Khướt người vì Hoàng Sa và… còn đó nỗi lo Hoàng Sa

 

«Làm đầy tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại», trước đến nay, ai mà chẳng nghĩ vậy. Có biết đâu khi lâm sự thì đến «đầy tớ» cắp tráp theo hầu vẫn gặp nhiều tình huống gay cấn, xử trí cho được cũng mướt mồ hôi. Mới hôm 19-1, trước áp lực từ đông đảo dân chúng tưởng nhớ đến ngày hy sinh đẫm máu của 75 liệt sĩ anh hùng Việt Nam Cộng hòa chống lại bè lũ Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã nghĩ ra kế «Nhà hát Lớn bị trục trặc điện máy» để hoãn được đêm trình diễn đầu tiên của Đoàn nghệ thuật Nội Mông (Trung Quốc) rửng mỡ kéo sang Việt Nam biểu diễn trong «ngày quốc hận», vô tình hay cố ý khiêu khích tâm lý người dân Việt. Ngỡ thế là đắc sách lắm rồi. Nào ngờ hôm sau họ lại chuyển sang diễn tại Trung tâm văn hóa Trung Quốc, chứ nào đã chịu về cho. Thế là thầy trò lại phải lo làm sao có được số người đến dự khán cuộc «biểu diễn bù» này, nếu không thì biết đâu dưới những hàng ghế khán giả đều chẳng là… ghế trống. Có thể lắm chứ. Mà để xẩy ra chuyện oái oăm ấy… hẳn chắc tình nghĩa «anh em» coi như đi đứt. Cố nhiên, cứng cỏi được như chú Kim Jong Ủn thì chưa chắc đã đứt (nhiều khi thằng anh cũng sợ mất thằng em lắm chứ), tiếc rằng từ quá lâu nay các ngài lại cam phận «ôm tráp thằng khôn» mất rồi. Thế mới là phiền.

Đành lại phải giở cái trò «ngoại giao nghệ thuật», mà thực chất là bắt ép đám sinh viên Trường đại học Văn hóa, có phát bánh và nước, gọi là «khăn gói muối đùm», đến lấp vào những dãy ghế không có ai ngồi, cho đỡ… bẽ mặt khách quý. Thế có phải là «chạy trời không khỏi số», số vất vả vẫn hoàn vất vả hay không. Nhưng ngược lại, thì Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (hay ai đó ở cấp cao hơn nữa) không dưng lại được cái tiếng «khướt người vì lo lắng cho Hoàng Sa». Mấy ai đã được thế nhỉ?

Nhưng tình thế quần đảo Hoàng Sa dựa trên luật pháp quốc tế thì quả thật đang rất đáng cho dân Việt Nam lo lắng. Bởi lâu nay, ta chỉ quan tâm đến những lễ tưởng niệm bị nhà cầm quyền trấn áp khắp từ Bắc đến Nam, mà quên không để ý đến một thực tế là chỉ 7 năm nữa thôi, nếu nhà nước này không lên tiếng phản đối Trung Cộng với Liên hiệp quốc thì theo luật, vừa đủ 50 năm Hoàng Sa bị cưỡng chiếm mà không một nước nào liên quan có phản ứng gì, coi như quần đảo đó… vĩnh viễn thuộc sở hữu của kẻ cưỡng đoạt. Thế có cắc cớ hay không? Cú này thì đau đớn hơn nhiều. Đau không bao giờ nguôi được.

Vậy phải làm thế nào? Liệu cái đám đang ngồi trên đầu dân đen chúng mình, lâu nay đứng trước nỗi đau Hoàng Sa của cả dân tộc chỉ chuyên làm cái việc tạm gọi là «kẻ lông mày» để che mắt thiên hạ – nào lo đặt tên đường, xây nhà lưu niệm, rồi bầu ra một Chủ tịch huyện Hoàng Sa để «quanh năm hương khói» – có dám một lần vượt lên thân phận «ôm tráp» để đâm đơn kiện chính cái thằng khôn, ngõ hầu làm bằng chứng cho quốc tế thấy «kẻ cướp nuốt chưa trôi đâu» hay không? Ngẫm nghĩ cho kỹ, và rút kinh nghiệm trong lần vừa qua, có thể nói, gây áp lực bằng chính tấm lòng uất hận của dân chúng, vẫn là cách có hiệu quả nhất. Vấn đề là thời điểm nào thì áp lực có thể khởi lên dồn dập để tác động thẳng và nhiều mặt vào kẻ hình như chưa bao giờ muốn trút bỏ thân phận?

Xin mời bạn đọc tham khảo hai bài viết dưới đây.

Bauxite Việt Nam

1. Tối qua là vậy, còn tối nay?

Phạm Xuân Nguyên

Tối qua (19/1/2018), cuộc biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nội Mông (Trung Quốc) tại Nhà Hát Lớn Hà Nội của liên doanh Bộ VH-TT-DL Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã bị hoãn vì lý do kỹ thuật điện. Không nói ra nhưng ai cũng biết đấy là do tác động kịch liệt của cộng đồng mạng phẫn uất với quyết định của một cơ quan chính phủ Việt Nam tổ chức sự kiện này đúng ngày mà 44 năm trước chính Trung Quốc đã xua quân cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc hoãn sự kiện đó là phải. Nhưng sao không hủy cả lịch trình của đoàn nghệ thuật Trung Quốc trong những ngày này? Bởi vì hoãn thì sẽ lại diễn. Và tối nay…

Tối nay (20/1/2018) có tin đoàn nghệ thuật Nội Mông (Trung Quốc) sẽ có cuộc diễn tại Trung tâm Văn hóa Trung Quốc (đường Lê Quang Đạo, Mỹ Đình, Hà Nội). Nghe tin là khán giả bắt buộc phải đi. Đâu như Đại học Văn hóa Hà Nội bị lệnh cử 500 sinh viên đến dự. Nhà trường đã phải lệnh cho các khoa điều sinh viên đến. Mỗi sinh viên sẽ được phát bánh mì, chai nước, 18h tập trung ở trường có xe đón, xem xong xe đưa về lại trường. Và đó được coi là ngoại giao văn hóa, ngoại giao nghệ thuật.

Văn hóa luôn là của một dân tộc, gắn liền quốc thể của một đất nước. Sự kiện Bộ VH-TT-DL nước ta tổ chức cho đoàn nghệ thuật Nội Mông (Trung Quốc) biểu diễn vào ngày 19/1/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một hành động không yêu nước. Nên nhớ: Nội Mông là vùng đất bị nhà Hán thu phục.

P.X.N.

 

2. Một phần Hoàng Sa và 6 năm còn lại

Lê Văn Luân

Theo luật quốc tế, một quốc gia chiếm giữ một thực thể trong vòng 50 năm liên tục mà không có tranh chấp thì thực thể đó thuộc chủ quyền của quốc gia đang thực hiện việc chiếm giữ, quản lý.

Vậy quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng đánh chiếm thời VNCH vào ngày này 44 năm trước, ngày 19/01/1974 và giết chết 74 người lính quyết tâm giữ đảo nhưng bất thành, có được coi là đang có tranh chấp hay không kể từ năm 1974 đến nay?

Quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang thuộc chủ quyền của chính thể VNCH, xác lập theo Hiệp định Geneva năm 1954 ký giữa 6 bên, bao gồm cả Trung Cộng trong bàn đàm phán và ký ước. Và phía VN Dân chủ Cộng hoà vào năm 1958 đã có công hàm từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng xác nhận về chủ quyền đối với vùng 12 hải lý của Trung Quốc tại một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngay cả từ khi bị đánh chiếm năm 1974, phía Việt Nam DCCH vẫn chưa bao giờ có một động thái đưa vấn đề này thành tranh chấp chủ quyền về lãnh thổ đối với phần biển đảo bị Trung Cộng cưỡng chiếm từ VNCH.

Chính phủ Việt Nam thống nhất từ năm 1975 cho đến nay, chỉ phản đối các hành vi quân sự hoá và bồi đắp đảo đá nhân tạo tại quần đảo Hoàng Sa làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông, mà chưa khi nào gửi một văn bản chính thức phản đối vấn đề chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa bị cưỡng chiếm bằng vũ lực trái phép năm 1974 tới chính quyền Trung Quốc và/hoặc quốc tế.

Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với việc bành trướng lớn hơn của Trung Quốc bằng việc nước này gần đây đã liên tục gây hấn và tự công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn gần như chiếm trọn biển Đông, mà phần lớn ăn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế cũng như lãnh hải của Việt Nam. Và vì hành động bành trướng bất chấp luật pháp và lấn chiếm phần lớn diện tích vùng biển, hải đảo không chỉ ở các vùng đã bị cưỡng chiếm trước đây, mà còn bao gồm cả một vùng rộng lớn hơn rất nhiều lần đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, nên việc phản đối của chúng ta thực chất mới chỉ nhằm giải quyết tình thế đối với hành động đơn phương bành trướng của những phần mà Trung Quốc cố tình nới rộng thêm, tức tạo ra một tranh chấp mới và lớn hơn, nghiêm trọng hơn để buộc một nước phải chống đỡ với những xung đột trực tiếp mà làm mờ đi phần tranh chấp trước đây.

Việc cần thiết để coi việc chiếm giữ một phần quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc từ năm 1974 cho đến nay là bất hợp pháp và thực thể do Trung Quốc đang quản lý là một thực thể vẫn đang có tranh chấp, thì buộc phía Việt Nam phải: (i) hoặc đưa đơn kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế nhằm có một phán quyết; hoặc (ii) ít nhất phải có một thông báo chính thức tới Liên Hiệp quốc cũng như chính Trung Quốc về vấn đề quần đảo Hoàng Sa thực chất thuộc chủ quyền đương nhiên và không bàn cãi của Việt Nam, bao gồm cả đối với phần biển, hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực và quân sự để cưỡng chiếm 44 năm trước từ VNCH.

Đó chính là giải pháp chính trị và luật pháp hữu lý cũng như giá trị nhất để có thể cữu vãn và thiết lập lại được phần chủ quyền đối với một phần lãnh thổ là máu thịt thiêng liêng của tổ quốc, mà dân tộc ta từ bao đời đã gắng công xây đắp, bảo vệ và gìn giữ bằng vô vàn xương máu của rất nhiều những thế hệ đã qua và cho đến ngày nay.

L.V.L.

This entry was posted in Hoàng Sa. Bookmark the permalink.