Tô Văn Trường
Để Chính phủ điều hành kinh tế xã hội có hiệu quả, hoạt động của Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng có vai trò rất quan trọng trong việc phân tích đánh giá khoa học khách quan hiện trạng và đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập trong phát triển của nền kinh tế, như bài học thầy thuốc giỏi dám đưa ra “toa Bạch Hổ đầu thang” với những ca bệnh nghiêm trọng.
Cách đây khoảng chục năm, có chuyên gia quốc tế nhận xét: “Kinh tế Việt Nam dưới thời quản lý điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yếu kém vì gặp cả hai vấn đề. Thứ nhất là vấn đề cơ cấu: luật pháp nhà nước bị lạm dụng, nhà nước thay vì làm quản lý và thực thi pháp luật lại tham gia trực tiếp vào làm kinh tế với chiến lược ưu tiên phát triển tập đoàn kinh tế quốc doanh nhà nước nên đã bị các nhóm lợi ích chung quanh lạm dụng. Vấn đề thứ hai là chính sách chạy đuổi theo tốc độ tăng GDP quá đáng, bằng vay mượn và đầu tư không thích đáng đã đẩy nền kinh tế đến khủng hoảng mạnh, liên tiếp năm 2008, rồi 2010-2011, nền kinh tế vượt quá xa khả năng phát triển tiềm năng của nó” v.v…
Các câu khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” với mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” nghe rất hay, nhưng trong thực tế, được người dân minh họa bằng mấy vần thơ:
“Nói vậy, không làm vậy
Càng làm lại càng sai
Lầm đường sao tới được
Rối tinh, lại dối hoài”.
Từ khi nhận chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất đôn đáo khắc phục những bất cập trong điều hành nền kinh tế ví dụ như gỡ bỏ các rào cản, quy định bất hợp lý, giấy phép trong tất cả các ngành kinh tế, khởi động phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ, tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, ghi nhận phản hồi của họ, dự tính cắt giảm biên chế một số cơ quan “thừa” và nhũng nhiễu v.v…
Tuy nhiên, nhiều vấn nạn như liên quan đến đất đai vẫn chưa dẹp được vì đây là vấn đề sở hữu thuộc phạm trù thể chế. Hậu quả cho đến hiện nay, tham nhũng, lãng phí sờ đâu cũng thấy, thu vẫn không đủ chi, nợ công, nợ xấu đại vấn đề. Người dân càng quan tâm, mong chờ các ý kiến đề xuất mới của tổ chuyên gia tư vấn về kinh tế của Thủ tướng. Câu hỏi đươc đặt ra làm thế nào để đánh giá đúng hiện trạng tình hình kinh tế, cảnh báo các nguy cơ và đưa ra các giải pháp hiệu quả trước mắt và lâu dài? Muốn thế, những người làm tư vấn phải thoát được thói quen “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, tức là góp ý, tư vấn phải dựa trên các phân tích đánh giá khoa học khách quan trên cơ sở dữ liệu thực tế tin cậy, tránh tình trạng vẫn còn phải nói lựa theo ý của lãnh đạo.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới câu chuyện do người bạn kể lại, đại ý có ông thầy thuốc giỏi nổi tiếng, tất nhiên cũng có nhiều học trò giỏi. Hôm mẹ ông bị bệnh nặng, biết bệnh nhưng không dám bốc thuốc, vì bệnh độc phải trị bằng “độc dược” nên ông bảo người học trò giỏi nhất xem mạch, bốc thuốc. Người học trò e ngại, thầy van nài và như ra lịnh, người học trò lặng lẽ làm theo. Trước khi học trò ra toa, thầy hỏi nhỏ: “Mày trị toa thuốc nào cho mẹ tao?”. Thưa: “Toa Bạch Hổ đầu thang!”. Ông không tỏ ra hốt hoảng mà nhẹ nhàng: “Tao biết thế, nhưng vì là mẹ tao nên tao không dám cho toa “nhất sống nhì chết” này, nên mới nhờ mày!”
Câu chuyện nói trên ứng với câu nhận xét của người đời “không thể sửa sai từ tư duy sai” hay như không thể thay tên cái bánh mà nguyên liệu làm bánh vẫn giữ y nguyên, cho dù có thay cái khuôn đi nữa! Đó cũng chính là sự hy vọng vào ý kiến “đột phá” của các chuyên gia tư vấn sẽ giúp ích hiệu quả cho việc giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội còn nhiều bất cập và nóng bỏng của đất nước.
Cần xem lại cách tính tốc độ tăng trưởng GDP
Đánh giá về nền kinh tế quốc gia, nhìn chung người ta vẫn nhìn vào tốc độ phát triển GDP. Tôi đã đọc bài viết phân tích về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam của TS Vũ Quang Việt đăng trên báo Kinh tế Sài Gòn số 16-2018 thấy tác giả đặt vấn đề rất đáng suy ngẫm đó là tốc độ phát triển rất cao của việc chi tiêu cho hoạt động dịch vụ nhà nước (hành chính, Đảng, an ninh quốc phòng), giáo dục và y tế, trong khi lao động trong các hoạt động này (trừ y tế) giảm. Cần lý giải vấn đề này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng GDP.
Tốc độ tăng trưởng GDP mà Tổng cục Thống kê tính là cao hơn sự thật bởi vì cách đưa các hoạt động phi thị trường về giá cố định mà lại dùng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ đại diện một phần rất nhỏ và mức tăng thấp hơn mức tăng của chi phí đã đưa đến GVA của khu vực nay tăng cao hơn sự thật. Điều này cũng giống như cách làm của Trung Quốc khi họ dùng chỉ số giá tiêu dùng CPI để tính tốc độ tăng của khu vực nhà nước, kể cả giáo dục. Thí dụ như năm 2015 lương công chức tăng 60%, cho nên tốc độ tăng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm này thấp hơn tốc độ tăng được báo cáo là 1 đến 2%.
Ở Việt Nam chính vì tính không đúng GDP theo giá so sánh từ khu vực dịch vụ hành chính và an ninh nhà nước, cũng như giáo dục mà năng suất lao động hai khu vực này tăng cao hơn cả năng suất của cả nước và của công nghiệp, là điều phi lý.
Không phải lo bệnh thành tích
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, không cần “nhào nặn” số liệu vẫn luôn tăng cao ở khoảng 6% bởi vì VN nằm trong vùng đang phát triển khá mạnh. Năm 2017 các nước tăng GDP như sau:
Philippines: 6,7%
Ấn Độ: 6,7%
Campuchia: 6,9%
Malaysia: 5,8%
Indonesia: 5,1%
Chỉ có Thái Lan là thấp 3,5% vì bất ổn chính trị.
Và Singapore: 3,6% vì là nước phát triển cao.
Nếu Việt Nam có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hạng cao nhất ở Đông Nam Á.
Cảnh báo những bất cập về thu chi ngân sách và bất ổn về kinh tế xã hội
Hiện nay, người dân vẫn chưa thấy có chuyển đổi mạnh mẽ trong chính sách kinh tế và đầu tư như mong muốn. Dẫn chứng:
– Nền kinh tế ở Việt Nam, quốc doanh và FDI vẫn là chủ đạo. Quản lý doanh nghiệp quốc doanh sơ hở, tập quyền dễ dẫn đến kém hiệu quả, lãng phí và tham nhũng. Quá trình cổ phần hóa đang có 2 nguy cơ: (i) Cổ phần hóa cả những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi và có thương hiệu/tài sản vô hình cao (như Vinamilk); (ii) Thất thoát do đánh giá sai tài sản, nhất là tài sản vô hình.
– Tham nhũng vẫn còn như rươi, sờ đâu cũng thấy, vấn đề mấu chốt là phải thay đổi thể chế vẫn chưa dám đụng đến.
– Quan trọng nhất là nhà nước không sản xuất mà cần nghiên cứu, có chính sách, và thực hiện đẩy mạnh việc chuyển công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào VN. Nhìn giáo dục mà chỉ thấy cần bao nhiêu tiến sĩ rồi định bỏ ra cả 500 triệu US để đầu tư thì đúng là hỏng. Nhật Bản trước đây và Trung Quốc hiện nay xây dựng các đại học nghiên cứu hàng đầu, lôi kéo các giáo sư kiều dân và nước ngoài sang dạy học với lương còn cao hơn ở Mỹ. Và tất nhiên họ tập trung vào các ngành để Trung Quốc có thể tiến lên hàng đầu. Họ nắm được công nghệ xe hỏa cao tốc, điện mặt trời, công nghệ mạng (buôn bán, sử lý thông tin như alibaba)… còn VN lâu nay vẫn còn nặng về phát triển nhiệt điện than, sắt thép, khai thác tài nguyên, các khu đánh bạc v.v…
– Nhìn vào thống kê về giá trị tăng thêm (GVA) trên một lao động từ công nghiệp của VN thì thấy là thấp so với dịch vụ (dù còn nhiều vấn đề về thống kê về dịch vụ) và chỉ cao hơn GVA trên một lao động nói chung của nền kinh tế. Như vậy, công nghiệp của VN rõ ràng là công nghiệp gia công, có tăng lên cũng chưa chắc đã đẩy mạnh được phát triển.
Vậy thì câu hỏi khi đặt ra về tăng khu vực công nghiệp trong nền kinh tế nhằm thu hút lao động dư thừa từ nông nghiệp có nội dụng là gì? Lao động cơ bắp? Lao động có tay nghề và tri thức? Những điều này có khi còn quan trọng hơn câu hỏi cần công nghiệp gì?. Người dân mong muốn các chuyên gia tư vấn đi vào nghiên cứu, phân tích những thông tin đang có trong tay chứ không thể nói chung chung.
– Ngân sách trung ương và địa phương vẫn dựa vào chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chính. Việc lấy đất của dân trao cho doanh nghiệp, ăn chênh lệch giá gây bất ổn trong xã hội, lòng dân bất bình. Trong khi chưa sửa Hiến pháp “đất đai là sở hữu toàn dân” thì phải sửa Luật Đất đai vì mục tiêu phát triển bền vững và phù hợp với lòng dân. Điều 62 luật này cho phép chính quyền thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án với danh nghĩa phát triển kinh tế – xã hội nhưng thực chất lâu nay là sự cấu kết của mafia về đất đai với nhóm lợi ích có thẩm quyền, đẩy người dân thấp cổ bé họng vào con đường bần cùng. Vừa qua, người dân hưởng ứng, đánh giá cao “lò nóng” của Tổng Bí thư không còn vùng cấm, chắc chắn cảnh báo đến cả những người “ăn đất” đã hạ cánh, tưởng mình an toàn.
– Về kinh tế học thì thuế chính là hàm nghịch biến với tăng trưởng cho nên trách nhiệm của những người làm chính sách phải biết điều hòa làm sao không thất thu thuế (thu đúng, thu đủ), đảm bảo an sinh xã hội nhưng phải biết khoan sức dân. Thực tế người dân chia sẻ, đồng cam, cộng khổ với nhà nước, đóng thuế từ khi lọt lòng (mua bỉm cũng thuế VAT) đến khi chết (quan tài cũng thuế VAT) chưa kể hàng loạt các thứ thuế chồng lên thuế. Ngay gần đây. Bộ Tài Chính có tư tưởng tận thu, lại đề xuất nhà trên 700 triệu đồng cũng bị đánh thuế (bóc lột đến thế là cùng) nên bị công luận phản ứng dữ dội.
– Chính sách vẫn là khuyến khích tập trung vào đầu tư địa ốc và đánh bạc, như các khu kinh tế Vân Đồn, Đà Nẵng, Phú Quốc. Chủ trương cần phải rõ: Nhà nước lập ra các đặc khu kinh tế để thí điểm chính sách phát triển hay chỉ giới hạn chính sách mới ở những đặc khu đó?
– Ngoài ra, phải tính tới các yếu tố ngoại sinh, không hề nhỏ có ảnh hưởng lên chính sách kinh tế của Chính phủ. Ví dụ như Trung Quốc muốn dùng Việt Nam làm bàn đạp xuất hàng đi Âu-Mỹ (thép, nhôm….) khiến mô hình tăng trưởng của Việt Nam bị méo mó bởi các nhóm lợi ích bên trong “ tiền hô hậu ủng “ đối tác với Trung Quốc.
– Vậy thì có gì mới? Chính sách tăng năng suất lao động/phát triển kinh tế dựa vào tri thức đang ở đâu?
Lời kết
Để Chính phủ điều hành kinh tế xã hội có hiệu quả, hoạt động của Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng có vai trò rất quan trọng trong việc phân tích đánh giá khoa học khách quan hiện trạng và đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập trong phát triển của nền kinh tế, như bài học thầy thuốc giỏi dám đưa ra “toa Bạch Hổ đầu thang” với những ca bệnh nghiêm trọng.
Để nhìn nhận, đánh giá nỗ lực cũng như kết quả công việc của Chính phủ cần phân biệt rạch ròi cái gì thuộc về cải cách thể chế và cái gì thuộc về điều hành tác nghiệp mang tính nghề nghiệp. Tổ Tư vấn Kinh tế cũng cần giúp Thủ tướng theo hướng mạch lạc như vậy.
Không ai cổ xúy cho việc sao chép mô hình kinh tế này nọ để ấn vào Việt Nam thời nay. Nhưng nếu không học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực sự quý giá của những nền kinh tế phải trả giá để thành công thì thật là uổng phí thời gian và cả lòng tin. Vì thế, những người đang đứng đợi ở sân ga cuối vẫn hoài mong có một ekip đẹp, đưa con tàu kinh tế Việt Nam đến đích. Liệu đó có phải là Chính phủ kiến tạo và phát triển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tổ tư vấn có mặt các chuyên gia kinh tế từ nhiều nền kinh tế phát triển?
Ngoài tổ tư vấn về kinh tế, Chính phủ cần thiết lập các kênh giao lưu khách quan với dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà quản lý cả ở trong và ngoài nước. Bộ máy xử lý thông tin phải được một đặc quyền là không bị chi phối bởi các cấm kỵ nào, tức là được nói thật, nói thẳng mà không sợ bị “chụp mũ”, trù dập.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN.