Những lý do dân phi-Do-Thái Mỹ ủng hộ Quốc gia Do Thái
Walter Russel Mead, Foreign Affairs, tháng Bảy/tháng Tám 2008
Trần Ngọc Cư dịch
Quyết định của Chính quyền Trump chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và cho dời Đại sứ quán Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ từ Tel Avi đến Jerusalem đang dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo và gặp sự phản đối từ nhiều cường quốc đồng minh Phương Tây cũng như từ Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nếu đặt quyết định này trong bối cảnh chính trị Mỹ hiện nay, nó có thể là một hành động khôn ngoan của Tổng thống Trump nhằm củng cố hậu thuẫn của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Da trắng (White nationalists) và các giáo hội Tin Lành bảo thủ đã đưa ông vào Nhà Trắng – một cơ sở hậu thuẫn rất cố kết (cohesive) đã và sẽ giúp ông lèo lái qua nhiều sóng gió của chính trị nội bộ. Cũng là lẽ thường, mỗi khi phải đối đầu với quá nhiều thử thách trong nước, các lãnh đạo chính trị thường mở con đường sống, thậm chí là con đường máu ở ngoài nước, chủ yếu để chuyển hướng dư luận nội bộ.
Trên thực tế Trump đang khai thác một truyền thống thân Do Thái vốn đã tồn tại trong lịch sử Mỹ kể từ ngày lập quốc, theo đó nhiều lãnh đạo chính trị, văn hóa, và tôn giáo hàng đầu của Hiệp Chúng Quốc đã tiếp thu cảm hứng và sức mạnh tinh thần từ Kinh thánh Cựu ước. Họ so sánh những tương đồng giữa định mệnh lịch sử của Hiệp Chúng Quốc và lịch sử của Israel cổ đại như được mô tả trong Cựu ước và thậm chí gọi nước Mỹ là một “Israel mới”.
Chúng tôi biên tập lại một bản dịch đã đăng trên trên trang mạng talawas cách đây 9 năm vì nghĩ rằng bài tiểu luận của Walter Russel Mead trên Foreign Affairs, July/August 2008, có giá trị học thuật cao, giúp chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ gần như hữu cơ giữa Hiệp Chúng Quốc và Israel.
Trần Ngọc Cư
Walter Russell Mead là nhà Nghiên cứu Cao cấp Hàm vị Henry A. Kissinger về Chính sách đối ngoại Mỹ tại Council on Foreign Relations [Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ đối ngoại] và là tác giả của cuốn sách xuất bản gần đây nhất, God and Gold: Britain, America, and the Making of the Making of the Modern World (Chúa và Vàng: Anh, Mỹ và Sự hình thành của thế giới hiện đại).
Ngày 12 tháng Năm năm 1948, trước nội các chia rẽ của Tổng thống Harry Truman, Clark Clifford, luật sư trưởng của Nhà Trắng, đưa ra những lý lẽ biện hộ cho việc Hiệp Chúng Quốc công nhận quốc gia Do Thái. Với sự chứng kiến của một George Marshall, Bộ trưởng Ngoại giao lườm lườm đôi mắt và một Robert Lovett, Thứ trưởng của Marshall đầy vẻ hoài nghi, Clifford tranh luận rằng việc công nhận quốc gia Do Thái sẽ là một hành động nhân đạo phù hợp với những giá trị truyền thống của Mỹ. Để chứng minh đòi hỏi lãnh thổ của người Do Thái, Clifford đã trích dẫn Đệ nhị luật của Cựu ước [Deuteronomy]: “Đây, Ta trao đất đó cho các ngươi, hãy vào và chiếm hữu đất mà Đức Chúa đã thề với cha ông các ngươi, là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho họ và dòng dõi họ sau này.”[1]
Marshall không cảm thấy thuyết phục và nói với Truman rằng ông sẽ bỏ phiếu chống lại vị Tổng thống này trong kỳ bầu cử tới nếu đây là chính sách của ông ta. Nhưng cuối cùng, Marshall đồng ý không công bố sự chống đối của mình. Chỉ hai ngày sau đó, Hiệp Chúng Quốc thật sự công nhận tân quốc gia Do Thái, 11 phút sau khi Israel tuyên bố sự hiện hữu của mình trong cương vị một quốc gia. Nhiều quan sát viên, trong cũng như ngoài nước Mỹ, gán ghép quyết định của Truman với quyền lực của cộng đồng Do Thái tại Hiệp Chúng Quốc. Họ cho rằng lá phiếu và ảnh hưởng báo đài của người Do Thái, cũng như các đóng góp tài chính của họ vào quĩ vận động tranh cử là trọng yếu trong cuộc chạy đua sát nút vào Nhà Trắng năm 1948.
Kể từ đó về sau, lối lý giải theo mô hình này này cứ thế mà được lặp đi lặp lại. Những chuyên gia khả kính về chính sách đối ngoại của Mỹ thường kêu gọi Washington phải thận trọng với khu vực Trung Đông và cảnh báo các vị Tổng thống rằng sự hậu thuẫn quá đáng dành cho Israel sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho Hiệp Chúng Quốc trên trường quốc tế. Khi các Tổng thống Mỹ gạt bỏ ý kiến các chuyên gia tư vấn qua một bên để theo đuổi một lập trường thân-Israel, các nhà quan sát bèn gán ghép động thái này cho “nhóm vận động hành lang của Israel” và cứ thế mà khen (hay chê) nhóm này vì đã lay chuyển được người đứng đầu ngành hành pháp. Tuy nhiên, còn có một yếu tố khác cần được xét đến. Như người viết tiểu sử Truman là David McCullough đã ghi lại, hậu thuẫn mà Truman dành do quốc gia Do Thái “được lòng dân một cách cuồng nhiệt” trên khắp nước Mỹ. Một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup tháng Sáu năm 1948 cho thấy rằng số người Mỹ “có cảm tình với người Do Thái” nhiều gấp ba lần số người Mỹ “có cảm tình với người Ả Rập”. Hậu thuẫn này không phải là một ngọn lửa rơm. Sự ủng hộ rộng lớn của người ngoại-Do dành cho nước Israel là một trong những lực chính trị mạnh nhất trong chính sách đối ngoại của Hiệp Chúng Quốc, và trong 60 năm qua, chưa hề có một cuộc thăm dò nào của Gallup cho thấy số người Mỹ có cảm tình với người Ả Rập hay người Palestine đông hơn số người bênh vực cho dân Israel.
Ngoài ra, qua thời gian, tinh thần thân-Israel ngày càng gia tăng tại Mỹ, đặc biệt trong các tầng lớp dân chúng phi-Do Thái [non-Jews]. Những năm George W. Bush nắm chính quyền chứng tỏ hậu thuẫn của Hiệp Chúng Quốc dành cho Israel đạt đến mức cao hơn bao giờ cả, và hậu thuẫn này chưa hề suy giảm suốt trong hai nhiệm kỳ của Bush. Sự gia tăng hậu thuẫn này đã diễn ra thậm chí vào lúc tỉ trọng dân số của người Do Thái trong xã hội Hiệp Chúng Quốc suy giảm. Vào năm 1948, người Do Thái chiếm khoảng 3,8 phần trăm dân số Hiệp Chúng Quốc. Cứ cho như hầu hết mọi người Do Thái tại Mỹ ủng hộ một chính sách đối ngoại thân-Israel vào năm đó, thì mới khoảng 10 phần trăm người Mỹ ủng hộ Israel là có gốc Do Thái. Vào năm 2007, người Do Thái chỉ chiếm 1,8 phần trăm dân số Hiệp Chúng Quốc và nhiều lắm họ cũng chỉ chiếm 3 phần trăm số người ủng hộ Israel tại Mỹ.
Những con số này, dù sống động thật đấy, nhưng vẫn còn quá thấp so với mức hậu thuẫn của công chúng Mỹ thực sự dành cho Israel. Khi Trung tâm Nghiên cứu Pew đặt câu hỏi trong một cuộc thăm dò năm 2006, liệu chính sách Mỹ ở Trung Đông có công bằng không, hay đã thiên vị Israel hoặc thiên vị người Palestine, có đến 47 phần trăm số người trả lời phỏng vấn cho rằng chính sách này là công bằng, 6 phần trăm nói rằng chính sách này bênh vực người Palestine, và chỉ 27 phần trăm nghĩ rằng chính sách Mỹ đã thiên vị Israel. Cuộc thăm dò được xúc tiến trong thời gian Israel mở những cuộc tấn công lực lượng Hồi giáo Hezbolla ở Nam Li băng, một thời điểm mà sự hậu thuẫn của Hiệp Chúng Quốc dành cho Israel thậm chí gây nhiều tranh cãi trên khắp thế giới chứ không phải bình thường. Vì thế, chúng ta phải kết luận rằng khi trả lời cuộc phỏng vấn, nhiều người trong số những người Mỹ cho rằng Hiệp Chúng Quốc có chính sách công bằng đối với cả hai phía trong cuộc xung đột Trung Đông, thật ra cũng chỉ là những người ủng hộ những chính sách mà hầu hết quan sát viên nước ngoài sẽ cho là thân-Israel một cách quá mạnh mẽ và thậm chí vô trách nhiệm. Ít khi công chúng Mỹ thiên về một chính sách đối ngoại nào rõ nét như thế, sâu sắc như thế, bền bỉ như thế – và xung khắc với công luận của nhiều nước khác như thế.
Ở Hiệp Chúng Quốc, một chính sách đối ngoại thân-Israel không phải là sự thắng thế của một nhóm vận động hành lang nhỏ bé vượt lên trên nguyện vọng của dân chúng. Trái lại, nó phản ánh sức mạnh của công luận trong việc hình thành chính sách đối ngoại, bất chấp cả những lo ngại của giới chuyên gia trong lãnh vực này. Cũng như cuộc chiến chống ma túy và hàng rào dọc theo biên giới Mê-hi-cô, sự hậu thuẫn dành cho Israel là một chính sách đối ngoại Mỹ làm cho một số chuyên gia áy náy nhưng lại chiếm được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng. Điều này không có nghĩa là “nhóm vận động hành lang của Israel” không hiện hữu hoặc không ảnh hưởng chính sách Mỹ tại Trung Đông. Điều này cũng không có nghĩa là người Mỹ nên duy trì những định kiến của mình. (Quan điểm của tôi vẫn là, tất cả mọi người, kể cả người Mỹ lẫn người Israel, sẽ được lợi lộc nếu người Mỹ bày tỏ một sự hiểu biết thiện cảm hơn và toàn diện hơn đối với nhu cầu của người Palestine.) Nhưng điều này thực ra có nghĩa là những gốc rễ sâu xa nhất của chính sách Trung Đông nằm ngoài Vòng đai Thủ đô Washington và nằm ngoài cộng đồng Do Thái. Muốn hiểu lý do tại sao chính sách của Hiệp Chúng Quốc luôn thiên vị Israel hơn là trung lập hay thân với người Palestine, chúng ta phải nghiên cứu xuất xứ của sự hậu thuẫn này từ giới bình dân và phi-Do Thái (non-Jewish) đối với quốc gia Do Thái.
Con cái của David [2]
Câu chuyện Hiệp Chúng Quốc hậu thuẫn cho một quốc gia Do Thái tại Trung Đông bắt đầu rất sớm. John Adams [vị Tổng thống thứ hai của Hiệp Chúng Quốc] đã dùng những lời lẽ bộc bạch nhất của mình: “Tôi thành thật cầu chúc cho người Do Thái có lại một quốc gia độc lập trong vùng Judea”. Ông nói điều này sau khi rời ghế Tổng thống. Từ đầu thế kỷ 19 trở về sau, những người ngoại-Do[3] theo chủ nghĩa Xi-ôn-nít[4] (gentile Zionists) rơi vào hai trường phái. Phái Xi-ôn-nít ngôn sứ tiên tri [prophetic Zionists] dự kiến người Do Thái sẽ trở về Đất Hứa, thể hiện lối giải thích theo nghĩa đen lời của các ngôn sứ trong Kinh Thánh, liên quan tới sự trở lại trần gian của đức Kitô và ngày tận thế. Chẳng hạn, căn cứ trên lối gỉải thích Chương 18 của những lời tiên tri của ngôn sứ Isaiah [Cựu ước] do chính mình đưa ra, mục sư John McDonald thuộc giáo phái Albany Presbyterian đã tiên đoán vào năm 1814 rằng người Mỹ sẽ giúp người Do Thái phục hồi quốc gia thời cổ đại của họ. Nhiều tiếng nói trong giáo phái Mormon cũng chia sẻ quan điểm này; việc người Do Thái trở về Đất Thánh đang được khởi động, Kỳ mục Orson Hyde tuyên bố năm 1841: “Không còn hoài nghi gì nữa, bánh xe vĩ đại đang chuyển động, lời của Đấng Toàn Năng đã tuyên bố rằng bánh xe đó chắc chắn sẽ lăn.”
Các tín đồ Kitô giáo khác, ít bám vào nghĩa đen của Kinh Thánh và ít dựa vào ngôn sứ hơn, lại khai triển một thứ chủ nghĩa Xi-ôn-nít tiến bộ [progressive Zionism], một lý thuyết có ảnh hưởng qua nhiều thập niên đối với người ngoại-Do có đức tin cũng như thế tục. Vào thế kỷ 19, những người Kitô giáo có xu thế tự do bình đẳng thường tin rằng Thiên Chúa đang xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn qua sự tiến bộ của loài người. Họ coi Hiệp Chúng Quốc dân chủ và (tương đối) bình đẳng vừa như một hình mẫu của thế giới mới mà Thiên Chúa đang tạo dựng vừa như một công cụ vững chắc để đẩy mạnh thiết kế vĩ đại của Ngài. Một số tín đồ Tin Lành Mỹ [American Protestants][5] tin tưởng rằng Thượng Đế đang khởi động việc đưa những phần tử mà họ coi là những người Do Thái bị đọa đày và bị áp bức trên thế giới trở về Đất Hứa, cũng như Thượng Đế đang nâng đỡ và cải thiện cuộc đời của những người ngu si, kém tin khác thông qua sự phát triển của những nguyên tắc đạo lý Tin Lành phóng khoáng. Họ mong muốn cho người Do Thái thành lập được một quốc gia riêng vì họ tin rằng việc này sẽ che chở cho người Do Thái khỏi sự bách hại và, thông qua sức mạnh cứu rỗi của tự do và sự cần cù canh tác lương thiện, sẽ nâng cao và cải thiện tình trạng mà họ cho là sự suy đồi đạo lý và sự dơ dáy đáng trách của người Do Thái đương thời ở đế quốc Ottoman và Đông Âu. [Cựu Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là] Adams đã nhận định: “Một khi có lại một Chính phủ độc lập và không còn bị bách hại, những người Do Thái này sẽ sớm rũ bỏ phần nào những thô lỗ cộc cằn cũng như những dị hợm trong nhân cách và kịp thời trở thành người Kitô giáo có xu thế tự do bình đẳng tin vào một Thiên chúa Nhất thể [6] [Unitarian Christians]”. Đối với những người Kitô giáo này, chủ nghĩa Xi-ôn-nít Mỹ [American Zionism] là bộ phận khắn khít của một chương trình rộng lớn hơn nhằm biến đổi thế giới bằng cách cổ vũ những lý tưởng của Hiệp Chúng Quốc.
Không phải tất cả mọi người theo chủ nghĩa Xi-ôn-nít tiến bộ đều gói ghém lý luận của mình bằng từ ngữ tôn giáo. Ngay từ năm 1816, tờ Niles’ Weekly Register, tờ báo định kỳ thông tin và bình luận hàng đầu của Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 19, đã tiên đoán và hoan nghênh việc trở về sắp xảy ra của người Do Thái trên một quốc gia độc lập với Jerusalem là thủ đô. Tạp chí này dự phóng rằng sự nghiệp phục quốc và phục hồi nhân cách của người Do Thái sẽ đẩy mạnh văn minh và tiến bộ hơn nữa – và rõ ràng là, điều này sẽ rất tốt đẹp cho cả Hiệp Chúng Quốc lẫn người Do Thái.
Về phần mình, những người theo chủ nghĩa Xi-ôn-nít ngôn sứ tiên tri trở nên đông đảo hơn sau cuộc Nội chiến Mỹ, và quan điểm của họ – về vai trò một quốc gia Do Thái được phục quốc có thể nắm giữ trong những biến cố dẫn đến ngày tận thế – bắt đầu được phát triển cao độ. Vào giai đoạn này, các sách báo nêu bật sự phục hồi vai trò của người Do Thái như đã được tiên tri và suy đoán về bản sắc và tiến trình hồi hương các “bộ lạc thất tán” của dân Hêbrơ[7] cổ đại là tác phẩm bán chạy nhất từ năm này sang năm khác. Sự liên kết giữa Dwight Moody, giáo sĩ Tin Lành [evangelist][8] hàng đầu trong nước, và Cyrus Scofield, học giả Kinh Thánh quan trọng, đặt lịch sử tương lai của nước Israel ở một vị trí kiên định ngay trung tâm tư tưởng của chủ nghĩa Tin Lành bảo thủ Mỹ.
Những nhóm Xi-ôn-nít ngoại-Do này tìm được đồng minh mới, dù đôi khi thiếu thiện ý, vào giai đoạn sau năm 1880, thời điểm mà đợt nhập cư ồ ạt của người Do Thái Nga vào Hiệp Chúng Quốc bắt đầu. Một số trong bọn họ và một số người Do Thái Mỹ gốc Đức vốn đã được hội nhập vào xã hội Mỹ [assimilalated German American Jews] nuôi hi vọng rằng Palestine sẽ thay thế Hiệp Chúng Quốc để làm quê hương tương lai cho cái gọi là một nhóm di dân bị khinh bỉ khác thường lúc bấy giờ. Đối với những phần tử bài Do Thái [anti-Semites], sự thành lập một quốc gia Do Thái có thể hoặc không có thể “chữa trị” người Do Thái hết những đặc tính mà nhiều người ngoại-Do gán ghép cho họ, nhưng dù sao đi nữa sự thành lập một quốc gia như thế sẽ giảm bớt làn sóng di dân của người Do Thái vào Hiệp Chúng Quốc.
Năm 1891, những phần tử Xi-ôn-nít ngoại-Do này đến với nhau. William Blackstone, lãnh đạo thế tục thuộc giáo phái Methodist, trình lên Tổng thống Benjamin Harrison một kiến nghị kêu gọi Hiệp Chúng Quốc đứng ra làm trung gian triệu tập một hội nghị các cường quốc Châu Âu nhằm thúc đẩy Đế chế Ottoma giao trả Palestine lại cho người Do Thái. Bốn trăm người ký tên, mà tuyệt đại đa số là các nhân vật phi-Do Thái, gồm cả Chủ tịch Tối cao Pháp viện; Chủ tịch Hạ viện; các Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện và Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện; Tổng thống tương lai William McKinley; thị trưởng các thành phố Baltimore, Boston, Chicago, New York, Philadelphia và Washington; chủ bút và chủ báo các nhật báo hàng đầu trên bờ Đông và Thành phố Chicago; cùng với hàng giáo phẩm rất ấn tượng của các giáo phái như Episcopal, Methodist, Presbyterian và Công giáo. Các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia ký bản kiến nghị gồm có Cyrus McCormick, John Rockefeller, và J.P. Morgan. Vào một thời điểm mà cộng đồng Do Thái Mỹ vừa không đủ lớn, vừa không đủ mạnh, và không có cái gọi là nhóm vận động hành lang cho Israel, những trụ cột của giới quyền lực ngoại-Do tại Mỹ [the American gentile establishment] đã chính thức hậu thuẫn một nỗ lực ngoại giao của Hiệp Chúng Quốc để thành lập một quốc gia Do Thái trên địa bàn Kinh Thánh.
Có chung mười điều răn
Bất cứ một thảo luận nào về thái độ của Hiệp Chúng Quốc đối với Israel phải bắt đầu từ Kinh thánh. Qua nhiều thế kỷ, tư duy của người Mỹ đã được thấm sâu trong Kinh điển Hêbrơ. Ảnh hưởng này có xuất xứ từ việc khám phá lại ý nghĩa của Kinh Cựu ước trong thời kỳ Cải cách [the Reformation], được thúc đẩy do việc phát triển lý thuyết thần học Calvin[9] (một tín lý nhấn mạnh sự liên tục giữa những sự sắp đặt tiền định xưa và nay trong thế gian do hồng ân Thiên Chúa), và được làm sống động thêm bằng những tương đồng lịch sử giữa các trải nghiệm hiện đại của người Mỹ và trải nghiệm của người Hêbrơ cổ đại. Do đó, ngôn ngữ, các anh hùng và các tư tưởng Cựu ước luôn thấm sâu vào tâm thức người Mỹ.
Việc giảng dạy tiếng Hêbrơ của Kinh Thánh là điều bắt buộc khá lâu vào giai đoạn đầu của lịch sử Mỹ ở các đại học Columbia, Dartmouth, Harvard, Princeton và Yale. James Madison hoàn tất chương trình học tại Princeton chỉ trong hai năm, nhưng ở nán thêm một năm nữa để học tiếng Hêbrơ. Nhiều giáo sĩ và nhiều tác giả thời Thuộc địa không ngớt mô tả nước Mỹ là một Ca-na-an mới, “một miền đất tràn trề sữa và mật”, đồng thời nhắc nhở thính, độc giả của mình rằng cũng như người Hêbrơ đánh mất phước lành khi họ xúc phạm Thiên Chúa, người Mỹ cũng sẽ chịu khổ nạn nếu họ không vâng lời vị Thượng Đế đã dẫn dắt họ vào miền đất hứa của họ (nghĩa là Hiệp Hiệp Chúng Quốc). Cho đến ngày nay, những điển cố Cựu ước vẫn còn thấm đẫm các bài viết cũng như diễn văn chính trị, và thậm chí trong cả địa lý nữa – hơn một ngàn thành phố lớn, nhỏ tại Hiệp Chúng Quốc có tên lấy từ Kinh Thánh.
Biểu hiện tôn giáo sống động nhất về tầm quan trọng của Kinh Cựu ước trong văn hoá Mỹ ngày nay là sự trỗi dậy của thuyết nói về mệnh trời trước ngày tận thế [premillennial dispensationalism], một lối diễn giải những điều tiên tri trong kinh thánh, một lý thuyết mang lại trọng lượng đặc biệt cho các ý niệm tôn giáo trong Cựu ước như khoa thần học giao ước [covenant theology][10], và dành một vai trò quyết định cho quốc gia Do Thái được phục hồi (với thủ đô là Jerusalem). Khoảng chừng 7 phần trăm dân Mỹ tỏ ra có lập trường thần học này (nghĩa là nhóm này đông gần gấp 4 lần cộng đồng Do Thái tại Mỹ), đồng thời không ít thì nhiều một nhóm đông hơn đáng kể chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này. Những người đề xuất quan điểm này thường (dù không luôn luôn) chia sẻ quan điểm của một số người Do Thái Chính thống [Orthodox Jews], rằng người Do Thái phải đòi cho bằng được một quốc gia bao gồm tất cả lãnh thổ mà người Hêbrơ từng được Thiên Chúa hứa hẹn; họ chống lại bất cứ một nhượng bộ lãnh thổ nào với người Palestine và họ hậu thuẫn các khu định cư Do Thái ở bờ Tây sông Jordan. Tuy nhiên, đây vẫn là một quan điểm của thiểu số, thậm chí trong giới ủng hộ Israel tại Mỹ.
Chủ nghĩa Xi-ôn-nít của người Kitô giáo tiến bộ [progressive Christian Zionism], trái lại, có liên quan với đức lý Kitô giáo chứ không dựa vào tiên tri của các ngôn sứ. Phần lớn chủ nghĩa này có gốc rễ trong mặc cảm tội lỗi cũng như trong ý thức cho rằng sự bạc đãi của người Kitô giáo đối với người Do Thái trong quá khứ hiện đang cản trở người Do Thái chấp nhận Kitô giáo. Hơn một ngàn năm, người Do Thái ở Châu Âu đã chịu đựng những hành động tàn ác phi thường và lắm khi không ngôn từ nào diễn tả được dưới bàn tay của người Kitô giáo Châu Âu. Mặc dù một số tín đồ Tin Lành Mỹ có thời đã kéo dài lịch sử thiếu độ lượng và bài Do Thái này, nhưng từ thế kỷ 19 trở về sau nhiều tín đồ Tin Lành Mỹ có xu thế tự do bình đẳng đã coi việc từ bỏ quá khứ này như một trong những nhiệm vụ xác định tính cách của một giáo hội Mỹ cải cách và giác ngộ. Những tín đồ Tin Lành này có thể (và đã thoải mái) chỉ trích chủ nghĩa bài Do Thái của Công giáo La Mã, gọi đây là một hậu quả do những thối nát đáng tiếc dưới chế độ giáo hoàng; nhưng người ta cũng không dễ gì bỏ qua lời nói và việc làm bài Do Thái của những nhà cải cách tôn giáo như Martin Luther, người sáng lập đạo Tin Lành, chẳng hạn. Nhiều thành viên của các giáo hội Tin Lành Mỹ có xu thế tự do bình đẳng đã coi mình có nhiệm vụ thiêng liêng là phải hoàn tất sự nghiệp của thời Cải cách (the Reformation) bằng cách tẩy sạch những đặc tính “trung cổ” như mê tín, thiên kiến, và chủ nghĩa bài Do Thái khỏi Kitô giáo. Việc sám hối những tội lỗi quá khứ bằng cách bênh vực người Do Thái đã và đang là một thể nghiệm đức tin quan trọng đối với nhiều (mặc dù hẳn nhiên không phải đối với tất cả) tín đồ Tin Lành Mỹ.
Tương phản với thái độ thân Do Thái, đa số tín đồ Kitô giáo Mỹ ít khi hoặc không hề cảm thấy tội lỗi về những quan hệ lịch sử của cộng đoàn mình đối với thế giới Hồi giáo. Nhiều người Hồi giáo coi cuộc xung đột Kitô giáo-Hồi giáo kéo dài hơn một ngàn năm qua là một hiện tượng liên tục và tương đối thuần nhất, nhưng người Tin Lành Mỹ lại không nhận thấy như vậy. Chẳng hạn, họ thường chê trách những tàn bạo của các cuộc Thập tự chinh [the Crusades] và chỉ trích quan niệm về một thánh chiến, chẳng hạn, nhưng họ lại coi đây là những sai lầm của Công giáo La Mã chứ không phải của Kitô giáo nói chung. Và dẫu sao, họ coi những cuộc Thập tự chinh ấy như đã lùi sâu vào dĩ vãng và âu cũng là phản ứng trả đũa sự xâm lấn trước đó của người Hồi giáo. Họ cũng thường phê phán sự bóc lột thuộc địa của các cường quốc Châu Âu trong các thế kỷ vừa qua, nhưng họ lại coi những khai thác bóc lột đó là do chủ nghĩa đế quốc của Cựu thế giới chứ không do Kitô giáo gây ra và vì thế đó là điều họ không chịu trách nhiệm. (Một biệt lệ quan trọng đáng được nhắc đến: Nhiều nhà truyền giáo Mỹ hoạt động tích cực ở Trung Đông đã tạo được quan hệ sâu đậm với người Ả Rập trong vùng và đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho chủ nghĩa dân tộc Ả Rập, vì họ không ưa thích chủ nghĩa thực dân Châu Âu và hi vọng một phong trào dân tộc có tính thế tục sẽ cải thiện chỗ đứng của các Kitô hữu Ả Rập. Cộng đồng truyền giáo này vừa góp phần phát triển đội ngũ giới chức quan tâm đến quyền lợi Ả Rập trong Bộ Ngoại giao Mỹ vừa giúp tạo ra phản ứng dữ dội trong nhiều giáo hội Tin Lành chính mạch chống lại các chính sách của Israel trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sau cuộc chiến 1967.)
Vào thời điểm 1948, nhiều người Kitô giáo Mỹ cảm thấy một gánh nặng lương tâm về món nợ lịch sử và nghĩa vụ đối với người Do Thái, nhưng không cảm thấy như vậy đối với người Ả Rập. Có chăng là, họ chỉ nghĩ rằng thế giới Hồi giáo phải mang ơn các nhà truyền giáo Mỹ vì đã xây dựng nhiều đại học và bệnh viện hàng đầu tại Trung Đông và rằng chính sự hậu thuẫn của người Kitô giáo Mỹ trước và sau Thế Chiến II đã góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo độc lập, một phong trào đang diễn tiến lúc bấy giờ.
Những người bà con được Thiên Chúa chọn lọc
Ý thức về bản sắc riêng biệt và sứ mệnh của Hiệp Chúng Quốc trong thế giới này được bồi đắp qua quá trình tiếp thu sử sách và tư tưởng Hêbrơ. Nhà văn Mỹ Herman Merville đã diễn tả quan điểm này như sau: “Người Mỹ chúng ta là dân tộc đặc thù, được Chúa chọn – là nước Israel của thời đại chúng ta; chúng ta gánh lấy chiếc thuyền Nô-ê chứa đầy các quyền tự do của nhân loại”. Từ thời đại của những người Thanh giáo [Puritan] cho đến ngày nay, nhiều giáo sĩ, nhà tư tưởng và chính khách tại Hiệp Chúng Quốc – trong các lãnh vực thế tục cũng như tôn giáo, có xu thế tự do bình đẳng cũng như bảo thủ – vẫn coi người Mỹ là một dân tộc được Chúa chọn, ràng buộc với nhau bằng huyết thống thì ít mà bằng một hệ thống tín lý và một định mệnh chung thì nhiều. Người Mỹ tin rằng Thiên Chúa (hay lịch sử) đã đưa họ vào một vùng đất mới và làm cho họ trở thành vĩ đại, giàu có, và rằng sự phồn thịnh liên tục của họ sẽ tùy thuộc vào việc họ chu toàn các bổn phận đối với Thiên Chúa hay theo đúng những nguyên tắc đạo lý đã mang lại ơn phước cho họ từ trước tới nay. Nếu họ xao lãng những nguyên tắc này – như khi người Do Thái quay ra sùng bái con bò bằng vàng lúc Mô-se vắng mặt – thì tai họa sẽ giáng xuống trên đầu họ.
Cả người Mỹ mộ đạo lẫn người Mỹ thế tục đều hướng tới Kinh Thánh Hêbrơ để tìm ra một tấm gương của một dân tộc có tính đặc thù nhờ sứ mệnh riêng và được ơn kêu gọi gánh vác một định mệnh thay đổi thế giới. Phải chăng đất đai người Mỹ đang cư ngụ đã có thời thuộc về người khác? Vâng đúng vậy, nhưng trong một cung cách tương tự, người Hêbrơ đã từng chiếm đất của người Ca-na-an. Phải chăng các thuộc địa bé nhỏ tại Mỹ chỉ được trang bị bằng sức mạnh công lý của chính nghĩa mà đã đánh thắng một đế quốc vĩ đại nhất thế giới? Vâng, cũng giống như David, cậu bé chăn cừu khiêm tốn, đã quật ngã tên khổng lồ Goliath.[11] Phải chăng người Mỹ vào thế kỷ 19 từng bị cô lập và bị nhạo báng về những lý tưởng dân chủ của mình? Vâng, cũng tương tự như thế, người Hêbrơ cũng bị các sắc dân thờ bái thần tượng bao vây. Phải chăng người Mỹ đã từng đánh thắng giặc trong, thù ngoài? Vâng, theo Kinh Thánh, người Hêbrơ cũng từng chiến thắng như vậy. Phải chăng vì vi phạm chính những tín lý của mình khi cầm giữ hàng triệu nô lệ, người Mỹ đã bị trừng phạt và rước lấy nhiều tai hoạ? Đúng vậy, và rất giống như người Hêbrơ, một dân tộc đã gánh chịu hậu quả do tội lỗi mình trước Thiên Chúa.
Nhận thức đầy huyền thoại này về bản chất và định mệnh của Hiệp Chúng Quốc là một trong những yếu tố mạnh mẽ và bền vững nhất trong văn hóa và tư tưởng Mỹ. Như người Hêbrơ cổ đại đã tin tưởng, nhiều người Mỹ ngày nay cũng tin tưởng rằng họ mang một mặc khải, nhiên hậu không những cho chính họ mà cho toàn thế giới; họ thường tự coi mình là nước Israel mới của Thiên Chúa. Một trong những hậu quả của việc nhìn họ hàng [presumed kinship] này là nhiều người Mỹ cho rằng việc một tuyển dân [chosen people] này hậu thuẫn cho một tuyển dân kia là điều vừa hợp lẽ phải vừa chính đáng. Họ không cảm thấy áy náy khi hậu thuẫn của Hiệp Chúng Quốc dành cho Israel, một dân tộc và một quốc gia thường bị nhiều nước cô lập và khai trừ, làm cho Hiệp Chúng Quốc bị ghét lây hoặc gây ra nhiều vấn đề khác. Việc Hiệp Chúng Quốc nhận lãnh vai trò bảo hộ Israel và bạn của người Do Thái là một cách hợp thức hóa địa vị của chính mình như một quốc gia được Thiên Chúa giao cho một định mệnh độc đáo.
Hơn thế nữa, từ thế kỷ 19, Hiệp Chúng Quốc đã tự coi mình là bộ hạ được Chúa chọn để bảo hộ và cứu chuộc dân tộc Do Thái. Người Mỹ từng tin rằng người Do Thái sẽ vươn lên từ thân phận đọa đày một khi họ rời bỏ những khu ổ chuột trong thành phố để về sống ở các vùng thôn quê – y như những người di dân đến Mỹ từ khắp Châu Âu đã xây dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn và nhân cách lành mạnh hơn khi họ trở thành những nông dân theo mô hình Jefferson [Jeffersonian farmers][12]. Những tín đồ Kitô giáo có xu thế tự do bình đẳng như [Tổng thống] Adams tin tưởng rằng tiến trình này sẽ kịp thời đưa người Do Thái đến với ánh sáng của chủ nghĩa Tin Lành xu thế tự do bình đẳng như một phần của nỗ lực thăng tiến toàn thể nhân loại. Còn những người theo chủ nghĩa Xi-ôn-nít ngôn sứ tiên tri thì hi vọng rằng việc hàng loạt người Do Thái cải đạo sang Kitô giáo tái sinh [revivalist Christianity] sẽ nhanh chóng thúc đẩy ngày tận thế [the apocalypse] và sự trở lại thế gian của đức Kitô. Bằng một trong hai cách, vai trò đặc biệt của Hiệp Chúng Quốc trong việc phục hồi địa vị của người Do Thái đã thể hiện những kỳ vọng của ngoại-Do Mỹ về sự chuyển động của lịch sử và khẳng định những tín lý của họ về bản sắc và sứ mệnh của Hiệp Chúng Quốc.
Những quốc gia thực dân
Hiệp Chúng Quốc và Israel còn chia sẻ một thân thế là “quốc gia thực dân” – những nước được thành lập bởi các dân tộc giành quyền kiểm soát lãnh thổ hiện nay sau khi trục xuất các dân tộc bản địa. Cả hai quốc gia đã được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi một lịch sử xung đột và đối đầu với những dân tộc bị họ trục xuất, và cả hai đều tìm cách biện minh cho hành vi của mình từ những nguồn đạo lý tương tự. Cả người Mỹ lẫn người Israel chủ yếu hướng về Kinh Cựu ước, mà những trang thiêng liêng trong đó kể lại tích truyện về sự xung đột giữa người Hêbrơ cổ đại và người Ca-na-an, cư dân trước đó của phần lãnh thổ mà người Hêbrơ tin tưởng là Đất Hứa của họ. Người Mỹ nhận thấy quan niệm cho rằng họ là nước Israel mới của Thiên Chúa là rất hấp dẫn, một phần cũng vì nó giúp biện minh cho việc họ đã trục xuất người Mỹ bản địa [một mỹ từ để chỉ dân Da đỏ – ND.] Như Theodore Roosevelt đã viết trong cuốn sử bán chạy nhất về miền Tây nước Mỹ: “Nhiều người xuất chúng ở vùng sâu vùng xa là những người chuyên đọc Kinh Thánh, nhưng họ được nuôi lớn trong một đức tin làm nên phần lớn Cựu ước và coi nhẹ lòng thương hại, sự thật, hay đức từ bi. Họ nhìn kẻ thù của mình theo cách các ngôn sứ Hêbrơ đã nhìn kẻ thù của Israel. Những hành vi ghê tởm của người Ca-na-an mà vì thế họ bị tiêu diệt trước mắt Joshua[13] đâu có thấm gì nếu đem so với những hành động đốn mạt của bọn mọi da đỏ khiến người Mỹ, cũng là một tuyển dân của Thiên Chúa, đến phiên mình có bổn phận phải thừa hưởng đất đai của chúng.” (Bản thân Roosevelt, cũng như những người em họ Franklin và Eleanor, là một người Kitô giáo theo chủ nghĩa Xi-ôn-nít. “Đối với tôi, việc bắt đầu thành lập một quốc gia Xi-ôn-nít chung quanh Jerusalem là hoàn toàn thích đáng,” Roosevelt viết năm 1918.)
Ngoài một lời hứa hẹn trực tiếp từ Thiên Chúa, hai biện minh quan trọng khác mà người Mỹ đưa ra trong những cuộc tranh chấp với người Mỹ bản địa là quan niệm cho rằng họ chỉ bành trướng vào “những vùng đất hoang vu” và lý thuyết có liên quan của John Locke về “việc sử dụng tài sản công bằng hợp lý,” theo đó tài sản không được sử dụng là một phí phạm và là một xúc phạm đối với thiên nhiên. Những người đến lập nghiệp tại Hiệp Chúng Quốc cho rằng chỉ những người có thể cải thiện đất đai, bằng cách dựng lên san sát trên đó các nông trại rộng lớn và xây dựng nhiều phố thị, mới có thực quyền làm chủ nó. [Tổng thống tương lai] John Quincy Adams đã bênh vực luận cứ này năm 1802: “Liệu [người da đỏ] có muốn bắt cả một khu vực bao la của địa cầu phải chịu đời đời hoang phế hay không…? Còn Thomas Jefferson thì cảnh báo rằng những người Mỹ bản địa không học hỏi người da trắng và không tham gia canh tác sản xuất thì sẽ chịu số phận u ám. Họ sẽ “thoái hoá trở lại tình trạng man rợ và khốn cùng, sẽ mất dân số vì chiến tranh và thiếu đói; khi đó chúng ta buộc phải xua đuổi họ, cùng với loài dã thú trong rừng, vào vùng núi Đá.”
Suốt phần lớn lịch sử Hiệp Chúng Quốc, những quan điểm như thế có âm hưởng lớn không những đối với dân vùng sâu vùng xa mà còn đối với cả những công dân lịch lãm và phóng khoáng. Những luận cứ này mang một ý nghĩa đặc biệt khi bàn đến Đất Thánh. Trong khi người Mỹ mộ đạo mải mê nghiên cứu những huy hoàng của Jerusalem cổ đại và Đền thờ Solomon[14], họ đã vẽ lên trong tâm trí mình một miền đất phì nhiêu và hoành tráng – “một quê hương tràn trề sữa tươi và mật ngọt,” như Kinh Thánh mô tả. Nhưng vào đầu thế kỷ 19, khi hàng chục người đầu tiên, rồi đến hàng trăm người, và cuối cùng hàng ngàn người đi hành hương Đất Thánh – đồng thời thêm hàng triệu người đổ xô đến dự những buổi thuyết trình để nghe tường thuật những chuyến đi này – người ta mới vỡ lẽ rằng chẳng có chi đáng gọi là sữa tươi và mật ngọt; Palestine lúc bấy giờ chỉ là một trong những tỉnh nghèo nàn nhất, lạc hậu nhất, tả tơi nhất của Đế quốc Ottoma. Trước mắt người Mỹ, những sườn đồi và những cánh đồng sỏi đá của vùng Judea trông rất thê lương, trống trải – khiến nhiều người tin rằng Thiên Chúa đã rủa sả vùng đất này khi ngài đày dân Do Thái vào cuộc lưu vong thứ hai, một cuộc lưu vong mà họ cho là hình phạt người Do Thái phải gánh chịu vì không chịu nhìn nhận đức Kitô là đấng Cứu thế. Và vì thế, nhiều người Mỹ tin tưởng, người Do Thái thuộc về Đất Thánh và Đất Thánh phải thuộc về người Do Thái. Người Do Thái sẽ không bao giờ cất đầu lên được bao lâu mà họ chưa về lại quê nhà và hưởng được tự do, và Đất Thánh sẽ không bao giờ đâm bông kết trái bao lâu mà những người chủ chân chính của nó chưa trở về.
Ngôn sứ Isaiah đã mô tả cuộc hồi hương tương lai của dân Do Thái như một hồng ân Thiên Chúa đang mang nước tưới lên một vùng sa mạc. Và người Mỹ chứng kiến màu mỡ đang trở về với vùng đất dưới bàn tay canh tác của những người định cư Xi-ôn-nít đầu tiên, với tất cả cảm giác ngỡ ngàng rằng những điều tiên tri trong kinh thánh đang trở thành hiện thực ngay trước mắt họ. “Những suối nguồn trong sức mạnh thực dân Do Thái, được nuôi dưỡng hào phóng bằng đồng tiền của cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới, đang tuôn chảy tràn trề lên sa mạc,” tạp chí Time đã viết như thế năm 1946, vang vọng ngôn ngữ của Isaiah. Hai năm sau, tiếp theo thắng lợi của Do Thái trong cuộc chiến 1948, báo Time lại mô tả dân Ả Rập bằng những từ ngữ khiến người đọc ngày nay phải giật mình nhưng vào thời đó nó tiêu biểu cho nhận thức thông thường của người Mỹ: “Thế giới Phương Tây thường coi người Ả Rập như một chinh nhân có đôi mắt diều hâu ngồi trên lưng ngựa trắng. Chàng Ả Rập ấy vẫn còn lẩn khuất đâu đây, nhưng chàng thuộc về một thiểu số quá nhỏ nhoi so với hạng khốn khó, người đầy bệnh tật, đang nằm lây lất trên những con lộ nóng bỏng, quá ốm yếu và bạc nhược tinh thần đến độ không còn sức để lăn vào bóng mát”. Người Mỹ chứng kiến một cuộc đọ sức giữa một dân tộc lạc hậu, yếu hèn và một dân tộc có khả năng lập nghiệp trên vùng đất hoang dã và làm cho nó đâm bông kết trái, thể hiện một cách thần kỳ những lời tiên tri xa xưa về một quốc gia Do Thái.
Khắp nơi, người Do Thái trước đó đã từng bị coi là khối dân đáng chê trách nhất của Đông Âu: dốt nát, sa đọa, mê tín, chia bè chia phái, thích gây gổ, và tụt hậu một cách vô vọng. Sự thể khối dân này, sau khi chịu đựng bao nhiêu hành động dã man chưa từng có dưới sự đàn áp của Đức Quốc xã, đã thiết lập được một thể chế dân chủ ổn định đầu tiên ở Trung Đông, xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng trong sa mạc và liên tục đánh bại những kẻ thù có đội quân lớn hơn và mạnh hơn mình nhiều lần, đối với nhiều người Mỹ, là bằng chứng lịch sử hùng hồn về những lý tưởng tôn giáo mà họ ấp ủ sâu sắc nhất trong lòng.
Bước ngoặt hữu khuynh
Mặc dù sự hậu thuẫn của người Mỹ ngoại-Do dành cho Israel vẫn còn mạnh và thậm chí gia tăng kể từ Thế chiến II, nhưng tính cách của nó đã thay đổi. Mãi cho đến Cuộc Chiến Sáu Ngày, phần lớn hậu thuẫn dành cho Israel đến từ giới chính trị tả khuynh và thường thì phe Dân chủ ủng hộ Israel mạnh hơn phe Cộng hòa. Các thần tượng có xu thế tự do bình đẳng như Eleanor Roosevelt, Paul Tillich, Reinhold Niebuhr, và Martin Luther King, Jr., đều là những tiếng nói công khai hàng đầu kêu gọi Hiệp Chúng Quốc ủng hộ Israel. Nhưng kể từ 1967, hậu thuẫn của cánh tả dành cho Israel dần dần suy giảm trong khi hậu thuẫn của phe bảo thủ lại gia tăng.
Nhiều yếu tố khác nhau đã hội tụ lại trong thập niên 1940 để biến chủ nghĩa Xi-ôn-nít ngoại-Do tiến bộ thành một thế lực mạnh trong sinh hoạt chính trị tại Hiệp Chúng Quốc, nhất là bên cánh Tả. Trước hết, cuộc tàn sát người Do Thái do bàn tay của Đức Quốc xã trong Thế chiến II gây chấn động phi thường lên tín đồ Tin Lành Mỹ. Trước đó nước Đức đã có một thời cung cấp lãnh đạo tri thức cho giáo hội Tin Lành Mỹ, và vì thế thái độ thụ động chấp nhận mà hầu hết các giáo hội và mục sư Tin Lành Đức dành cho chế độ Quốc xã đã gây sốc đến tận cốt lõi cho đạo Tin Lành chính mạch tại Mỹ. Những tín đồ Tin Lành Đức chống Quốc xã đã trở thành những vị anh hùng đạo lý và thần học tại Hiệp Chúng Quốc thời hậu chiến, và sự chống đối nhắm vào chủ nghĩa bài Do [anti-Semitism] trở thành một phép thử then chốt mà các tín đồ Tin Lành chính mạch Mỹ dùng để đánh giá bản thân và các nhà lãnh đạo của họ. Cơn sốc sâu sắc này đã mạnh mẽ thúc đẩy họ hưởng ứng cứu trợ nhân đạo trước những phát hiện về các lò sát sinh và các cuộc tàn sát tập thể. Nỗi thống khổ của người Do Thái tị nạn vừa bị ly tán vừa bị đói nghèo trong một Châu Âu hỗn loạn thời hậu chiến, đã khiến điều này trở thành tất yếu: tín đồ Tin Lành Mỹ, sau một thế kỷ vận động đòi quyền sống cho người Do Thái, sẽ nhiệt tình hậu thuẫn những biện pháp được coi là đảm bảo an toàn cho người Do Thái Châu Âu.
Một yếu tố khác là hậu thuẫn mạnh mẽ của người Mỹ gốc châu Phi [African Americans] dành cho người Do Thái ở một thời điểm mà người da đen bắt đầu đóng một vai trò to lớn hơn trong sinh hoạt chính trị tuyển cử của Hiệp Chúng Quốc. Suốt thập niên 1930, báo chí của người Mỹ gốc châu Phi đã chăm chú theo dõi việc Hitler áp đặt những chính sách chủng tộc. Các lãnh đạo Mỹ gốc châu Phi không để lỡ cơ hội vạch ra những điểm tương đồng giữa việc Hitler đối xử người Do Thái và các luật Jim Crow tại miền Nam phân chủng của Hiệp Chúng Quốc.[15] Đối với nhiều người Mỹ gốc Châu Phi, cuộc đàn áp người Do Thái tại Đức trở nên quá hiện thực đối với họ xuyên qua kinh nghiệm bản thân hằng ngày. Nó cũng cung cấp cho họ những luận điểm quan trọng để thuyết phục người da trắng rằng kỳ thị chủng tộc là vi phạm những nguyên tắc đạo lý của Mỹ và vì thế nó góp phần xây dựng một liên minh vững mạnh giữa người Do Thái tại Mỹ và phong trào dân quyền [của người da đen], một liên minh tồn tại từ 1945 đến cuối đời Martin Luther King. Ngay cả trong Thế chiến II, các nhà tranh đấu da đen W.E.B. Du Bois, Zora Neale Hurston, Langston Hughes, và Philip Randolph đã ủng hộ tiền thân [precursor] của đảng Likud trong nỗ lực thành lập một đội quân Do Thái. Nhà lãnh đạo dân quyền Adam Clayton Powell, Jr., còn đi xa hơn nữa, quyên góp được 150.000 đôla cho tổ chức Xi-ôn-nít chủ chiến Irgun Zvai Leumi – mà ông gọi là “một tổ chức khủng bố bí mật tại Palestine” – ở một đại hội tại Thành phố New York.
Sự ủng hộ của Liên Xô đối với một quốc gia Israel độc lập cũng giúp đỡ phần nào. Ở Yalta, Joseph Stalin đã nói với Franklin Roosevelt rằng bản thân ông cũng là một người Xi-ôn-nít. Vào tháng Năm 1947, Bộ trưởng Ngoại giao Xô-viết Andrei Gromyko tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc rằng Liên Xô ủng hộ việc thành lập một quốc gia Do Thái. Hậu thuẫn này, dù có ngắn ngủi ra sao đi nữa, đã củng cố quan điểm của nhiều người Mỹ khuynh Tả rằng việc thành lập một quê hương cho người Do Thái là một phần của cuộc đấu tranh chung cho tiến bộ trên toàn thế giới. Thật ra, trong những thập niên sau Thế chiến, nhiều người Mỹ có xu thế tự do bình đẳng đã coi việc hậu thuẫn Israel là một phần cống hiến của họ cho tự do, cho phong trào giải thực (vì người Do Thái ở Palestine cũng đang đòi độc lập bất chấp sự phản đối của người Anh), cho cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc và tôn giáo, cho chủ nghĩa thế tục, cho chủ nghĩa nhân văn, và cho truyền thống tiến bộ trong sinh hoạt chính trị của Hiệp Chúng Quốc. Lúc bấy giờ trong mắt của nhiều người, nước Israel xuất hiện như một thí nghiệm thế tục đầy lý tưởng của chế độ dân chủ xã hội [social democracy]. Cả người Do Thái Mỹ cũng như người Mỹ ngoại-Do sang tận Israel để thể nghiệm cuộc sống lao động hân hoan và sinh hoạt tập thể tại các trang trại công [kibbutz]. Vì thế, vào năm 1948, khi Truman quyết định hậu thuẫn việc thành lập nước Israel, ông ta nghĩ đến không chỉ lá phiếu của người Do Thái. Hậu thuẫn dành cho Israel cũng được lòng người dân da đen miền Bắc, những người được thu hút đến với đảng Dân Chủ nhờ chính sách New Deal[16] và việc Truman từng bước hậu thuẫn các dân quyền. Chính nghĩa Israel cũng giúp Truman tranh thủ cử tri cánh Tả, những người nếu không vì lợi ích của Israel có thể đã ủng hộ Henry Wallace và Đảng Tiến bộ. Nó cũng giúp Truman giành phiếu của cử tri miền Nam bảo thủ, những cử tri đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh, và nhờ thế tăng cường khả năng chống lại ảnh hưởng của cánh Dân chủ miền Nam [Dixiecrats] của Strom Thurmond. Trên thực tế, hậu thuẫn dành cho Israel là một trong những vấn đề hiếm hoi để giữ sự cố kết của liên minh khó kiểm soát trong Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, kể từ cuộc chiến 1967, cơ sở hậu thuẫn của Israel tại Hiệp Chúng Quốc đã thay đổi: hậu thuẫn dành cho Israel có xu thế yếu dần bên cánh Tả và gia tăng bên cánh Hữu. Bên cánh Tả, sự bất mãn đều khắp đối với những chính sách của Israel trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và mối quan tâm ngày một giảm đối với an ninh của nước này theo sau thắng lợi của nó trong cuộc chiến đã khiến nhiều người Mỹ gốc châu Phi, nhiều tín đồ Tin Lành chính mạch, nhiều trí thức có xu thế tự do bình đẳng, một thời từng là đồng minh vững chắc của Israel tại Mỹ, trở nên ngày càng có cảm tình với quan điểm của người Palestine. Sự đồng hóa ngày một gia tăng của người Da đen đối với các phong trào chống thực dân khắp thế giới, sự xói mòn của liên minh Da đen-Do Thái trong chính trị nội bộ Mỹ, và sức thu hút đang lên của các nhân vật như Malcolm X và các lãnh đạo của tổ chức Quốc gia Hồi Giáo [Nation of Islam] cũng dần dần làm suy giảm hậu thuẫn của người Mỹ gốc Châu Phi dành cho Israel. Về phần mình, những giáo phái Tin Lành có xu thế tự do bình đẳng bắt đầu tiếp thu quan điểm của các nhà truyền giáo có thiện cảm với chủ nghĩa dân tộc Ả Rập; và khi các giáo hội chính mạch càng ngày càng chỉ trích những quan niệm truyền thống Mỹ về bản sắc dân tộc và định mệnh của Hiệp Chúng Quốc, họ tránh xa hơn nữa những lối đọc Cựu ước truyền thống. (Mặt khác, quan hệ giữa người Công giáo Mỹ và người Do Thái bắt đầu cải thiện sau cuộc chiến 1967, chủ yếu nhờ cách tiếp cận với người Do Thái theo quan điểm thần học mới của Giáo hội Công giáo kể từ Công đồng Vatican II.[17])
Bên cánh Hữu, thay đổi nổi bật nhất kể từ 1967 là sự tăng cường đột biến của hậu thuẫn dành cho Israel trong người Mỹ theo đạo Tin Lành [evangelical Christians][18] và, bao quát hơn, trong hàng ngũ những thành phần mà tôi từng gọi là cử tri “theo chủ nghĩa Jackson [19]” ở vùng trung nguyên Hiệp Chúng Quốc [U.S. heartland.] Những người theo chủ nghĩa Jackson là những cử tri theo chủ nghĩa dân tộc đại chúng [populist-nationalist] [20], họ ủng hộ một quân đội hùng mạnh và thường xuyên ngờ vực các tổ chức quốc tế và viện trợ nhân đạo toàn cầu. Không phải tất cả mọi tín đồ Tin Lành đều theo chủ nghĩa Jackson, và không phải tất cả những người theo chủ nghĩa Jackson đều là người Tin Lành, nhưng có một sự đan xen nhất định giữa hai nhóm cử tri này. Nhiều người da trắng miền Nam theo chủ nghĩa Jackson; nhiều cử tri không kiên định lập trường đảng phái [swing voters] ở miền Bắc, được gọi là cử tri Dân chủ ủng hộ Reagan [Reagan Democrats], cũng theo chủ nghĩa Jackson này.
Nhiều người theo chủ nghĩa Jackson có định kiến tiêu cực về người Ả Rập từ thời Chiến tranh Lạnh. Họ nhận thấy, người Palestine và các quốc gia Ả Rập có xu thế đứng về phía Liên Xô và Phong trào Phi-liên kết để chống lại Hiệp Chúng Quốc. Người Ai Cập đáp lại hậu thuẫn của Hiệp Chúng Quốc trong vụ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 bằng cách quay sang phía Xô-viết để mua vũ khí và tìm hậu thuẫn, đồng thời chuyên viên Xô-viết và vũ khí Xô-viết đã giúp các đội quân Ả Rập chuẩn bị các cuộc chiến tranh chống Israel. Người Mỹ theo chủ nghĩa Jackson có xu thế nhìn các vấn đề quốc tế qua lắng kinh đặc thù của mình, và trước các biến cố diễn ra ở Trung Đông kể từ năm 1967, họ trở nên có cảm tình với Israel hơn nữa ngay cả khi nhiều nhà quan sát không theo chủ nghĩa Jackson [non-Jacksonian observers] tại Hiệp Chúng Quốc – và đông đảo hơn nữa trong phần còn lại của thế giới – giảm bớt cảm tình đối với Israel. Cuộc Chiến Sáu Ngày đã nhen nhúm lại mối quan tâm đối với Israel từ những người Xi-ôn-nít theo ngôn sứ tiên tri và tăng cường những quan hệ sâu sắc giữa Israel và Hiệp Chúng Quốc trước mắt nhiều người theo chủ nghĩa Jackson. Sau Chiến tranh Lạnh, những người theo chủ nghĩa Jackson nhận thấy rằng những quốc gia thù nghịch của Mỹ ở trong khu vực, như Iraq và Iran, cũng là những kẻ thù hung hăng nhất của Israel.
Những người theo chủ nghĩa Jackson chiêm ngưỡng sự chiến thắng và chiến thắng hoàn toàn là dạng thức tốt đẹp nhất. Chiến thắng đều khắp với sức mạnh áp đảo của các binh chủng Israel năm 1967 trước kẻ thù có quân số lớn hơn từ ba nước khác nhau đã thu hút trí tưởng của những người Mỹ theo chủ nghĩa Jackson – nhất là vào một thời điểm mà thành tích chiến đấu tồi tệ của Hiệp Chúng Quốc tại Việt Nam đã khiến nhiều người trong bọn họ đâm ra bi quan về tương lai của chính nước mình. Kể từ đó, một số hành động quân sự tương tự mặc dù làm tổn thương hình ảnh của Israel đối với hầu hết các nước trên thế giới – chẳng hạn những phản ứng có vẻ quá đáng của Israel đối với chính sách khủng bố của Palestine – nhưng lại gia tăng hậu thuẫn từ những người Mỹ theo chủ nghĩa Jackson đối với Israel.
Khi một vài quả pháo kích bắn vào lãnh thổ Israel từ Dải Gaza, quân đội Israel đôi khi phản ứng bằng một hoả lực mạnh hơn, gây nhiều đổ nát và thương vong hơn. Trong con mắt của phần lớn thế giới, đây là sự trả đũa quá đáng, một sai phạm tương đương hay thậm chí lớn hơn cuộc tấn công ban đầu [the original attack]. Thế nhưng, những người theo chủ nghĩa Jackson coi mỗi loạt pháo kich của người Palestine nhắm vào các mục tiêu ở Israel như một hành động khủng bố và họ cho rằng người Israel có toàn quyền, có lẽ thậm chí có nghĩa vụ, trả đũa bằng tất cả sức mạnh có thể huy động được. Kể từ thập niên 1950, cứ mỗi lần quân đặc công Palestine lén lút vượt qua đường ngưng bắn để tấn công các khu định cư của Israel, nhiều người Palestine và người Ả Rập, với ít nhiều biện minh, đã coi những cuộc đột nhập này là hành vi rất can đảm mặc dù phải đối diện với một hoả lực có sức mạnh trấn áp. Nhưng những vụ lén lút đột kích nhắm vào các mục tiêu dân sự như thế này, và nhất là các vụ tấn công dùng bom tự sát, lại vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Jackson về cách tiến hành chiến tranh của người văn minh. Những người theo chủ nghĩa Jackson cho rằng chỉ có một sự trả đũa với sức mạnh trấn áp và triệt để chống lại các chiến thuật như thế mới chặn đứng việc các đặc công đánh phá thêm nữa. Đây là cách người Mỹ sống ở vùng biên cương đối phó với người Da đỏ, là cách mà tướng Miền Bắc William Sherman “đã dạy một bài học” cho Liên quân miền Nam trong Nội chiến Mỹ, và cũng là cách tướng Douglas MacArthur và Tổng thống Truman đã trả cho Nhật món nợ Pearl Harbor. Những người theo chủ nghĩa Jackson thực tình không hiểu được tại sao thế giới lại chỉ trích Israel vì đã thể hiện điều mà họ cho là quyền tự vệ bất khả xâm phạm – vì đã làm chính những điều mà họ cũng phải làm nếu ở vào vị trí của Israel.
Theo quan điểm của người Palestine và những người hậu thuẫn họ, người Palestine – phải lưu vong, bị cho ra rìa, bị chiếm đóng, bị phân hóa – là những người ở yếu thế nhưng anh hùng, dám đương đầu với một siêu cường khu vực được hậu thuẫn bởi một quốc gia mạnh nhất trên trái đất. Nhưng đối với người Mỹ theo chủ nghĩa Jackson, Israel, dù với tất cả sức mạnh và chiến công của mình, vẫn chỉ là cậu bé David đang lâm nguy, tứ bề thọ địch. Sự thể người Ả Rập và cộng đồng to lớn gồm một tỉ tín đồ Hồi giáo hậu thuẫn chính nghĩa của người Palestine, ít ra bằng lời nói, đã làm người Mỹ theo chủ nghĩa Jackson càng tin thêm rằng Israel là một nước nhỏ bé và dễ lâm nguy đáng được giúp đỡ. Mỉa mai là, một số trong những thành công quân sự và chính trị to lớn nhất của phong trào Palestine – như phát triển một cuộc kháng chiến võ trang chủ động, giành được hậu thuẫn (phần lớn chỉ là lời lẽ hoa mỹ) từ các tổ chức như Liên minh Ả Rập và ngay cả Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chuyển dịch cơ sở chính trị của cuộc kháng chiến Palestine từ chủ nghĩa dân tộc thế tục [secular nationalism] sang tôn giáo, và giành được hậu thuẫn của các quốc gia hùng mạnh trong khu vực như Iraq dưới thời Saddam và Iran ngày nay – rốt cuộc cũng chỉ tăng cường và củng cố thêm hậu thuẫn của người Mỹ ngoại-Do cho quốc gia Do Thái.
Tình huynh đệ Kitô giáo
Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến việc người Mỹ gia tăng hậu thuẫn cho Israel là kể từ 1967 một loạt phong trào phục sinh đức tin tôn giáo diễn ra đều khắp Hiệp Chúng Quốc, mang lại những hậu quả quan trọng trong thái độ của dân chúng đối với khu vực Trung Đông. Một trong những hậu quả là, ngay cả khi các giáo phái Tin Lành chính mạch có xu thế tự do bình đẳng trở nên gay gắt hơn đối với Israel thì họ cũng mất luôn ảnh hưởng chính trị và xã hội tại Mỹ. Một hậu quả khác là, vai trò của chủ nghĩa Xi-ôn-nít ngôn sứ tiên tri [prophetic Zionism] tăng lên đáng kể, với các tín đồ Kitô giáo Tin Lành và chính thống [fundamentalists][21] Mỹ trở nên quan tâm hơn bao giờ cả về ngôn sứ tiên tri trong Kinh Thánh và về vai trò của Israel trên tiến trình dẫn đến giai đoạn Khải huyền [Tận thế].
Nhiều tín đồ Kitô giáo Tin Lành và chính thống đã tương đối ít quan tâm đến Israel ngay sau cuộc chiến tranh giành độc lập của nước này. Các ngôn sứ trong Kinh Thánh, như họ hiểu, rõ ràng tiên tri người Do Thái sẽ xây lại Ngôi đền trên vị trí ban đầu của nó; do đó, với những vị trí thiêng liêng của Jerusalem vẫn còn nằm trong tay người Ả Rập, chiếc đồng hồ đếm thời gian từ nay đến ngày tận thế có vẻ chạy chậm lại. Đồng thời, nước Israel thế tục và gần như xã hội chủ nghĩa trong thập niên 1950 lôi cuốn người Kitô giáo bảo thủ thì ít mà lôi cuốn người Kitô giáo có xu thế tự do bình đẳng thì nhiều. Vì phải tập trung vào mối đe dọa cộng sản trong những năm cao điểm của Chiến tranh Lạnh, tín đồ Kitô giáo Tin Lành và chính thống ít tích cực tham gia vào chính sách Mỹ ở Trung Đông như họ đã từng tham gia vào thế kỷ 19.
Cuộc chiến Sáu ngày đã thay đổi thái độ đó; nó là lực xúc tác cho phong trào phục hoạt phúc âm và cho việc hồi sinh chủ nghĩa Xi-ôn-nít ngôn sứ tiên tri. Tốc độ và quyết định thắng lợi của Israel có vẻ thần kỳ trong mắt nhiều người Mỹ, và việc Israel chiếm được Thành cổ [the Old City] có nghĩa là vị trí của Ngôi đền đã về tay người Do Thái. Ý thức cho rằng ngày Tận thế đang tới gần là một lực tác động mạnh mẽ cho làn sóng phục hoạt tôn giáo tại Mỹ bắt đầu trong giai đoạn này. Kể từ đó, một loạt sách truyện thuộc loại bán chạy nhất, hư cấu cũng như phi-hư cấu, đã đáp ứng sở thích của hàng triệu người Mỹ trong khả năng là ngày tận thế như được các ngôn sứ tiên tri trong Cựu ước và Tân ước hiện đang diễn ra tại Trung Đông.
Từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, thêm một lực tác động nữa đã tăng cường những quan hệ giữa quốc gia Israel và nhiều người Kitô giáo bảo thủ tại Mỹ. Khi cuộc phục hưng tôn giáo mang lại sức mạnh và năng lượng mới cho các giáo hội Tin Lành và chính thống, họ lại càng quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên ngoài. Trong quá khứ những cuộc phục hưng tôn giáo như thế đã dẫn đến các cao trào truyền giáo đầy nhiệt tình và rất năng động; cuộc phục hưng tôn giáo hiện nay không khác bao nhiêu. Và khi người Kitô giáo Mỹ quan tâm nhiều hơn đến an sinh của Kitô hữu khắp thế giới, họ đã gặp phải địch thủ quan trọng nhất của Kitô giáo trên toàn cầu, đó là Hồi giáo, và họ bắt đầu nhận ra rằng các tình huống mà người Kitô giáo gặp phải tại một số nước có đa số theo Hồi giáo là không khả quan cho lắm.
Mối quan tâm về sự đàn áp người Kitô giáo khắp thế giới là đặc điểm trường kỳ của Kitô giáo, và không chỉ tại Hiệp Chúng Quốc. Chính những nhà lãnh đạo các giáo hội từng tham gia các nỗ lực bảo vệ người Do Thái ở Châu Âu và Đế quốc Ottoman thường cũng là những người tham gia các cuộc vận động bảo vệ các tín đồ Kitô giáo tại Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, và Đế quốc Ottaman cùng các nơi khác trên thế giới. Phong trào cộng sản, được coi như kẻ thù hung bạo nhất của tôn giáo trong thế kỷ 20, cuối cùng đã thúc đẩy tín đồ Kitô giáo Mỹ xây dựng những tổ chức nhằm hậu thuẫn các tín hữu sau Bức Màn Sắt. Từ năm 1989, sự đàn áp tín đồ Kitô giáo do bàn tay cộng sản đã giảm nhiều (mặc dù chưa biến mất), và nhờ vậy càng ngày trọng tâm của mối quan tâm càng chuyển qua Trung Đông, nơi nhiều tín đồ Kitô giáo và tín đồ của các đức tin khác hay người không theo tôn giáo nào đamg bị phân biệt đối xử về mặt pháp lý và xã hội – và cũng là nơi, lắm khi, tín đồ Kitô giáo bị đánh đập và sát hại vì đức tin của mình. Luật pháp của nhiều nước Hồi giáo còn cấm truyền đạo và cải đạo – những vấn đề chiếm được quan tâm sâu sắc nhất của người Kitô rao giảng Phúc âm [evangelical Christians], những người tin rằng kẻ nào đến phút lâm chung mà chưa tiếp nhận Đức Kitô vào lòng thì sẽ chịu cực hình trong hoả ngục và rằng việc truyền bá đức tin Kitô giáo là một trong những nghĩa vụ đạo lý trung tâm. Những cơ quan truyền thông chính mạch của Mỹ thường không coi sự đàn áp các tín đồ Kitô giáo ở nước ngoài là trọng tâm chính cho việc đưa tin của họ, nhưng điều này không ngăn cản được vấn đề ảnh hưởng lên quan điểm của nhiều người Mỹ đối với Hồi giáo và, nói rộng ra, đối với cuộc xung đột giữa Israel với một số nước láng giềng.
Dư luận tại Hiệp Chúng Quốc về vấn đề Trung Đông không thuần nhất, và cũng không đóng băng trong thời gian. Từ 1967 đến nay, nó đã trải qua nhiều thay đổi quan trọng, một số nhóm cử tri trở nên thiện cảm hơn với Israel và một số khác thì ngược lại. Càng ngày người Mỹ gốc Châu Phi càng ít ủng hộ đảng Likud hiện nay hơn họ đã từng hậu thuẫn quân đội Do Thái trong Thế chiến II. Thêm nhiều thay đổi có thể xảy ra. Một giới lãnh đạo Palestine và Ả Rập bén nhạy hơn đối với những giá trị và những ưu tiên chính trị của văn hóa chính trị Mỹ có thể phát triển những chiến thuật mới mẻ và hiệu quả hơn nhằm làm suy yếu, thay vì tăng cường, hậu thuẫn của Mỹ đối với quốc gia Do Thái. Chẳng hạn, nếu chịu chấm dứt những cuộc tấn công khủng bố để tiến hành một cuộc đấu tranh dân sự bất bạo động có kỹ luật và có tổ chức, họ có thể thay đổi được cách nhìn của những người theo chủ nghĩa Jackson về cuộc tranh đấu của người Palestine. Một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là, qua thời gian các tín đồ Tin Lành và chính thống Mỹ sẽ theo bước chân của Jimmy Carter, khi ông đi từ một chủ nghĩa Xi-ôn-nít non trẻ đến một lập trường mà ông cho là quân bình hơn như hiện nay. Nhưng nếu Israel phải đối đầu với bất cứ một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào, dư luận Mỹ sẽ chuyển hướng ngược lại, và đây có vẻ là một khả năng còn lớn hơn. Nhiều thành phần trong số những người Mỹ ngày nay kêu gọi một chính sách quân bình hơn đối với người Palestine, sở dĩ làm như vậy, là vì họ tin rằng trên cơ bản Israel đã được an toàn. Nếu một lúc nào đó đánh giá này thay đổi, những cuộc thăm dò dư luận quần chúng rất có thể sẽ chứng tỏ mức độ hậu thuẫn của Mỹ dành cho Israel còn cao hơn hiện nay.
Chí ít, một điều có vẻ rõ ràng. Trong tương lai cũng như trong quá khứ, dù tốt hơn hoặc xấu hơn, chính sách của Hiệp Chúng Quốc đối với Trung Đông vẫn tiếp tục được chi phối bởi ý chí của đại đa số dân Mỹ, chứ không bởi các âm mưu của bất cứ nhóm thiểu số nào, dù một số thành viên của nhóm này có giàu có hay tích cực tham gia vào tiến trình chính trị đến thế mấy đi nữa.
W. R. M.
Chú thích:
[1] Lời dịch trích từ website: <http://www.tinlanh.de/cuuuoc.html>. (Trừ chú thích số 3, các chú thích là của người dịch).
[2] Theo Cựu ước, David là vị vua thứ hai của Vương quốc thống nhất Israel. Kinh Thánh mô tả ông là một người công chính, một thi sĩ, nhạc sĩ, một danh tướng. Theo biên niên dựa vào Kinh Thánh, David ra đời khoảng 1037 và mất khoảng 967 trước Công nguyên. Tiểu sử của David có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Do Thái và Kitô giáo.
[3] “ngoại-Do”: lựa chọn dịch thuật cho tính từ gentile, có ý nghĩa là ‘không phải là người Do Thái’ (về huyết thống và tôn giáo). Để tránh trùng lặp đơn điệu, ở những chỗ khác nhau trong bản dịch này tính từ gentile còn được dịch là “phi-Do-Thái”. (Chú thích của người biên tập)
[4] Chủ nghĩa Xi-ôn-nít (Zionism) là một phong trào chính trị quốc tế, một chủ trương thoạt đầu ủng hộ việc tái lập một quê hương cho người Do Thái tại Palestine và ngày nay vẫn còn tiếp tục hậu thuẫn quốc gia Israel hiện đại.
[5] Protestants còn được dịch là tín đồ “Thệ phản giáo” hoặc “Kháng Cách giáo” để nhấn mạnh chủ trương li khai với Giáo hội Công giáo La Mã, một sự kiện lịch sử diễn ra vào thế kỉ 16. Người dịch chọn từ Tin Lành vì tính phổ biến của từ này trong tiếng Việt, nhất là trong hầu hết các tự điển Anh-Việt thông dụng, và nhất là vì nó không làm thương tổn nội dung nguyên bản. Có lẽ vì tinh thần “đại kết” (ecumenism), một nỗ lực đoàn kết giữa các truyền thống Kitô giáo khác nhau, chúng ta không thấy các giáo hội Công giáo hay Tin Lành Việt Nam dùng các từ “Thệ phản giáo” hay “Kháng Cách giáo” trong văn chương của họ.
[6] Những tín đồ Kitô giáo theo truyền thống này tin tưởng Thiên Chúa là một ngôi duy nhất, tương phản với quan niệm Chúa Ba ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần). Đối với họ, đức Kitô là một gương sáng, một vĩ nhân, một ngôn sứ của Thiên Chúa, thậm chí là một đấng siêu nhiên, nhưng bản thân ngài không phải là Thiên Chúa.
[7] Người Hêbrơ (dân Do Thái cổ đại) là sắc dân mà Kinh Cựu ước mô tả là hậu duệ của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Xem thêm chú thích 2.
[8] Người rao giảng Tin Lành (evangelist, evangelical) tin rằng họ có sứ mệnh truyền bá những điều đức Kitô đã dạy và được ghi lại trong các sách Phúc âm (tin mừng) của Tân ước (theo Mat-thêu, Mac-cô, Lu-ca và Gio-an).
[9] Lý thuyết tôn giáo của John Calvin, một nhà thần học Pháp thế kỉ 16, nhấn mạnh sự toàn năng của Thiên Chúa và sự cứu rỗi có tính cách tiền định mà Thiên Chúa chỉ dành cho một số người được ngài tuyển chọn (xuyên qua hồng ân của ngài mà thôi). Thuyết này phù hợp với quan niệm “tuyển dân” (chosen people) của một số nhà tư tưởng tôn giáo Mỹ.
[10] Giao ước (convenant) là một tín lí theo đó một cộng đồng tôn giáo tin rằng Thiên Chúa đã liên minh hay hiệp thông với họ. Một ví dụ về quan hệ giao ước trong Do Thái giáo và Kitô giáo là quan hệ giữa Áp-ra-ham và Thiên Chúa, theo đó Thiên Chúa giao ước với Áp-ra-ham là ngài sẽ ban phép lành cho con cháu của ông sinh sôi nhiều hơn cả sao trên trời. Theo đức tin Kitô giáo, Thiên Chúa làm thêm một giao ước nữa, còn gọi là “giao ước mới”, theo đó đức Giê-su Kitô chịu chết trên Thánh giá để chuộc tội cho tất cả loài người.
[11] David và Goliath là hai nhân vật trong một truyện tích nổi tiếng của Cựu ước, trong đó David là một cậu bé chăn cừu và là vua tương lai của Israel (xem chú thich 3). David chỉ dùng chiếc ná bắn một hòn đá và giết chết Goliath. Goliath là chiến sĩ khổng lồ của quân Philistines, được cử ra để thách thức vua quan Israel. Đây là một truyện minh họa sức mạnh của đức tin: David bước ra chấp nhận thách thức, không một manh giáp trên người, nhưng đã làm cho kẻ địch được trang bị đầy đủ binh giáp phải hoảng sợ rút quân.
[12] Phái nông gia theo mô hình kinh tế Jefferson [Tổng thống thứ ba của Mỹ] chủ trương rằng kinh tế Hoa Kỳ phải chủ yếu dựa trên nông nghiệp để sản xuất những hàng hoá chiến lược, hơn là dựa vào công nghiệp. Jefferson khẳng định tin tưởng rằng: “Những người đổ mồ hôi canh tác đất đai… là tuyển dân (chosen people) của Thiên Chúa, nếu có bao giờ ngài có một tuyển dân.”
[13] Theo Cựu ước, Joshua là nhà lãnh đạo Israel tiếp theo sau Mô-se.
[14] Theo Cựu ước, vua Solomon đã xây một ngôi đền để thờ phượng Thiên Chúa tại Jerusalem. Người Do Thái cho rằng ngôi đền mái vòm của Hồi giáo (the Dome of Rock, xây vào thế kỉ 7) hiện đang tọa lạc ngay trên địa điểm của Đền Solomon, còn gọi là Ngôi đền đầu tiên mà họ tin rằng quân Ba-by-lon san bằng vào năm 585 trước Công nguyên.
[15] Theo luật phân chủng Jim Crow, người da trắng và da đen phải sử dụng những phương tiện công cộng riêng rẽ, như xe buýt, công viên, trường học… Jim Crow là tên gọi của của một hệ thống phân chia giai cấp, theo đó người da đen bị dìm xuống thành một loại công dân thứ cấp (second-class citizens) trong khi người da trắng được đề cao là một chủng tộc ưu việt, thậm chí là một dân tộc được Chúa chọn, theo quan điểm của nhiều người miền Nam trước và sau Nội chiến Mỹ.
[16] Những chương trình và chính sách nhằm thúc đẩy việc phục hồi kinh tế và cải tổ xã hội do Tổng thống Franklin Roosevelt đề xuất vào thập niên 1930 với mục đích khắc phục hậu quả của cuộc Khủng hoảng kinh tế. Có nghĩa đen là “chia lại ván bài”, tạo cơ hội mới, New Deal mở ra một bước ngoặt quan trọng, thu hút ngày càng nhiều hậu thuẫn của người da đen. Trước giai đoạn này, đại đa số dân da đen hậu thuẫn đảng Cộng hòa, đảng của Tổng thống Abraham Lincoln, người có công giải phóng nô lệ.
[17] Một trong những tuyên bố của Công đồng Vaticanô II, nhan đề Nostra Aetate hay “Trong thời đại của chúng ta”, xúy xoá trách nhiệm của dân Do Thái về cái chết của đức Kitô đồng thời lên án việc bách hại và kì thị người Do Thái “vào bất cứ thời nào do bất cứ ai”.
[18] Evangelical có nghĩa là “phúc âm, tin mừng, tin lành” (good news). Những người theo đạo Tin Lành (evangelicals) tin vào thẩm quyền tuyệt đối của các sách Phúc âm Tân ước (theo Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an). Người Tin Lành không những triệt để thay đổi chính bản thân (born again) dựa trên những nguyên tắc của sách Phúc âm, mà còn coi mình có sứ mệnh đi truyền đạo, thuyết phục người của các đức tin khác chấp nhận đức Kitô là con đường duy nhất đi đến “sự sống đời đời”.
[19] Andrew Jackson, Tổng thống thứ 7 của Hoa Kì (1829-37). Trước khi trở thành Tổng thống, Jackson là một nhà quân sự lập được nhiều chiến công lẫy lừng trong các trận đánh chống lại người Anh và các bộ lạc da đỏ liên minh với đế quốc Anh trong Chiến tranh 1812. Ông được coi là một vị anh hùng có công chống ngoại xâm và nới rộng biên cương của Mỹ. Jackson rất được lòng binh sĩ và giới bình dân. Trên cương vị Tổng thống, Jackson nới rộng quyền lực của Chính phủ liên bang.
[20] Từ nationalism nên được dịch là “chủ nghĩa quốc gia”, đối trọng với chủ nghiã quốc tế hay những xâm lấn từ nước ngoài vào. Sự nghiệp quân sự của Andrew Jackson gắn liền với việc chống sự can thiệp và xâm lấn của đế quốc Anh. Vì thế từ Jacksonian mà tác giả dùng trong bài viết còn có nghĩa là “chống lại sự can thiệp của nước ngoài” kể cả các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
[21] Triệt để tin vào lối giải thích theo nghĩa đen của Kinh Thánh (fundamentalist). Các tín đồ Tin Lành-chính thống sống trong một văn hóa bảo thủ, lấy Kinh Thánh làm khuôn thước đạo lí, sống đông đảo ở các tiểu bang miền Nam [của Nội chiến Mỹ], những tiểu bang thường được mệnh danh là “Vòng đai Thánh Kinh” (the Bible Belt) ở trung nguyên Hiệp Chúng Quốc.
Dịch giả gửi BVN.