Lãnh đạo nền đại học: Tự huyễn hoặc, di hại nhiều năm

Nhưng nói “lãnh đạo nền đại học” là nói cụ thể những ai? Cái kẻ tuyên bố rùm beng nhất thì “bỏ chạy” mất rồi, bỏ chạy nghe nói để chuẩn bị cho “cơ cấu”. Những người còn lại như rắn không đầu, sẽ chối bay chối biến trách nhiệm. Thế là việc tàn phá ngành đại học trong bấy nhiêu năm e đã gần xong bây giờ thành ra… huề cả làng. Cái nước mình nó thế.

Bauxite Việt Nam

Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: vietnamnet.vn

Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: vietnamnet.vn

Trò chuyện cùng GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, về kết quả giám sát việc quản lý giáo dục đại học.

. Phóng viên: Cụ thể kết quả giám sát về việc lập trường thế nào, thưa ông?

+ Ông Đào Trọng Thi: Hơi dễ dãi! Chỉ một thời gian ngắn, rất nhiều trường ĐH, cao đẳng (CĐ) ra đời. Gần như phong trào, tỉnh nào cũng xin lập trường. Quá trình xin lập trường thì Bộ GD&ĐT không thẩm định nghiêm túc, không kiểm tra tại chỗ… và không phát hiện được những gì khai trong hồ sơ là không có trên thực tế.

Khai láo để xin phép: Cũng cho qua!

. Người ta đã nói nhiều đến năng lực hậu kiểm của Bộ?

+ Nguyên nhân có phần do pháp luật chưa hợp lý. Ta đòi người xin lập trường phải có đủ trường sở, vật chất, giáo viên… thì mới cho lập. Cái đó giống chuyện con gà – quả trứng. Trường chưa lập thì ai dám bỏ việc nơi khác về đầu quân. Vì thế, các hồ sơ xin phép chỉ mang tính cam kết thôi. Cái chính là khi thẩm định hồ sơ đã châm chước rồi thì đến khâu mở ngành đào tạo, phân chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ phải làm cho chặt. Nhưng thực tế, đến hậu kiểm cũng không tốt nên mới có những trường ĐH mới mở như Phan Thiết xin chỉ tiêu 500 nhưng tuyển gấp đôi trong khi phòng học chỉ là mấy nhà kho cũ và giảng viên vẫn chỉ là danh sách ma…

Giảng đường 400 chỗ của Trường ĐH Phan Thiết -Ảnh do Bộ GD-ĐT cung cấp (Tuổi Trẻ online)

Giảng đường 400 chỗ của Trường ĐH Phan Thiết -Ảnh do Bộ GD-ĐT cung cấp (Tuổi Trẻ online)

Cơ sở vật chất không có, đội ngũ giảng viên thì mỏng và yếu, nhà đầu tư thì muốn thu lãi ngay, thậm chí hưởng lương cả trăm triệu đồng/tháng…, thế là ào ào tuyển sinh, vượt cả chỉ tiêu được giao. Bộ thì không quản được nên mới có việc thi 6-7 điểm cũng có thể đỗ ĐH. Tất cả đang đánh tụt chất lượng giáo dục ĐH xuống.

. Nhưng thưa ông, đầu tư cho giáo dục chiếm tỉ lệ rất lớn GDP, thậm chí còn cao hơn trung bình của thế giới?

+ Đúng là nhà nước đang đầu tư rất lớn, tới 20% ngân sách, trong đó giáo dục ĐH 10%. Đó là chưa kể khoản chi rất lớn của gia đình học sinh. Nhưng nước ta còn nghèo nên giá trị tuyệt đối về đầu tư cho giáo dục không lớn. Hơn nữa, cơ chế quản lý hiện nay chiều theo nhu cầu của xã hội, là càng nhiều người được ĐH hóa càng tốt. Thành ra chia đến đầu sinh viên, mức đầu tư rất thấp. Chất lượng đào tạo ĐH và trên ĐH thấp còn do đầu tư của nhà nước hiện mang tính cào bằng.

Sửa lỗi ngay, không chấp nhận sản phẩm dị dạng

. Thực trạng ồ ạt mở trường, tuyển vượt chỉ tiêu trong khi điều kiện giảng dạy chưa đủ sẽ khiến xã hội phải trả giá vài thế hệ sinh viên, thưa ông?

+ Không. Chúng ta không chấp nhận trả giá như vậy. Đã phát hiện lỗ hổng thì phải bịt. Vừa rồi, Quốc hội đã sửa Luật Giáo dục theo hướng tăng cường hậu kiểm. Hằng năm đều kiểm tra chặt chẽ rồi mới xét mở ngành, phân chỉ tiêu tuyển sinh. Với khu vực ngoài công lập, chỉ những nhà đầu tư vốn lớn, dài hơi mới cho nhảy vào giáo dục. Với khu vực công lập, tỉnh nào tự lo được kinh phí thì mới cho mở trường, không chấp nhận việc mở trường xong lại xin trung ương hỗ trợ.

. Nhưng siết như vậy chắc chắn sẽ kéo giảm số lượng tuyển sinh xuống và các trường sẽ phải nâng học phí lên để bù chi phí đầu tư?

+ Phải chấp nhận! Không thể chạy theo số lượng, chạy theo mục tiêu 200 sinh viên/vạn dân. Nền kinh tế cần gì những Cử nhân, Kỹ sư tồi. Bây giờ mà chấp nhận cung cấp những sản phẩm dỏm cho xã hội thì tương lai đất nước sẽ gánh hậu quả. Trong cơ chế như của ta hiện nay, nhất là trong khu vực nhà nước, rất có thể những Cử nhân tồi đó sẽ chiếm chỗ của những người có năng lực.

Tôi nhấn mạnh, giờ có siết lại cũng là theo định mức, tiêu chuẩn, chất lượng do chính pháp luật của ta đặt ra chứ chưa thể so sánh với thế giới.

. Nếu siết lại như vậy, ông ước tính bao nhiêu ĐH ngoài công lập sống sót?

+ Tôi nghĩ, làm đúng thì nền ĐH của ta sẽ phát triển và lành mạnh. Còn như lâu nay, anh không lành mạnh lại ngáng chân anh có năng lực. Quy hoạch mạng lưới ĐH, CĐ là cần thiết nhưng bám vào quy hoạch đó, anh nào chạy chọt tốt, nhanh chân thì có khi chiếm được chỗ rồi. Thêm nữa, quản lý không tốt thì quy hoạch cũng bị chọc thủng: Hà Nội không cho mở trường nữa thì người ta ra tỉnh ngoài xin giấy phép, rồi về Hà Nội thuê địa điểm tuyển sinh, đào tạo ngay tại Hà Nội.

Phải coi đây là đấu tranh nội bộ

. Với kết quả giám sát như vậy, có thể coi việc các trường ĐH trăm hoa đua nở như thời gian qua là sai lầm rất lớn?

+ Đúng. Một sai lầm rất lớn và kéo dài trong nhiều năm.

. Nhưng kết luận như vậy, Bộ GD&ĐT có phản biện gì không?

+ Họ thừa nhận nhưng có điều không muốn kết luận như vậy. Họ cũng có phân tích lý do, nêu khách quan, chủ quan, song hiện tượng thì không thể phủ nhận được. Họ cũng có nêu những lý do không phải của Bộ, như pháp luật về mở trường chưa chặt chẽ, còn bất hợp lý ngay trong văn bản luật… nhưng nguyên nhân chủ yếu phải nói là trong quản lý, thực thi.

. Còn các giải pháp, đề xuất của đoàn giám sát, Bộ tiếp nhận thế nào?

+ Họ đồng ý cả. Ngay Chính phủ, Quốc hội tới đây cũng phải điều chỉnh lại cách ban hành các chỉ tiêu KT-XH. Không đặt chỉ tiêu bao nhiêu sinh viên trên vạn dân nữa, mà phải là bao nhiêu người lao động được qua đào tạo và đạt yêu cầu chất lượng. Chỉ tiêu như cũ mới chỉ nói tới số lượng mà quên chất lượng.

. Theo ông, cần bao lâu để khắc phục những sai lầm thời gian qua?

+ Nếu nghiêm túc thì trong vòng năm năm, tức một nhiệm kỳ là làm được. Đừng quá sốt ruột. Đây là cuộc đấu tranh ngay trong nội bộ, đấu tranh với chính mình cái chuyện làm ăn không nghiêm túc.

. Xin cảm ơn ông.

NN – TH

Nguồn: http://phapluattp.vn/20100607122744221p0c1019/lanh-dao-nen-dai-hoc-tu-huyen-hoac-di-hai-nhieu-nam.htm

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.