Công lý / Dân Việt
Đây là một trong những thông tin nhạy cảm mà ngành xây dựng từ lâu đã nắm rất rõ.
Ông Phí Thái Bình là ai ở Công ty Vinaconex trong những ngày hàng ngàn công nhân kỹ thuật và hàng trăm kỹ sư ngành xây dựng chen chân chạy chọt để đi xuất khẩu lao động ở IRẮC, rồi nhờ ai leo lên được chức TGĐ Vinaconex và vì sao trở thành Phó CTTT UBND Hà Nội… Phanh phui tất cả những việc ấy ra cho bàn dân thiên hạ biết thì sẽ hiểu được vì sao ống nước sông Đà vỡ đến 21 lần mà tên tội phạm đầu sỏ Phí Thái Bình vẫn bằng chân như vại không bị đút vào lò, và chắc sẽ còn được ai đấy chiếu cố cho leo lên những chức cao hơn. Câu chuyện dẫn dắt chúng ta đến một tiếng kêu bi thiết nhưng cần được cả nước kêu lên thật to: Giặc đã vào đến tận nhà rồi, trong khi cái lò của cụ Tổng thì vẫn đang cố sức đốt nhưng không bao giờ bén đến lông chân của lũ chúng. Hay là phải cảnh tỉnh cụ: Giặc ở đâu? Hãy nhìn vào tận tim đen của mình thì biết.
Bauxite Việt Nam
Đường ống nước sông Đà vỡ không chỉ 18 mà là 21 lần. Vậy mà trong phiên tòa sơ thẩm kết thúc ngày 13/03 vừa qua, ông Phí Thái Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex và nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội, người trực tiếp chỉ định nhà thầu Trung Quốc yếu kém, cũng như tự ý thay đổi công nghệ dùng ống gang dẻo bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh, một công nghệ cũng Vinaconex mua lại từ Trung Quốc lại đường hoàng THOÁT TỘI, cứ như ông vô can trong vụ này. Ít ai biết rằng, tội của ông Bình là không chỉ gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách, khiến người dân Thủ đô khổ sở chống chọi với đường ống vỡ suốt nhiều năm trời, ông còn là một tay “cõng rắn cắn gà nhà” khi liên tục chỉ định công ty thuộc Quân đội Trung Quốc (thay vì nhà thầu Nga) trúng thầu dự án, bất chấp phản đối.
Thời điểm đó, các chuyên gia Nga từng giúp VN xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình (thập niên 80 thế kỷ 20) đã nhiều lần đề xuất Vinaconex (chủ đầu tư) xây dựng 2 tuyến ống chịu áp lực độ bền cao để đề phòng sự cố vỡ ống, nên làm đường ống chất liệu Composite hữu cơ với lớp cốt chịu lực là sợi bazan theo công nghệ của Nga. Phía các nhà thầu Nga sẵn lòng giúp đỡ hết mình cho dự án. Vậy mà, Vinaconex – dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phí Thái Bình không hề quan tâm lời khuyên này, một mực chỉ định Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Dụ Hòa (Trung Quốc) là nhà cung cấp dây chuyền thiết bị.
Cũng nhờ “quyết sách” của ông Phí Thái Bình, đường ống nước sông Đà liên tục vỡ 18 lần khiến cho 177.000 hộ dân mất nước sinh hoạt suốt 386 giờ chỉ tiêu tốn 16,5 tỷ đồng tiền khắc phục sự cố. Không dừng lại đó, vì liên tục vỡ đường ống, Nhà nước đã buộc phải bỏ ra số tiền ngân sách lên tới 5.000 tỷ đồng nhằm xây thêm dường ống dẫn nước số 2 để đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, và lúc này, nhà thầu được Vinaconex của ông Phí Thái Bình lựa chọn tiếp tục là một nhà thầu Trung Quốc, hơn nữa là công ty thuộc Quân đội Trung Quốc, cung cấp ống Gang dẻo – Dự án nước Sông Đà giai đoạn II.
Theo đó, công ty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xinxing là 1 trong 4 công ty thuộc tập đoàn quốc tế Xinxing Cathay, tiền thân vốn là nhà máy thép quân đội do Tổng cục Hậu cần Giải phóng quân Trung Hoa thành lập năm 1971.
Trước thông tin này, Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KHĐT) đã tỏ ý quan ngại về chất lượng sản phẩm được công ty Xinxing sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu này trước đây không làm hài lòng khách hàng. Bên cạnh đó, các khách hàng trên thế giới của công ty này cũng tỏ ý không tích cực đối với các sản phẩm của Xinxing.
Vậy mà Vinaconex dường như vẫn bỏ ngoài tai lời khuyến cáo này, khẳng định công ty đã thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu. “Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) là một doanh nghiệp nhà nước, thuộc một tập đoàn lớn của Trung Quốc” – ông Trương Quốc Dương – Phó Giám đốc Vinaconex cho hay.
Ông Dương cho biết đã cử đoàn công tác sang kiểm tra năng lực thực tế tại nhà máy bên Trung Quốc. Đồng thời, đoàn công tác của công ty vào trong Bình Dương để kiểm tra chủ đầu tư đã sử dụng ống của công ty Xinxing từ năm 1999 và đều nhận được phản hồi tốt.
Khi trả lời về việc liệu có biết Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) liên quan tới quân đội Trung quốc hay không, ông Dương nói: “Chúng tôi chỉ biết đây là một doanh nghiệp của Trung Quốc. Chúng tôi không có một tài liệu nào chỉ ra doanh nghiệp này có liên quan đến quân đội Trung Quốc”.
Tuy vậy, qua trang web chính thức của Công ty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Lạc Dương Bắc, TP Vũ An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), Công ty này là 1 trong 4 công ty con thuộc Tập đoàn quốc tế Xinxing Cathay, tiền thân là nhà máy thép quân đội do Tổng cục Hậu cầu Giải phóng quân Trung Hoa thành lập năm 1971.
Ngoài Công ty sản xuất ống gang dẻo Xinxing, Tập đoàn này còn có 3 công ty trực thuộc khác đều nằm ở Bắc Kinh gồm có Công ty TNHH tập đoàn Jihua chuyên sản xuất đồng phục cho quân đội và cảnh sát Trung Quốc, Công ty TNHH Tập đoàn công nghiệp nặng Xinxing, chuyên sản xuất các thiết bị chuyên dụng trong quân sự và Công ty TNHH phát triển Xinxing. Dưới 4 đơn vị trực thuộc cấp 2, Tập đoàn quốc tế Xinxing Cathay còn có khoảng 70 doanh nghiệp cấp 3.
Như vậy, việc đại diện Vinacomex khẳng định không biết Công ty sản xuất ống gang dẻo Xinxing thuộc quân đội Trung Quốc là một lời nói dối trắng trợn. Hoặc có lẽ, việc chỉ định nhà thầu cho gói thầu 5.000 tỷ đồng đối với ông Phí Thái Bình và Vinaconex chỉ là một cuộc đổi chác – “tôi giao thầu cho anh, anh ít ra cũng biết điều lại với tôi”. Hay thực tế Phí Thái Bình và Vinaconex biết rõ gốc gác của Cty Xinxing, nhưng cố tình “cõng rắn cắn gà nhà”, tiếp tay cho công ty quân đội Trung Quốc vào nước ta?
Đường ống sông Đà đã vỡ 21 lần, hàng nghìn tỷ đồng thiệt hại của dân đã trôi theo dòng nước sông Đà. Rồi hàng nghìn tỷ đồng ngân sách đã được cố tình “vứt qua cửa sổ” khi Vinaconex chỉ đạo nhà thầu khắc phục sự cố vỡ. Thế nhưng, ống nước sông Đà vẫn thế, yếu kém và có thể nứt toác bất kỳ lúc nào. Cuộc sống người dân thủ đô có thể ngừng trệ bất kỳ lúc nào. Vinacomex vẫn lớn mạnh. Và ông Phí Thái Bình – kẻ một mực chỉ định nhà thầu TQ kém chất lượng đã HẠ CÁNH AN TOÀN.
C.L. / D.V.