Lê Tuyết
Thấp hơn mà vẫn đâm đầu vào, nhiều khi còn phải chạy chọt mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng, ngu hay điên?
Bauxite Việt Nam
“Nhìn lương mà tủi thân mình” – là chia sẻ của nhiều cán bộ, công chức nhà nước ở TP HCM khi được hỏi về tiền lương. “Những người làm nhà nước” chia sẻ: Vì tiền lương thấp nên nhiều cơ quan không giữ chân được người giỏi. Những người ở lại chấp nhận sống thiếu thốn hoặc gia đình có điều kiện, công việc “chỉ làm cho vui”. Một số người “làm nhà nước” muốn giàu nhanh sẽ làm những chuyện không đúng, lơ là công việc vì họ còn tranh thủ làm bên ngoài.“Lương thấp khiến tôi không muốn gắn bó, cống hiến!“
Theo báo cáo của UBND TP HCM tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vào ngày 9-12-2017, chính sách tiền lương hiện hành chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động. Đơn cử trong khu vực hành chính, sự nghiệp, lương cơ bản thấp và chậm điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất – kinh doanh. Ví dụ, tiền lương cơ sở áp dụng cho khối này hiện tại là 1,3 triệu đồng, lương tối thiểu vùng áp dụng cho khối doanh nghiệp tại TP HCM (khu vực I) là 3,750 triệu đồng. Mức tăng lương hàng năm chủ yếu bù đắp trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, hệ thống thang, bảng lương trong khối hành chính nặng về bằng cấp, chưa phản ánh được trình độ, chất lượng đáp ứng công việc hoặc chức vụ đảm nhận. Hệ số giãn cách giữa các bậc lương thấp, sau 3 năm nâng hệ số lương thêm 0,35, tương ứng hơn 400.000 đồng, làm giảm hiệu quả của hệ số lương, tăng tính bình quân trong trả lương.
Anh N.A.T, làm việc tại quận 3, chia sẻ: Tốt nghiệp đại học loại khá, khi được một đơn vị sự nghiệp đóng trên địa bàn quận 3 tuyển dụng, anh rất phấn khởi. Tuy nhiên, niềm phấn khởi không duy trì được lâu khi anh thấy mức lương trên hợp đồng làm việc. “Công chức loại A1, hệ số lương của tôi là 2,34, sau khi trừ các khoản bảo hiểm, tôi nhận chưa đến 3 triệu đồng. Tôi quá sốc! Trong khi đó, bạn cùng khóa đại học với tôi, ra trường xin vào một công ty tư nhân làm việc, lương khởi điểm đã 7 triệu đồng/tháng. Tôi cố gắng làm việc, hi vọng có thêm khoản phụ cấp hoặc được tăng lương nhưng hoàn toàn không, vì làm nhà nước 3 năm mới được tăng lương một lần. Tôi không thể sống, đi làm với tiền lương chỉ đủ đổ xăng và ăn sáng, còn lại cơm nước, áo quần, nhà cửa bố mẹ phải lo nên tôi xin nghỉ” – Anh T chia sẻ. Theo anh T, nhiều người vào cùng đợt với anh thời điểm đó, vẫn có những người ở lại.
Đối tượng tăng lương cần được lựa chọn kĩ
Tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là việc cấp bách, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng muốn việc tăng lương phát huy tác dụng và để hạn chế việc “chất xám” chảy từ khối nhà nước sang khối tư nhân thì đi đôi với tăng lương phải tinh giản biên chế, lựa chọn đối tượng tăng lương phù hợp.
Anh N.B.Đ, vốn là biên chế của một trung tâm thông tin trực thuộc một sở của thành phố. Mức lương của anh lúc đó 7 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ nhìn vào lương thì đó thực sự là một mức lương thấp, tuy nhiên nếu xét cả công việc thì đó là lương cao. Anh Đ lí giải: “Với lượng công việc đó, khi tôi ra ngoài doanh nghiệp tư nhân, họ chỉ thuê 1 người làm rồi trả lương 15 triệu đồng/tháng, tôi vẫn làm tốt. Trong khi đó, ở trung tâm thông tin thì thuê đến 3 người, mỗi người được trả 7 triệu đồng/tháng, tổng tiền lương phải trả là 21 triệu đồng mà người này nhìn người kia rồi đố kị ghen ghét, không ai chịu làm việc, công việc vì thế mà không hiệu quả”. Theo anh Đ, TP HCM có những ngành, bộ phận, cán bộ đảm nhận công việc rất nhiều như xử lí đăng kí kinh doanh, đất đai, lao động, bảo hiểm xã hội… nhưng phải thừa nhận có những bộ phận, phòng ban cán bộ rất ít việc. Cho nên muốn nâng lương cho những người làm được việc phải có sự đánh giá khách quan, công bằng, tránh trường hợp người thân quen thì được nâng lương, người làm được việc thì lương vẫn thấp.
Anh L.V.Đ vốn là cán bộ biên chế, có thâm niên làm việc 10 năm tại một đơn vị sự nghiệp có thu ở TP HCM chia sẻ: Bất cập tiền lương giữa khối hành chính và nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước còn tạo nên bất cập trong chính môi trường làm việc nơi đó như đấu đá, làm việc cầm chừng không hiệu quả. Theo anh Đ, tăng lương cần tập trung vào những cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm việc để khuyến khích người giỏi ở lại vì “nói thực lòng, lãnh đạo ngoài lương thì có “bổng” nên đối tượng cần chú trọng để tăng lương vẫn là nhân viên”.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lí TPHCM: Trong lĩnh vực hành chính công, hiệu quả để cụ thể hóa những tiêu chí trên thì hơi khó
Theo Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM thì TP HCM được quyền quyết định mức chi tăng thêm thu nhập cho công chức, viên chức của thành phố không quá 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ. Do vậy, thành phố có thể vận dụng chính sách này để hỗ trợ đời sống người làm công tác hành chính, văn phòng nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giữa người làm trong cơ quan hành chính và doanh nghiệp bên ngoài. Vấn đề ở đây là thu nhập của người lao động tùy theo năng suất và kết quả công việc. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hành chính công, hiệu quả để cụ thể hóa những tiêu chí trên thì hơi khó. Ví dụ ở khối doanh nghiệp tư nhân, người ta có thể dễ dàng tính toán làm ra bao nhiêu sản phẩm, thu lợi nhuận bao nhiêu, trừ thuế ra làm sao, từ đó có thêm thu nhập về lương và thưởng cho người lao động. Còn đối với công chức, viên chức thì nên thành lập một bộ tiêu chí như: Hoàn thành công việc như thế nào? Tiến độ giải quyết hồ sơ nhanh ra sao? Những khiếu nại của người dân không có thành một thang tiêu chí. Những ai đạt hết tiêu chí đó sẽ được tăng lương tối đa 1,8 lần còn ai không đạt thì có thể thấp hơn, chứ không tăng theo kiểu cào bằng. Thành phố có thể vận dụng theo hướng trên để cải thiện cơ chế cho những người làm hành chính (Minh Quân ghi).
L.T
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/khi-cong-chuc-luong-thap-hon-cong-nhan-580870.ldo