Nhân dân Đồng Tâm gửi TÂM THƯ cầu cứu Quốc hội!

Nguyễn Đăng Quang
Chiều hôm nay (21/5/2018), tôi nhận được điện thoại của cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân xã Đồng Tâm trong cuộc đấu tranh chống lại đường dây tham nhũng của các quan chức bất lương từ cấp xã lên đến đến cấp thành phố của Thủ đô Hà Nội trong những năm qua.

Cụ gọi điện thông báo là người dân Đồng Tâm vừa gửi TÂM THƯ tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV khai mạc hôm nay tại Hà Nội. Cụ cho biết: Đã nhiều lần người dân Đồng Tâm gửi các văn thư như đơn kiến nghị, thư yêu cầu đến các địa chỉ như Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, v.v… nhưng đều không được các nơi đây phúc đáp! Vì sợ thư từ thất lạc, nên lần này họ gửi chuyển phát nhanh đến 2 ĐBQH mà họ tin tưởng là ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Dương Trung Quốc là những người đã về Đồng Tâm nhiều lần, và ít nhiều hiểu được căn nguyên, bản chất của biến cố Đồng Tâm, nhất là nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân nơi đây, để nhờ 2 ĐBQH này chuyển tiếp TÂM THƯ của họ đến toàn thể các ĐBQH tham dư Kỳ họp lần thứ 5 vừa khai mạc sáng nay tại Thủ đô Hà Nội.
Như nhiều người đã biết, cách đây hơn một tháng, vào đúng dịp người dân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra biến cố Đồng Tâm (15/4/2017), người dân Đồng Tâm cũng đã gửi một TÂM THƯ tương tự tới Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện người dân Đồng Tâm vẫn chưa hết hy vọng và vẫn kiên nhẫn chờ đợi Trung ương Đảng sẽ phúc đáp (hồi âm) TÂM THƯ nói trên của họ, mặc dù HNTƯ7 đã bế mạc được 10 ngày rồi!
Cụ Lê Đình Kình cho tôi biết thêm với thái độ khá bức xúc: Biến cố Đồng Tâm xảy ra đã hơn 1 năm, song đến nay, ngoài Luật sư Nguyễn Văn Chiến là ĐBQH được bầu ở Đơn vị bầu cử số 6 (gồm 4 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Thường Tín) có về Đồng Tâm sáng 18/4/2017, không hề có một ĐBQH nào khác của Hà Nội về gặp người dân nơi đây để nắm bắt nguyên nhân sự việc cũng như tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của những người đã bầu ra họ! Đặc biệt các Đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng như của huyện Mỹ Đức đều mất hút, chẳng có bóng dáng một ai về tìm hiểu sự việc, nắm bắt nguyện vọng và mong muốn của người dân nơi đây, như quy định tại Điều 27 và 28 của Luật Tổ chức Quốc hội 2014!
Trong một nhà nước dân chủ pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”, chẳng nhẽ người dân không được quyền đòi hỏi các cấp chính quyền, đặc biệt là các cơ quan dân cử phải lắng nghe ý kiến của họ, có trách nhiệm xem xét và hồi đáp các đề nghị, kiến nghị, chất vấn của người dân hay sao? Rất mong Quốc hội và các ĐBQH lần này sẽ phúc đáp TÂM THƯ này của người dân mà họ đã trân trọng và tin tưởng gửi đến quý vị.
Hà Nội, ngày 21/5/2018.
 N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cưỡng chế, Dân oan, Đất đai, Nông Thôn. Bookmark the permalink.