Tô Văn Trường
Nhân kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2018) chúng ta cùng nhau nhìn lại một số nét chính về chặng đường phát triển đầy thăng trầm và kiêu hãnh của thành phố hoa phượng đỏ. Cuộc sống và xã hội là luôn biến đổi và quy luật của muôn đời, của tự nhiên luôn luôn là cái đúng đắn và phù hợp quy luật chắc chắn sẽ chiến thắng sự sai lầm để tiến ra “biển lớn”.
Tôi có hai anh bạn thân từ thuở nhỏ cùng quê Thái Bình, mỗi người một nghề: nghiên cứu khoa học, bộ đội, kỹ sư đường sắt. Cũng lại ở cách xa nên cũng ít dịp gặp nhau, nhưng mỗi khi có thể gặp thì đều rủ nhau đi chơi, gọi là du lịch sinh thái theo kiểu tùy hứng. Mà tuổi cao rồi, nên cũng chẳng thể đi xa, nên ngoài quê Thái Bình ra thì thường chúng tôi chọn thêm Hải Phòng. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn ấy, nhưng chúng tôi chỉ nói đơn giản là “thích”, thế thôi!
Quả thực Hải Phòng có nhiều cái hấp dẫn gắn bó với chúng tôi. Một trong hai anh bạn của tôi là sinh viên năm 1966 xung phong đi bộ đội làm lính pháo phòng không đóng quân ở Thủy Nguyên bảo vệ Cảng Hải Phòng trong thời gian không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất, anh kể chỉ trong 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1967, đại đội pháo cao xạ 100 mm của anh hy sinh 41 người, tức là gần một nửa quân số. Trận cuối cùng đơn vị anh trực tiếp bắn rơi máy bay và bắt sống phi công Mỹ nhảy dù ngay cạnh trận địa ở xã Dương Quan/Thủy Nguyên, nhưng 7 đồng đội của anh cũng đã ngã xuống trong trận ấy. Suốt đêm trong cái giá lạnh và mưa phùn cuối thu, anh cùng đồng đội và bà con xã Dương Quan lo cứu thương, truy điệu và chôn cất anh em hy sinh, nuớc mắt của anh hòa lẫn máu đồng đội thấm ướt bộ quân phục gabadin mới được phát, mỗi khi hồi tưởng về Hải Phòng những ngày ấy, anh cứ rưng rưng như vậy.
Còn anh bạn lái tàu hỏa suốt những năm chiến tranh ác liệt và cả những năm hòa bình gian khó thường đưa những đoàn tàu ngược xuôi Hà Nội-Hải Phòng thì có lẽ thuộc từng km, từng làng xóm dọc đường 5. Trong ba chúng tôi thì nhà anh ấy nghèo nhất, lúc xa quê lên Hà Nội đi làm mới chỉ học xong cấp 2, thế mà trong cái nghèo khó, anh đã phấn đấu học có bằng kỹ sư ngành đường sắt với trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm được các đồng nghiệp rất kính nể.
Tôi cũng có những kỷ niệm riêng về Hải Phòng, thập niên 60 đã đi thực tập công nhân 3 tháng ở thành phố hoa phượng đỏ (lúc đó là sinh viên ngành cảng đường thủy của Đại học Xây dựng Hà Nội) và nhất là những năm gần đây với việc tham gia vào nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến vùng cửa biển đầy sóng gió này. Cả ba chúng tôi cùng có những người bạn thân thiết ở Hải Phòng. Bởi vậy, chúng tôi rất háo hức mỗi khi có dịp cùng nhau về Hải Phòng.
Năm ngoái, cũng dịp đầu xuân này, ba chúng tôi đã có một chuyến đi thú vị về thành phố cảng với những nỗi niềm riêng, nỗi niềm chung không nói hết thành lời. Trước Tết năm nay, chúng tôi cũng đã hẹn nhau trung tuần tháng Ba này lại về Thái Bình rồi theo đường 10 ra Hải Phòng để tận hưởng không khí Xuân nồng nàn rất riêng của Hải Phòng. Nhưng rồi dự định ấy đã không thành, vì anh bạn kỹ sư đường sắt vừa mới đột ngột ra đi sau một cơn đột quỵ. Tôi và anh bạn bộ đội gọi cho nhau về tin dữ mà không cầm được tiếng khóc nghẹn ngào.
Hải Phòng trong tôi là như thế, với những kỷ niệm, niềm vui và nỗi buồn không bao giờ nguôi.
Vị thế của Hải Phòng
Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, Hải Phòng luôn là vùng đất quan trọng, là cửa ngõ của kinh thành và giữ vai trò địa chính trị chiến lược quan trọng của đất nước.
Lịch sử phát triển của Hải Phòng gắn liền với nhiều tên tuổi nổi bật như Lê Chân – nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn, lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay. Tượng của bà Lê Chân được dựng ngay khu trung tâm thành phố.
Hải Phòng cũng là mảnh đất của văn chương từ thời cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với những tiên tri sấm truyền bất hủ qua bao thời đại. Tại Tòa thánh Tây Ninh của đạo Cao Đài, Nguyễn Bỉnh Khiêm-Trạng Trình là một trong ba vị thánh trong bức tranh thiêng nổi tiếng “Tam thánh ký hòa ước” được các tín đồ Đạo Cao Đài ngưỡng vọng phụng thờ và liên tục thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có không ít các danh họa, các nhà văn hóa trên khắp thế giới.
Thời sau này, có nhạc sỹ Văn Cao tài hoa, nay tên của ông cũng đã được đặt cho một con phố. Nhạc sỹ Lương Vĩnh với bài “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ” nổi tiếng. Sau này có Thụy Kha, Duy Thái với “Lời của gió”, họa sỹ lãng tử Trịnh Thái với bức tranh “Tam bạc” say đắm lòng người…
Thành phố Hải phòng – Hoa phượng đỏ (Ảnh trên mạng)
Thời đại Hồ Chí Minh, Hải phòng có nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân nổi bật như Cụ Vũ Trọng Khánh là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hải phòng (thị trưởng thành phố Hải phòng thời Chính phủ của ông Trần Trọng Kim) và là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên trong Chính phủ của Cụ Hồ. Cụ Sơn Hà là doanh nhân thành đạt, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên là người sản xuất ra loại sơn nổi tiếng cả nước. Đặc biệt là ông Bí thư thành ủy Đoàn Duy Thành, từ các bài học kinh nghiệm của bí thư Vĩnh Phúc (ông Kim Ngọc), ông Thành là người chủ động “xé rào” cứu đói, trong việc khoán hộ, giao ruộng cho nông dân. Năm 1980 Nghị quyết 24 của thành ủy Hải Phòng về khoán hộ là cơ sở thực tiễn để Ban bí thư ban hành chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (còn gọi là chỉ thị 100) tạo bước phát triển đột biến về năng suất và sản lượng nông nghiệp.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Hải Phòng là nơi “đầu sóng ngọn gió” hứng chịu nhiều bom đạn nhưng vẫn là nơi xuất phát của các đoàn tầu “không số” chi viện cho miền Nam và là nơi đào tạo các “hạt giống đỏ” học sinh miền Nam cho đất nước. Tại thành phố Hải Phòng có đến 14 trường học với 15 nghìn học sinh miền Nam từ vỡ lòng đến cấp 3. “Bà xã” của người viết bài này cũng là học sinh miền Nam suốt 10 năm phổ thông sống trong sự đùm bọc, yêu thương của người dân thành phố, coi Hải Phòng như quê hương thứ hai của mình.
Ngay sau khi giải phóng 13/5/1955, Hải Phòng là thành phố lớn thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Miền Bắc Việt Nam) và là thành phố công nghiệp, là thành phố cảng duy nhất, có nhà máy xi măng duy nhất. Hay nói rõ hơn Hải Phòng vốn có: Cảng sông pha biển (bến Sáu Kho), Đồ Sơn, Chợ Sắt, nhà máy xi măng, một nền tảng công nghiệp lớn nhất miền Bắc do người Pháp để lại. Lợi thế đó, giúp Hải phòng có vị thế trong nước và một thời giúp cải thiện đời sống của người dân.
Ngẫm suy
Người Hải Phòng nổi tiếng về tính thẳng thắn, ăn to nói lớn và chịu chơi. Các tính cách này cũng một phần là do Hải Phòng là thành phố công nghiệp và thành phố cảng. Chất ngang tàng, giang hồ, anh chị của Hải Phòng rõ nét từ thời “Tám Bính, Năm Sài Gòn” là một đặc điểm có tính hai mặt (tích cực và tiêu cực).
Thời chiến tranh chống Mỹ, ra Hà Nội ly cà phê thì phải gọi là tách cà phê vì nó nhỏ và không đậm đà. Còn dân Hải Phòng lúc đó, uống là uống cà phê đá hay ly to, đậm.
Hải Phòng không chỉ có những đội học sinh giỏi toán mà cũng rất trào phúng, biết tự “giễu mình” qua bài vè về các địa danh nổi tiếng của thành phố:
“Hải Phòng tuy thế mà tồ
Sông thì Lấp lại, Đồ thì đem Sơn.
Cảng thì Cấm, Chợ thì Con
Lại thêm Chợ Đổ còn buôn bán gì.
Cầu thì Rào lại không đi
Lại đi Cầu Đất còn gì ngu hơn.”
Sự kiện ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã có thời tốn không biết bao nhiêu giấy mực và sự quan tâm của công luận về nguyên nhân chống người thi hành công vụ, suy cho cùng liên quan đến những bất cập của thể chế và chính sách khai hoang lấn biển sản xuất và cách ứng xử với dân của những người có thẩm quyền.
Trong quá trình phát triển của thành phố, sau thời kỳ ông Đoàn Duy Thành được điều lên trung ương, người Hải Phòng càng bỏ đi nhiều vì thấy thành phố không chịu phát triển. Theo thời gian, Hải Phòng mất lợi thế là thành phố cảng duy nhất. Một số ngành công nghiệp truyền thống như xi măng, đóng tàu, may mặc, giày da không đọ được với các ngành công nghiệp mới đang nổi lên ở các tỉnh, thành phố khác. Xi măng thì rất nhiều tỉnh khác cũng làm, Hải Phòng mất lợi thế độc quyền “duy nhất” ngày xưa. Đóng tàu, may mặc, giày da chủ yếu là gia công cho nước ngoài, từ nguyên vật liệu nước ngoài. Đó là những thách thức của Hải Phòng, đòi hỏi phải tìm đường phát triển mới.
Lãnh đạo Hải Phòng luôn nói câu cửa miệng là :”Hải Phòng là đại công trường” nhưng liệu người dân có cơ hội làm giàu, khi mà mới đến 21 giờ trở đi hầu hết thành phố vắng như chùa Bà Đanh? Trong khi đó, ô nhiễm môi trường đất ngày càng gia tăng (sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, diện tích đất nhiễm mặn) đường sá xuống cấp, v.v. Nguồn nước ngọt của Hải Phòng có trữ lượng khá phong phú, chất lượng nguồn nước tự nhiên tương đối tốt, tuy nhiên phân bổ không đồng đều theo thời gian và không gian. Chất lượng nước trên các kênh, hồ, cửa xả của thành phố đều có dấu hiệu của ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng (Amoni: tại hồ An Biên vượt 4,4 lần, hồ Phương Lưu vượt 4,9 lần, hồ Sen vượt 8,3 lần, sông Cấm vượt 1,8 lần, sông Lạch Họng vượt 3,64 lần giới hạn cho phép), v.v. Hàng ngày, thành phố phát sinh khoảng 600 tấn chất thải rắn nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp, trong đó, lượng rác phát sinh từ bao bì phân bón hóa học, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (khoảng 1,1%). Tất cả khối lượng rác này hiện chỉ đem chôn lấp tại các đầm dọc bờ đê các con sông, hoặc kênh mương, hoặc những khe núi. So với các năm trước đây, thì ô nhiễm môi trường không khí đang gia tăng tại một số khu vực có mật độ tập trung công nghiệp cao như Quán Toan, An Lão, Minh Đức, Tam Hưng, Vĩnh Bảo (Tân Liên). Hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản bừa bãi, không đúng thiết kế kỹ thuật, khai thác quá mức cho phép, công nghệ khai thác thủ công dẫn đến lãng phí tài nguyên, gây tai nạn chết người thường xuyên. Hiện nay, Hải Phòng thực sự đang trở thành thành phố 3B: “Biển-Bẩn-Bụi”.
Trong quá trình thành phố Hải Phòng tiến ra biển lớn, Hội đồng khoa học đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ Tài nguyên & Môi trường về dự án quốc tế cảng Lạch Huyện đã góp ý việc sử dụng 5 cửa sông chính đổ ra biển từ mảnh đất Hải Phòng trong 30 năm đã cho thấy sự thất bại khi con người muốn can thiệp vào đây. Bắt đầu từ hiện tượng nông hóa và bồi lấp không còn khái niệm cửa sông Thái Bình theo đúng nghĩa của nó, đến đắp đập Đình Vũ (năm 1978) lấp cửa sông Cấm – một trong những cửa luồng chính vào cảng Hải Phòng gây sa bồi nghiêm trọng đối với vùng cửa Nam Triệu – luồng chính vào cảng Hải Phòng hiện nay và làm thay đổi toàn cảnh bức tranh phân bố phù sa trong diện rộng của vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng (từ bắc Đồ Sơn đến Lạch Huyện).
Cửa Nam Triệu (cửa mở chính của hệ cửa sông hình phễu Bạch Đằng) bị sa bồi nông dần, đến nay chỉ còn sâu 2,5-2,7 m, sẽ rất khó khăn cho tàu thuyền qua lại, đặc biệt là tàu trọng tải lớn, ảnh hưởng lớn đến vị thế của Hải Phòng.
Nếu vẫn giữ tư duy lấp cửa Cấm thì đi cửa Nam Triệu, mất cửa Nam Triệu thì đào kênh Cái Tráp, hỏng kênh Cái Tráp thì đào kênh Hà Nam hiện nay và Lạch Huyện 20 năm nữa sẽ lặp lại bài học nói trên. Khi đó Hải Phòng không còn “lỗ mũi” nào để mà thở và cái thế cửa ngõ hướng biển sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Hải Phòng từ lâu, luôn định hướng chiến lược phát triển để trở thành thành phố cảng, công nghiệp, du lịch, thủy sản… của miền Bắc và cả nước. Nhưng sau bao nhiêu năm phấn đấu vẫn là thành phố cảng với công nghệ bốc dỡ lạc hâu, cầu cảng xây dựng manh mún giữa các bờ sông, bãi sú. Thành phố công nghiệp nhưng toàn công nghệ lạc hậu, không có sản phẩm đặc trưng, vẫn loanh quanh chưa xác định được ngành công nghiệp nào là hạt nhân để hút các doanh nghiệp vệ tinh. Là thành phố du lịch nhưng rất ít khách sạn ra hồn. Là vùng thủy sản của miền Bắc nhưng hiện chỉ có duy nhất một doanh nghiệp chế biến thủy sản công suất nhỏ (Cty Việt Trường), nhưng hoạt động cầm chừng. Chưa bao giờ Hải Phòng được Trung ương giao tổ chức các hội nghị hay diễn đàn tầm cỡ quốc tế hay khu vực (APEC, ASIAN…).
Với thực trạng phát triển như vậy, đòi hỏi bộ máy chính quyền phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để có các chính sách phù hợp cho phát triển thành phố, để làm sao giữ được người tài chứ chưa nói thu hút nhân tài về với thành phố. Dân số Hải Phòng không tăng trong nhiều năm qua là minh chứng rõ nét cho điều này.
Gian nan trăn trở về các câu hỏi?
Người ta nhại bài hát “ca ngợi” về Hải Phòng có câu ca, đại ý: “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai sau bé nữa, sánh vai cùng Hà Lầm, Hà Cối…” nghe thật trào phúng. Những người có trách nhiệm chắc phải rất day dứt để làm sao trả lời được các câu hỏi cụ thể rất thiết thực dưới đây để nhìn lại mình cho rõ hơn và phải biết vượt lên chính mình:
– Tại sao Hải Phòng vốn chỉ sau Hà nội, mà bây giờ xếp thứ 10 của đất nước này?
– Tại sao Hải Phòng có biển, có cảng, có sân bay, có công nghiệp hàng đầu thời 6X mà bây giờ không so được với các thành phố ven biển khác của đất nước?
– Tại sao dân Hải Phòng bỏ đi nhiều thế? Thuyền nhân Hải Phòng sang Canada, Mỹ, Úc nhiều lắm…
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”? của cô giáo Trần Thị Lam có đoạn kết làm lay động lòng người:
“Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu”?
Bài học kinh nghiệm
Muốn thành phố phát triển bền vững phải xem xét lại chiến lược phát triển xung quanh bài toán “thể chế và con người” để quyết tâm đưa thành phố Hải Phòng trở thành TP. cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Trước hết, cần hiểu thấu đáo các bài học lớn trong quá khứ mà ai cũng nhớ là “Chợ Sắt thui chó nửa mùa hết rơm”. Dự án nâng cấp chợ Sắt thành siêu thị đã giết chết cái chợ nổi tiếng cả miền Bắc (có thể so sánh với chợ Bến Thành, Sài Gòn) – vốn là trung tâm thương mại của cả miền Bắc, đầu mối bán buôn đi các tỉnh, vốn là niềm tự hào của người Hải Phòng. Một bài học đau đớn về sự học đòi – quá đơn giản và nông nổi.
Bài học về khu chế xuất Đồ Sơn – khu chế xuất đầu tiên của miền Bắc nhưng đã không thành công.
Biển Đồ Sơn không còn xanh mà hay có màu phù sa đục nên bãi tắm không còn hấp dẫn. Một sự nổi tiếng bất đắc dĩ ở Đồ Sơn chính là nạn chị em “mắt xanh, mỏ đỏ”. Chọi trâu ở Đồ Sơn cũng rất nổi tiếng nhưng máu me quá – nhiều nhà văn hóa đang yêu cầu dẹp bỏ. Sông Lấp – một thương hiệu khác của Hải Phòng cũng từng một lần dậy sóng khi bị mất tên và đổi thành “Hồ Tam Bạc”. Trong lịch sử ít khi sông biến thành hồ.
Gần đây, có vụ nhạc nước trên hồ Tam Bạc bị đổ bể vì nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là sự không phù hợp. Có lẽ ai đó muốn copy một mô hình nhạc nước ở đâu đó cho Hải Phòng nhưng thiếu đi một “luận chứng kinh tế kỹ thuật đầy đủ”…
Con đường 5 mới rất đẹp nhưng ít người đi và đang chịu lỗ vốn – có lẽ vì giá BOT đắt quá mà nhà đầu tư chưa hiểu tính nhạy cảm về giá (price elasticity) – lẽ ra nên giảm giá xuống để có nhiều khách hàng hơn vì hiệu quả kinh tế cuối cùng là thu hồi vốn và lợi nhuận cho họ và hiệu quả xã hội là tăng mức lưu chuyển hàng hóa, hành khách…
Rất đáng lưu ý là khu công nghiệp của Trung Quốc đầu tư 180 ha ở 3 xã Bắc Sơn, Hồng Phong, An Hòa thuộc huyện An Dương là công nghệ lạc hậu, chủ yếu các thiết bị cũ dỡ bỏ ở Thẩm Dương (Trung Quốc) chuyển về tái sử dụng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước cung cấp cho thành phố Hải Phòng. Đành rằng người ta cũng làm các thủ tục thông qua như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thực chất nên gọi ĐTM là “Đại Tù Mù” cho đúng nghĩa hơn vì nguy cơ ảnh hưởng của khu công nghiệp của Trung Quốc nói trên tác động xấu đến nguồn cung cấp nước sông Đa Độ, lúc đó thành phố chỉ còn trông chờ vào nguồn nước sạch chủ yếu của sông Giá.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại diễn văn bế mạc Hội nghị 11 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XI, 7/5/2015 đã nói rất đúng rằng cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là “then chốt của then chốt”. Nhưng thật đáng buồn khi những điều nêu trên của Tổng bí thư đối với cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng về công tác cán bộ vẫn chưa biến thành thực tiễn sinh động hiện nay.
Các giải pháp
Có lẽ cần có một đánh giá đầy đủ từ truyền thống đến hiện tại, phân tích SWOT (mạnh, yếu, thời cơ và thách thức) đầy đủ để đưa ra một tầm nhìn, một chiến lược phát triển gắn với đặc trưng của Hải Phòng, thay vì một chiến lược chung chung và nhàn nhạt giống như bất kỳ một tỉnh thành nào khác của Việt Nam.
Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Quan tâm công tác qui hoạch và phát triển đô thị (nguồn thu lớn hàng năm cần tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo bộ mặt đô thị khang trang hiện đại).
Khu đô thị ngã năm-sân bay Cát Bi (từng là điều kiện giúp Hải Phòng lên Đô thị loại 1 cấp quốc gia) cần triển khai quyết liệt, toàn diện và bám sát qui hoạch (nay nhiều khu chưa giải tỏa hết).
Hiện nay, Quảng Ninh là người hàng xóm của Hải Phòng đang trỗi dậy mạnh mẽ về du lịch (sắp khai trương sân bay quốc tế Vân Đồn), nuôi trồng thuỷ – hải sản theo mô hình “nuôi biển” hiện đại và chắc sẽ chiếm ngôi vị đầu tàu về nuôi biển khu vực miền Bắc.
Để phát huy lợi thế thành phố cảng, Hải Phòng phải nâng cấp cảng và cải thiện thủ tục thông quan. Để bù lại những lợi thế đã mất đi về công nghiệp, Hải Phòng phải phát triển công nghiệp cao (trong đó có công nghiệp chế biến công nghệ cao) và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có thủy, hải sản).
Để phát huy lợi thế gần thủ đô, giao thông thuận lợi, Hải Phòng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nguồn đầu tư (trên cơ sở phát triển kinh tế song hành với coi trọng an ninh môi trường).
Hải Phòng cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ khoa học công nghệ không chỉ cho ngành hàng hải, nuôi trồng thuỷ – hải sản mà còn cả nông nghiệp công nghệ cao và ngành chế tạo, chế biến thực phẩm.
Thúc đẩy một số ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, điện tử và công nghệ sinh học ngang tầm Đài Loan, Hàn Quốc. Tìm các phương án tối ưu để tích hợp với hạ tầng cơ sở của các tỉnh lân cận và kết hợp trong thế cùng thắng. Ví dụ như về cảng biển, kho bãi đường giao thông. Mô hình tích hợp để tạo nên sức “trồi, đột phá ” của thế giới cũng đáng để nghiên cứu. Cần tránh dẫm chân nhau khi cùng tranh sản xuất, kinh doanh cùng mặt hàng với các tỉnh lân cận khiến thương lái nước ngoài hưởng lợi.
Trọng dụng người tài theo đúng quan điểm của Đảng kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Ngày nay, Hải Phòng không thiếu gì người tài, có tâm như doanh nhân Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường Tạ Quyết Thắng là một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, tài sản hàng ngàn tỷ đồng với khoảng hơn hai nghìn công nhân. Hàng năm, công ty nộp ngân sách hàng chục tỷ, làm từ thiện cho cộng đồng và xã hội cũng phải vài tỷ mỗi năm, mà làm rất lặng lẽ, âm thầm. Dù kiếm đồng tiền ở ông là đổ mồ hôi sôi nước mắt, đầy thăng trầm, dâu bể, thành công nhiều mà thất bại cũng không ít (chủ yếu do cơ chế không phù hợp với thực tiễn) nhưng mới đây, ông Thắng vẫn chủ động bỏ tiền riêng khoảng 80 tỷ đồng xây cầu Tam Bạc để tặng nhân dân Hải Phòng. Ngoài ra, còn nhiều những ông Thắng khác nữa sau khi thành công ở bên ngoài Hải Phòng muốn trở về quê hương để đầu tư (như ông Phạm Nhật Vượng, quê An Lão, ông Vũ Đức Tiền, quê Kiến Thụy…)
Đối với Văn hoá Doanh nhân Hải Phòng, cần phải có một nghiên cứu tổng quan để thấy rõ về thực trạng: thành phần, cơ cấu nghề nghiệp và đặc điểm bản sắc của cộng đồng đó, tìm ra các yếu tố tích cực, phát hiện các biểu hiện tiêu cực và đưa ra các tiêu chí định dạng văn hóa doanh nghiệp, các giải pháp phát triển cần thiết, trước mắt và lâu dài.
Muốn phát triển bền vững, phải liên kết chặt chẽ, hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Trước hết, chính quyền cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút vốn tái đầu tư, tạo ra “sân chơi” thông thoáng, minh bạch cho doanh nhân cống hiến tài lực cho đất nước.
“Doanh thương là biển lớn
Văn hoá tựa bến bờ
Phong ba thuyền cập bến
Còn sợ gì sóng xô”.
Một vấn đề rất quan trọng có tính chiến lược là yếu tố hợp tác kinh tế với Trung Quốc cần tính toán khôn ngoan để tận dụng được những ưu thế bên cạnh thị trường lớn nhưng vẫn giảm sự lệ thuộc một chiều rất bất lợi như hiện nay.
Lời kết
Tôi có nhiều dịp đến thành phố “hoa phượng đỏ”, ngẫm suy về con đường phát triển của đất nước, của thành phố chỉ có dựa vào dân mới giữ được nước và chấn hưng đất nước. Đó là chân lý bất di bất dịch và đã được chứng minh trong suốt quá trình mấy ngàn năm giữ nước và xây dựng đất nước. Muốn để nhân dân tin tưởng thì phải xây dựng lòng tin trong dân, hành động vì lợi ích của dân.
Hải Phòng gần Hồng Kông một hình mẫu về phát triển khu vực dịch vụ phục vụ kinh tế thị trường. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh để Hải Phòng với bản tính năng động, dám nghĩ, dám làm của mình có thể trở thành một hình mẫu về dịch vụ phục vụ thị trường để cả nước học hỏi trong quá trình cải cách thể chế hiện nay.
Trong thế giới hội nhập hiện nay, muốn phát triển là phải dựa vào các mối quan hệ với Trung ương, các địa phương và nhất là với bạn bè quốc tế để thu hút tư bản, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học, quản lý, rồi bạn hàng, thị trường… không còn câu chuyện phát triển theo mô hình tự lực cánh sinh nữa. Mở rộng quan hệ để phát triển là nhiệm vụ, trách nhiệm của bộ máy chính quyền thành phố.
Ngày nay, Hải Phòng đang chuyển mình, dù còn rất nhiều gian nan, hy vọng chiến lược vững bước vươn ra biển lớn và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thành phố hoa phượng đỏ, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư, tạo sự phát triển đột phá làm sống dậy và mạnh mẽ hơn nữa, như các câu thơ của Tố Hữu tặng thành phố Hải Phòng trước đây:
” Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô
Đào sông lấn biển dựng cơ đồ
Làm ăn hai chữ à ra thế
Chèo chống nghìn tay một tiếng hô”
T.V.T.
Tác giả gửi BVN