hiểm. Các ngành công nghiệp như nông nghiệp và khai thác mỏ phải gánh các chu kỳ bùng nổ và giá bán của hàng hóa, điều này khiến họ phải dựa vào chúng quá nhiều so với một canh bạc lớn trong dài hạn.
Chắc chắn, giá cả hàng hóa toàn cầu cuối cùng cũng giảm. Vào tháng 7 năm 2014, trong một hội nghị kinh tế của của chính phủ cánh tả, Trung Quốc đánh tín hiệu liên quan đến kế hoạch đầy tham vọng cho khu vực. Tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Brazil, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo rằng Bắc Kinh mong muốn gia tăng thương mại hàng năm với khu vực lên 500 tỷ đô la trong vòng một thập kỷ.
Chẳng mấy chốc, Trung Quốc đã bước một bước khiến cho Lầu Năm Góc giật mình. Vào tháng 10 năm 2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức họp với các quan chức đến từ 11 quốc gia ở Mỹ Latinh với chủ đề “Tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác để giành chiến thắng”.
Cuộc họp được xây dựng trên mối quan hệ mà Trung Quốc đã thực hiện với quân đội ở Mỹ Latinh, bao gồm việc quyên góp trang thiết bị cho quân đội Colombia, đối tác gần nhất của Washington trong khu vực.
Trước đó, vay mượn về cách thể hiện quyền lực của Hoa Kỳ, Bắc Kinh cũng đã đã tổ chức các cuộc tập trận chung, bao gồm thực hiện nhiệm vụ hải quân ngoài khơi bờ biển Brazil năm 2013 và bờ biển Chile năm 2014. Bắc Kinh cũng đã mời một số lượng lớn cán bộ công nhân viên từ châu Mỹ Latin để đến Trung Quốc để phát triển nghề nghiệp.
Trung Quốc cũng mở đường dây bán thiết bị quân sự ở Mỹ Latinh, vốn từ lâu coi ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ là tiêu chuẩn vàng, theo lời ông Ellis, học giả trường Đại học War.
Venezuela đã chi hàng trăm triệu đô-la mua vũ khí của Trung Quốc trong những năm gần đây. Bolivia đã mua hàng chục triệu đô la giá trị vào máy bay Trung Quốc. Argentina và Peru cũng ký những giao dịch nhỏ hơn.
Ông Ellis nói người Trung Quốc có thể theo đuổi các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh, và mắt hướng tới bất kỳ cuộc đối đầu có thể xảy ra với Hoa Kỳ.
“Trung Quốc đang định vị chính nó trong một thế giới an toàn gắn với sự nổi lên của Trung Quốc”, ông nói. “Nếu bạn đang nói về thế giới năm 2049, từ quan điểm của Mỹ Latinh, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt qua Hoa Kỳ về sức mạnh và quy mô tuyệt đối. Thành thật mà nói, nếu xảy ra vấn đề xung đột kéo dài, bạn không thể phủ nhận khả năng của các lực lượng Trung Quốc hoạt động từ các căn cứ trong khu vực”.
Chỉ vài tuần sau khi trạm vũ trụ bắt đầu hoạt động ở Patagonia, Hoa Kỳ đã bắt đầu hoạt động lại ở Argentina.
Lầu Năm Góc tài trợ một trung tâm ứng phó khẩn cấp trị giá 1,3 triệu đô la ở Neuquén – nơi đang đặt cơ sở không gian của Trung Quốc, và là dự án đầu tiên của Mỹ ở Argentina. Các quan chức và cư dân địa phương tự hỏi liệu động thái này có phải là một phản ứng tích cực đối với sự hiện diện mới của Trung Quốc ở vùng xa xôi hẻo lánh này.
Các quan chức Mỹ nói rằng dự án không liên quan đến trạm vũ trụ, và trung tâm sẽ chỉ có nhân viên của Argentina.
Không cần cho ‘quyền lực hoàng gia’ mới
Các chuyên gia Mỹ Latinh thời chính quyền Obama đã theo dõi sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực một cách thận trọng. Tuy nhiên, chính quyền này ít công khai về điều đó.Bên cạnh đó, cựu quan chức nói rằng, Washington lúc đấy không có nhiều người phản đối.
Trong khi Tổng thống Barack Obama được hoan nghênh khi khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba vào cuối năm 2014, chương trình nghị sự của Washington không bao giờ ngừng bị chi phối bởi hai vấn đề nổi bật ở Mỹ Latinh: cuộc chiến về ma túy và nhập cư bất hợp pháp.
Trong khi chính quyền Trump vẫn chưa nêu rõ một chính sách rõ ràng cho bán cầu, mặc dù Hoa Kỳ đã cảnh báo các nước láng giềng rằng không quá thân với Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Rex W. Tillerson công khai cảnh báo rằng Mỹ Latinh không cần “quyền lực hoàng gia” mới, và thêm rằng Trung Quốc “đang sử dụng yếu tố kinh tế để đưa khu vực vào quỹ đạo của nó; câu hỏi đặt ra là, ở mức giá nào?”.
Câu hỏi đó đang được tranh luận mạnh mẽ ở một số góc độ. Cựu Tổng thống Rafael Correa của Ecuador bị điều tra vào tháng Hai như là một phần của cuộc điều tra hứa hẹn dự trữ dầu thô cho Bắc Kinh, gây tổn hại đến quốc gia.
Trạm Ăng-ten trị giá 50 triệu đô la do quân đội Trung Quốc xây dựng. Ảnh: NYT
Tại Bolivia, cũng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp đã phá sản khi các sản phẩm Trung Quốc rẻ và đa dạng tràn ngập.
Samuel Doria Medina, một doanh nhân và chính trị gia Bolivia, người từng nhiều lần thất bại trong tranh cử Tổng thống cho hay.
“Sự phụ thuộc tài chính, thương mại và cuối cùng, chính trị của chúng tôi vẫn tiếp tục gia tăng”, ông Doria nói. Bolivia và một số nhà lãnh đạo cánh tả khác đã gắn liền với Trung Quốc, ông cảnh báo, họ đã “thế chấp tương lai” của chính quốc gia của họ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đã không giảm đi. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã thuyết phục Panama và Cộng hòa Dominica cắt đứt quan hệ với Đài Loan, những chiến thắng đáng chú ý trong một trong thực thi chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Nhà phân tích của Trung Quốc cho biết chính quyền Trump giãn khoảng cách với Chính phủ Mỹ Latinh bằng cách áp dụng các chính sách nhập cư khắc nghiệt và theo đuổi chiến thuật bóng chày về thương mại.
Jorge Arbache, Thư ký cho các vấn đề quốc tế tại Bộ Kế hoạch của Brazil, nói, sự “thiếu khả năng dự đoán” của Washington đã ngăn cản một quan hệ đối tác tham vọng hơn, trong khi Trung Quốc rõ ràng hơn về tầm nhìn của nó.
“Mọi người mong đợi Trung Quốc trở nên có ảnh hưởng hơn nữa”, ông Arbache nói.
‘Người ta sợ’
Ngay sau khi được bổ nhiệm làm đại sứ của Argentina tại Trung Quốc vào cuối năm 2015, ông Guelar cho biết, ông đã tự ép mình cho một nhiệm vụ khó khăn: đẩy mạnh đàm phán lại thỏa thuận trạm vũ trụ.
Chính phủ cũ, ông nói, đã cho đi quá nhiều, và đã tự cho rằng, căn cứ có thể được sử dụng chỉ cho mục đích hòa bình.
“Nó rất nghiêm trọng,” anh nói. “Bất cứ lúc nào nó có thể trở thành một căn cứ quân sự”.
Bajada del Agrio, thị trấn gần nhất với nhà ga, nơi cư dân nói về sự hiện diện của Trung Quốc với sự hoang mang và lo sợ.
Một nhóm công nhân tại một khu dân cư ở Bajada del Agrio, thị trấn gần nhất với trạm không gian. “Mọi người xem nó như là một căn cứ quân sự,” một người địa phương nói. Ảnh: NYT
“Mọi người xem nó như một căn cứ quân sự,” Jara María Albertina, người quản lý tại đài phát thanh địa phương nói. “Mọi người sợ”.
Thị trưởng Ricardo Fabián Esparza nói rằng người Trung Quốc thân thiện và thậm chí còn mời ông xem những hình ảnh mà ăng-ten tạo ra. Nhưng ông cảm thấy sợ hãi hơn, so với hy vọng.
“Từ kính viễn vọng đó, họ có thể thậm chí còn nhìn thấy đồ lót bạn đang mặc,” ông nói.
Hoa Kỳ là một trong yếu tố được quan tâm nhất, ông nói. Các cơ sở, ông nói, là một “mắt nhìn về phía đất nước đó”.
M.H.
VNTB gửi BVN