Thuỳ Dương
Việc cho thuê đất đặc khu thời hạn 99 năm là quá dài, chưa nói đến yếu tố an ninh, quốc phòng khi 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc án ngữ biển Đông của nước ta.
Bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về quy định cho thuê đất đặc khu đến 99 năm. Trước đó, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội cho ý kiến vào sáng 23-5.
Lấy đâu ra nguồn thu!
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phản đối quy định trên. Ông Ngân dẫn chứng Philippines quy định thời hạn giao đất 50-70 năm và xem xét gia hạn một lần khoảng 1/2 thời hạn cho thuê ban đầu. Ví dụ, cho thuê đất 50 năm thì gia hạn một lần không quá 25 năm. Trong thời gian cho thuê đầu tiên, họ sẽ đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không rồi mới gia hạn tiếp. Như thế sẽ bảo đảm thời hạn thuê dài, có yếu tố cạnh tranh. “Vì sao chúng ta không quy định thời hạn cho thuê đất, giao đất là 70 năm và cho phép gia hạn một lần tối đa không quá 20-30 năm. Hết 70 năm, đánh giá lại dự án đó có thực sự hiệu quả hay không, có tính lan tỏa hay không, bảo đảm môi trường hay không? Lúc đó, Thủ tướng rất dễ quyết định” – ông Ngân gợi ý.
Ông Ngân còn cho rằng nếu giao đất tới 99 năm cho những trường hợp đặc biệt và quyền quyết định thuộc về Thủ tướng tức là “làm khổ Thủ tướng”. Đó là chưa kể đến quy định như thế nào là “trường hợp đặc biệt” cũng không rõ; từ đó có thể dẫn đến việc nhà đầu tư “chạy qua bộ này, bộ kia để chứng minh mình thuộc trường hợp đặc biệt”.
Về vấn đề lo ngại nhượng địa, di dân, ông Ngân cho rằng không cần tới 99 năm mới diễn ra việc này. Vấn đề là chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ an ninh tài chính, an ninh quốc gia, quốc phòng; cần rất thận trọng trong xem xét cấp giấy phép. “Minh chứng qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, chúng ta đã thu hút trên 332 tỉ USD và giải ngân 178 tỉ USD. Hiện nay, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư. Họ tới vì nhiều lý do: thể chế chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô và tiềm năng phát triển kinh tế. Vì thế, không nên tập trung quá nhiều ưu đãi, mà hoàn thiện thể chế, môi trường thuận lợi… mới là điểm quan trọng, then chốt. Chúng ta đầu tư “không”, cuối cùng không thu thuế, lại cho thuê đất dài hạn thì lấy đâu ra nguồn thu” – ông Ngân lưu ý thêm.
Đề xuất cho thuê đất 99 năm ở Phú Quốc cùng với Vân Đồn, Bắc Vân Phong đang gây ra nhiều tranh luận, lo ngại. Ảnh: CÔNG TUẤN
70 năm cũng quá dài
Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng thời hạn cho thuê đất 70 năm vẫn là quá dài, nếu xét theo những rủi ro có thể có về mặt an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội. “Chúng ta muốn kéo đến đây những ai? Đó là những nhà đầu tư thật sự. Điều kiện kéo dài thời gian thuê đất thì các nhà đầu tư chân chính không cần. Họ cần môi trường đầu tư tốt, chính sách thuế, hạ tầng, các quan hệ xã hội, giao dịch sòng phẳng, minh bạch hơn là việc được ở lâu” – ông Quốc phân tích.
Nhà sử học này cũng chỉ rõ chúng ta đã làm sai chuẩn khi vẫn lấy mô hình của những đặc khu được coi là thành công của 20-30 năm trước, áp dụng các ưu đãi đã lỗi thời như: ưu đãi thời gian sử dụng đất, nhân công rẻ mạt, casino. Đánh giá việc này là “lấy thành công của quá khứ thành lợi thế của tương lai”, ông Dương Trung Quốc cảnh báo đó là cách nghĩ rất đáng lo ngại.
Ông Quốc khuyến cáo chúng ta luôn luôn phải tư duy về địa – chính trị, nhất là khi 3 đặc khu được coi là “mặt tiền” của đất nước án ngữ trước biển Đông. “Tôi xem truyền hình tuyên truyền ủng hộ cho dự án này bằng những con số rất cụ thể nhưng đấy chỉ là trên giấy. Nếu cộng tất cả lợi ích đó, tôi cho là con số rất nhỏ với túi tiền của thiên hạ. Người ta sẽ tung tiền để mua. Tôi rất muốn các đại biểu của các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hòa… nói xem bao nhiêu nhà cửa người Trung Quốc mua rồi? Tệ hại ở chỗ, chính người Việt Nam tiếp tay cho họ lách luật” – ông Quốc lo lắng.
Nhiều nước chỉ cho thuê 30-50 năm
Theo quy định hiện hành của Indonesia, các công ty nước ngoài chỉ được thuê đất thời hạn 30 năm, gia hạn thêm 10 năm. Chính phủ nước này đang xem xét tăng thời hạn cho thuê nhưng cũng chỉ trong 50 năm và chỉ được gia hạn thuê sau 15 năm. Tương tự tại Campuchia, chính quyền nước này cũng chỉ cho gia hạn thuê đất ở đặc khu kinh tế lên đến 50 năm. Còn tại Trung Quốc, kể từ sau năm 1981, chính phủ cho phép các nhà đầu tư thuê đất đặc khu với thời hạn ban đầu từ 20-50 năm tùy theo lĩnh vực hoạt động và có khả năng gia hạn sử dụng đất.
Ở Myanmar, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thuê các đặc khu kinh tế tại Myanmar thời hạn 50 năm, có thể gia hạn thêm 25 năm. Riêng ở Rwanda, theo chính sách cũ vào năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép thuê đất trong khi các nhà đầu tư trong nước được ưu tiên mua chúng để sở hữu toàn diện. Trong cải cách mới, dù chính quyền Rwanda cho phép các nhà đầu tư thuê đất đặc khu dài hạn nhưng cũng không thể vượt quá 99 năm.
Tại Thái Lan, theo Bộ Luật Dân sự và Thương mại, thời hạn tối đa cho nhà đầu tư thuê đất chỉ là 30 năm, được gia hạn thuê thêm 30 năm. Từ năm 1999, Đạo luật Cho thuê đất của Thái Lan cho phép thuê đất đặc khu đến 50 năm, cho gia hạn thêm 50 năm nhưng quy định, thủ tục rất nghiêm ngặt. Mới đây, chính phủ Thái Lan đề xuất nâng thời hạn cho thuê các đặc khu kinh tế lên đến 99 năm và vấp phải ngay làn sóng phản đối của người dân. X.MAI
T.D.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-sai-chuan-20180524222746676.htm