Trần Thành
(VNTB) Việc báo chí đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố xóa nợ của Việt Nam đối với Cuba, nếu đúng, thì vẫn không có giá trị thi hành. Lý do: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không được pháp luật trao bất kỳ quyền hạn gì về vấn đề liên quan trực tiếp đến ngân sách quốc gia.
Cho đến nay, theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011) cùng các văn bản liên quan, thì:
(1) Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chịu trách nhiệm trước toàn đảng và toàn dân về sự lãnh đạo trên mọi lĩnh vực công tác.
(2) Tổng Bí thư chủ trì công việc thường nhật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vu Quân ủy Trung ương.
(3) Tổng Bí thư Chỉ đạo tổ chức, quán triệt triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy chế thông báo của Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(4) Tổng Bí thư thi hành thẩm tra việc tuân thủ Điều lệ Đảng, cương lĩnh chính trị, nghị quyết Đại hội Đảng,… trong các tổ chức cơ quan của Đảng.
(5) Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương, trực tiếp chỉ đạo những vấn đề về quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trung ương.
(6) Tổng Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
(7) Tổng Bí thư thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký các chiến lược, nghị quyết, quyết định, kết luận, quy chế, quy định, thông báo, thông cáo, tuyên bố, lời kêu gọi, báo cáo, thông tri, hướng dẫn, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ký các văn bản trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ, ký các Quyết định chuẩn y chức danh theo quy định Điều lệ Đảng, quyết định điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nghỉ hưu đối với cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương Đảng quản lý.
(8) Tổng Bí thư có thể thảo luận với Ban Chấp hành Trung ương thành lập, giải thể các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng quản lý.
(9) Thực hiện vai trò dân chủ trong Đảng, Tổng Bí thư là người chịu trách nhiệm giám sát, thẩm tra tuyệt đối trong toàn Đảng.
Như vậy, ngay cả trong trường hợp Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng ngân sách của Đảng để cho Cuba vay qua hình thức viện trợ hoàn lại, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không được trao quyền tùy nghi sử dụng khoản tiền này, mà nó chịu sự quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước. Ông Nguyễn Phú Trọng phải có tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xóa nợ viện trợ cho Cuba.
Việc đơn phương tuyên bố xóa nợ với Cuba trong chuyến thăm ngoại giao vào cuối tháng 3-2018 trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không có giá trị thi hành. Thậm chí, nếu thực sự thượng tôn pháp luật, việc tuyên bố xóa nợ này của ông Tổng Bí thư mang dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 18.1 về “Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước”, là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước”.
Sở dĩ có thể nói là ông Nguyễn Phú Trọng đã lạm quyền, vì như báo chí tường thuật: “Ông Raul Castro chân thành tri ân những tình cảm tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba; bày tỏ cảm ơn việc Việt Nam quyết định xóa nợ Chính phủ cho Cuba” [http://bit.ly/2pVi6XH]. “Nợ Chính phủ”, thì ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn xóa nợ, cũng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội bằng một văn bản minh bạch gọi là Nghị quyết xóa nợ.
Nói thêm, Nga cũng từng tuyên bố xóa nợ cho Cuba với những ràng buộc được công khai cho dân chúng – những người đóng thuế, biết: Mùa hè năm 2014, Chính phủ Nga đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là xóa 90% trong tổng số nợ là 35,3 tỷ USD của Cuba.
Chính phủ Cuba cam kết sẽ bù đắp một phần những “tổn thất” đó bằng cách thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và y tế. Các nhà nghiên cứu chính trị khẳng định đấy là những khoản nợ “cực kỳ khó đòi” và việc (phải) xóa nợ (cho Cuba) là không thể tránh khỏi.
Theo thỏa thuận, khoản nợ 3,5 tỷ còn lại sẽ được chính quyền Cuba thanh toán bằng các lần chuyển khoản từng nửa năm một trong 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên, như Tổng thống Nga V.Putin khi trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina đã nói, thì: “số tiền 3,5 tỷ đó sẽ được sử dụng ngay trên lãnh thổ Cuba cho những dự án đầu tư có ý nghĩa”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân danh Chính phủ Việt Nam để xóa nợ cho Cuba, nhưng không thông báo là nợ cụ thể bao nhiêu, xóa như thế nào và đánh đổi những vấn đề gì trong chuyện xóa nợ ấy.
Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc Tổng Bí thư tuyên bố “xóa nợ Chính phủ cho Cuba” là một tuyên bố vô hiệu vì trái thẩm quyền, không có giá trị thực hiện, kể cả khi viện dẫn thỏa thuận về các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Nôm na, với tuyên bố “xóa nợ Chính phủ cho Cuba”, ông Tổng Bí thư đã vi phạm về chính điều khoản mà ông từng đưa ra là không “tham vọng quyền lực” tại Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
T.T.