Sửa Hiến Pháp để có tư pháp độc lập

Quanh một vòng 60 năm, tỉnh giấc ra, ai nấy đều thấy mọi sự đều thụt lùi so với năm 1946. Năm 1946 đã có Hiến pháp pháp quyền, nay thì Hiến pháp XHCN nên các quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp không còn đứng độc lập nữa mà “làm chủ tập thể”.

Năm 1946 thì “quân đội ta trung với nước hiếu với dân” nên “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, nay thì dân vẫn còn đấy nhưng nước hình như không còn nên “quân đội ta trung với Đảng hiếu với dân” và tất nhiên là trước kẻ thù đang làm mưa làm gió nơi lãnh hải đành không học tập Malaysia mà tạm “náu mình lặng tiếng” để cho ngư dân bị bọn chúng sát hại, bắt bớ, giam cầm ít lâu, chờ “bàn bạc song phương”.

Năm 1946 thì “độc lập hay là chết” nên đánh thắng Pháp, rồi năm 1966: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên đánh thắng Mỹ, nay thì ông Bộ trưởng Quốc phòng sang thăm láng giềng “4 tốt” phải “báo cáo” với quan chức quốc phòng nước ấy tuy cấp bậc dưới mình, có lẽ là tuân thủ khẩu hiệu “Không có gì hơn 16 chữ vàng”.

Mới đây, cũng ông Bộ trưởng Quốc phòng ấy trước khi phát biểu tại diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La cũng phải có ông Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân nước láng giềng “4 tốt” kia đến hội đàm, tư vấn. Xin chớ băn khoăn! Tất cả lời giải gói trong câu nói cũng của chính ông Bộ trưởng: “Chúng tôi và Trung Quốc ngoài ra còn có thêm tinh thần đồng chí nữa”. Thế là rõ. Lấy tinh thần này mà hiểu những chuyện Bauxite Tây Nguyên, lấn lướt Biển Đông, bán tuốt rừng vàng biển bạc, cả chuyện đường sắt cao tốc,… thì mọi việc sáng như ban ngày.

Vậy, lần này cải cách Hiến pháp, liệu Ban soạn thảo có ghi thêm câu châm ngôn ông Bộ trưởng đã công khai tuyên bố vào Điều 4 hay không? Rất tiếc ông Cù Huy Hà Vũ cứ bàn những chuyện đa đảng đâu đâu – khiến người nghe mỏi mắt chờ cũng nào đâu có thấy – mà chuyện quan trọng này ông lại không bàn.

Nguyễn Huệ Chi

Một buổi họp Quốc Hội tại Hà Nội (ảnh minh họa). AFP photo

Một buổi họp Quốc Hội tại Hà Nội (ảnh minh họa). AFP photo

Hiến Pháp Việt Nam hiện hành có thể được Quốc hội xem xét việc tu chính trong nghị trình năm 2011.

“Chuẩn bị dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của bản Hiến pháp 1992” là yêu cầu mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2011 trình Quốc hội sáng 2/6 vừa qua.

Vietnamnet trích lời ông Nguyễn Văn Thuận Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói rằng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được thực hiện sau khi có chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phần mình cũng đề xuất việc sửa đổi bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo đó có những định hướng quan trọng liên quan trực tiếp đến các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước đồng thời cũng liên quan đến các qui định tương ứng của Hiến pháp.

Một phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Photo courtesy of www.na.gov.vn.

Một phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Photo courtesy of www.na.gov.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh tới các vấn đề cụ thể như, định hướng cải cách tư pháp lấy Tòa án làm trọng tâm, tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chánh; nghiên cứu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố. Thêm thẩm quyền cho Thủ tướng theo đó người đứng đầu Chính phủ có quyền điều động, bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên điều động, bổ nhiệm Chủ Tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp. Ngoài ra còn định hướng tiến tới không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận huyện phường mà trước mắt thực hiện ở một số địa phương làm thí điểm.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM nhận định về đề xuất liên quan tới cải cách tư pháp:

“Nội dung cụ thể là tổ chức Tòa án theo khu vực chứ không phải theo địa hạt đơn vị hành chính nữa. Thế nhưng vì Hiến pháp nên mọi người cho rằng phải thay đổi Hiến pháp mới thực hiện được. Nội dung này không phải là mới nhưng phải thay đổi Hiến pháp mới làm được, cá nhân tôi rất ủng hộ nội dung này, có như thế mới bảo đảm tốt hơn tính độc lập của thẩm phán”.

Mọi người đều thấy rõ, Tòa án là cấp dưới của chính quyền thì khi chính quyền làm sai Tòa án làm sao xử chính quyền được.

TSLS Cù Huy Hà Vũ

Được yêu cầu nhận định về định hướng cải cách tư pháp như vừa nêu, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội, một luật gia được nhiều người biết tiếng phát biểu:

“Quốc hội bắt buộc phải đánh giá lại cho đúng vai trò của Tòa án, từ chỗ người dân có thể trực tiếp khởi kiện không cần qua khâu khiếu nại cơ quan chính quyền đã gây thiệt hại cho mình, dẫn tới chuyện là phải tăng cường quyền lực cho Tòa án, Tòa án không phụ thuộc chính quyền nữa, tổ chức theo dây dọc của Tòa án chứ không tổ chức theo các cấp chính quyền như hiện nay Tòa án huyện, Tòa án tỉnh rồi trên có Tòa án trung ương.

Mọi người đều thấy rõ, Tòa án là cấp dưới của chính quyền thì khi chính quyền làm sai Tòa án làm sao xử chính quyền được. Đấy là điều mâu thuẫn không thể giải quyết được, thành ra hướng cải cách tư pháp Tòa án độc lập với chính quyền sẽ giải quyết những oan sai mà chính quyền đã gây ra với người dân một cách tích cực hơn”.

Giấc mơ tam quyền phân lập

Luật sư Cù Huy Hà Vũ

Luật sư Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ giải thích thêm về vai trò yếu kém và chịu nhiều lệ thuộc của hệ thống tư pháp hiện hành. Ông nói:

“Tại sao hệ thống Tòa án ở Việt Nam lại sợ chính quyền đến thế? Ngoài hệ thống chính quyền thì cuối cùng ở huyện có Huyện ủy, tỉnh có Tỉnh ủy, thành phố có Thành ủy. Thành ra Tòa án rồi Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tất tật đều dưới sự lãnh đạo của Đảng cả, Tòa án không được mở phiên tòa xét xử Ủy ban nhân dân, cuối cùng chỉ còn người dân chịu thiệt thậm chí đến chết mà cũng không bao giờ được biết vụ việc của mình được xử lý ra sao”.

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bày tỏ sự mong muốn việc cải cách tư pháp theo hướng thoát khỏi sự lệ thuộc hệ thống chính quyền huyện tỉnh thành phố như hiện nay, dần dần sẽ tiến tới Tòa án xét xử độc lập, dù phía chính quyền có những chức danh Ủy viên trung ương hay Ủy viên Bộ chính trị, Tòa án vẫn phải căn cứ theo luật pháp mà thực hiện. Ông Cù Huy Hà Vũ tiếp lời:

Và tất nhiên trong trường hợp đó chỉ có thể có dưới một chế độ đa đảng chứ không bao giờ dưới chế độ chỉ có một đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

TSLS Cù Huy Hà Vũ

“Tất nhiên đấy là hy vọng, theo tôi vô cùng khó nếu không muốn nói là không thể giải quyết được. Bởi vì một đảng lãnh đạo nó sẽ xóa nhòa hết ranh giới độc lập giữa ba quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp.

Tuy nhiên khi đưa ra khái niệm đó nó cũng là một sự động viên mạnh mẽ đối với Thẩm phán nào còn có lương tri, trong lãnh vực nhất định họ có thể sẵn sàng đánh đổi sự mất chức để làm được những điều đúng với lương tâm mình và cũng là động viên đối với người dân để người ta thấy rằng, Nhà nước đã cho phép người dân kiện trực tiếp mà không phải thông qua cơ quan hành chính đã làm hại mình nữa.

Có thể nói nó tạo ra hiệu ứng theo tôi là tích cực trên con đường cải cách triệt để tức là ba quyền hoàn toàn phải độc lập với nhau. Và tất nhiên trong trường hợp đó chỉ có thể có dưới một chế độ đa đảng chứ không bao giờ dưới chế độ chỉ có một đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

Hoài vọng Hiến pháp 1946

Khi đưa tin đề xuất sửa bản Hiến pháp hiện hành tức Hiến pháp được ban hành năm 1992, Vietnamnet đã để đường dẫn cho người đọc tham khảo bài viết “Hiến pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền”của TS Nguyễn Sĩ Dũng trên báo Pháp Luật TPHCM Online được TuầnVietnam.net đăng lại. Thực hiện việc này, trang mạng chuyên mục cho rằng để mọi người cùng suy gẫm về một bản Hiến pháp đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ.

Tác giả Nguyễn Sĩ Dũng mô tả Hiến pháp 1946 là một bản hiến văn hết sức ngắn gọn, súc tích. Toàn bộ bản hiến văn chỉ gồm 70 điều. Trong đó có những điều chỉ vỏn vẹn một dòng. Ví dụ điều 12 được viết: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Một trong những lý do giải thích sự ngắn gọn này là: Hiến pháp 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền.

Vẫn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nếu pháp quyền là những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ thì Hiến pháp năm 1946 đã phản ánh đúng tinh thần đó. Theo sự nhận định của tác giả, để lạm quyền không thể xảy ra thì Hiến pháp đã được đặt cao hơn Nhà nước. Đặc biệt điều 70 Hiến pháp 1946 minh thị mọi sự sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến Pháp 1946:
– Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.
– Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.
– Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Vẫn theo tác giả, các quyền của người dân được Hiến pháp 1946 ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thì cao hơn là Nhà nước làm việc này. Vì rằng nếu Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thì quyền chủ động là thuộc Nhà nước, nhưng nếu Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thì Nhà nước không có quyền chủ động ở đây.

Trong bản Hiến pháp 1946, vai trò độc lập xét xử của Tòa án được bảo đảm. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, vấn đề này đạt được nhờ hai điều 63 và 69 Hiến pháp 1946. Theo đó qui định là các Tòa án được thiết kế không theo cấp hành chính. Hơn nữa, khi xét xử, Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.

Nhân dịp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992, bài báo của TS Nguyễn Sĩ Dũng, đúng như TuầnVietnam.net ghi chú là dịp để mọi người cùng suy gẫm về tư tưởng pháp quyền trong bản Hiến pháp 1946, thứ tư tưởng quí giá mà nhiều chuyên gia cho rằng chưa thể hiện thực tế trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam.

Nguồn: RFA, 5-6-2010

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.