Bàn về kết quả Hội nghị Trung ương 7

Nguyễn Đình Cống

Khi Hội nghị đang họp tôi đã có 2 bài đóng góp ý kiến, nhưng chắc rằng chẳng được mấy đại biểu dự Hội nghị biết đến, nếu may ra có đại biểu nào xem được thì “xem xong rồi để đó”. Nay Hội nghị đã kết thúc, tôi lại xin bàn về kết quả. Cũng không mong gì vào việc có Ủy viên trung ương nào để mắt đến và suy nghĩ. Viết chỉ là để trả nợ bút nghiên.

Kết quả quan trọng nhất của Hội nghị TƯ 7 của ĐCSVN có lẽ là Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, mà then chốt là “xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực”.

 Xây dựng đội ngũ cán bộ là việc quan trọng, nhưng không có gì mới, các thế hệ lãnh đạo của Đảng nói đã nhiều, đã ra lắm nghị quyết. Cán bộ, đảng viên học tập đã chán chê. Thế mà tình trạng ngày càng tiêu cực. Người ta tuyên truyền, rằng nghị quyết lần này có nhiều điểm mới, thể hiện trí tuệ cao, sáng suốt lớn, tinh thần kiên quyết và triệt để. Người ta hy vọng NQ sẽ tạo được chuyển biến tích cực. Thế nhưng có thể dự đoán với mức chính xác rất cao là tiêu cực vẫn tồn tại và phát triển, chỉ là thay đổi hình thức và tinh vi hơn. Rồi lại phải ra thêm nhiều NQ nữa, nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Vì sao như vậy?

Vì rằng mọi nghị quyết, mọi chỉ thị từ trước đến nay, kể cả NQ của HN TƯ 7 lần này đều dựa trên một nền tảng sai lầm, vi phạm thô bạo nguyên tắc “Chỉ có thể sửa chữa sai lầm khi dựa vào nguyên lý khác với nguyên lý đã sinh ra sai lầm đó”, vì định dùng sai lầm lớn để sửa sai lầm bé hơn.

Sai lầm lớn, nguyên lý sinh ra sai lầm trong hoạt động của ĐCS chính là “Sự độc quyền toàn trị của Đảng” dựa trên nền Chuyên chính vô sản, là đồng nhất một đảng cách mạng với đảng chính trị cầm quyền. Đó là nguồn gốc gây ra nhiều tai họa nguy hiểm.

Thể chế kiểm soát quyền lực cũng không có gì mới. Nhân loại đã khá thành công với “Tam quyền phân lập”. Thế mà người ta còn định sáng tạo “Lồng nhốt quyền lực”. Sáng tạo này có lẽ muốn đóng góp vào các Học thuyết chính trị, để được xếp ngang hàng với Jean-Jacques Russeau và Montesquieu? Trước đây ông Lê Duẩn đã sáng tác ra “Học thuyết làm chủ tập thể”, định đóng góp vào Chủ nghĩa Mác Lê. Làm chủ tập thể đã bị phá sản. Lồng nhốt quyền lực là sản phẩm của một trí tuệ nông cạn, lại được một số đông xu nịnh phụ họa, rồi cũng sẽ phá sản.

Việc tạo nguồn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược như tổ chức Đảng đang làm hiện nay là việc “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” như có lần tôi đã phân tích (trong bài Để tránh cái vỏ dừa, tháng 3 năm 2015). Cách làm như vậy khó tìm được những người tinh hoa mà chủ yếu bị bọn cơ hội lợi dụng.

Việc không dùng người địa phương vào các chức Bí thư huyện và tỉnh là cách học người xưa. Dưới thời phong kiến, luật Hồi tỵ phát huy tác dụng tốt, còn dưới thời CS, không khéo việc cấm người địa phương làm bí thư lại gây ra những xáo trộn không đáng có.

Công tác cán bộ, chọn được những người có năng lực cao, đạo đức tốt để thay mặt dân quản lý xã hội là việc quan trọng, không phải bây giờ, ở VN mà là mọi lúc mọi nơi. Để làm tốt việc này thế giới đã có nhiều biện pháp rất hiệu quả. Thế mà than ôi, ĐCS VN dùng con đom đóm sắp chết để quờ quạng trong đường hầm tối tăm mà cứ tưởng đã có ánh sáng rực rỡ soi đường.

Đáng hận thay!

Đáng thương thay cho dân tộc!

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chính trị, Đảng CSVN. Bookmark the permalink.