Tôi vừa đọc được một tin trên báo Tuổi trẻ ra ngày thứ 7 (5.6.2010): “Cần có quỹ ủng hộ ngư dân đánh bắt cá ở Hoàng Sa”, theo đề nghị của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi …
Thực tế, hàng ngàn người đang hành nghề một cách hợp pháp trên hải phận của đất nước mình, theo luật pháp Việt Nam. Khi họ trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công lặp đi lặp lại nhiều lần của người nước ngoài, phải chịu những cuộc tra tấn, bị giam hãm, bị tịch thu của cải và bị buộc phải nộp tiền chuộc thân, thì lẽ đương nhiên là Nhà nước, có nghĩa là người đại diện trước tiên của dân chúng và cũng là người bảo vệ trước nhất của nhân dân phải lên tiếng. Đó là nhiệm vụ tối thiểu của một Nhà nước trong bất kỳ nước nào. Và không thể viện bất cứ một lý do nào để từ chối sự bảo vệ đó.
Tôi cũng đã đọc trên báo Tuổi trẻ ngày 01.06.2010 một tin có tựa đề là: “Quân dân cùng ra biển” và tôi vui mừng khi đọc đoạn Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo tuyên bố rõ ràng : “Trong bốn ngành kinh tế biển chỉ có ngư dân là lực lượng mà đặc thù phải bám biển, hoạt động trên diện rộng trong toàn bộ các vùng biển có chủ quyền lãnh thổ. Vì bản chất của ngư dân là phải bám biển nên đây là lực lượng không thay thế được ngay cả trong tổ chức chiến tranh nhân dân trên biển… ngoài chuyện mưu sinh của ngư dân, sự có mặt của ngư dân trên biển còn góp phần khẳng định chủ quyền và họ chính là lực lượng đang tham gia việc bảo vệ chủ quyền». Tôi hoan nghênh tuyên bố đó.
Tôi đã từng có suy nghĩ này cách đây mấy tháng. Tôi cũng từng trao đổi với một số bạn bè ở Việt Nam là nên chăng lập một quỹ ủng hộ ngư dân gặp nạn và tôi sẽ ủng hộ từ phía Pháp cùng với các đoàn ngư nghiệp ở Pháp… Tuy nhiên, cũng đã hơn một lần, một vài người bạn cho tôi ý kiến: họ sẵn sàng tham gia vào dự án trọng đại của tôi với tất cả tâm huyết miễn sao việc làm này gây được một sự thức tỉnh trong sâu thẳm tình cảm người dân cái quyền được đùm bọc lẫn nhau cũng như được yêu nước một cách chủ động và hồn nhiên, khỏi chờ ai dẫn dắt. Tôi rất tâm đắc với họ. Trở lại với ý lập một quỹ cho ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa, tôi tin chắc rằng phương thức tốt nhất để đánh thức lương tâm trong hoàn cảnh này là tạo nên, ngay từ trong dân chúng, một phong trào đoàn kết nhân đạo không cần có sự giám sát của những cơ quan nhà nước, hoặc nếu có, chỉ là để kiểm tra tính trong sáng và trung thực của các chi tiêu tài chính.
Đã từ lâu, tôi mong muốn xây dựng một Quỹ đoàn kết tương trợ giành cho gia đình các ngư dân bị ngược đãi hoặc bị cấm hành nghề trên hải phận của Việt Nam (Hoàng Sa và Trường Sa). Nhiệm vụ đầu tiên của quỹ này sẽ là tìm hiểu về các ngư dân là nạn nhân và gia đình của họ, lập một hồ sơ đầy đủ về những thông tin chi tiết của mỗi lần bị ngược đãi (ngày, giờ, nơi bị bắt, thời gian bị giam giữ, thiệt hại về người và tài sản v.v.), những mất mát về tài chính, hậu quả chính xác về những sự kiện đó đối với cuộc sống hàng ngày của ngư dân cùng với gia đình của họ…
Nhiệm vụ thứ hai của Quỹ sẽ là đi quyên góp tài chính, tiền bạc để giúp đỡ cho các gia đình này.
Quỹ Đoàn kết Tương trợ này sẽ không có một tuyên bố chính trị nào nhưng sẽ thông báo về tình hình của các ngư dân – nạn nhân, cũng như sẽ đi thu thập các chứng cứ… Quỹ sẽ có thể có một hoặc nhiều Chủ tịch và một Ban đỡ đầu quốc gia bao gồm các danh nhân, các nhà báo, trí thức và nông dân, nghệ sĩ và sinh viên, các ngư dân ở nhiều vùng của đất nước Việt Nam. Quỹ sẽ có một tài khoản trong sáng, rõ ràng mà mỗi người đóng góp ủng hộ đều có thể biết đến, các tài khoản chi tiêu sẽ được báo cáo thường xuyên và thường kỳ cùng với danh sách của những người được nhận trợ giúp. Quỹ sẽ có những thành viên tại những vùng ven biển nơi có ngư dân đánh bắt cá ngoài khơi …
Nếu như dự định này có thể thực hiện được ở Việt nam thì tôi tin chắc rằng, ngay tại miền Nam nước Pháp nơi tôi sinh sống, và nơi có nhiều cảng đánh bắt cá, tôi sẽ có thể tạo ra một “Quỹ hữu nghị đoàn kết với các ngư dân Việt nam bị tấn công trên chính lãnh hải của họ”. Tôi sẽ liên hệ với các công đoàn ngư dân của tất cả các cảng lớn nhỏ từ vùng Địa Trung Hải đến Marseille.
Hai quỹ của chúng ta, “Quỹ đoàn kết tương trợ” tại Việt Nam và “Quỹ hữu nghị đoàn kết đồng nghiệp” tại Pháp chỉ quan tâm đến hoạt động nhân đạo và tình hữu nghị đồng nghiệp, sẽ có thể có những trao đổi thường xuyên. Và tại sao không nghĩ ngay đến việc tổ chức những chuyến du lịch của các ngư dân Pháp đến Việt Nam để thăm và làm quen với các đồng nghiệp và gia đình của họ ở Quảng Ngãi, vì họ có một mong muốn: giúp cho đồng nghiệp Việt Nam của họ một chút hơi ấm hữu nghị, một con tàu, hay tham dự vào việc đưa con tàu ra khơi! Cuộc chiến đấu cho chính nghĩa trở thành một ngày hội!
Sức mạnh đoàn kết và sự cương quyết trong hành động hòa bình có khi còn mạnh hơn vũ khí. Dư luận trong nước và dư luận quốc tế là phương thức bảo vệ tốt nhất! Những tên thực dân chủ nghĩa xi-on (Do Thái) đang nếm trải kinh nghiệm này tại một vùng biển khác, nơi chúng tự cho mình quyền dùng sức mạnh để cấm biển đối với nhân dân Palestine và các bạn của họ trên khắp thế giới.
André Menras, Hồ Cương Quyết
Công dân Việt Nam và Pháp.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập