“Quả đấm thép” đấm thủng ngân sách

Ấy là tiêu đề một bài viết của Hoài Phương, trong đó chỉ rõ: “Hễ chưa bể ra thì thôi, bể một cái là thấy mất hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ, quá khủng khiếp! Đó là những trọng án kinh tế đã và đang xảy ra. Thủ phạm lại là các tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước – là những “quả đấm thép” của nền kinh tế”. Nhà nước mà Hoài Phương đề cập là của ai, do ai, vì ai?

Bauxite Việt Nam

Hoài Phương

Hễ chưa bể ra thì thôi, bể một cái là thấy mất hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ, quá khủng khiếp! Đó là những trọng án kinh tế đã và đang xảy ra. Thủ phạm lại là các tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước – là những “quả đấm thép” của nền kinh tế.

Mấy năm trước, Vinashin khiến toàn dân choáng váng với cú đổ vỡ “khủng”: thua lỗ, thất thoát 86.700 tỉ đồng. Chưa kịp định thần thì đến cú tát Vinalines, tổng công ty về ngành hàng hải đã nhấn chìm của nhà nước gần 3.500 tỉ đồng.

Liên tục trong nhiều năm, bên cạnh những đơn vị lỗ nặng hoặc gây thất thoát tài sản lớn không thể che giấu, khối doanh nghiệp nhà nước chủ yếu báo cáo hòa vốn hoặc lỗ, số đơn vị kinh tế làm ăn hiệu quả không nhiều.

Cùng với các trọng án kinh tế, hàng chục quan chức đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mắc sai phạm về lãnh đạo, quản lí đã bị bỏ tù. Dù vậy, danh sách này vẫn tiếp tục nối dài bởi những vết nứt từ khối doanh nghiệp nhà nước không được hàn gắn mà bung vỡ ra, “tiêu biểu” là 12 dự án thua lỗ nặng của ngành công thương, cái nào cũng mất cả ngàn tỉ đồng.

Và hai tuần qua, điều gì sẽ phải đến đã đến. Tiếp tục có thêm một số cựu lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước mắc sai phạm như Dầu khí (PVN), Cao su (VRG) vướng vòng tố tụng, chờ sự phán xét của công lí.

Mắc sai phạm “Cố ý làm trái…” thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều đó đã rõ. Nhưng điều đáng nói là tiếp sau vụ án, những khoản tiền thất thoát khổng lồ ấy hầu như mất hẳn. Rốt cuộc, ai phá được cứ phá, trời mưa – đất chịu, đã có nhà nước và người dân nai lưng ra gánh thay.

“Trào lưu” sai phạm kinh tế gây thất thoát tiền tỉ như thế không có dấu hiệu dừng lại, vậy thì của công nào chịu cho nổi, ngân sách cho dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khô cạn, nền kinh tế sẽ về đâu?

Thực tế đó ai cũng thấy, cũng biết nhưng đã làm gì để ngăn chặn?

Chưa có số liệu của năm 2017, đến hết năm 2016, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 12.504 tỉ đồng. Trong đó, Vinalines lỗ lũy kế 5.040 tỉ đồng, Tổng công ty GTel lỗ 3.905 tỉ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 1.348 tỉ đồng. Tính riêng năm 2016, có 4 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ phát sinh là 1,3 triệu tỉ đồng…

Chỉ mới nêu một vài con số mà đọc tới đâu nổi da gà tới đó, trong đó có “khoản lỗ phát sinh là 1,3 triệu tỉ đồng”, thấy sởn gai ốc. Vậy, trách nhiệm giám sát, cảnh báo của các cơ quan chức năng ở đâu? Bộ, ngành nào cũng lập cơ quan chuyên trách về nhiệm vụ này nhưng chẳng thấy vai trò gì cả. Khi đổ bể rồi thì trách nhiệm cũng rất mơ hồ.

Không thể để các “quả đấm thép” đấm thủng ngân sách mãi được, nhất là khi đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thì phải mạnh dạn thay đổi tư duy về vai trò giữa các thành phần/khu vực kinh tế, phải mạnh mẽ cắt bỏ đặc quyền đặc lợi của khối doanh nghiệp nhà nước để chuyển dần sang các khu vực khác làm ăn hiệu quả hơn. Người đứng đầu đơn vị nhà nước nếu 6 tháng đến 1 năm không hiệu quả thì thay ngay, không cần phải chờ đến sau 2 năm, lúc ấy thì doanh nghiệp tan nát cả rồi.

Thử nhìn vào so sánh của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Doanh nghiệp nhà nước phải cần đến 2,15 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng doanh thu còn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1,42 đồng và 1,12 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu…. Đã không hiệu quả mà lại còn gây thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng nữa mà cứ giao vốn, giao tài nguyên cho khối quốc doanh thì có khác nào giao trứng cho ác!

Song song đó, cần tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn và tuyên dương những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn.

Nếu thấy mà không hành động, cứ để tình trạng nêu trên kéo dài thì sẽ đắc tội với nước, với dân!

H.P

Nguồn: http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-qua-dam-thep-dam-thung-ngan-sach-20171214111627573.htm

Tập đoàn Cao-su Việt Nam làm ăn kiểu… “đốt tiền”

Thân Hoàng – Lan Anh

Từ năm 2006-2011, Tập đoàn Cao-su VN (VRG) và một số đơn vị thành viên đã đầu tư nhiều khoản kiểu “đốt tiền” vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính và công ty “sân sau” của một số lãnh đạo tập đoàn. Cụ thể họ đã đốt 8.300 tỉ đồng.

Ông Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch HĐTV VRG cùng 4 lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thành viên vừa bị khởi tố, đã đưa ra nhiều chủ trương, quyết định đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính hàng ngàn tỉ đồng…

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), giai đoạn 2006-2011 VRG có tổng số tiền sai phạm lên đến 8.300 tỉ đồng.

Vung vãi tiền nhà nước

Tính đến tháng 12-2011, tổng số vốn VRG đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính khoảng 2.500 tỉ đồng. Cụ thể, VRG đã đầu tư hơn 391 tỉ vào 3 đơn vị là Công ty CP Đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Công ty CP Xi-măng FICO Tây Ninh, Tổng công ty Xây dựng miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (2006-2011) không có lợi nhuận được chia.

Hơn 600 tỉ cũng được đem đầu tư vào 5 đơn vị là Công ty CP Thương mại và du lịch cao-su hơn 200 tỉ (chủ yếu là kinh doanh khách sạn Majestic – VRG tại TP Móng Cái – Quảng Ninh) nhưng chỉ năm 2008 có lợi nhuận được chia hơn 200 triệu đồng còn các năm sau đó đều lỗ.

Gần 400 tỉ còn lại đầu tư vào Công ty CP Sài Gòn VRG, Công ty CP điện Việt Lào, Công ty CP thép ESSAR, Công ty CP EVN quốc tế trong 4 năm liên tục (2008-2011) đều không có lợi nhuận được chia.

VRG còn đầu tư vào Ngân hàng SHB bằng việc mua lại hơn 20 triệu cổ phần với tổng giá trị hơn 220 tỉ nhưng mua với giá cao hơn thị trường dẫn đến tăng chi phí và lãng phí vốn đầu tư hơn 18 tỉ đồng.

Công ty mẹ, công ty con cùng sai phạm

Năm 2006, VRG cho phép các đơn vị thành viên thành lập công ty đầu tư sang Campuchia. Đến năm 2012, có 16 đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 20 dự án trồng cao-su tại Campuchia với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỉ đồng. Đặc biệt, mỗi đơn vị của VRG lại có suất đầu tư khác nhau, từ 103 triệu đồng/ha tới 221 triệu đồng/ha. Đáng chú ý có 4 dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng trồng cao-su ra nước ngoài nhưng chưa được Bộ Kế hoạch – đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí Công ty CP Cao-su Phú Riềng – Kratie đầu tư trồng 6.000 ha cao-su tại Campuchia nhưng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, vi phạm các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng… Các năm 2006-2010, đơn vị này trồng hơn 5.000 ha cao-su nhưng có đến hơn 4.000 ha (chiếm gần 90%) phải thanh lí do cây bị chết hoặc không thể phát triển được, dẫn đến số thiệt hại có thể lên tới gần 500 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty CP Cao-su Tây Ninh, Công ty CP Cao-su Phước Hòa, Công ty TNHH MTV Cao-su Mang Yang, Cao-su Phú Riềng, Cao-su Đồng Nai… cũng vung vãi tiền đầu tư vào nhiều công ty ngoài ngành nghề kinh doanh chính nhưng thua lỗ, không được chia cổ tức hoặc nguy cơ mất vốn hoàn toàn.

Lãnh đạo lập công ty “sân sau”

VRG không chỉ đầu tư ngoài ngành thua lỗ mà còn đốt tiền vào công ty “sân sau” và gây ra những hậu quả nặng nề. Theo kết luận thanh tra, một số lãnh đạo VRG và đơn vị thành viên “góp vốn” vào Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC) và thao túng công ty “sân sau” này. Kể từ khi thành lập vào năm 2007 đến năm 2012, DSEC liên tục lỗ. Tuy nhiên Công ty Tài chính TNHH MTV cao-su Việt Nam vẫn cho DSEC vay tiền bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lí. DSEC kinh doanh không hiệu quả, nhiều khoản vay sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 144 tỉ đồng và dư nợ phải trả lên đến trên 253 tỉ đồng.

Trách nhiệm Bộ NN&PTNT đến đâu?

Riêng năm 2016, VRG đã thoái vốn tại 24 đơn vị ngoài ngành kinh doanh chính. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép VRG thoái vốn của tập đoàn tại 5 công ty thủy điện gồm Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty cổ phần VRG Bảo Lộc, Công ty cổ phần VRG Đắk Nông, Công ty cổ phần VRG Phú Yên và Công ty cổ phần VRG Ngọc Linh. Thời điểm đó, Thủ tướng cũng yêu cầu việc thoái vốn phải kèm theo điều kiện giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh của tập đoàn, chuyển nghĩa vụ trả nợ của tập đoàn sang các công ty thủy điện.

Theo một quan chức của Bộ NN&PTNT, các hoạt động đầu tư ngoài ngành của VRG gồm thủy điện, bất động sản, tài chính… Một trong những hạng mục đầu tư ngoài ngành thua lỗ của VRG là Công ty Tài chính TNHH MTV cao-su Việt Nam. Thời điểm cuối năm 2015, Công ty này có vốn điều lệ gần 1.100 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế lên đến trên 1.700 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết ngày 14-12, Thủ tướng sẽ có cuộc làm việc với bộ này về vấn đề của VRG nhưng chủ đề cụ thể là về tiến trình cổ phần hóa tập đoàn này. Ông Tuấn cũng cho hay bộ đang đợi báo cáo cuối cùng của VRG về các dự án thua lỗ, hiện trạng đầu tư ngoài ngành… Theo ông Tuấn, các hạng mục đầu tư thua lỗ của ngành cao-su chủ yếu ở giai đoạn trước 2010.

Trả lời câu hỏi sai phạm kéo dài và để quá lâu không xử lí có phải là trách nhiệm của bộ? Ông Tuấn cho rằng Bộ NN&PTNT đã đề nghị và xử lí trong phạm vi của bộ còn trách nhiệm khởi tố hay bắt giam là quyết định của cơ quan điều tra. “Tôi đang chờ báo cáo từ tập đoàn, nhưng theo tôi được biết thì các cá nhân, tổ chức liên quan đã khắc phục được một phần các khoản thua lỗ” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

T.H – L.A

Nguồn: https://tuoitre.vn/tap-doan-cao-su-vn-lam-an-kieu-dot-tien-20171214074853226.htm

Gang thép Thái Nguyên nuốt ngàn tỉ rồi… bất động!

Minh Chiến

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – TISCO) sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Dự án ngàn tỉ “đắp chiếu”

Theo TTCP, vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan chủ đầu tư (TISCO) và nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) thuộc Bộ Công thương.

Trước đó, vào tháng 2-2017, TTCP đã công bố quyết định thanh tra toàn diện tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II (TISCO) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng chính là một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ của ngành công thương mà Bộ Chính trị chỉ đạo phải khẩn trương xử lí, giải quyết dứt điểm.

Dự án được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỉ đồng. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu MCC, dự án đã tăng vốn từ 3.843 tỉ đồng lên 8.014 tỉ đồng. Dự án dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 5-2011 nhưng đến nay vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

Để thực hiện dự án, tháng 7-2007, TISCO và nhà thầu MCC đã kí hợp đồng EPC (thiết kế – E; cung cấp thiết bị – P; xây dựng và lắp đặt – C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng), thời gian thực hiện 30 tháng. Do gặp vướng mắc trong quá trình thi công, giá cả vật tư tăng cao nên tháng 3-2009, MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Vinaincon thực hiện. Đến đầu năm 2011, do năng lực của Vinaincon hạn chế, không bảo đảm tiến độ nên Bộ Công thương cho phép TISCO và MCC được chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục gặp vướng mắc về tài chính và ngưng trệ đến nay.

Ngập trong nợ

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 của TISCO, đơn vị này ôm mức nợ hơn 7.430 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn trên 3.310 tỉ đồng, nợ dài hạn 4.120 tỉ đồng. Trong năm 2016, con số này là 8.362 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó nợ ngắn hạn 4.446 tỉ đồng, nợ dài hạn 3.916 tỉ đồng.

Còn theo hợp đồng tín dụng mà TISCO đã kí với các ngân hàng thì từ ngày 1-1-2017, TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay khoảng 45,5 tỉ đồng/tháng. Do dự án chưa thể tái khởi động, chưa tạo được nguồn trả nợ nên TISCO đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng cho phép TISCO gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, đồng thời điều chỉnh thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để TISCO tiếp tục được vay vốn nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động của công ty.

Tính đến ngày 31-12-2016, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II là hơn 4.563 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 1.404 tỉ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) 1.869 tỉ đồng, vốn của chủ đầu tư 1.290 tỉ đồng. Số tiền đã giải ngân là rất lớn nhưng nghịch lí là đến nay dự án vẫn “đắp chiếu” và gần như không thể tái khởi động.

Mắc nhiều sai phạm trong đấu thầu

Trong báo cáo thường niên năm 2016, TISCO cho biết theo tính toán từ phía nhà thầu, để hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC, cần phải đầu tư 105,4 triệu USD (tương đương 2.424 tỉ đồng). Liên quan việc đấu thầu, Bộ Công thương đã có đánh giá TISCO mắc nhiều sai sót trong quá trình đấu thầu và kí hợp đồng tổng thầu, đặc biệt là nhượng bộ trong việc gia hạn tiến độ hoàn thành cho nhà thầu.

M.C

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/gang-thep-thai-nguyen-nuot-ngan-ti-roi-bat-dong-20171214224019141.htm

C46 Bộ Công an đang điều tra sai phạm tại VICEM

Vĩnh Chi

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang tiến hành điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam (VICEM) và các đơn vị có liên quan.

Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, căn cứ Điều 25, 26 – Bộ luật Tố tụng hình sự, C46 đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương phối hợp cung cấp số liệu về tình hình biến động, các lần điều chỉnh tăng giảm giá nhiên liệu (xăng, dầu diesel) tỉ lệ tăng giảm theo năm và tăng giảm từ năm 2010-2017. C46 sẽ cử điều tra viên có giấy giới thiệu trực tiếp đến làm việc và tiếp nhận kết quả trả lời.

Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận về việc thanh tra 20 công ty trực thuộc VICEM. Theo Kết luận, các khoản công nợ phải thu của 20 đơn vị trực thuộc VICEM lên tới hơn 4.000 tỉ đồng, gồm các khoản thuế nợ ngân sách nhà nước 326 tỉ đồng và các khoản công nợ phải thu khác trên 3.121 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31-12-2015, số công nợ phải thu của 20 đơn vị này vẫn còn hơn 937 tỉ đồng. Kết luận cũng cho biết riêng các khoản công nợ đến hạn và khó đòi tại Công ty CP Vicem thương mại xi-măng (đơn vị thành viên của Vicem) đến nay đã hơn 36 tỉ đồng, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ, tiềm ẩn khả năng thâm hụt vốn nhà nước đã đầu tư vào công ty này. Quá trình thanh tra cũng cho thấy các khoản phải thu tại 12 công ty thành viên ngày càng tăng, 5 công ty không bảo đảm khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, 10 công ty có tốc độ gia tăng vốn năm 2015 thấp hơn năm 2014. Bên cạnh đó, nhiều công ty thuộc Vicem như Công ty Vận tải Hải Phòng, Công ty Vận tải Hoàng Thạch… không hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận nhưng vẫn trả thù lao cho hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, có 2 công ty đến 31-12-2015 vẫn còn lỗ luỹ kế lớn như Công ty Xi-măng Hải Phòng, Công ty Vật liệu xây dựng Đà Nẵng (lỗ lũy kế 4.000 tỉ đồng). Công ty mẹ Vicem còn vi phạm nghiêm trọng trong tăng vốn điều lệ khi chưa có quyết định của Bộ Xây dựng…

Được biết mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại VICEM. Theo Kết luận, VICEM có 6 dự án đầu tư chưa phù hợp thực tế và ngành nghề kinh doanh, dẫn đến phải dừng thực hiện để chuyển nhượng, thoái vốn. Điển hình là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (đường Phạm Hùng – Hà Nội). Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.952 tỉ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỉ đồng (tăng gần 800 tỉ đồng). Dù xây dựng đã 6 năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thành. Hồi năm 2015, VICEM đã có kế hoạch bán dự án này cho đối tác khác. Theo lí giải của VICEM, việc bán dự án là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng) do đó nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Một dự án khác cũng đang tạm dừng triển khai là dự án Khu tổng hợp Vĩnh Tuy. Tính đến 30-6-2016, giá trị khối lượng nghiệm thu của dự án là hơn 67 tỉ đồng. Song đáng nói là đến tháng 7-2017, VICEM vẫn chưa được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án.

Đây cũng là trường hợp của dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nhà máy xi-măng Bình Phước. Dự án đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt thu hồi 400 ha đất, ra quyết định phê duyệt giá trị đền bù giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo khả thi và chưa được phê duyệt. Với một dự án dang dở như vậy nhưng VICEM đã “ném” vào hơn 200 tỉ đồng trong giai đoạn 2010-2016.

Cũng theo Kết luận của Bộ Tài chính, tính đến 30-6-2017, VICEM và các đơn vị được thanh tra có 15 dự án với tổng mức đầu tư lần đầu hơn 14.600 tỉ đồng. Sau đó, số vốn này được điều chỉnh lên hơn 17.300 tỉ đồng. Đáng chú ý, có 3 dự án chậm triển khai dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng gồm: Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (điều chỉnh tăng thêm hơn 792 tỉ đồng), dự án dây chuyền xi-măng Hà Tiên 2.2 (điều chỉnh tăng thêm 646 tỉ đồng), dự án mỏ đá vôi Áng Rong (điều chỉnh tăng thêm 55 tỉ đồng). Theo báo cáo của VICEM, tổng mức đầu tư tăng chủ yếu là do quá trình thực hiện triển khai dự án còn chậm dẫn đến đơn giá nhân công, vật tư, thiết bị trượt giá và chi phí thuê đất tăng, phải điều chỉnh và phải bổ sung khối lượng do tính thiếu theo thiết kế kĩ thuật được duyệt. Các chi phí thay đổi theo tỉ lệ dẫn đến cũng thay đổi theo, từ đó phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, VICEM có 8 dự án chậm tiến độ từ 1 năm đến 6 năm, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

Trả lời báo chí hồi tháng 3/2017, sau khi Thủ tướng có yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ việc VICEM sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐQT VICEM, nói: “Tôi thừa nhận có những cái phải rút kinh nghiệm nhưng kết luận trên chưa diễn tả hết cái nào là ý thức, cái nào là thất thoát, cái nào là không”. Theo ông Khải, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, VICEM không phải là một công ty đơn lẻ, chưa kể các công ty trên gia công bên nọ, bên kia nên phải vay phải nợ. Khi nào bán được sản phẩm thì các đơn vị đó mới trả tiền. Do vậy, nếu cộng giá trị tạm thời trong hoạt động của các bên thì nó lên tới mấy trăm tỉ nhưng số tiền đó không phải bị mất. “Nếu cho rằng đó là sai phạm lớn hay thế nọ thế kia thì chắc là Bộ Xây dựng đã không để yên. Tôi cho rằng kết luận thanh tra trên có ý nghĩa nhắc nhở các đơn vị làm cho tốt và nói về các năm trước chứ vài năm trở lại đây, chúng tôi đều có lãi” – ông Khải nói.

V.C

Nguồn: http://vietnamfinance.vn/c46-bo-cong-an-dang-dieu-tra-sai-pham-tai-vicem-20171216105843455.htm

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.