Bình luận nhanh về các trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát: dốt nên phải chấp nhận thảm cảnh: quýt làm cam chịu; kẻ khác ăn ốc, ông đi đổ vỏ!

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/06/3BA1CD62/

– Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cuối năm 2009 có 10 địa phương chủ trương cấp phép 305.353 ha đất trồng rừng cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng trên thực tế, việc cho thuê đất trồng rừng thời hạn 50 năm chỉ thực hiện 15.664 ha. Do đó, thông tin cho rằng Chính phủ cấp phép cho thuê đất rừng với diện tích 305.353 ha là thiếu chính xác?

Bộ trưởng Phát giải thích các địa phương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, không có nghĩa toàn bộ 305.353 ha đã được giao, mà trên cơ sở giấy này, nhà đầu tư phối hợp với chính quyền huyện, xã, khảo sát làm rõ từng khu đất cụ thể, chỉ giao khi đất đó đủ điều kiện.

– Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho hay theo Luật đầu tư và Luật đất đai, UBND cấp tỉnh mới là nơi xét duyệt dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, các Bộ “chỉ có ý kiến khi được địa phương yêu cầu.

Bình Luận (BL): BT Cao Đức Phát phát biểu như vậy là chưa hiểu và làm tròn phận sự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được quy định tại Điều 1 của Luật Tổ chức Chính phủ 32/2001/QH10 – Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật”. Tại Điều 8 của Luật quy định: Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “1. Lãnh đạo công tác của các bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở…

– “Về vai trò của Bộ, ông Phát tiếp tục khẳng định Bộ quản lý nhà nước về rừng, vì thế nên các địa phương thường chỉ hỏi và có ý kiến đối với Bộ khi có liên quan đến việc giao rừng. Nhưng trong diện tích 305.353 ha vừa qua đều là đất được quy hoạch để trồng rừng sản xuất không có rừng tự nhiên cũng như những khu đất để trồng rừng đặc dụng hoặc phòng hộ”.

BL: Đất, Trời, Rừng ơi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có ý kiến khi địa phương có yêu cầu ư? Thế hàng ngày các vị làm việc gì ở dốc Ngọc Hà thế? Tôi thấy ở cửa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có rất nhiều quán bia ngon.

Khi người ta đã có ý đồ ăn mảnh, có ý đồ lẻn bán đất cho nước ngoài rồi thì việc gì họ phải xin ý kiến Bộ để rồi phải chung chi với các ông sao? Bộ là ông bù nhìn trông dưa hay sao?

Phải chăng vì hiểu trách nhiệm như vậy nên Bộ cứ kê cao gối ngủ gật hoặc đi nghỉ mát cho khỏe, hoặc ra quán bia ở cổng Bộ, mặc địa phương muốn làm gì thì làm sao? Quản lý nhà nước theo kiểu lơ tơ mơ như vậy thì chả trách đến số lượng bao nhiêu ha rừng mà các địa phương cho thuê Bộ trưởng cũng nắm không chính xác. Điều này đã được ông Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình bức xúc phản ánh: “Ủy ban đã khảo sát, tuy không hết, nhưng qua một số địa phương và thông tin từ Bộ Quốc phòng, Công an, có 19 dự án được cấp phép trồng rừng tại 18 tỉnh với diện tích 398.370 ha, đã giao 33.820 ha, thời gian thuê 50 năm (con số này cao hơn hẳn báo cáo của Bộ Nông nghiệp)”.

Ông Bình còn khẳng định thêm: “Bộ Nông nghiệp không nói rõ đặc điểm của đất, nhưng chúng tôi xác định hầu hết đất nằm ở khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh, có khu vực là đất rừng phòng hộ, đầu nguồn”.

Xin thưa, ông Bình là một vị tướng, ý kiến của ông là ý kiến của con nhà binh không thể lơ mơ!

– Để gỡ bí cho cái cái tình cảnh “gà mắc tóc” của BT Cao Đức Phát, “tiền vệ” Võ Hồng Phúc, BT Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xông ra lấy thân mình “lấp lỗ châu mai”: “Qua kiểm tra của Bộ, hiện nay có hơn 380.000 ha đất được cấp phép đầu tư trồng rừng, tập trung vào một công ty Đài Loan. Hướng xử lý là phải xem lại các tỉnh đã giao đất, vì không chỉ căn cứ vào Luật đầu tư, cho thuê đất rừng còn phụ thuộc nhiều luật, như Luật lâm nghiệp, Luật đất đai, Luật an ninh quốc phòng và nghị quyết 66 của Quốc hội (theo đó giao rừng tự nhiên, rừng phòng hộ phải báo cáo Quốc hội)”.

“Qua kiểm tra, chúng tôi đã chỉ đạo dừng tất cả dự án, rút giấy phép dự án động tới an ninh quốc phòng, tới rừng đã giao cho dân. Có rút được không? Tôi khẳng định rút được, vì đất đã giao cho dân không được giao cho người khác. Quy định giao rừng tự nhiên thì phải báo cáo Quốc hội. Dự án có ý đồ chiếm dụng nhiều đất đai thì phải rút giấy phép. Ta sẽ kiên quyết xử lý như với sân golf, vừa rồi đã rút giấy phép 70 sân, chỉ cho tồn tại 80 sân.”

BL: Những thông tin trên cho thấy: ông Võ Hồng Phúc nắm chắc vấn đề vì ông đá ở vị trí tiền vệ, các đường bóng không thể không qua chân ông; các tỉnh khi cấp phép đầu tư chắc đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư tham mưu, bật đèn xanh, gà cho mà ký. Chắc Bộ Nông nghiệp Nông thôn đã bị lờ đi hoặc bị đẩy ra vị trí chầu rìa, giống như vị trí hậu vệ biên; đứng đấy mà trông tiền đạo đối phương ghi bàn nên mới lơ tơ mơ như vậy…

BT Võ Hồng Phúc quả là một tiền vệ cáo già, chớp bóng từ chân đối phương nhanh và đẩy bóng ra khỏi vùng nguy hiểm cũng nhanh. Cách giải trình gỡ bí của ông Phúc là kiểu “đưa trâu qua rào”: “Qua kiểm tra, chúng tôi đã chỉ đạo dừng tất cả dự án, rút giấy phép dự án động tới an ninh quốc phòng, tới rừng đã giao cho dân. Có rút được không? Tôi khẳng định rút được, vì đất đã giao cho dân không được giao cho người khác.

Ông Võ Hồng Phúc rất láu lỉnh, nếu đã rút giấy phép sao ông không công bố luôn là bao nhiêu dự án, bao nhiêu ha rừng đã được thu hồi? Ông này là người giỏi nhớ trầm (tiếng Nghệ gọi là thuộc lòng), hà cớ gì ông không công bố được? Hay ông chỉ nói cho qua chuyện để các đại biểu giảm bức xúc…

Thực ra chuyện rút giấy phép đầu tư không đơn giản như ông Phúc mạnh mồm tuyên bố. Nếu rút giấy phép thì phải làm thủ tục xin lỗi, đền bù cho nhà đầu tư. Số tiền này lấy ở đâu ra và ai chịu trách nhiệm?

Bộ Kế hoạch Đầu tư do ông đứng đầu là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước chuyên trách về đầu tư, vậy những tổn thất, thiệt hại này Bộ Kế hoạch-Đầu tư phủi tay vô can và đẩy sang cho một mình ông Cao Đức Phát chịu trận?

Thật tội cho ông Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông dốt nên mới rơi vào thảm cảnh “Quýt làm cam chịu”.

– Bộ trưởng Cao Đức Phát: Các địa phương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư không có nghĩa đã giao đất cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở giấy chứng nhận, các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã tiến hành khảo sát, làm rõ từng khu đất cụ thể. Chỉ giao đất khi có đủ điều kiện.

BL: Đúng là cách trả lời của anh cù lần, quê không chịu nổi; trả lời như vậy chứng tỏ ông Cao Đức Phát không nắm được gì hết về thủ tục đầu tư. Khi một địa phương đã cấp giấy phép đầu tư tức là đã thỏa mãn được các điều kiện cần và đủ mới cấp; đã cấp phép rồi thì các việc giao đất chỉ là thủ tục.

Theo quy định tại Điều 8 của Luật Đầu tư: một Dự án muốn trình xin giấy phép đầu tư thì trong đó đã phải có hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất. Một nhà đầu tư nào muốn làm thủ tục đề nghị một địa phương nào cấp giấy phép đầu tư, trước khi cấp phép đầu tư thì không thể không làm xong hồ sơ về sử dụng đất đai. Có thể chưa có quyết định giao đất nhưng đã được sự thỏa thuận của chủ đất cho phép sử dụng nguồn đất A, B, C nào đó… Do đó, việc cấp phép đất đai chỉ là thủ tục sau thủ tục cấp phép đầu tư.

– “Điều khiển phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các bộ trưởng Quốc phòng, Công an lên tiếng để làm rõ việc giao đất trồng rừng cho doanh nghiệp nước ngoài có vi phạm các quy định về quốc phòng an ninh? Tuy nhiên, không Bộ trưởng nào trả lời.”

BL: Các vị lại né nhau, né trách nhiệm hay bao che cho nhau đây? Hay các ông hùa vào nhau bỏ bê việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng hả Trời, hả Đất, hả Rừng? Thật là chí nguy, chí nguy?!

– Ông Phát cho rằng cần xem xét lại việc phân công, phân cấp cho địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư. Luật pháp hiện hành phân cấp cho UBND tỉnh, nhưng mức độ nhất định cần có ý kiến của Chính phủ.

BL: Luật pháp hiện hành cho phép tỉnh cấp giấy phép nhưng không hề tước quyền quản lý của Chính phủ, của các Bộ trong đó có cả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông phát biểu như vậy là không thuộc bài, nói bừa cho qua chuyện. Ông không nắm được trách nhiệm công vụ là do bởi ông thiếu trách nhiệm, hay ông ú ớ theo kiểu của đám “Việt gian bán nước”?

Hậu quả đến đâu xin yêu cầu Quốc hội xem xét tiếp! Còn cử tri khi nghe ông BT Cao Đức Phát trả lời mà thấy lộn tiết, tức anh ách?!

P. V. Đ.

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=5406

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.