Ánh Liên (VNTB)
Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông nghiên cứu khả năng tái đàm phán hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 1 năm rút khỏi, hãng tin NYT ngày 12.04 cho hay.
‘Điều tốt nhất mà Hoa Kỳ có thể làm để chống lại sự gian lận của Trung Quốc bây giờ là đưa 11 nước Thái Bình Dương khác tin tưởng vào thương mại tự do và pháp quyền’, Thượng nghị sĩ Ben Sasse, thuộc đảng Cộng hòa, cho biết trong một tuyên bố. ‘Đó là một tin tốt lành rằng hôm nay Tổng thống đã chỉ đạo Larry Kudlow và Đại sứ Lighthizer đàm phán gia nhập TPP’.
Quan điểm ‘rút ra – nhập vào’ của Tổng thống Donald Trump gây ra một sự khó hiểu, không chỉ với đối thủ, mà cả với các đồng minh.
Thông tin này có nên vui mừng? Thực ra là tạm thời đón nhận nó như là một tin tức thông thường hơn là một quyết định mang tính chắc chắn, ít nhất đối với hành vi và lời nói không mang tính đồng thời từ vị Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cần lưu ý tuyên bố của Thượng nghị sĩ Ben Sasse, có nhấn mạnh đến ‘pháp quyền’. Yếu tố này bao thúc đẩy cải cách trong hệ thống pháp luật quốc gia, mức độ ràng buộc và thực thi của các quốc gia trong điều khoản về quyền lao động và các quyền khác liên quan đến con người.
Việc xem xét lại đàm phán TPP từ Hoa Kỳ sẽ là một tín hiệu tốt cho Việt nam, bởi trong một bài viết vào ngày 27.03, hãng tin Nikkei Asian Review cho biết, lãnh đạo Việt nam (ông Nguyễn Xuân Phúc) kêu gọi Hoa Kỳ quay trở lại TPP, và Hà Nội cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Và ông Phúc nhấn mạnh, ‘đó sẽ là một động lực lớn cho sự tăng trưởng ‘trong khu vực và trên thế giới’, ông nói.
Tuy nhiên, tại sao Nhà nước Việt nam vẫn tiếp tục bắt giam và gia tăng hình phạt đối với người bất đồng chính kiến? Đó là vì Hà Nội hiểu ông Donald Trump là một thương nhân, và Hà Nội luôn nhấn mạnh yếu tố thương mại với ông, đồng thời đẩy mạnh hội nhập bên ngoài bằng địa lý chính trị của mình (liên quan đến vấn đề Biển Đông).
Và do đó, dù ‘hành vi bất chánh hoặc bất hợp pháp ngoài giới hạn của quy phạm pháp luật quốc tế có thể làm tổn hại uy tín của Hà Nội và việc sẵn lòng hỗ trợ Hà Nội của các đối tác nước ngoài’ thì nhà nước Việt nam vẫn tự tin bắt giữ – cáo buộc và tống giam những nhà bất đồng chính kiến, và đây chỉ ‘mới là bước dạo đầu’.
Hoa Kỳ lơ là nhân quyền, các lời kêu gọi trở nên không ăn thua, ít nhất là cho đến thời điểm này, ngay cả khi trong các chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Pháp cũng không hề ngoại lệ. Có nghĩa, sự lo là này bao trùm cả các nước Tây Âu. Cần nhấn mạnh, bản thân các cường quốc Tây Âu vẫn đang xoay quanh vấn đề Syria, Triểu Tiên, và cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc. Do đó, ngay cả với Myanmar – vốn từng là điểm nóng trong nhân quyền của Hoa Kỳ nay cũng mờ nhạt; một Trung Quốc vi phạm nhân quyền từng bị chỉ trích gay gắt nay tiếp tục rơi vào tình trạng vô vọng; một Campuchia vi phạm nhân quyền bị đình chỉ nguồn viện trợ – nhưng quốc gia đã hoan nghênh sự đình chỉ đó và hân hoanđón nhận nguồn tài trợ từ Bắc Kinh; một Philiphines với vị Tổng thống coi Trung Quốc là anh em vì ‘không đề cập điều kiện gì’ như Hoa Kỳ từng làm với họ, và cuộc chiến chống ma túy với sự kêu gào quốc tế cũng trở nên vô nghĩa trước sự quyết tâm của ông Rodrigo Duterte.
Nhân quyền Việt nam là một dấu chấm quá nhỏ so với nhân quyền liên quan đến Syria hay Lybia; và nó càng nhỏ hơn khi Việt nam có giá trị địa chính trị như đề cập phía trên. Ngay cả câu chuyện Hoa Kỳ cắt viện trợ Campuchia, nó xuất phát từ việc, Phnompenh nhận một cách ào ạt nguồn tài trợ từ Trung Quốc, và làm chủ cuộc chơi ASEAN hơn là một nhân quyền thực sự.
Khi địa chính trị Việt nam còn, khi vị Tổng thống chuộng thương mại hơn nhân quyền vẫn còn tại vị thì những đàn áp nhân quyền vẫn sẽ hiện hữu dù TPP có hay là không. Một cách nói khác, các giá trị pháp quyền như Thượng nghị sĩ Ben Sasse đề cập sẽ mờ nhạt để nhường cho cái mà các quốc gia đang cần hơn: thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.
Như vậy, tổng quan câu chuyện trở lại TPP của Tổng thống Donald Trump chỉ cho thấy, quyết định này được đưa ra khi Tổng Thống Hoa Kỳ tin rằng, Trung Quốc sẽ làm chủ cuộc chơi thương mại với Hoa Kỳ nếu như Hoa Kỳ vắng bóng trong TPP. Nói cách khác, khi đó ‘Hoa Kỳ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump sẽ bị phá vỡ, trong khi ông đang phải đối mặt với những lời chỉ trích từ nông dân về cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc (liên quan đến thuế thép, nhôm nhằm vào Bắc Kinh, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ đưa ra danh sách các sản phẩm nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ bị ‘trừng phạt’). Và như vậy, cũng sẽ xoay quanh thương mại hơn là nhân quyền.
Hà Nội không bị bao vây, vây hãm hay cùng quẫn. Hà Nội đang làm chủ một cuộc chơi bằng cách dựa vào địa chính trị, sự buông lỏng nhân quyền ở các nước Tây Âu. Kỳ vọng vào 1 sự thay đổi nhân quyền Hà Nội khi TPP có Hoa Kỳ là ‘quá lạc quan’ hoặc ‘lạc quan quá mức’.
A.L.
VNTB gửi BVN.