FB Trung Tran Ky
Ba tôi, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, làm ăn được, nói với nội:
– Ba phải ra nước ngoài, vừa tham quan, vừa nhìn nhận, rồi hãy kết luận. Con sẽ lo cho ba chuyến đi này…
Ba tôi nói mãi nội mới chịu đồng ý, chuẩn bị đồ đạc.
Cũng phải nói thêm, nội có hơn 50 tuổi đảng, với đồng chí, đồng bào nội sống chân thành, ai cũng quý. Hồi còn đương chức, ai phê phán đường lối của đảng, ca thán cách quản lí của nhà nước… là nội phê bình nghiêm khắc, không ủng hộ. Nhưng từ ngày về hưu, nội đi làm từ thiện nhiều, tôi không thấy nội có thái độ đó nữa. Nội giữ im lặng, không phê phán hay ủng hộ những ai bàn luận chuyện chính trị. Ba nói với tôi: “Nội có tuổi, có khi quên chuyện đó”.
Nhận xét của ba, tôi thấy đúng. Đây là một chuyện.
Thấy nội chuẩn bị gói ghém thức ăn, mua hoa quả, tôi ngạc nhiên:
– Ở nước ngoài thì đầy những thứ này, nội mang đi làm gì?
Nội không trả lời tôi mà hỏi lại:
– Con có nhớ chú A không?
Làm sao không nhớ “thằng” này. Tôi phải gọi thế mới đúng.
Lão khốn nạn ấy không từ một thủ đoạn xấu nào để hại nội, khi y giữ chức bí thư đảng ủy tổng công ty còn Nội lúc ấy là tổng giám đốc. Nhưng mọi mưu ma chước quỷ của y hòng lật nội, chiếm chức bị thất bại bởi tính cương trực, minh bạch của nội. Nội lại có uy tín, được sự ủng hộ của hầu hết người trong tổng công ty.
Nội về hưu nhẹ nhàng, viên mãn còn A đảm đương chức vụ thêm vài năm nữa rồi vào tù vì chủ mưu một vụ tham ô rất lớn. Gieo gì, gặt nấy, thằng này lĩnh hậu quả rất xứng đáng. Tôi tưởng nội sẽ vui vì chuyện đó, ấy vậy mà nghe tin A vào tù, nội lắc đầu buồn bã:
– Nội nói với nó, dự báo trước: “Chú không coi trọng tôi, rồi ba hoa, khoác lác, giở nhiều thủ đoạn hại người, sẽ bị quả báo rất xấu đấy! Chú nên nhìn lại mình đi”. Nó không nghe…
Nội nói thế, thế mà giờ nội giải thích việc gói ghém thức ăn, mua hoa quả:
– Nội vào thăm chú A. Nội biết từ ngày chú ấy bị đi tù, vợ đã li hôn, con cái từ bố, gia tài mất tất cả, không ai quan tâm, chú rất cô đơn…
Tôi hỏi nội:
– Thế nội không nhớ ngày xưa lão ấy hại nội như thế nào à?
Nội trả lời đúng y như bố tôi nói:
– Nội quên chuyện đó rồi!
Nội đi nước ngoài du lịch, tham quan. Gần như tất cả các nước Đông Âu, nội đặt chân đến. Rồi gần một năm sau, ba tôi lại lo cho nội một chuyến đi tham quan nước Mỹ. Nội giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh nên giao thiệp thỏa mái…
Qua những chuyến tham quan đó, kì lạ, khi về nội im lặng, ít nói hẳn. Cái sự “quên” của nội tăng lên đột biến. Nhất là họp chi bộ tổ hưu. Hồi mới về hưu, nội mong từng giờ đến ngày họp chi bộ. Thế mà bây giờ, thậm chí có giấy mời họp chi bộ, nội cũng “quên”. Nhưng cái “quên” đó vẫn không bằng cái “quên” này.
Nội ốm nặng, ở nhà chỉ còn tôi. Nội gọi tôi lại, nói một việc quan trọng:
– Nội cảm thấy mình khó qua khỏi, con à.
– Nội đừng nói thế! Ba mẹ và chúng con vẫn lo cho nội mà! – Tôi động viên.
– Con không hiểu sức khỏe của nội đâu. Nội muốn con viết cho nội điếu văn để ba con đọc. Nội không muốn điếu văn để người khác viết. Trong điếu văn đó, tuyệt đối con không viết về quá trình hoạt động cách mạng của nội, càng không phải nhắc nội đã bao nhiêu năm tuổi đảng, có chức vụ ra sao, cống hiến cho đảng và nhà nước những gì, được bao huân chương, huy chương, ai khen…
– Sao lại phải thế ạ? – Tôi ngạc nhiên.
Nội im lặng một lúc rồi nói với tôi qua tiếng thở mệt nhọc:
– Nội đi làm từ thiện, về những vùng khó khăn, thấy dân mình quá khổ, vẫn y như thời nội mới tham gia cách mạng, có nơi còn khổ hơn. Tham ô, tham nhũng, giả dối, cường hào… lan tràn, tệ hơn cả chế độ cũ. Rồi nội được ba con cho tham quan nước ngoài, nhận ra những điều nội được người ta nói trước đây về tư bản đều không đúng nên nội muốn quên tất cả những gì nội đã có. Đừng nhắc đến nữa, nội không muốn! Nội quên rồi…