Bà Phạm Chi Lan: Công chức lương thấp vẫn sống khỏe nhờ thu nhập phụ

Hoàng Thùy

BVN nhất trí về cơ bản với những đánh giá của bà Phạm Chi Lan về bộ máy chính quyền hiện nay, chỉ không đồng ý là “xã hội và những người đóng thuế rất bức xúc nhưng không có quyền lực và tiếng nói thực sự để tác động vào hệ thống. Vì vậy, tất cả phải là từ bên trong bản thân bộ máy có động lực mạnh để cải cách thì mới có thể thực hiện được”. Bà quên rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng rồi ư? Chẳng phải Hồ Chí Minh từng khẳng định “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” đó sao?

Để bạn đọc dễ hình dung về “thu nhập phụ” mà bà Lan nói tới, BVN đăng lại vài tin rất mới ở bên dưới, kèm một mẩu chuyện vui, gọi là để xả stress.

Bauxite Việt Nam

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công là một đề án lớn, khó, phức tạp và nhạy cảm. Việc cải cách này nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tác động trực tiếp đến đời sống người lao động và chất lượng hoạt động công vụ. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết.

Đề án cải cách tiền lương đã được chuẩn bị trong nhiều năm nhưng đến nay chưa thực hiện được. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

Những vấn đề về ngân sách, chi thường xuyên và bất cập của hệ thống tiền lương hiện hành khiến không thể trì hoãn việc cải cách chính sách tiền lương. Chi tiêu thường xuyên hiện chiếm gần 70% của chi ngân sách, trong đó 47% là chi lương. Chi như vậy mà vẫn không đủ nuôi công chức với một mức lương thỏa đáng, tôi nghĩ rất cần xem lại. Nếu chúng ta thực sự cải cách được bộ máy thì sẽ có tiền lương tốt hơn, chi trả xứng đáng cho những người đang làm việc có năng suất, có hiệu quả thực sự.

Tuy nhiên thách thức vẫn còn, đó là tư duy về vai trò của nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội chưa thực sự thay đổi. Có những người còn bảo thủ lắm, vẫn muốn nhà nước nắm nhiều công việc và chưa tin ở thị trường, chưa tin ở xã hội.

Việc phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước còn bất hợp lí, chồng chéo nên thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình. Vì thiếu minh bạch nên không biết khâu nào là thừa, khâu nào là thiếu để làm cho thật tốt việc sắp xếp lại bộ máy, không biết ai làm tốt để xứng đáng hưởng lương cao hơn.

Bên cạnh đó, tệ quan liêu, nhũng nhiễu phổ biến, lâu ngày không bị trừng trị nên trở thành lợi ích lớn và không dễ từ bỏ. Hệ thống và thói quen quyết định tập thể, làm việc tập thể kéo dài tính kém hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đồng thời che lấp nhiều khiếm khuyết của bộ máy và công chức, làm cho bộ máy không ai chịu trách nhiệm.

Tệ nạn tham nhũng phổ biến khiến cho dù tiền lương chính thức thấp nhưng công chức vẫn sống khỏe và không thực sự có động lực muốn cải cách hệ thống tiền lương. Tôi nói thật là ai mong muốn cải cách tiền lương thì thường là những người có năng suất cao, làm việc giỏi, mong muốn cải cách để họ hưởng xứng đáng hơn.

Cuối cùng là cách thức tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thăng tiến, sa thải không tạo áp lực và động lực cho việc cải cách chính sách tiền lương ngay trong bộ máy. Nói thực, xã hội và những người đóng thuế rất bức xúc nhưng không có quyền lực và tiếng nói thực sự để tác động vào hệ thống. Vì vậy, tất cả phải là từ bên trong bản thân bộ máy có động lực mạnh để cải cách thì mới có thể thực hiện được.

– Bà nghĩ sao về ý kiến do kinh tế của nước ta còn khó khăn nên không thể cải cách tiền lương?

Kinh tế càng khó khăn càng cần phải cải cách. Tại sao khó khăn? Vì bộ máy vận hành kém. Cả xã hội, doanh nghiệp năng động như vậy, biết bao nguồn vốn đầu tư mà đất nước không được phát triển như mong muốn thì cái đó là bất ổn do hệ điều hành. Hiện nay, khu vực kém hiệu quả nhất là khu vực nhà nước, tiền công, đầu tư công, chi tiêu công, hệ thống ngân hàng có sự can thiệp của nhà nước.

Không thể đổ lỗi cho việc không có nguồn để cải cách tiền lương. Hiện nay nguồn đổ vào cho tiền lương đã quá lớn. Tất cả con số Quốc hội đưa ra đã nói rõ điều này.

Nhưng vì tiền lương đó chia ra cho một bộ máy quá lớn, cuối cùng thu nhập mỗi người từ lương rất nhỏ. Trong khi đó, có quá nhiều thất thoát, lãng phí trong chi thường xuyên khác. Các chuyên gia nói tiền lương danh nghĩa của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp quá nhiều, thành ra công chức có sống nhờ vào lương đâu, phần phụ trở thành phần chính. Tôi cho rằng rất cần tiền lương hoá tất cả phụ cấp để làm rõ thực chất thu nhập là bao nhiêu, nguồn phụ cấp ở đâu ra.

– Vậy theo bà, để thực hiện được cải cách tiền lương thì phải bắt đầu từ đâu?

Vấn đề lớn nhất là quyết tâm chính trị của cả hệ thống. Lãnh đạo quyết tâm cao nhưng thực hiện vẫn khó là vì lực cản từ bên trong. Những người giỏi họ mong muốn cải cách, thay đổi nhưng số người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không muốn cải cách như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là 30%.

Cách tuyển dụng của chúng ta theo kiểu “nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba quan hệ” thì không có được người giỏi, thực tâm vào nhà nước làm việc. Họ vào đấy là vì những động lực khác. họ đầu tư mua một ghế trong nhà nước để rồi có cách nào đó nhũng nhiễu hoặc có kênh nào đó để thu hồi vốn. Lực lượng đó không những không làm mà còn phá. Lực lượng đó đông như vậy thì không thể cải cách được vì chưa làm đã sợ khó.

– Bà nói rằng đã đến lúc phải thực hiện ngay cải cách tiền lương vì yêu cầu bức thiết của nó. Nếu tiếp tục trì trệ thì hậu quả thế nào, thưa bà?

Đề án cải cách tiền lương đã được đưa ra Hội nghị trung ương khoá 11 nhưng nay chưa làm, chúng ta đã bỏ phí 5 năm. Cho nên rôi rất mong chúng ta thực hiện ngay từ nay đến năm 2020 để có bộ máy sẵn sàng bước vào thập niên thứ 3 của thế kỉ này, nếu không chúng ta sẽ quá muộn trong phát triển.

Hội nhập quốc tế hăng hái bao nhiêu, kí kết bao nhiêu cũng sẽ không thực hiện được với bộ máy trì trệ như thế này. Doanh nghiệp không phát triển được, tinh thần khởi nghiệp sẽ không thể vượt lên. Bao nhiêu chính sách hay của nhà nước cũng không thành hiện thực nếu như người thực thi muốn trước hết có lợi cho mình chứ không phải cho xã hội. Nếu từ nay đến năm 2020 vẫn loay hoay với bộ máy như thế này thì sẽ không đưa đất nước đi lên được và chính bộ máy này có tội với tương lai của đất nước.

Sáng 13-12, Hội thảo cải cách chính sách tiền lương – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Căn cứ các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà quản lí và đại biểu tại hội thảo, Ban soạn thảo và Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Đề án sẽ được trình Hội nghị trung ương 7 khoá XII vào tháng 5-2018.

Hoàng Thùy

Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ba-pham-chi-lan-cong-chuc-luong-thap-van-song-khoe-nho-thu-nhap-phu-3683818.html

Bắt quả tang trung úy cảnh sát nhận hối lộ 50 triệu của tài xế

H.M

Ngày 14-12, nguồn tin từ Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an tỉnh đã bắt quả tang trung úy T đang nhận hối lộ 50 triệu đồng của một tài xế xe bồn.

Trung úy T công tác tại Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an TP Biên Hòa. Hiện PC46 đã ra quyết định tạm giữ hình sự trung úy T.

Theo nguồn tin, trước đó nhóm của trung úy T đã phát hiện một xe bồn chở chất thải hầm cầu đổ trộm ra môi trường nên đã tạm giữ xe. Sau đó, tài xế xe bồn đã liên lạc với trung úy T xin bỏ qua nhưng T đòi “cưa đôi” tiền phạt với giá 100 triệu đồng. Qua nhiều lần liên lạc, ngã giá, trung úy T đồng ý ra một quán hải sản ở đường Võ Thị Sáu – TP Biên Hòa để lấy tiền. Khi tài xế xe bồn đưa cho trung úy T 50 triệu đồng thì bị lực lượng PC46 bắt quả tang.

H.M

Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-qua-tang-trung-uy-canh-sat-nhan-hoi-lo-50-trieu-cua-tai-xe-20171214130343157.htm

“Ăn chặn” cả gói muối i-ốt phát cho đồng bào vùng cao

Tuấn Minh

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có báo cáo về việc thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh này và phát hiện ra nhiều sai phạm với số tiền phải thu hồi, giảm trừ quyết toán hàng tỉ đồng. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2017, ước tính tổng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa là gần 5.825 tỉ đồng. Trong đó, Ban Dân tộc Thanh Hóa tham mưu, quản lí theo dõi kinh phí là 1.988 tỉ đồng, các ngành là 3.836,4 tỉ đồng.

Tính từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã xử lí, thu hồi về ngân sách nhà nước gần 1,5 tỉ đồng, giảm trừ quyết toán gần 600 triệu đồng, yêu cầu xử lí khác (hoàn thiện lại, trả lại cho dân…) số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Ngoài ra, trong quá trình thanh, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã thu hồi gần 400 triệu đồng, giảm trừ quyết toán gần 300 triệu đồng.

Nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên được chỉ ra là do chương trình triển khai trên địa bàn rộng lớn, đi lại khó khăn, một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc, chưa bố trí, sắp xếp đủ số lượng và chưa bố trí cán bộ, công chức có năng lực để tham mưu cho chính quyền địa phương làm công tác dân tộc.

Cụ thể, về các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 và Chương trình theo Nghị quyết 30a còn dàn trải, chưa tích hợp, lồng ghép dự án với nhau. Trong khi đó, tính chất thời vụ của sản xuất nông nghiệp, thời gian giao vốn chậm, việc bình xét đối tượng thụ hưởng và xây dựng kế hoạch thực hiện dự án kéo dài nên nội dung hỗ trợ chưa thực hiện được trong năm, phải chuyển sang năm sau hoặc triển khai kém hiệu quả.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn theo quyết định 102/QĐ-TTg có định mức quá thấp, một số nội dung hỗ trợ bằng hiện vật trùng với chính sách của Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, việc cấp muối i-ốt và bột canh hiện nay đã không còn phù hợp một số nơi… nên dẫn đến việc tại huyện Quan Sơn, Công ty cổ phần thương mại miền núi Thanh Hóa đã không phát muối i-ốt đến người nghèo và giao lại cho trưởng thôn khiến nhiều hộ dân trên bị “ăn chặn” số muối này. Việc làm trên là trái với Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đến cấp sai đối tượng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần thương mại miền núi Thanh Hóa vẫn báo cáo “láo” để hưởng số tiền chi phí cấp phát trên 72 triệu đồng.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện việc mua bán không có hợp đồng, không có sổ ghi chép, chứng từ thanh toán, cá biệt có nơi còn sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước vào các khoản đóng góp ở địa phương hoặc không chi trả cho dân, làm mất tác dụng, ý nghĩa nhân văn của chính sách.

Trách nhiệm trên thuộc Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên đơn vị này cho rằng nguyên nhân của những tồn tại, bất cập là do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, lực lượng mỏng…

T.M

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su/an-chan-ca-goi-muoi-i-ot-phat-cho-dong-bao-vung-cao-20171216105015632.htm

Giấy phép: Từ cái vệ sinh của dân tới tòa nhà chọc trời của đại gia

Anh Đào

Trong khi làm cái chuồng gà không phép cũng bị… cưỡng chế, trong khi đổi cái nhà vệ sinh từ chỗ nọ sang chỗ kia cũng phải xin phép thì những chung cư vượt tầng vẫn thản nhiên mọc lên rồi phạt cho tồn tại. Vấn đề quản lí xây dựng của chúng ta có lẽ không phải là thiếu quy định về giấy phép mà là việc cái giấy phép ấy để làm gì.

Chuyện “cái nhà vệ sinh” được Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Nguyễn Quốc Hiệp nêu trong một hội thảo do Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức. Và ông Hiệp nói thẳng toẹt thế này: “Thủ tục ngành xây dựng hiện còn phức tạp hơn ngành công thương”.

Đấy, chúng ta có giấy phép. Cả đống. Xây một cái chuồng gà, nới một khu chuồng heo, thậm chí chỉ là sửa một bức tường là lập tức trật tự xây dựng lượn vè vè “giấy phép đâu”. Không biết điều, cưỡng chế liền. Nhưng vấn đề là có cấp giấy phép nhưng lại có rất nhiều chung cư chọc trời, thậm chí là cả khu đô thị vi phạm trật tự xây dựng và những vi phạm này chỉ được phát hiện, không phải bởi thanh tra, mà là từ báo chí.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm lí giải cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm là do cấp dưới đã nhận bôi trơn. “Tôi biết có trường hợp người dân phản ánh muốn xây dựng lên thêm một tầng thì cần bôi trơn 25.000 USD”.

Giữa cái chuồng gà, chuồng heo bị cưỡng chế vì không phép, giữa cái nhà vệ sinh chuyển chỗ cũng phải xin điều chỉnh giấy phép và những tòa nhà vượt tầng – thậm chí ngay tại thủ đô, là một bất công trong con mắt dân chúng. Và nó đang chỉ chứng minh vấn đề của quản lí trật tự xây dựng không phải ở chỗ thiếu giấy phép mà ở việc giấy phép chỉ phục vụ có mục đích và lợi ích những người quản lí trật tự xây dựng.

Giấy phép xây dựng là cần thiết. Bản thân cái giấy phép nó cũng chẳng tội tình gì. Hay nói như ông Liêm, nó “không vô dụng” để chúng ta “ném sọt rác”.

Nhưng việc cấp phép phải được chỉnh sửa để biến nó thôi/không còn là một thủ tục hành dân. Đừng để nó trở thành một công cụ kiếm cơm cho những người về nguyên tắc là làm trật tự xây dựng. Và càng không thể để nó chỉ mực thước với cái chuồng gà của dân trong khi đối với nhà chọc trời của đại gia thì chỉ như một tờ giấy.

A.Đ

Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giay-phep-tu-cai-ve-sinh-cua-dan-toi-toa-nha-choc-troi-cua-dai-gia-581290.ldo

FB LS Nguyễn Danh Huế:

Chiều ra quán nước, thấy mấy thằng sinh viên chạy Grab-bike đang chém gió nhao nhao:

– Sao Huỳnh Đức Thơ tội to thế không bị mất chức? Sao vụ Yên Bái lại xử lí nhẹ thế thì dân ai còn tin được…

Mình bảo:

– Mấy thằng này định diễn biến hoà bình à? Chúng mày ngồi tụ tập nói xấu chế độ hả? Có thích tao cho người hốt hết về đồn không? Không có đảng và nhà nước thì chúng mày có xe máy phóng vù vù và ngồi đây chém gió không?

Bà quán nước phân trần:

– Tôi bảo các anh nói be bé thôi, công an giờ chìm nổi khắp nơi nên không cẩn thận người ta bắt ngay mà các anh không nghe tôi.

– Không được nói chứ không phải bé hay to! Bà đã lấn chiếm vỉa hè bán hàng lại còn chứa chấp phản động nói xấu chế độ, còn để tái diễn là tôi cho phường ra dọn hết về đấy. Thôi, cho chén trà nóng!

– Anh công an uống đặc hay loãng ạ?

– Uống vừa, hết bao nhiêu tôi trả luôn.

– Dạ thôi có đáng gì đâu, mấy khi được mời anh chén nước.

Thi thoảng giả vờ công an oách phết.

Nguồn: https://www.facebook.com/Huebat

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.