Trúc Giang
Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) xuất thân là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, chia sẻ rằng ông đang quá ngao ngán một đất nước mà quá nhiều người giả dối, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo. Sẽ chẳng ai còn tin ai nữa. Sẽ đến lúc loạn lạc, chia tay – vì đã lừa dối nhau…
iPhone X giá 2 triệu đồng và sự đồng lõa
Luật sư Trần Hồng Phong dẫn câu chuyện chiếc điện thoại iPhone X hiện bày bán khá nhiều ở Sài Gòn với giá rẻ đến bất ngờ: 2 triệu đồng, tức chưa tới 100 Mỹ kim.
“Dĩ nhiên đó là hàng Tàu!” – luật sư Trần Hồng Phong nói tiếp, ngoại trừ vẻ bề ngoài giống y chang, đây hoàn toàn không phải là chiếc iPhone X – cả về phương diện phần cứng lẫn phần mềm. Chiếc iPhone Trung Quốc hoàn toàn không có những tính năng cơ bản và tuyệt vời của chiếc iPhone X chính hãng.
“Nếu chúng ta tiếp tay cho những loại hàng hóa sản xuất theo kiểu xấu xa như thế này, theo tôi, tức là chúng ta đồng lõa với sự giả dối, hành vi ăn cắp, tiêu thụ hàng gian. Chúng ta tiếp tay cho sự thiếu công bằng, thiếu tự trọng và thiếu trong sáng, đàng hoàng. Đây cũng chính là một trong những lý do vì sao Tổng thống Trump lên án Trung Quốc ăn cắp Mỹ về sở hữu trí tuệ và khai mào cuộc chiến tranh thương mại hiện nay.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, trong kinh doanh cũng có không ít trường hợp tương tự. Ví dụ như bán chiếc cà vạt nói là hàng Việt Nam, Hàn Quốc… nhưng thực chất là hàng do Trung Quốc sản xuất.
Nhìn rộng hơn, đáng buồn là xã hội Việt Nam chúng ta đang sống trong sự ngập tràn của trào lưu giả dối, đạo đức giả. Không chỉ là trong chuyện kinh doanh mua bán hàng hóa, mà giả dối đã lan sang tất cả mọi khía cạnh: trong học tập như sửa điểm thi trơ trẽn, bằng cấp (bằng giả, học dỏm), cho đến đạo đức, thậm chí là trong lĩnh vực chính trị – chẳng hạn là quan tham nhũng, mà viết sách hô hào chống suy thoái tư tưởng, kiến thức (lỗi thời, lạc hậu hàng thế kỷ, không cập nhật thực tế, tiến bộ khoa học kỹ thuật, văn minh nhân loại)…
Nguồn gốc, nguyên căn của trào lưu giả dối này từ đâu và do ai? Thiết nghĩ chúng ta đều đã hiểu và ngao ngán. Than ôi, một đất nước mà quá nhiều người giả dối, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo, thì sẽ chẳng ai còn tin ai nữa. Sẽ đến lúc loạn lạc, chia tay – vì đã lừa dối nhau”. Luật sư Trần Hồng Phong quan sát trong nỗi niềm chua chát.
Dùng quyền lực chính trị để làm kinh tế?
“Sự giả dối ấy đang được nhân danh bằng những mỹ từ về sự cao đẹp của người cộng sản!”. Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) tiếp lời đồng nghiệp Trần Hồng Phong.
Ls Trần Thành nói rằng Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã nhập nhằng giữa pháp luật về đất đai quốc gia với các quy tắc nội bộ của Đảng Cộng sản, lúc ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu “sai phạm ‘đất Phước Kiển’ là do chưa làm tốt quy trình quản lý kinh tế Đảng” tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức hôm 23-7.
“Đảng có kiểm soát nổi kinh tế thị trường? Tôi từng được nghe câu hỏi đó của PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách và Phát triển, một cơ sở giáo dục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi ấy, ông Phạm Quý Thọ chia sẻ rằng cần loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế, và thị trường phải được giải phóng khỏi quyền lực cưỡng chế đó. Điều này cho phép sức mạnh kinh tế trở thành thứ kiểm soát quyền lực chính trị, hơn là sự củng cố cho chính nó…”. Luật sư Trần Thành nói.
Là chuyên gia về lãnh vực tư vấn thương mại quốc tế, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM), nghĩ rằng cách đánh giá vấn đề của ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cho thấy pháp nhân kinh doanh của Thành ủy hoạt động không theo luật pháp chung của quốc gia, mà theo luật riêng của nội bộ Đảng. Điều đó dễ đưa đến sự bao biện và giả dối khi biện minh sai phạm như kiểu “do chưa làm tốt quy trình quản lý kinh tế Đảng”.
“Nếu theo điều lệ của Công ty Tân Thuận, việc chuyển nhượng 32,4 ha đất này thuộc thẩm quyền quyết định của chủ sở hữu – tức Văn phòng Thành ủy thì phải có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền của Thành ủy TP.HCM. Nếu theo quy định nội bộ của Thành ủy, cá nhân phó bí thư thường trực Tất Thành Cang có quyền quyết định thì việc chuyển nhượng này hoàn toàn hợp pháp.
Trong vụ việc này, chúng ta thấy thực chất đây không phải là cuộc “đối đầu” giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai, mà là cuộc “đối đầu” giữa Thành ủy – Chủ sở hữu Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai. Bởi nếu không phải như vậy thì theo quy định pháp luật, chỉ có tòa án mới có quyền tuyên một giao dịch là vô hiệu”. Luật sư Phùng Thanh Sơn lập luận.
Tự do kinh tế và tự do chính trị
Người viết đồng ý với đề xuất cần loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế của PGS. TS. Phạm Quý Thọ. Bởi ngay cả chính người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục băn khoăn về cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều đó có thể thấy rõ trong nội dung của “Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3-6-2017 [tải về tại http://bit.ly/2v4sRbY]: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển” (trích).
Tự do kinh tế liên quan mật thiết tới tự do chính trị, do vậy trong khi chưa có tự do chính trị, xin hãy tôn trọng tự do kinh tế bằng việc loại bỏ sự kiểm soát của thế lực chính trị lên các tổ chức hoạt động kinh tế. Nếu không, chắc chắn sẽ lặp lại điệp khúc “do chưa làm tốt quy trình quản lý kinh tế Đảng…”.
T.G.
VNTB gửi BVN.