Nguyễn Nguyên Bình
Nhờ có việc công an địa phương toa rập gây sự bằng cái trò rạch mặt ăn vạ vụng về thô thiển như trên mà chúng tôi được thêm một trải nghiệm sâu sắc trong đời, để thêm yêu thương và cảm phục NGƯỜI ĐỒNG TÂM.
“Giữ đất ba trăm ngày
Có đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Đồng Tâm sáng rực…”
Nhại mấy câu thơ Tố Hữu xưa để tả cảm xúc của bản thân mình hôm qua, khi từ chỗ Ủy ban xã Phúc Lâm huyện Mỹ Đức trở về làng Hoành. Đêm muộn rồi, mà trước cổng làng và trước cửa mấy nhà gần chỗ cụ Kình, rất đông bà con trong làng vẫn đứng đợi để đón xe của chúng tôi cùng một bộ phận khác của dân làng (mà phần lớn là các bà các cô trong ‘đội quân tóc dài’) đã sát cánh với chúng tôi suốt 6,7 tiếng đồng hồ, từ Ủy ban xã Phúc Lâm trở về. Quang cảnh đèn đóm sang choang, tiếng người xôn xao, tưng bừng, vui quá, giống như đêm giao thừa. Chúng tôi ôm nhau thắm thiết, có người rơi nước mắt, như đón người thân lâu ngày mới gặp lại, (mà thực ra chuyện mới xảy ra từ đầu giờ chiều chứ lâu la gì).
Từ chiều, ngay khi biết tin công an kết hợp côn đồ dàn cảnh để chặn xe không cho chúng tôi yên ổn ra về, thì bà con đã túa ra đông lắm. Cứ như từ trên trời hiện xuống vậy. Rồi suốt cả tiếng đồng hồ khi chúng tôi ngồi chờ dài cổ (để các loại công an, áo xanh, áo vàng, áo thường dân, và cả cái loại dân phòng áo luôm nhuôm mang mặt tới “giải quyết sự vụ” nhưng lại chả ai chịu giải quyết cái việc cỏn con, là có một cái xe máy vứt chềnh ềnh cách đầu xe chúng tôi cả sải chân, chẳng có tí va chạm nào) thì các bà các chị lại luôn chăm lo kiếm nước mát cho chúng tôi uống, kiếm nón che cho người phải ra giữa nắng đối thoại với nhân viên công quyền, kiếm quạt cho chúng tôi đỡ bức sốt, lại còn an ủi động viên chúng tôi nữa… Nhưng không chỉ có những chăm sóc chí tình như vậy. Bà con còn âm thầm làm những việc mà chúng tôi còn khờ khạo chưa biết cách làm để đối phó, vì chưa va chạm nhiều với các ‘thể loại’ cùn lầy như các vị công quyền vẫn thường dùng đối phó với dân Đồng Tâm. (sẽ kể ở đoạn sau)
Chờ mãi, rồi cũng xuất hiện một ‘đồng chí’ có vẻ nhiều quyền hạn, cho mang chiếc xe máy ngang ngược kia đi, chúng tôi đã tưởng mình sẽ được giải thoát ngay. Nhưng không, bà con Đồng Tâm đã nhạy bén phát hiện ra một chiếc xe cẩu mới xuất hiện cách độ trăm mét, liền kêu to báo động cho chúng tôi: “Các bác lên xe ngồi đi, họ định cẩu xe mình đi đấy”. Theo mệnh lệnh, chúng tôi lên xe ngay, khiến họ không thể cẩu xe được. Thất bại thêm một thủ đoạn gây khó dễ, ‘nhà chức trách’ xoay ra cách bảo chúng tôi đến trụ sở Ủy ban xã Phúc Lâm ngay gần đấy khám nghiệm xe, để kết luận sự việc cho xong. Bà con lại kêu lên nhắc nhở chúng tôi cẩn thận, luôn bám sát xe, chụp ảnh trước khi xe bị khám đề phòng nhân việc khám xe, có thể họ tìm cách bỏ vật gì nguy hiểm vào. Xe nổ máy đi theo hướng của một công an áo xanh chỉ, nhưng đi được một quãng ngắn thì nghe tiếng đồng bào la ó: “Sai đường rồi, không phải Ủy ban xã Phúc Lâm đi đằng ấy” (thực ra công an định lừa chúng tôi về chỗ công an ở huyện, cách xa địa bàn Đồng Tâm và tách khỏi bà con đang theo bảo vệ chúng tôi). Lại phải đấu tranh rất găng, cánh công an mới chịu để xe chúng tôi quay lại, thực sự đi về hướng UB xã Phúc Lâm (chúng tôi không muốn đi xa khỏi sự yểm trợ của nhân dân Đồng Tâm, vì còn xa lạ với địa bàn và tình hình ở đây). Đến cổng UB Phúc Lâm, chúng tôi yêu cầu phía công an phải đề đồng bào cùng vào làm việc, vì từ trưa đến giờ các vị lừa chúng tôi nhiều rồi, chúng tôi không thể tin thiện chí của các vị, nếu các vị không tiếp tục làm những việc khuất tất thì tại sao không để nhân dân vào chứng kiến… Họ vạch trời chỉ đất, thề thốt rất ghê nhưng cả chúng tôi và đồng bào đều không tin. Họ nói, xe cứ vào đã, rồi sẽ cho một số người dân vào. Y như rằng, xe vừa chuyển bánh lọt qua cổng là họ liền sập cổng, khóa nghiến lại. Hàng mấy trăm đồng bào chỉ còn biết đứng bám cổng nhìn vào theo dõi và lo lắng cho chúng tôi. Các bà, các chị gọi với vào dặn chúng tôi đừng cho họ đến gần người mình, trông chừng túi xách, điện thoại v.v.. Họ bắt người trong đoàn vào lấy lời khai với tư cách nhân chứng, bà con lại dặn chúng tôi khi khai đừng đi vào chi tiết, đừng trả lời theo các câu hỏi lan man của họ… Chỉ 3 người vào ‘làm việc’ mà họ cũng câu giờ rất lâu khiến bà con sốt ruột, sợ chúng tôi đói (lúc đó khoảng bảy giờ rưỡi tối), lại bảo nhau đi mua bánh mỳ, bánh bao và nước tiếp tế cho chúng tôi. Bà con còn mang mấy chiếc chiếu đến và tuyên bố rằng nếu công an cố tình giữ chúng tôi hết đêm thì bà con cũng trải chiếu ngủ ngay bên ngoài cổng Ủy ban để canh chừng, bảo vệ chúng tôi.
Lúc đó tuy bực bội về các trò vô lối của công an, nhưng cũng phải bật cười vì thấy một chú ra vẻ cẩn thận săm soi rất kĩ chỗ đầu xe chúng tôi, rồi săm soi rất kĩ chiếc xe máy ‘bị nạn’, chú tỏ vẻ vui mừng thấy chỗ cái ốp che bên ngoài ống bô có vài vết xước rất mờ, chú rút tuốc nơ vít trong túi ra tháo cái ốp đó, gói vào trong bọc giấy cát tông, băng dính niêm phong cẩn thận. Lúc thấy chú dở tuốc nơ vít ra, tôi e nếu chú rạch thêm mấy nhát thì hỏng việc nên rút máy ảnh ra chụp ngay và cảnh báo là tôi đã chụp đấy nhé. Càng buồn cười hơn nữa là sau đấy, khi xem lại các ảnh của mọi người (bác Nguyễn Đăng Quang, bác Quang A, cô Hoàng Hà, chú Thanh lái xe và ảnh của bà con Đồng Tâm) thì té ra đó là các động tác hoàn toàn thừa (cả tôi lẫn chú công an). Các tấm ảnh kia cho thấy, chiếc xe đánh võng ban đầu để cản trở chúng tôi là xe màu xanh đen, còn xe được gọi là bị nạn thì lại… biến thành một chiếc màu trắng; và khi được vất ra đường để ăn vạ thì bên có ống bô xe lại nằm phía trên của xe, làm sao mà nó quệt xuống đất để trầy xước được cơ chứ! Còn một việc tức cười cho sự sơ hở của công an nữa, đó là xem lại tấm ảnh mà mọi người chụp được ngoài hiện trường thì hóa ra… chính chiếc ô tô 4 chỗ tạt qua đầu xe chúng tôi, khiến chúng tôi phải dừng ở giữa đường, tạo điều kiện cho hai tên đánh võng vứt xe máy ra trước đầu xe chúng tôi để ăn vạ, thì lại là xe của nhân viên công quyền (trong công an hay Ủy ban chi đó), vì lúc đó nó đang chễm chệ đỗ trong sân này. Số xe mồn một là 30 E/ 856 26. Đúng là giấu đầu hở đuôi. Đến thế mà công an vẫn chưa chịu buông tha chúng tôi, vẫn nói cần tìm được ‘nạn nhân’ để hai bên gặp nhau mới giải quyết được. Lúc đó chúng tôi thấy quá vô vọng và tiếc hùi hụi vì đã ngu dốt không kịp thời chụp được ảnh cái thằng tóc tai cạo trắng hai bên, để dài sau gay, xăm trổ xanh lè đã gây sự với chúng tôi rồi chuồn đi mất hút. (Lúc đó chúng tôi đều nhìn thấy rõ đồng bọn lấy xe máy chở nó đi nhưng lại chỉ mải vỗ tay cười giễu cái trò vờ vịt trẻ con của nó). Ấy thế mà, kỳ diệu thay, bà con Đồng Tâm mới giỏi làm sao, đã tìm ngay ra tên đó, đã ghi được hình và tiếng hắn thừa nhận là không hề bị xe chúng tôi va quệt, người không có thương tích gì, xe tự ngã vì có hơi rượu… Bằng chứng thép đó đã khiến công an phải chấp nhận, không còn tìm được cớ gì giữ được người và xe chúng tôi. Buộc phải để chúng tôi cùng bà con ra về.
Về đến làng, bày ra một bữa ăn ngon lành nữa bắt chúng tôi ăn ‘cho lại sức’. Rồi, bà con nhất quyết không cho chúng tôi về thẳng Hà Nội vì sợ bọn kia đã thua, mất mặt, cay cú, sẽ gây thêm sự cố gì nguy hiểm hơn chăng. Chúng tôi, nhất là chú Thanh, ‘cán bộ đường lối’ thì rất muốn về ngay trong đêm để trả xe theo đúng hẹn; còn bà con thì không chịu như vậy. Có người nói dỗi: “Các bác mà về bây giờ thì suốt đêm nay cả làng sẽ không ngủ được vì lo lắng đấy, các bác tính sao thì tính!”. Thế là đành phải theo mệnh lệnh của trái tim thôi. Ngủ lại Đồng Tâm một đêm…
Người ta hay dùng câu chuyện ‘Tái ông thất mã’ để nói về những điều hay dở rủi may bất ngờ luân chuyển với nhau. Nay so ra thì, chuyện chúng tôi về thăm cụ Kình và dân làng Hoành Đồng Tâm cũng chẳng mấy sai. Nhờ có việc công an địa phương toa rập gây sự bằng cái trò rạch mặt ăn vạ vụng về thô thiển như trên mà chúng tôi được thêm một trải nghiệm sâu sắc trong đời, để thêm yêu thương và cảm phục NGƯỜI ĐỒNG TÂM.
Khuya 22 – 4 – 2018.
N.N.B.