Blog Trịnh Nghĩa
“Tôi thấy bệnh tinh thần người Trung Quốc còn đáng sợ hơn bệnh ung thư. Chúng ta bị tuyên truyền nhồi nhét, bị cưỡng chế, bị ý thức hệ, thói quen thao túng, dần biến thành nô dịch tự nguyện, cuối cùng nó thẩm thấu vào sâu thẳm tâm hồn, hóa thành thứ cảm xúc sục sôi chi phối lại chính đầu não chúng ta” – Rất chính xác. Về điểm này thì người dân Trung Quốc và người dân Việt Nam nên “đồng bệnh tương lân, đồng ưu tương cứu”.
Bauxite Việt Nam
Sau khi sinh viên khoa Trung văn Phó Vĩnh Quân tiến hành điều tra, khảo sát và đưa ra báo cáo “Đất nước chìm trong thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học – Ghi chép điều tra về tình hình thổ nhưỡng Trung Quốc” với dự ngôn “10 năm tới, ung thư ở Trung Quốc sẽ như giếng phun! 33% gia đình Trung Quốc sẽ vì thế mà phải dùng hết tất cả những gì tích góp được”, cư dân mạng đã nhanh chóng đưa ra không ít bình luận về báo cáo này. Điều đáng nói là thay vì cảm thán cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, họ lại công kích mạnh mẽ bài viết.
Bản thân tôi cảm thấy những dự đoán này rõ ràng là có tác dụng cảnh tỉnh mọi người, chỉ nói riêng tinh thần thẳng thắn nêu ra vấn đề của tác giả đã rất đáng khâm phục. Thế nhưng có người nói: “Thực sự không nên đọc, loại thông tin cắt xén này chỉ gây hoang mang dư luận chứ không có tác dụng gì”. Có người thậm chí còn so sánh báo cáo này chỉ là “thứ cặn bã”.
Trang web “Kinh tế tài chính Tân Hoa” đăng tải báo cáo này cũng bị chĩa mũi nhọn vào. Có cư dân mạng bình luận: “Loại truyền thông này không dùng ngôn từ dọa người ta chết thì không vui… Trang này không liên quan Tân Hoa xã”. Thực tế thì trang “Kinh tế tài chính Tân Hoa” là một kênh truyền thông độc lập, có văn phòng tại Hồng Kông, Luân Đôn, New York, và bị đổ cho là “có yếu tố nước ngoài”, gây rối loạn tình hình trong nước.
Một nick mạng tên “Hắc Tử” thậm chí viết một phân tích chi tiết: “Bệnh ung thư là bệnh người già, nhà giàu, muốn ung thư phải sống đến tuổi ung thư, những người trẻ chết vì nghèo túng, bệnh tật và chiến tranh không có được phúc phận ung thư. Kết luận này không sai, có thể thấy trước người mắc bệnh ung thư ở Trung Quốc sẽ bùng phát trong tương lai. Nhưng nhận định về nguyên nhân thì hoàn toàn sai. Nguyên nhân thực sự như sau: Quốc gia giàu mạnh, mức sống của người dân nâng cao, tuổi thọ gia tăng khiến đa số người sống đến tuổi tỉ lệ phát bệnh ung thư cao; Tiến bộ của kĩ thuật chẩn đoán bệnh, tỉ lệ chẩn đoán chính xác được nâng cao. Điều chúng ta nên quan tâm không phải vấn đề có bao nhiêu người bị ung thư mà là thời gian sống sau khi bị ung thư vì đây là tiêu chí phản ánh về phúc lợi”. Ý kiến này được nhiều người nhiệt tình hưởng ứng, hàng ngàn lượt chia sẻ rầm rộ. Đây quả thực là chuyện lạ có thật! Những tưởng người ta hít không khí ô nhiễm, uống nước ô nhiễm, bị mắc phải những chứng bệnh lạ… sẽ căm phẫn, theo lí phải ủng hộ người vạch trần thảm cảnh ô nhiễm môi trường. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, họ không chỉ không muốn nghe sự thật mà còn kịch liệt phản đối. Tuổi thọ tăng, tỉ lệ chẩn đoán bệnh chính xác cao hơn sẽ khiến số ca ung thư được phơi bày gia tăng, nhưng có thể vì thế mà phủ nhận nguyên nhân ô nhiễm môi trường được chăng? Có thể xem ung thư là “phúc phận” không? Tệ hơn, tỉ lệ ung thư cao thấp không quan trọng, đáng quan tâm là thời gian vật vã sau khi bị ung thư dài hay ngắn, thời gian vật vã càng dài thì có “phúc phận”. Những kiểu suy nghĩ này thật kì lạ!
Ở đây, tôi muốn đưa ra một phản chứng trực tiếp quan điểm này: Bệnh ung thư tại Trung Quốc đang ngày càng trẻ hóa. Theo số liệu của Trung tâm U bướu quốc gia thì vào năm 2000, nhóm người độ tuổi 20-39 bị u bướu theo tỉ lệ cứ 100.000 người có 39 người bị, đến năm 2013 tăng lên mức 70 người. Nghĩa là sau 13 năm, tỉ lệ người trẻ bị ung thư tăng gần 80%. Theo tốc độ này, mỗi năm Trung Quốc tăng mới khoảng 300.000 người ung thư ở độ tuổi thanh niên.
Ai cảm thấy chưa đủ thuyết phục, hãy nhìn vào tỉ lệ trẻ sơ sinh bị dị dạng đang tăng tốc tại Trung Quốc. Theo thống kê của Ủy ban Dân số và kế hoạch sinh sản quốc gia, mỗi năm Trung Quốc có thêm khoảng 20 triệu trẻ, trong đó độ một triệu trẻ có khiếm khuyết hình thể (chừng 300.000 trẻ bị khuyết tật dị dạng). Ông Giang Phàm, Phó giám đốc Ủy ban này cho rằng vấn đề trẻ sơ sinh Trung Quốc bị dị dạng ngày càng nghiêm trọng, trung bình cứ khoảng 30 giây lại có một trẻ sinh ra bị dị dạng. Theo báo cáo, vào đầu thế kỉ này, số trẻ dị dạng khi vừa chào đời trung bình cứ 6 năm lại tăng gấp đôi. Số liệu này có thể không đúng vì tốc độ quá nhanh nhưng con số mỗi năm có 1-1,2 triệu trẻ chào đời bị dị dạng là không sai. Ông Giang cho hay Tân Hoa Xã cũng thẳng thắn thừa nhận: “Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thảm cảnh trẻ sơ sinh khuyết tật”. Ông Giang Phàm còn phát biểu: “Hàng năm Trung Quốc chi đến hàng chục tỉ nhân dân tệ cho trẻ sơ sinh bị khiếm khuyết bẩm sinh. Kinh phí để duy trì cuộc sống cơ bản lên đến hàng trăm tỉ nhân dân tệ, gián tiếp gây thiệt hại cho đất nước hàng trăm tỉ nhân dân tệ”. Phát biểu này dường như không thấy nỗi khổ của người bệnh và người thân của họ, chỉ thấy “gánh nặng trầm trọng của xã hội”. Rõ ràng ông Giang hoàn toàn không quan tâm nỗi khổ của cả triệu gia đình này. Họ không chỉ tuyệt vọng, đau khổ mà còn khuynh gia bại sản. Số tiền này đều sẽ chuyển vào hệ thống y tế, góp phần vào mức tăng trưởng cao của GDP, từ đó tô điểm thêm cho “sự phồn vinh của thời đại hoàng kim”.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, chất thải từ các nhà máy công nghiệp đã khiến hoa màu chết, cây chết, người bệnh, thậm chí trẻ sơ sinh quái thai. Theo một nghiên cứu kéo dài 5 năm của Trường ĐH Nam Kinh thì loại bệnh bẩm sinh lớn hàng đầu là bệnh tim, có liên quan trực tiếp ô nhiễm không khí, loại bệnh bẩm sinh lớn thứ hai là hở hàm ếch, cũng liên quan chủ yếu ô nhiễm không khí, loại bệnh bẩm sinh lớn thứ ba là não úng thủy, nguyên nhân chính là khí thải xe hơi. Một nghiên cứu khác chứng minh rằng, ung thư, dị dạng bẩm sinh, ngu ngốc bẩm sinh, lưỡng tính bẩm sinh có liên quan chủ yếu tàn dư của thuốc trừ sâu. Chuyên gia nổi tiếng Chung Nam Sơn từng kêu gọi: Nếu tình trạng tàn dư thuốc trừ sâu không thể kiểm soát thì 50 năm nữa người Trung Quốc sẽ khó có con cái!
Ấy thế mà dự đoán bệnh ung thư bùng nổ của một thanh niên lại bị dư luận Trung Quốc tấn công mạnh mẽ đến vậy. Chỉ có 6 người hưởng ứng quan điểm của Phó Vĩnh Quân, trong đó có một chia sẻ đáng chú ý: “Tôi thấy bệnh tinh thần người Trung Quốc còn đáng sợ hơn bệnh ung thư. Chúng ta bị tuyên truyền nhồi nhét, bị cưỡng chế, bị ý thức hệ, thói quen thao túng, dần biến thành nô dịch tự nguyện, cuối cùng nó thẩm thấu vào sâu thẳm tâm hồn, hóa thành thứ cảm xúc sục sôi chi phối lại chính đầu não chúng ta”.