Lưu Trọng Văn
Hôm nay các chuyên gia kinh tế hàng đầu của cả nước tụ hội để Hội thảo về Luật Đặc khu Kinh tế.
Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được chọn là đích nhắm cho bộ luật có tính đột phá về cơ chế, thể chế này.
Bà Phạm Chi Lan có nhận định phản biện rất hay về dự luật và địa điểm chọn lựa làm ĐKKT này. Bà cho rằng thời đại 4.0 thì ĐKKT phải là ĐKKT 4.0 mà công nghệ thông tin, tự động hoá là cốt lõi. Vậy thì Khu Hoà Lạc, Hà Nội và TP.HCM là nơi thích hợp chọn làm ĐKKT 4.0 nhất. Ở đây ưu tiên mọi ưu tiên là thế chế tiến bộ mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng.
Gã cho rằng để làm ĐKKT công nghệ 4.0 thì thực tiễn nhất về điều kiện nguồn nhân lực không đâu hơn SG và HN như ý của bà Phạm Chi Lan.
Vậy gã có ý gì khác?
Đây là khác về ĐKKT chung.
Yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư bền vững và hiệu quả cho một ĐKKT ngoài yếu tố thể chế, nền tảng hạ tầng, nhân lực, ưu đãi thuế, dịch vụ mà trên thế giới đang áp dụng, VN chắc chắn áp dụng thể hiện bằng luật thì yếu tố quyết định cạnh tranh mà ít nơi nào có đó là Không gian Văn hoá và cảnh quan thiên nhiên ở nước ta.
Khi chọn Phú Quốc ĐKKT, chúng ta có ưu thế cảnh quan hấp dẫn vùng biển đẹp của đất nước. Nhưng nơi đó giá đất quá cao, quỹ đất quá ít và bị chiếm dụng theo hình thái băm thịt. Phú Quốc nên là ĐKKT chuyên về du lịch với các ưu đãi về thể chế, visa là đủ.
Thể chế ở đây là mô hình quản lý theo mô hình tập đoàn kinh tế không theo mô hình địa phương. Cả Phú Quốc được quản lý bởi một HĐ Quản trị trực thuộc thủ tướng chứ không phải mô hình huyện uỷ, bộ tứ dưới sự lãnh đạo của tỉnh uỷ và bị chi phối bởi các bộ, các ban ngành trung ương.
ĐKKT du lịch Hạ Long nếu có và rất cần phải có, cũng như vậy.
Đó là nói về ĐKKT chuyên ngành du lịch.
Trong luật ĐKKT nên chia ra các loại để có luật thích ứng.
Theo gã nên bỏ mô hình ĐKKT ”lẩu”, cái gì cũng nhét vào, mà nên làm mô hình ĐKKT chuyên ngành.
Có thể chia ra các chuyên ngành sau:
– Nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm NN.
– Công nghệ TT và Công nghiệp công nghệ cao.
– Du lịch.
– Giáo dục.
– Kinh tế thủ công.
Mỗi loại hình có đặc thù riêng, có nguồn nhân lực và không gian văn hoá riêng nên cần các chính sách riêng, thể chế riêng, mức ưu đãi thuế đặc biệt riêng.
Chúng ta nên nhận thức rằng ĐKKT trước hết và trên hết là phục vụ cho các nhà đầu tư trong nước. Một nền KT bền vững phải lấy Tư sản dân tộc làm nòng cốt. Ưu đãi cho Tư sản dân tộc là dành mọi điều tốt nhất cho người dân chúng ta, và đó chính là sự đền ơn đáp nghĩa đúng nhất cho người dân chúng ta, những người chịu quá nhiều thiệt thòi và áp bức bao năm nay không ngóc đầu lên làm giàu chính đáng được. Và đây chính là chiến lược xin lại Lòng Dân để cùng đột phá cách mạng thay đổi đất nước.
Hãy nhòm các nước Nhật, Hàn, Israel xem, họ phát triển bởi các ĐKKT giành thu hút đầu tư nước ngoài hay thu hút đầu tư của người dân của họ?
Các ĐKKT thực sự chỉ là mô hình thí điểm tạo động lực để nhà nước mạnh dạn và khôn ngoan áp dụng bằng luật cho toàn quốc. Từ đây mô hình quản lý quốc gia sẽ phải thay đổi theo hướng cách mạng, tiên tiến chính nhờ những mô hình này.
Vậy còn yếu tố Không gian Văn hoá là thế nào?
Nguồn nhân lực chỉ có thể phát huy hết năng lực lao động và sáng tạo nếu họ thực sự có Không gian Văn hoá tại nơi làm việc và nơi sống. Không gian Văn hoá đó chính là không gian đời sống sức khoẻ vật chất, tinh thần của họ được bảo đảm nhân văn và thiết thực nhất. Gia đình, con cái của họ có không gian sống, học tập thoải mái nhất. Họ được thiên nhiên phong phú, cảnh quan đẹp, chất lượng khí thở trong lành, hoà quyện dâng hiến nhất.
Luật ĐKKT nếu không có các định chế về Không gian Văn hoá này sẽ không thể thu hút nguồn nhân lực tốt nhất, không thể thu hút nhà đầu tư bền vững nhất. Khi đặt luật ĐKKT mọi điều luật trước hết và trên hết phải trên nền tảng cốt lõi Không gian Văn hoá.
L.T.V.
Nguồn: FB Lưu Trọng Văn
Đọc thêm
Dự luật về đặc khu kinh tế – cách tiếp cận không giống ai
Phỏng vấn chuyên gia Phạm Chi Lan
Huỳnh Phan (ghi)
LTS – Nhân Hội thảo về dự thảo luật về đặc khu kinh tế (ĐKKT) sẽ diễn ra vào 18/5 này, TVN xin giới thiệu những đóng góp của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người có nhiều trăn trở về dự thảo Luật ĐKKT sắp trình Quốc hội xem xét trước khi thông qua.
Trước hết, tại sao lại ra một luật về đặc khu kinh tế mà trong đó chỉ định rõ luôn 3 ĐKKT, là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc? Nếu làm một luật để tạo khuôn khổ chung, thì không nên đưa ra định danh là nơi nào làm. Từ yêu cầu và mục đích của ĐKKT, Quốc hội nên đưa ra những chính sách riêng cho ĐKKT và để Chính phủ lựa chọn làm thí điểm ở nơi nào có thể đáp ứng tốt nhất các điều kiện và kỳ vọng về ĐKKT, trước khi mở rộng ra các nơi khác. Nếu cần thẩm quyền Quốc hội quyết định, Chính phủ có thể đề xuất và trình Quốc hội từng trường hợp một.
Kinh nghiệm của Thẩm Quyến
Đó chính là cái cách ông Đặng Tiểu Bình đã làm đối với Thẩm Quyến ngày xưa vào thời kỳ đầu cải cách của Trung Quốc. Khi đó chưa có đủ niềm tin để áp dụng rộng rãi những chính sách mới theo thị trường, ông Đặng cho lập một ĐKKT và áp dụng những chính sách tốt cho một nơi mà trước đấy chỉ là một bãi rác. Nhưng ưu thế của Thẩm Quyến là đối diện với Hồng Kông, một trung tâm phát triển rất lớn, ông Đặng kỳ vọng, với những chính sách tốt, vị trí của Thẩm Quyến sẽ được phát huy.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đã chọn lựa Thẩm Quyến, vì vị trí gần với Hồng Kông. Hơn nữa, vì một nơi hoang vắng, chưa có gì cả, nhà đầu tư bắt tay từ đầu, thiết kế hạ tầng cần thiết cho phát triển theo yêu cầu của họ. Từ chính sách tốt ở Thẩm Quyến, Trung Quốc áp dụng rộng rãi ra các nơi khác, và làm cho cả đất nước Trung Quốc phát triển theo hướng thu hút được rất nhiều đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư của người Hoa từ bên ngoài về, và cả đất nước phát triển lên.
Sau này, người ta đánh giá rằng điều đầu tiên Thẩm Quyến làm được là tác động về thể chế, là nơi thử nghiệm về thể chế thành công, và từ đó áp dụng rộng rãi ra cho cả nền kinh tế.
Thứ hai, về tác động trực tiếp là sự lan tỏa đến các khu vực khác, như Thượng Hải, Sán Đầu…, những nơi cũng mọc lên các mô hình phát triển như Thẩm Quyến.
Yêu cầu thể nghiệm thể chế mới với Việt Nam
VN đang đứng trước yêu cầu bước sang giai đoạn 2 của đổi mới. Giai đoạn 1 VN đã thành công sau 30 năm, vì vậy sang giai đoạn 2 cần phải đổi mới ở mức cao hơn, vừa để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vừa để đáp ứng tất cả những cam kết với các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà VN đã ký.
Việt Nam cũng có ý tưởng về thiết lập ĐKKT trong bối cảnh đất nước đã và đang tham gia thị trường quốc tế rất mạnh mẽ, trong đó xuất nhập khẩu chiếm tới 180% GDP, và được coi là một nền kinh tế rất mở, cũng như có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài khá mạnh. Theo Báo cáo Đầu tư Toàn cầu, năm 2017 VN đứng thứ 12 trong lựa chọn của các công ty đa quốc gia, tăng hai bậc so với năm trước đó. Trong khi đó, một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã giảm xuống về tỷ lệ chọn lựa.
Khi hỏi những nhà đầu tư nước ngoài thành công ở VN rằng họ thấy Việt Nam hấp dẫn nhất về cái gì, phần lớn họ nói đó là nguồn nhân lực của VN, và VN là nơi kinh doanh tốt vì mở cửa thị trường và tạo cơ hội cho họ tiếp cận nhiều thị trường bên ngoài, chứ không phải các ưu đãi là số 1. Họ cũng tin trong tương lai môi trường kinh doanh ở VN sẽ tốt hơn do VN tham gia các FTA thế hệ mới và sẽ cải cách thể chế theo các cam kết đó.
Vì vậy, thử nghiệm về thể chế của Việt Nam phải là áp dụng hệ thống thể chế mới theo cam kết của các FTAs, ví dụ như những yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, lao động, cạnh tranh, tính minh bạch của bộ máy chính quyền, việc tham vấn người dân, tham vấn doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định, hay yêu cầu dỡ bỏ những hàng rào hành chính, thực hiện thông quan nhanh…
Có thể thấy cách tiếp cận của luật ĐKKT muốn dành ưu đãi thật đặc biệt về thuế và đất đai để thu hút đầu tư chưa trúng với thể chế mà nhà đầu tư mong muốn nhất, đặc biệt với các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực VN muốn thu hút họ vào. Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã nhiều lần nói là VN đang mong muốn bước vào thời đại công nghiệp 4.0, với ưu tiên cao nhất là làm sao phát triển công nghệ để có thể đẩy nền kinh tế lên, và chính sách mới về FDI sắp sửa đổi cũng đưa ra ưu tiên số 1 cho các doanh nghiệp có thể mang công nghệ cao vào và triển khai nó.
Vậy những nhà đầu tư CNC, họ cần gì? Chúng ta có hai mô hình thí điểm CNC ở VN là Khu CNC TP HCM và Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội). KCNC TP HCM có vẻ tốt hơn, còn ở Hòa Lạc còn nhiều vướng mắc lắm. Đầu năm 2018, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã đến KCNC Hòa Lạc làm việc, và kết luận rằng có 13 vấn đề lớn về luật pháp còn vướng mắc cho Hòa Lạc, do luật pháp chưa sửa được. Thế thì tại sao không tập trung giải quyết 13 điều đó cho KCNC Hòa Lạc, và áp dụng cho cả KCNC TP HCM, để chứng minh rằng với thể chế tốt 2 KCNC này có thể vượt lên. Và, sau đó, đem áp dụng chính sách đó chung cho tất cả nơi khác muốn làm CNC.
Ông Nguyễn Mại, một quan chức có nhiều năm kinh nghiệm trong thu hút FDI, đã nói trong một cuộc họp rằng CNC rằng chỉ có thể tập trung vào những đô thị lớn, ở đấy là nơi tập trung trí thức nhiều, tinh hoa nhiều và có lực lượng lao động có kỹ năng cao để nhà đầu tư tuyển dụng, hay cộng tác. Nhà đầu tư như Samsung đã phát triển các khu lắp ráp điện thoại di động ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, nhưng đến trung tâm nghiên cứu xử lý, giám định sản phẩm, họ làm Hà Nội với mấy nghìn kỹ sư hiện nay. Bây giờ đến khâu Nghiên cứu & Phát triển (R&D) họ lại chọn TP HCM. Các nhà đầu tư CNC khác cũng có cách chọn địa điểm tương tự.
Thế mà bây giờ VN lập ra Vân Đồn, Vân Phong, hay Phú Quốc, ở đâu cũng đều nói đến CNC cả. Nhưng liệu các nhà CNC sẽ vào đấy, hay là họ tiếp tục chọn TP HCM, Hà Nội, hoặc Đà Nẵng?
ĐKKT xin xây dựng casiso có nên không?
Có thực tế là cả 3 nơi, Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc đều muốn có casino.
Bản thân du lịch đang phát triển khá tốt ở Quảng Ninh, với Vịnh Hạ Long là di sản thế giới và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Những năm vừa qua Quảng Ninh đã làm được rất nhiều việc tốt để thu hút du lịch.
Phú Quốc những năm gần đây nổi lên trở thành một địa điểm du lịch hết sức hấp dẫn và thu hút được cả khách trong nước và nước ngoài. Đầu tư vào các dự án hạ tầng cho du lịch ở Phú Quốc cũng rất mạnh rồi.
Chưa phải ĐKKT, du lịch ở Quảng Ninh và Phú Quốc đã phát triển rồi. Sắp tới, nếu thành ĐKKT, 2 nơi này lại có thêm những ưu đãi về bất động sản, nghỉ dưỡng, hay vui chơi giải trí. Vậy những ưu đãi đó có thừa không, và liệu casino có cần không?
Casino là điều rất cần cân nhắc thận trọng, bởi gần với Vân Đồn – Quảng Ninh đã có Ma Cao, trung tâm đánh bạc lớn của thế giới, và đã thành công. Nhưng vài năm gần đây, không chỉ Ma Cao mà cả Las Vegas ở Mỹ cũng đang có chiều hướng suy giảm, vì đánh bạc trên mạng xuất hiện rộng rãi. Ở VN, mạng lưới đánh bạc trên mạng chỉ do hai doanh nhân điều hành, và mấy ông tướng công an bảo kê, mà có tới 14 triệu lượt người tham gia. Trong khi VN lại muốn dùng casino với rất nhiều ưu đãi để tạo đột phá, có nên không? Trong hơn 4000 ĐKKT trên thế giới, có bao nhiêu ĐKKT cạnh tranh bằng casino? Theo tôi, cần phải nghiên cứu thấu đáo, tới nơi tới chốn, chứ đừng nghe theo lobby của ai đó mà chấp nhận.
Rồi bây giờ người ta lại đang vận động công nhận ngành mại dâm, tuy chưa ghi trong dự thảo luật về ĐKKT. Chẳng lẽ ngành du lịch của VN không có những thế mạnh khác, và phải cất cánh bằng đánh bạc và mại dâm à? Chỉ nghĩ đến điều này thôi đã thấy quá đau, vì ta sẽ phải trả giá lớn về văn hóa, xã hội cho sự phát triển của đất nước trong tương lai nếu làm như vậy.
Hơn nữa, trong danh mục ưu đãi đầu tư ở ĐKKT có cả CNC lẫn casino. Thử nghĩ xem liệu các nhà CNC, vốn quen sống và làm việc trong môi trường trí thức, học tập, sáng tạo, có muốn vào ngồi cùng chỗ với đánh bạc và mại dâm không? Ưu đãi cho casino ở cùng ĐKKT có thể sẽ đuổi các nhà đầu tư CNC đi nơi khác.
Những nơi được chọn làm ĐKKT không có tác dụng lan tỏa
Về tác động lan tỏa, các ngành mà VN đang muốn tập trung phát triển là công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp. CNTT hiện nay đang trải ra nhiều chỗ trên đất nước. CNTT tạo thành sức mạnh vật chất giúp cho các ngành phát triển lên, chứ không phải chỉ phát triển cho bản thân để bán sản phầm ra nước ngoài. CNTT có thể góp phần quan trọng hiện đại hóa nền kinh tế, khắc phục những yếu kém trong hệ thống quản trị nhà nước và doanh nghiệp, như tính kém minh bạch, kém trách nhiệm giải trình, và giúp cho cả nhà nước và doanh nghiệp có các lựa chọn tốt hơn, thực thi hiệu quả hơn trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Hay những ngành như giáo dục, y tế, giao thông vận tải, đo đạc bản đồ, quan trắc hay phát hiện vấn đề môi trường… đều rất cần áp dụng CNTT. Vì vậy, đầu tư và ứng dụng CNTT không thể chỉ trong các ĐKKT dự kiến này, mà phải dựa trên các trung tâm lớn như TP HCM, Hà Nội, và mới đây là Đà Nẵng, Cần Thơ, và từ đó lan tỏa ra khắp nước.
Mảng thứ hai là du lịch. Phú Quốc và Vân Đồn được chọn nhằm mục tiêu du lịch tương đối rõ. Ngoài Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh có thêm Vân Đồn là rất tốt, nhưng Vân Đồn không thể thay thế Vịnh Hạ Long mà chỉ có thể phát triển khi đi cùng Hạ Long.
Còn Phú Quốc bản thân vẫn đang phát triển du lịch rất mạnh, bất động sản du lịch đã bán, chia chác gần hết rồi, đâu có cần chờ chính sách ưu đãi gì! Phú Quốc là một hòn đảo, nên khả năng kết nối với tỉnh Kiên Giang, hay rộng hơn đồng bằng sông Cửu long, để lan tỏa cũng hoàn toàn không dễ. Đó là chưa nói loại hình du lịch ở Phú Quốc hoàn toàn khác với loại hình du lịch của đồng bằng sông Cửu long, vốn gắn với nông nghiệp và sinh thái.
Trung tâm du lịch ở phía Nam hiện giờ vẫn là TP HCM với 26 triệu lượt khách mỗi năm. Từ TP HCM đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Tây Ninh hay đồng bằng Sông Cửu Long đều tiện cả.
Vân Phong không phải là nơi để làm du lịch, bởi Vân Phong nằm bên cạnh Nha Trang, gần Bình Định, và một chuỗi các tỉnh miền Trung có khả năng về du lịch. Nếu lấy một điểm là trung tâm du lịch của miền Trung để từ đó lan tỏa, nên chọn Đà Nẵng hoặc Nha Trang. Còn Vân Phong, với ý tưởng trước đây là biến nó thành một cảng trung chuyển, hỗ trợ cho cảng trung chuyển ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tôi nghĩ là được.
Đối ngành thứ ba mà chúng ta ưu tiên phát triển là nông nghiệp, cả 3 nơi chọn làm ĐKKT đều khó có thể phát huy vai trò trong phát triển nông nghiệp ở VN.
Vân Đồn – Quảng Ninh không phải là vùng nông nghiệp, nên được hoạch định cho các ngành khác. Đồng bằng sông Hồng tập trung ở các tỉnh ven và xung quanh Hải Phòng, với cảng Hải Phòng là nơi vận chuyển. Từ Hải Phòng đi Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, hay Bắc Giang, đều tiện, Vân Đồn không có được vị trí như thế.
Vân Phong cũng vậy. Khu vực miền Trung không phải là nơi trọng tâm phát triển nông nghiệp được, khi bị khô hạn và bão tố triền miên.
Phú Quốc có thể phát triển một số sản phẩm về hải sản, hay nông sản, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch ở Phú Quốc thôi, chứ không phải đầu tàu để phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu ở đồng bằng sông Cửu Long nên chọn Cần Thơ, hoặc phần nào đó TP HCM – làm nơi chế biến, kinh doanh và tạo thêm giá trị gia tăng cho nông sản.
Nên chọn nơi nào làm ĐKKT trước?
Tôi nghĩ giá mà biến TP HCM, hoặc một phần của nó, thành ĐKKT, với ý nghĩa trước hết là nơi thử nghiệm các thể chế hiện đại theo các cam kết FTA, thì nó có thể mang lại được lợi ích ngay, nhiều hơn và sớm hơn. TPHCM vốn vẫn là nơi phát triển cao nhất trong cả nước và thường đi đầu trong những sáng kiến đổi mới về nhiều mặt, và cũng là nơi tụ hội tinh hoa lớn nhất cả nước. Sức lan tỏa sang các nơi khác cũng mạnh, vì sự phát triển của TP HCM luôn gắn rất nhiều với các vùng khác trong cả nước, khi TP này đã và đang là trung tâm thương mại quốc tế lớn nhất của nước ta.
Hà Nội là lựa chọn thú hai, với những điều kiện về thử nghiệm thể chế như TP HCM, trước mắt tập trung vào thực hiện ở khu CNC Hòa Lạc, nơi đã có 20 năm tuổi nhưng vẫn bị thể chế tạo thành rào cản chính cho phát triển.
Các vấn đề như quản trị, điều hành, nguồn nhân lực sẽ không quá khó để giải quyết ở hai nơi này nếu cải cách thể chế được thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nghiêm túc, với hệ thống tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng, giao quyền và trách nhiệm thật minh bạch, có trách nhiệm giải trình, có hệ thống giám sát thực sự hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề hạ tầng ở TP HCM và Hà Nội, sẽ chỉ mất một phần trong con số triệu tỷ dự kiến đầu tư vào 3 ĐKKT theo dự thảo luật, mà kết quả thu được sẽ cao hơn gấp bội. TP HCM và Hà Nội sẽ trở thành trung tâm của những ngành cao cấp hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, như sản xuất các sản phẩm ứng dụng CNC, hay các dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, thương mại, du lịch…, để lan tỏa ra các vùng xung quanh và kết nối nền kinh tế nước ta với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Hai nơi này mà cất cánh, cả nền kinh tế sẽ cất cánh theo.
H.P.
Nguồn: http://www.viet-studies.net/kinhte/DacKhuKinhTe_PCLan.html