Bảo Trung Nguyên
Nếu ai đã từng đến Mỹ trong dịp bầu cử sẽ thấy chức danh cảnh sát trưởng địa phương cũng được bầu chọn bởi người dân. Người được bầu chọn không nhất thiết phải là một nhà làm luật hoặc một cảnh sát lâu năm, đó có thể là bất kỳ ai với chương trình hành động có ích cho cộng đồng địa phương trong việc giảm tỷ lệ tội phạm, tăng trị an…
Bộ máy cảnh sát địa phương của Mỹ mà đứng đầu là cảnh sát trưởng chỉ có phạm vi pháp lý tại địa phương họ phụ trách, cụ thể là thành phố và tiểu bang. Vượt ra khỏi ranh giới tiểu bang đã có lực lượng cảnh sát liên bang trực thuộc Bộ Tư pháp. Do đó, người cảnh sát trưởn, và rộng hơn là toàn bộ lực lượng cảnh sát không phải là lực lượng quân sự, được trang bị vũ khí nhưng do dân bầu lên nên họ chỉ được coi là lực lượng bán quân sự. Một người bạn từng làm cảnh sát của tôi nói sẽ rất vất vả làm báo cáo nếu nổ súng. Nhiều cơ quan liên quan sẽ đến điều tra xem việc nổ súng của nhân viên cảnh sát đó có hợp luật không. Người nhân viên (không phải chiến sĩ) cảnh sát đơn giản là một người hoạt động trong lĩnh vực công, như bất kỳ một nhân viên địa chính hay thuế vụ, với nhiệm vụ là giữ gìn trị an xã hội. Không có tá, không có tướng trong lực lượng cảnh sát. Cấp bậc đó chỉ dành cho quân đội.
Hôm qua, thông tin cải tổ Bộ Công An dường như ít được quan tâm bằng vụ ly hôn – kể khổ của vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên. Khác với việc ly hôn và thiền định mang tính cá nhân, cuộc cải tổ lần này với Bộ Công An là một thay đổi hết sức sâu rộng đối với sự vận hành của xã hội chúng ta đang sống. Chưa có chỉ dấu nào cho thấy bộ máy công an sẽ giảm bớt quyền lực nhưng đã thấy việc tinh giản những Tổng Cục của Bộ này ít ra sẽ bớt đi quyền lực của những ông tướng với các văn bản đóng dấu mật. Có những văn bản đó mà những vụ việc như Vũ “nhôm” hay AVG khi vỡ lở người ta mới thấy một bọn tay trái cướp trắng của công, tay phải bịt miệng dư luận như thế nào.
Có hai điều tôi quan tâm trong lần cải tổ này. Việc thứ nhất đó là trả ngành Chữa cháy về với vị trí hoàn toàn dân sự như đúng với nhiệm vụ của ngành này. Hình ảnh người nhân viên chữa cháy đi duyệt binh mà cầm súng AK vừa kỳ khôi vừa không đúng với chức năng của họ. Việc thứ hai là trao lại việc trị an địa phương cho các cảnh sát trưởng được người dân bầu lên, hoặc do ông Thị trưởng (cũng do dân bầu lên) chỉ định với chương trình phòng chống tội phạm được công khai cho mọi cử tri lựa chọn. Cả hai điều trên đều chưa thấy.
Bao giờ chúng ta sẽ được bầu chọn ra cảnh sát trưởng cho chính cộng đồng của mình? Và, khi nào người nhân viên cảnh sát ý thức được rằng họ chỉ là một nhân viên phục vụ trong lực lượng công ích chứ chẳng phải “chiến sĩ” để “đấu tranh” với ai?
Việc cải tổ lần này đối với Bộ Công an dường như chỉ nhằm vào mục đích tinh giản và, phần nào mong muốn, làm trong sạch bộ máy. Chưa hoặc chắc sẽ không thể nào thấy việc dân sự hoá lực lượng công ích này khi đâu đó vẫn cứ treo câu khẩu hiệu “Công an Nhân dân còn Đảng còn mình”.
B.T.N.
Nguồn: FB Bảo Trung Nguyên