Trương Nhân Tuấn
Ngày 30 tháng 4 hôm qua thấy có nhiều người lên tiếng kêu gọi xóa bỏ hận thù. Thì cũng đúng thôi. Đất nước nào mà con dân lòng người ly tán, người người đối xử với nhau như kẻ thù, đất nước này chỉ có thể ngày càng lụn bại chớ không thể phát triển giàu mạnh được.
Đã 43 năm Việt Nam thoát khỏi cuộc nội chiến. Nếu ta bình tâm xem xét lại thì đến nay hình như lòng người vẫn “không yên”. Có cái gì đó “lấn cấn” khiến đất nước này không thể phát triển được.
(Tới bây giờ VN mới bán được trái chôm chôm qua Tân Tây Lan. Báo chí đăng tải thấy ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mừng (muốn chết). Thì bao giờ đất nước này mới khá?)
Nguyên nhân do đâu?
Không cần tìm kiếm đâu xa xôi, chỉ nhớ lại lời ông Võ Văn Kiệt “ngày 30 tháng tư có một triệu người vui thì có một triệu người buồn” là ta tìm thấy nguyên nhân tiên khởi.
Một nửa dân tộc vui mừng trên nỗi buồn đau mất mát của nửa phần dân tộc còn lại.
Có điều ông Kiệt không giải thích rõ vì sao “có một triệu người buồn”. Buồn về cái gì?
Câu nói trứ danh loan truyền như dao đâm thời sau 1975 “nhà ngụy ta ở, vợ ngụy ta lấy, con ngụy ta sai…” đã nói lên phần nào sự việc.
Nếu so sánh với những quốc gia bị chiến tranh tàn phá, ta thấy ngay rằng VN là một quốc gia ngoại lệ, không cần đến chính sách “hòa giải – réconciliation”. Các nước thù địch với nhau trong Thế chiến II như Đức, Nhật… đối với Mỹ, hay Đức đối với Pháp, thời gian không quá 10 năm, những mối oán thù của các bên được hóa giải nhờ vào các chính sách “hòa giải quốc gia”. Nhờ vậy các nước Đức, Nhật… nhanh chóng xây dựng đất nước, phát triển đất nước thành cường quốc trên thế giới.
Nhà cầm quyền CSVN không cần hòa giải. Họ nghĩ rằng thời gian sẽ khỏa lấp tất cả. Cũng đúng thôi. Bây giờ không thấy ai nhắc tới các vụ mất mát này nữa. Chẳng có người dân nào “thù hận” đối với đất nước và dân tộc của mình cả.
Vậy thì “thù hận” nó xuất phát từ đâu? Muốn biết ta phải hiểu thực chất cái gọi là “đấu tranh giai cấp” của cộng sản. Không có “đấu tranh”, nếu không tạo ra kẻ thù làm đối tượng để liên tục đấu tranh, chế độ (và chủ nghĩa cộng sản) sẽ sụp đổ.
“Thù hận” vì vậy chỉ có thể đến từ phía kẻ cầm quyền, đến từ những người cộng sản. Nếu không có “kẻ thù” thì họ tạo ra kẻ thù. Có bao giờ ta thấy nhà nước CSVN ngưng nói về các “thế lực thù địch”?
Đối với những người vừa bị CSVN kết án nặng nề như LS Nguyễn Văn Đài, MS Nguyễn Trung Tôn, bà Lê Thị Thu Hà, ông Nguyễn Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển… hay những vụ án trước đó LS Lê Công Định, ông Trần Huỳnh Duy Thức… nếu ta xét lại vụ việc thì những người này chỉ có một tội duy nhứt là yêu nước “khác với cách của người cộng sản”. Ở một chế độ bình thường, những người này là những viên ngọc quí của đất nước.
Nhưng trong một chế độ cộng sản họ lại trở thành đối tượng “đấu tranh”. Đảng CSVN biến họ thành “kẻ thù” để liên tục “đấu tranh”. Nhờ “đấu tranh” họ mới củng cố được chế độ.
Tất cả những người yêu nước “khác với cái cách của người cộng sản” đều trở thành “kẻ thù”, trở thành những “thế lực thù địch”.
Thử xét bất kỳ một bài “nhạc đỏ” nào đó. Ta sẽ thấy đầy dẫy các ngôn từ “quân thù”, “Mỹ ngụy”, “tiêu diệt”, “quét sạch”, “giết” v.v… Đó là ngôn từ của “đấu tranh giai cấp” thời chiến tranh.
Bây giờ thử nhẩm câu “tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù”. “Giặc thù” ở đâu vậy?
Còn trong thời bình, thi ca thời “cải cách ruộng đất” cho ta thấy đâu là “kẻ thù” của chế độ.
Tức là, từ quan niệm cơ bản, đảng CSVN tồn tại được là nhờ “tạo ra được kẻ thù”, liên tục “đấu tranh giai cấp”.
Bây giờ có người nói dẹp bỏ oán thù (sic!).
Thú thật tôi có thù oán “đéo” gì với ai mà biểu tôi dẹp?
FB Trương Nhân Tuấn
Theo báo TIẾNG DÂN