Tóm tắt ý chính diễn văn của TT Trump tại APEC, Đà Nẵng

Phạm Quang Tuấn

Thường một bài diễn văn dù dài cũng chỉ có một vài ý chính. Trên mạng mấy hôm nay toàn bàn về những ý phụ, “râu ria” vô bổ, nên xin mạn phép tóm tắt bài diễn văn ở đây. Bản dịch tiếng Việt chính thức của bài diễn văn đã được tòa Đại sứ Mỹ cung cấp (http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41958781), tuy nhiên bản này cũng có nhiều lỗi và có lẽ người dịch không rành tiếng Anh hoặc tiếng Việt lắm, hoặc đã tắc trách dùng Google Translate hơi nhiều! Nguyên văn tiếng Anh tại đây: https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/11/10/remarks-president-trump-apec-ceo-summit-da-nang-vietnam.

Bài diễn văn của ông Trump thực ra chỉ có MỘT ý chính thôi, và đó cũng là ý mà ông đã dùng suốt từ khi tranh cử, là luận cứ cốt lõi ông đã dùng để thuyết phục dân Mỹ bầu cho ông. Ý đó là:

TỪ LÂU CÁC NƯỚC QUÝ VỊ ĐÃ LỢI DỤNG NƯỚC MỸ, DÙNG THỦ ĐOẠN CẠNH TRANH BẤT CHÍNH ĐỂ LÀM GIÀU CHO NƯỚC QUÝ VỊ. TỪ GIỜ TRỞ ĐI CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG ĐỂ QUÝ VỊ LÀM VẬY NỮA. AI BUÔN BÁN ĐÀNG HOÀNG THÌ CHÚNG TÔI SẼ BUÔN BÁN, CÒN KHÔNG THÌ THÔI.

“Quý vị” đây tức là tất cả các nước khác ngoài Mỹ; không phải chỉ Trung Cộng mà còn Nhật, Hàn, Việt Nam (những nước ông ta đã từng nêu tên) và các nước khác trên thế giới. Ý trên là cốt lõi của khẩu hiệu “America First” đã đưa Trump lên chức vị Tổng thống.

Một ý quan trọng, nhưng cũng từ ý chính mà ra, là từ giờ Mỹ sẽ chỉ ký các hiệp định thương mại song phương với từng nước chứ không ký đa phương (như TPP) nữa (“Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác VỚI TỪNG VỊ lãnh đạo trong khán phòng này ngày hôm nay để đạt thương mại có lợi cho đôi bên”).

Những thủ đoạn cạnh tranh bất chính (lạm dụng thương mại) là gì thì có nói khá dài trong bài diễn văn.

———-

Tất cả các ý khác đều là phụ, râu ria, ngôn ngữ vuốt ve ngoại giao nhằm làm dịu tính cách cứng rắn của thông điệp này, cùng những nhận xét tổng quát vô thưởng vô phạt. Hầu như chắc chắn chúng do các chuyên viên viết diễn văn thảo, chứ Tổng thống không có thì giờ làm việc đó, nhất là một Tổng thống nổi tiếng là lười biếng những chuyện chi tiết như Trump.

Một câu khá đặc biệt là khi nói về Hai Bà Trưng: ý này rõ ràng là muốn “đá giò lái” Trung Cộng. Dĩ nhiên, Trump không thể nghĩ ra ý này và có thể là một nhân viên ngoại giao gốc Việt, hoặc ít ra là rành văn hóa VN, nhét vào (Năm ngoái diễn văn của Obama ở Hà Nội cũng nói về Ly Thường Kiệt và bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”).

Một chữ mà mọi người mong đợi đã không xuất hiện trong diễn văn của ông Trump: nhân quyền. Chỉ có một lần ông dùng chữ “individual right” mà tòa Đại sứ Mỹ dịch là “quyền hạn cá nhân”. Điều này dễ hiểu vì ai cũng biết rằng Trump hoàn toàn không quan tâm đến nhân quyền, ở Mỹ cũng như ở nước khác. Cũng nên biết rằng ở Mỹ chữ “individual right” thường được phe hữu dùng kèm với “to bear guns” để bảo vệ quyền cầm súng của người Mỹ.

Có một câu, thực ra không có gì quan trọng (chỉ là “kem thoa ngoại giao”), nhưng bị hiểu lầm và thổi phồng quá nhiều trên mạng nên xin bàn một chút. Đó là câu “I am always going to put America first the same way that I expect all of you in this room to put your countries first” mà nhiều người dịch là “tôi luôn luôn đặt nước Mỹ trên hết và mong đợi các bạn cũng đặt nước các bạn trên hết”, rồi bàn loạn rằng Trump muốn dạy bảo các lãnh đạo CSVN phải biết nghĩ đến đất nước clip_image001! Ngay cả bản dịch của TĐS Mỹ cũng sai ở chỗ này. Thực ra, câu này có nghĩa là “tôi luôn luôn đặt nước Mỹ trên hết và TÔI CHẮC RẰNG tất cả các quý vị trong phòng này cũng đều đặt nước các quý vị trên hết”. Chữ expect đây có nghĩa là nghĩ rằng, chắc rằng, giống như “I expect some rain today”: tôi nghĩ rằng hôm nay sẽ có mưa (dù là bạn đang thèm đi biển và không “mong đợi” mưa chút nào). Nên nhớ là câu này hướng tới tất cả các nước APEC (“all of you in this room”) chứ không riêng cho VN!

P.Q.T.

Tác giả gửi BVN

clip_image002
This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.