ĐẶC KHU KINH TẾ – MỘT GÓC NHÌN

Nguyễn Tuấn Anh

https://scontent.fsgn5-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-1/p50x50/15826365_1420505101328233_7340632708902628308_n.jpg?_nc_cat=0&oh=49863dcde994b0a57471aa308c2b856a&oe=5BBA85EA

mage may contain: sky and outdoor

Trên thế giới có cả ngàn đặc khu kinh tế, kể cả các quốc gia giàu mạnh, văn minh. Thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều. Cho tới nay, phát triển kinh tế theo kiểu đặc khu vẫn còn gây tranh cãi rất lớn trên các diễn đàn. Mô hình này có gì đặc biệt?

Ta dạo một vòng đặc khu Thâm Quyến – một đặc khu rất thành công của Trung Quốc xem thử họ ra sao?

Một làng chài nằm sát Hong Kong nghèo khổ và cơ cực, sau khi trở thành một đặc khu kinh tế vào năm 1979, nó đã thay da đổi thịt chóng vánh. Với diện tích gần bằng Hà Nội, với dân số xấp xỉ 13 triệu người, Thâm Quyến vươn lên đứng thứ 3 Trung Quốc (sau Bắc Kinh và Thượng Hải) về kinh tế. Tổng thu của Thâm Quyến vượt qua cả Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Nói Thâm Quyến ăn ké Hong Kong thì có vẻ hơi quá nhưng cũng không xa sự thật bao nhiêu. Thực chất người Trung Hoa đã vô cùng khôn khéo trong việc bắt nhịp này. Nắm được Hong Kong & Đài Loan trên đà phát triển đối mặt với quỹ đất vô cùng chật chội và ngày càng đắt đỏ, họ đã khuyến khích các tập đoàn sản xuất lớn của Hong Kong & Đài loan đặt nhà máy ở Thâm Quyến. Foxcom của Đài Loan (lắp ráp cho Apple) là một trong hàng nghìn ví dụ như thế.

Không những tập trung kéo các tập đoàn sản xuất lớn nước ngoài tạo tiền đề thúc đẩy công nghiệp, họ còn ưu đãi đối với riêng các công ty của Đại Lục về thuế, tín dụng và luật khi đặt nhà máy sản xuất tại đây. Thâm Quyến nhanh chóng vươn lên thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất Trung Hoa Đại Lục về mọi ngành nghề trong một thời gian ngắn.

Thâm Quyến đã trở thành văn phòng thứ hai vô cùng quan trọng của nhiều tập đoàn công nghiệp nổi tiếng có trụ sở tại Hong Kong, Macao và Đài Loan, tạo thành một vùng kinh tế tư bản giữa một Đại Lục đầy khó khăn, trở ngại và định hướng. Máy móc công nghiệp hiện tại Việt Nam và cả Đông Nam Á đang dùng cũng phần nhiều được xuất cảng tại đây, đối với những ngành hàng cần tới số lượng và không yêu cầu quá cao về chất lượng hay độ chính xác.

Vốn dĩ ôm khư khư mô hình kinh tế định hướng XHCN, quốc gia sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi không được sự hỗ trợ và chuyển giao về công nghệ của các cường quốc công nghiệp và đồng minh. Có những trường hợp đặc biệt, họ không bán máy móc cơ khí chính xác công nghệ cao (có thể chế tạo vũ khí) cho các quốc gia được họ liệt kê là độc tài và ít nhiều, nhân quyền bị giới hạn.

Chính vì lẽ đó, khi muốn mua mới hoặc phụ tùng thay thế, phải luồn lách mua qua trung gian và như vậy, giá thành sản phẩm vô cùng đắt đỏ, sản xuất không bao giờ có lãi. Đây là lý giải một phần cho việc tại sao ốc vít điện thoại nói riêng và các mặt hàng cơ khí chính xác nói chung, ta không thể cạnh tranh với nhiều quốc gia khác. Còn công nghiệp 4.0 mà lãnh đạo đang nói chỉ là ảo ảnh mơ hồ. Khi công nghiệp nền tảng không có, lấy đâu ra 4.0. Họ chỉ nói tào lao cho sướng miệng mà thôi. Trung Quốc với đặc khu công nghiệp Thâm Quyến, một cầu nối với thế giới tư bản, họ đã phần nào giải được bài toán hóc búa này.

Trở lại Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, trên bản đồ, ta chưa thấy sự thuận lợi tuyệt đối về tuyến đường biển quốc tế qua đây. Bao giờ thì tất cả các đặc khu có đủ sức mạnh về kinh tế và là một Hub hàng hoá quan trọng như Singapore hay Hong Kong để tàu bè lớn trên tuyến đường biển đông đúc bậc nhất thế giới này có thể ghé qua? Chừng nào tàu bè lớn chưa muốn cập cảng thì chi phí hậu cần sẽ vô cùng đắt đỏ. Thâm Quyến còn có một HongKong giàu có kế bên. 3 đặc khu của ta đều đơn độc, hoàn toàn chẳng có thành phố phát triển nào tiếp giáp để tương trợ. Đấy là điều bất lợi vô cùng.

Phát triển đặc khu phải luôn nhờ vào các giá trị thặng dư về công nghệ, sản xuất của các quốc gia tư bản hoặc đồng minh của họ, thêm vào đó một chút du lịch, dịch vụ. Như vậy, ta mới có cơ hội thành công và có lợi về lâu về dài. Ngược lại, nếu chỉ nhìn đặc khu với một con mắt dịch vụ và tài nguyên thiên nhiên như hiện tại chúng ta đã và đang làm, đặc khu kinh tế sẽ là nơi trở nên hỗn mang và tạo điều kiện vô cùng lớn cho các nhóm lợi ích chia sẻ đất đai. Bởi nó là cái đầu tiên mà một người ít trình độ và tầm nhìn vẫn có thể kiếm tiền một cách ung dung, dễ dàng và nhàn hạ.

Nếu có quyền quyết định setup một nhà máy ở khu vực Đông Nam Á, bạn có chọn Vân Đồn, Vân Phong hay Phú Quốc không? Người làm chính sách phải tự đặt ra câu hỏi có góc nhìn ngoài biên giới quốc gia, mới có thể hoạch định được chính xác bức tranh toàn cảnh này. Với một Malaysia thuận lợi, rộng mở. Một Cambodia hay Thái Lan sẵn sàng đón chào kèm theo cơ chế ưu đãi còn hơn đặc khu kinh tế ở ta, liệu bạn có nhắm tới Việt Nam hay không? Cần phải có câu trả lời khách quan cho vấn đề này.

Nếu các tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước không phủ kín được 3 đặc khu này, mô hình kinh tế đặc khu ở ta sẽ là hoàn toàn phá sản. Lúc ấy, một đặc khu với nhiều quyền tự quyết sẽ sẵn sàng nới lỏng tài nguyên thiên nhiên cho các nhóm lợi ích thay nhau xâu xé.

Một nhà nước trong một nhà nước, thậm chí đa sắc tộc cũng chẳng có gì đáng lo. Quân đội của ta hiện nay cũng đang là một thứ từa tựa như thế. Cũng có toà án, VKS, nhà tù và các công ty kinh doanh độc lập. An ninh quốc phòng cũng không phải là điều đáng ngại bởi chủ quyền của ta là không thể phủ nhận. Điều đáng lo hơn cả là bộ óc quản lý, tầm nhìn chiến lược và sự liêm chính của lãnh đạo trung ương. Không có cái nhìn tổng quan dựa trên sự so sánh, nghiên cứu thực tế mà chỉ sao chép, copy một cách vội vàng, hệ luỵ cho con cháu sẽ là những điều tệ hại khôn lường. Thậm chí, hậu quả của nó để lại khó có cơ hội để sửa chữa.

Không dám nghĩ tới một điều rủi ro lớn hơn nhưng với 1 thế kỷ giao đất thì mọi thứ đều có thể xảy ra nếu không nằm trong sự tính toán. Nó đủ thời gian cho những gì bất lợi nhất về chủ quyền lớn mạnh.

N.A.T.

Nguồn: https://www.facebook.com/inbachkhoa/posts/1970534536325284

This entry was posted in đặc khu, kinh tế. Bookmark the permalink.