Ánh Liên
Trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt nam vào sáng ngày 25.07, TBT Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu: ‘Người nghệ sĩ phải bám sát, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống’.
Mũi nhọn trong nhiều lĩnh vực như: cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng.
Thực sự đây là một phát biểu chỉ đạo mang tính trừu tượng khi mà ‘mũi nhọn của cuộc sống’ chưa được xác định và làm rõ, nó là cái gì, nó ở đâu, và nó như thế nào? Thậm chí, bản chất của khái niệm mũi nhọn cuộc sống mang tính tiêu cực hay tích cực cũng không hề được làm rõ.
Đáng lý ra, trong bài phát biểu liên quan đến 70 năm Hội văn học nghệ thuật, là một Giáo sư xây dựng Đảng, TBT Nguyễn Phú Trọng có thể sử dụng cụm từ mang tính truyền thống và dễ hiểu hơn là: “xây dựng đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên”. Yếu tố này đã từng theo đuổi, bám sát lớp nghệ sĩ Việt từ trong chiến tranh cho đến khi hòa bình, và nhiều nghệ sĩ đã phải vỡ mộng trước hiện thực khách quan.
Văn nghệ sĩ Việt nam như rối nước đẩy tính ‘cô đơn’. Ảnh minh họa.
Hoặc không, Ngài TBT có thể đề xuất một cách táo bạo là ‘trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng’ với nòng cốt là đẩy mạnh sự sáng tạo nghệ thuật và tự do trong nghệ thuật lên trên hết. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của người đứng đầu ĐCSVN lại thiếu vắng điều này, trong khi đó, lại nhắc đi nhắc lại mặt trận cách mạng của giới văn nghệ sĩ, bản thân mặt trận này chứa đựng những cây bút sắc bén để đấu tranh chống lại những ai phản đối Đảng. Nó khiến người viết nghĩ ngay đến cây bút Hồng Cương, người từng có bài phê phán trực diện Nhân văn – Giai phẩm – một phong trào đòi hỏi đổi mới văn nghệ và cởi trói văn nghệ: Hạ được tập thơ Việt Bắc và hạ được Tố Hữu xuống là hạ được cả giá trị văn nghệ kháng chiến xuống và hạ được sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng và Chính phủ xuống.
Sở dĩ phải đặt ra những ‘kỳ vọng’ mang tính lớn lao đối với phát biểu của Ngài TBT như vậy bởi chính vì nền văn học Việt nam hiện nay xô bồ, nghệch ngạc, cô đơn, bất lực và bị xé lẻ. Nó trở thành một mớ lộn xộn vì thiếu đi tính tự do trong sáng tác, sự cảm nhận và trách nhiệm để tự do sáng tác. Nói như tác giả Phan Huy Đường trong tác phẩm ‘Vẫy gọi nhau làm người’ thì nền văn học – nghệ thuật Việt nam chưa thực sự làm tốt được ‘nghề làm người’, trong địa vực này, giới văn nghệ sĩ đã bị chế độ quản lý chia rẽ, cô lập, biến thành ‘loại thú cô đơn, khinh nhau, nghi nhau, rình mò nhau, hại nhau trong bóng tối’.
Tính đến nay, vẫn chưa có một bài phát biểu hay một đề cương đủ lớn để giúp vực dậy nền văn học – nghệ thuật trong nước, kể cả khi nhà nước tìm lại sự giúp đỡ của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Lý do giản đơn, vì tính sáng tạo và tự chủ về sáng tạo không hề được khuyến khích, nên giới văn nghệ sĩ tìm lại lối mòn hoặc những con đường dễ dãi để hiện thực lối mòn. Đòi hỏi nền văn học – nghệ thuật nước nhà phải ‘khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn’ trở thành nhiệm vụ cực kỳ nan giải dành cho số đông văn nghệ sĩ.
Tiếp đó, trong bài phát biểu, Ngài TBT nhấn mạnh ‘Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh’. Đây là một nghệ thuật tu từ – đảo nghĩa, biến cái hiển nhiên khi lập luận thành không có, và ủy thác sự định hướng, chỉ đạo này trở thành sứ mệnh của chính nền văn học – nghệ thuật nước nhà. Câu nói dẫn ra nêu trên vừa là sự khuyến dụ, nhưng vừa tạo ra sự răn đe mang tính thực tế đối với giới văn nghệ sĩ. Bởi sự phát triển của đường lối văn học – nghệ thuật ngày hôm nay đang rơi vào trạng thái bít lối, bởi nó không có vùng cấm, nhưng nó luôn có barrie giới hạn do Đảng tự vạch ra. Giới hạn này không chỉ khiến cho giới văn nghệ sĩ tù túng trong không gian sáng tạo, mà còn o ép họ vào những chủ đề được chỉ định. Hằng năm, các hội thi thơ – văn hoặc đợt tuyên truyền luôn bị định hướng bởi ban tuyên giáo; các website mạc sát – xúc phạm nhân phẩm, danh dự của những người bất đồng chính kiến như trang phụ san Văn nghệ Tp.HCM vẫn tồn tại; nhóm vận động Văn việt thì luôn bị phản ứng, lên án và bị áp đặt bằng danh ngữ ‘phản động’; những người tham gia đổi mới văn như Bùi Chát thì bị gặp vấn đề an ninh; những tác phẩm như tập thơ Trần Dần vừa xuất bị đã bị phát cơ quan an ninh tuýt còi…
Những sự kiện thực tế về tự do và sáng tạo theo cung cách mà Đảng vạch ra khiến giới văn nghệ sĩ sợ hãi và một số đã đi vào con đường sáng tác mà nơi ‘sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình’. Các tác phẩm thì rơi vào trạng thái ‘giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người’.
Trong một góc nhìn đầy đủ, thì chính cung cách quản lý không gian méo mó từ Đảng, những gánh nặng chính trị hẹp hòi (luôn nhấn mạnh tôn vinh sự nghiệp vinh quang và đời đời của đảng) đã tạo ra sự dặt dẹo của nền văn học – nghệ thuật, và giờ đây, Đảng phê phán nó – mặc định nó như một sản phẩm của quá trình thị trường hay tác động tiêu cực của đời sống xa rời ‘kim chỉ nam’ của Đảng.
A.L.
VNTB gửi BVN