Danh Đức
China đã làm xong cái việc biến cái không thể thành cái có thể trong vòng 5 năm ở thời kỳ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo toàn diện nhé. Mệt mỏi còn dài dài…
Vụ một nhóm du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Cam Ranh với áo thun in hình “lưỡi bò” trên lưng chỉ là một trong vô vàn âm mưu thôn tính lớn nhỏ.
Máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc trên đá Subi, ảnh công bố ngày 28-4. (Ảnh: AMTI)
Hôm thứ hai 14-5, Hãng thời trang GAP đã xin lỗi Bắc Kinh vì bán ra những áo thun in bản đồ Trung Quốc mà không thể hiện trên đó Đài Loan, Nam Tây Tạng và biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Hãng GAP cam kết trong một thông báo trên Hoàn Cầu Thời Báo rằng họ “tôn trọng chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Báo mạng chuyên về kinh tế – tài chính Business Insider của Mỹ, phát hành bằng 8 thứ tiếng Anh, Ba Lan, Đức, Hà Lan, Nhật, Pháp, Hoa, Ý, còn “lập công” khi cho biết “đến tối thứ hai, Business Insider vẫn tìm thấy áo thun gây tranh cãi của Hãng GAP được bán” ngoài thị trường. Vụ việc đó, cùng vụ mặc áo thun in hình “lưỡi bò” ở Việt Nam, thật điển hình cho “cuộc chơi” cùng “luật chơi” ở Biển Đông lúc này.
Một eo biển trên biển Đông?
Hôm 2-5, Hãng tin CNBC dẫn tin tình báo Mỹ nói Trung Quốc đã đặt xong các tên lửa đạn đạo đối hạm và tên lửa đối không trên ba tiền đồn lấn chiếm ở Trường Sa là các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B có năng lực tấn công các tàu trong phạm vi 295 hải lý (1.600km) từ các rạn san hô được bồi đắp này. Còn các tên lửa đối không tầm xa HQ-9B có tầm bắn nhắm vào các máy bay không người lái và tên lửa hành trình ở phạm vi 160 hải lý (gần 900km).
Đến 9-5, Tổ chức AMTI (Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á) phát đi báo cáo mới về những hoạt động quân sự hóa mới của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Theo AMTI, hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 28-4 cho thấy một chiếc vận tải cơ Thiểm Tây Y-8 được triển khai đến căn cứ của Trung Quốc tại đá Subi. Y-8, mà bản gốc là vận tải cơ Antonov AN-12 của Nga, là một loại máy bay vận tải quân sự tầm trung, bốn động cơ cánh quạt, có thể chở được khoảng 80 binh sĩ dù và 20 tấn hàng, với một số biến thể được sử dụng cho tuần tra hàng hải hoặc thu thập thông tin tình báo.
Bức ảnh chụp được, tiếp theo sau các tường thuật của truyền thông Trung Quốc vào tháng 3-2018 cho biết một chiếc Y-8 đã hạ cánh trên rạn san hô này để chở một ngư dân cần hỗ trợ y tế, khẳng định đá Subi nay đã biến thành một sân bay quân sự có khả năng đón các máy bay vận tải, làm đầu cầu cho một cầu không vận chuyển quân và tiếp tế hàng loạt khi cần thiết, nhất là bởi máy bay Y-8 có khả năng đáp, cất cánh trên những đường băng dã chiến, thậm chí bãi cỏ. Càng “nóng” hơn khi như có thể nhìn thấy qua ảnh chụp hôm 28-4, đây là một sân bay với đường băng và bãi đậu khổng lồ bằng bêtông.
Trước đó đã xuất hiện tin tức trong tháng 4 về việc Trung Quốc lắp thiết bị gây nhiễu có khả năng làm gián đoạn thông tin liên lạc và cảnh giới rađa cũng trên quần đảo Trường Sa. Đây là những công đoạn tạm gọi là cuối cùng của việc quân sự hóa Biển Đông từ phía Trung Quốc, sau khi hoàn tất giai đoạn bồi đắp, cải tạo đất, bắt đầu từ năm 2013, trên một diện tích tổng cộng lên tới 1.295 ha đất chỉ trong 5 năm.
Rõ ràng khu vực quần đảo Trường Sa nay đang trở thành một khu vực chống xâm nhập, chống tiếp cận (Anti-Access/Area Denial, tức A2/AD), đồng thời là một căn cứ tiếp vận tiền tiêu không chỉ đáp ứng các nhu cầu tại chỗ mà còn có khả năng tiếp tế cho các đảo lấn chiếm khác trong cả khu vực, lấn át mọi quốc gia khác trong vùng, vốn không thể có nguồn lực như vậy.
Asia Times dẫn lời các nhà nghiên cứu thuộc Học viện chiến tranh hàng hải Hoa Kỳ bình luận rằng các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực là một nỗ lực để tạo ra một “eo biển chiến lược” trên toàn Biển Đông, với việc triển khai quân sự lâu dài, cố định ở hai cực điểm của Biển Đông, đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, cùng các đảo nhân tạo vừa được quân sự hóa ở phía đông. Qua đó, Bắc Kinh đang biến Biển Đông từ một tuyến hàng hải quốc tế thành một tuyến hàng hải do Trung Quốc kiểm soát qua điểm nghẽn chiến lược chết người đó.
Asia Times bình luận: “Hậu quả của việc biến Biển Đông thành lãnh hải Trung Quốc đi kèm nhiều ngụ ý. Việc này có thể hạn chế quyền tự do hàng hải và cho phép Trung Quốc độc chiếm các tài nguyên kinh tế phong phú của khu vực.
Đặc biệt, việc này có thể gây khó khăn hơn (hoặc ít nhất là rắc rối hơn) với các tàu hải quân không phải của Trung Quốc di chuyển giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Việc này có thể làm suy yếu chủ quyền của nhiều quốc gia khu vực; đặc biệt, nó có thể mở ngỏ Đài Loan trước những đe dọa quân sự và thậm chí tấn chiếm. Ý định của Trung Quốc với Biển Đông đã được chứng minh trong nhiều năm. Nhưng lời nói dối lớn của Bắc Kinh cuối cùng đã được lột trần”.
Sự lấn át này của Trung Quốc thể hiện qua việc tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha, Repsol, đã ngưng một dự án. Theo Bill Hayton của BBC, hãng dầu này đã thuê Công ty Yinson của Malaysia cung cấp một bể chứa dầu nổi (Floating Production Storage and Offloading – FPSO) trong 10 năm, với chi phí ước tính trên 1 tỉ USD. Repsol cũng đã thuê Hãng Keppel FloaTEC của Mỹ xây một giàn sản xuất (production platform) với mức chi phí hàng chục triệu USD. Một phần của dự án, giàn khoan Ensco 8504, theo dự kiến lẽ ra khởi hành từ Singapore tới điểm khoan dầu đã xác định, cũng đã thôi lên đường. Repsol và các đối tác trong dự án có khả năng thiệt hại khoảng 200 triệu USD.
Theo Reuters, khu mỏ này ước lượng thu được 45 triệu thùng dầu thô, gần 19 tỉ khối khí tự nhiên và 2,3 triệu thùng khí ngưng (condensate), một phụ phẩm từ khí dạng lỏng.
Hayton kết luận: “Malaysia, Brunei và Philippines đều đang bị áp lực từ Trung Quốc phải chấp nhận “khai thác chung” ở các khu vực mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) hoàn toàn thuộc quyền của các nước đó. Việt Nam đã chọn phát triển các mỏ khí một mình, và kết quả là đã bị Trung Quốc đe dọa về quân sự”.
Hợp tung hay liên hoành
Trong bối cảnh đó, các nước đã có những phản ứng “đồng thanh tương ứng”. Ngày 26-1-2018, Nhật Bản và Pháp đã họp 2+2 (bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng mỗi bên), ra một tuyên bố chung gồm những điểm chính: “Bốn bộ trưởng nhắc lại tầm quan trọng của một trật tự hàng hải tự do, cởi mở và dựa trên luật pháp làm nền tảng cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế; cam kết tiếp tục và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là trong khu vực này, và xác nhận họ cùng quan tâm làm việc với các đối tác hướng tới một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do…”
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh: “… Tàu hải quân Pháp sẽ đi qua Biển Đông nhằm cho thấy rằng quyền được tự do hàng hải là quyền chúng tôi muốn thực thi một cách đầy đủ”. Ông Parly cũng dõng dạc tuyên bố: “Các vị cắm được quốc kỳ ở một nơi không có nghĩa là các vị xác lập chủ quyền lãnh thổ ở đó”.
Ở cấp cao hơn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải thích tại Sydney hôm 2-5 khi gặp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull: “Pháp và Úc có thể là tâm điểm của một trục Ấn Độ – Thái Bình Dương mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và một trật tự dựa trên luật pháp”. Trục đó, theo ông Macron, “sẽ được xây dựng trên các lợi ích kinh tế cũng như lợi ích an ninh”. Hợp tác quốc phòng Pháp – Úc được cụ thể hóa bằng hợp đồng Úc mua của Pháp 12 tàu ngầm tấn công thế hệ mới nhất “Shortfin Barracuda”.
Ba ngày sau tại New Caledonia, một tỉnh hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương, ông Macron nói thêm: “Ở khu vực này, Trung Quốc đang xây dựng từng bước quyền bá chủ. (Nói thế) không phải là để gây thêm sợ hãi mà để nhìn vào thực tế… Chúng ta phải hợp tác với Trung Quốc để tăng cường những trao đổi và nắm lấy tất cả các cơ hội, còn nếu chúng ta không tự tổ chức, sẽ sớm xuất hiện một quyền lực bá chủ làm giảm quyền tự do và các cơ hội của chúng ta và chúng ta sẽ phải chịu trận”.
Ý ông Macron là gì khi ông nói “tự tổ chức”? “Có trục Paris – New Delhi – Canberra – ông giới thiệu – Trục này kéo dài đến tận Papeete và Nouméa và trên toàn bộ lãnh thổ của chúng ta; trục này sẽ cho phép chúng ta xây dựng trên bình diện địa chính trị tính trung lập của không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương;… cho phép chúng ta tham gia với các đồng minh tạo ra sự cân bằng cần thiết và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không…
Chúng ta có các đồng minh: Ấn Độ, nơi tháng 3 vừa rồi tôi đã ghé, Malaysia, Singapore và Philippines là một phần của sự cân bằng này, và Nhật Bản rõ ràng đang góp sức. Chiến lược này là cần thiết nếu chúng ta không muốn khu vực này của thế giới phải chịu đựng, rồi phụ thuộc vào một bá chủ khác của thế kỷ 21”.
Toàn khu vực cùng chung tay thì may ra mới đảm bảo được sự “trung lập” và tự cường, giữa một “bá chủ” cũ và một “bá chủ” mới, chớ không phải một thân, một mình mà “trung lập” được!
Trung Quốc không phải chỉ biết dùng sức. Họ vẫn duy trì nghiên cứu Luật biển nhằm tìm cách đáp trả phán quyết của tòa trọng tài The Hague năm 2016, để khi cần đã sẵn sàng đấu lý. Tân Hoa xã 15-5 trịnh trọng loan báo một nghiên cứu về phán quyết trọng tài về Nam Hải (tức Biển Đông), do Hội luật quốc tế tập hợp, vừa được nhà xuất bản ngoại văn phát hành hôm thứ hai vừa qua, 14-5. Cuốn sách tựa đề “Phán quyết trọng tài Nam Hải: Một nghiên cứu phê bình, với hai phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh”.
Các tác giả nghiên cứu đã tìm hiểu “toàn diện và sâu sắc hai phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra vào tháng 10-2015 và tháng 7-2016 mà kết luận rằng tòa án trọng tài không có thẩm quyền và phán quyết không có căn cứ trên thực tế và pháp luật” – Tân Hoa xã khoe.
[Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Số 18-2018 (1790). Ra ngày 18/5/2018]Dẫn lại từ: http://nguoivietinfo.ru/Thong-tin-da-chieu/bien-dong-cuoc-choi-va-luat-choi-cua-ai-57504.html