Hùng Cường
Trả lời chất vấn của Dân biểu Goodlatte, bà Bickert thừa nhận Facebook đã chặn các nội dung của người dùng Việt Nam khi những bài đăng này bị cáo buộc vi phạm luật pháp nước sở tại.
Hôm 17/7, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã tổ chức một phiên điều trần để lấy lời làm chứng từ Facbook, YouTube và Twitter xem liệu có hay không việc các mạng xã hội này đang lọc nội dung vì lý do chính trị. Trong đó, Facebook đã nhận sai trong một số kiểm duyệt nội dung của người dùng có quan điểm bảo thủ.
Đại diện của Facebook, YouTube và Twitter có mặt trong biểu điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 17/7.
Ảnh: Alex Wroblewski/Getty Images
Tại phiên điều trần, các Dân biểu Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp đặc biệt dấy lên quan ngại về việc các công ty truyền thông xã hội đang thiên vị quá mức chống lại các trang web của phe bảo thủ.
Những quan ngại này của các Dân biểu Cộng hòa đã được đưa ra từ phiên điều trần có chủ đề tương tự từ hồi tháng Tư, nhưng khi đó đại diện của cả Facebook, YouTube và Twitter đều từ chối tham gia.
Trong phiên điều trần tại Hạ viện vào tháng Tư, trang video blogger Diamond and Silk của hai chị em Lynette “Diamond” Hardaway và Rochelle “Silk” Richardson, những người ủng hộ Tổng thống Trump, khai rằng Facebook đã kiểm duyệt nội dung của họ. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này trước đó đã nói với Diamond and Silk rằng họ “không an toàn cho cộng đồng này”.
Facebook xin lỗi nhóm video blogger thân Trump
Đại diện Facebook tham gia phiên điều trần hôm 17/7, bà Monika Bickert – Giám đốc quản lý chính sách toàn cầu Facebook, đã gửi lời xin lỗi vì đã xử lý sai trường hợp của Diamond and Silk.
Bà Bickert nói: “Chúng tôi hiểu sự thất vọng của họ về một số thông tin liên lạc qua lại trước đây với đội ngũ của chúng tôi, và chúng tôi thừa nhận rằng chúng tôi đã xử lý sai những quan ngại của họ. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã gửi lời xin lỗi họ rồi, và hôm nay một lần nữa cá nhân tôi muốn gửi lời xin lỗi tới họ”.
Đại diện của Facebook cho biết họ đã rút được kinh nghiệm từ những sai sót trong quá khứ. Bà Bickert nói thêm rằng hiện tại mạng xã hội này đã thuê một cố vấn bên ngoài, ông Jon Kyl – cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa để ngăn chặn các định kiến tiềm tàng chống lại các quan điểm bảo thủ.
Vào tháng 4/2018, Facebook cũng đã thông báo triển khai quy trình khiếu nại cho phép người dùng có thể phản kháng lại các quyết định mà mạng xã hội này đưa ra.
Các mạng xã hội tập trung vào Nga, lờ đi yếu tố Trung Quốc, Bắc Hàn
Các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã chất vấn gay gắt đại diện Facebook, YouTube và Twitter về việc Nga sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội này để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đại diện của ba mạng xã hội cho biết họ đã khóa các tài khoản liên quan tới Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga. Bà Bickert của Facebook cũng nói rằng Facebook đã thực hiện nhiều hành động để nâng cao sự minh bạch trong các quảng cáo có nội dung chính trị. Các nhà quảng cáo hiện tại cần phải xác minh danh tính và địa lý, bà Bickert giải thích.
Dân biểu Cộng hòa Louie Gohmert đã phê bình đại diện của ba mạng xã hội đã không trả lời câu hỏi của ông về sự can thiệp của các nước khác vào hạ tầng mạng trực tuyến Mỹ, trong đó có Trung Quốc và Bắc Hàn.
Dân biểu của bang Texas cho biết Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là vấn đề quan trọng, nhưng điều này đã xảy ra hàng nhiều thập kỷ rồi.
“Tôi muốn cảm ơn các đồng nghiệp của tôi đoàn kết dấy lên quan ngại về Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta vì điều đó đã diễn ra trong suốt 70 năm qua”, ông Gohmert nói và cáo buộc rằng Nga đã giúp các ông Harry Truman, Dwight Eisenhower, John F. Kennedy, và Jimmy Carter thắng cử.
Ông Gohmert đã hỏi Facebook, YouTube và Twitter cùng một câu hỏi: “Quý vị đã từng phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào về việc Trung Quốc, Bắc Hàn hoặc bất kỳ nước nào khác hoặc điệp viên hay cơ quan của các nước đó lợi dụng nền tảng truyền thông xã hội của quý vị?”
Khi đại diện của ba công ty truyền thông xã hội không trả lời câu hỏi này, ông Gohmert đã nói: “Quý vị chắc chắn có vẻ lo lắng trả lời các câu hỏi của Đảng Dân chủ về ảnh hưởng của Nga và quý vị thực sự không biết tất cả các nhóm sử dụng nền tảng của quý vị một cách không thích hợp. Quý vị không biết Nga và những tổ chức nước ngoài nào khác phải không?”
Ông Gohmert cho rằng các mạng xã hội “nên phải chịu trách nhiệm như Fox News và Sinclair”.
Facebook thừa nhận kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam
Đáng chú ý trong phiên điều trần hôm 17/7, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Bob Goodlatte đã dấy lên một vấn đề nhân quyền đang nổi cộm tại Việt Nam: kiểm duyệt internet.
Dân biểu Cộng hòa của bang Virginia đã chất vấn rằng liệu Facebook có đang phối hợp với chính quyền Việt Nam để kiểm soát bất đồng chính kiến trên mạng trực tuyến. Ông Goodlatte đề cập tới một bài báo của tờ Asia Times đăng tải hôm 2/6 cáo buộc rằng Facebook đã chặn các nội dung liên quan tới dân chủ và nhân quyền theo yêu cầu của các nhà chức trách Việt Nam.
Theo bài báo hôm 2/6 của Asia Times, chính quyền Việt Nam đã đe dọa Facebook rằng giới chức sẽ yêu cầu các doanh nghiệp sở tại dừng quảng cáo trên mạng xã hội này, trong khi quảng cáo lại là nguồn doanh thu chính của Facebook.
Trả lời chất vấn của Dân biểu Goodlatte, bà Bickert thừa nhận Facebook đã chặn các nội dung của người dùng Việt Nam khi những bài đăng này bị cáo buộc vi phạm luật pháp nước sở tại.
H.C.