Phạm Anh
60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi nhưng “tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ có khả năng rất cao là sẽ đạt và vượt kế hoạch”, rõ thực là đã hở đuôi mà vẫn cố giấu đầu.
Bauxite Việt Nam
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 31-10-2017, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết báo cáo của Chính phủ tại kì họp lần này cho thấy năm nay là năm “được mùa lớn”. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ có khả năng rất cao là sẽ đạt và vượt kế hoạch. Theo ông Lộc, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm nay tăng 14 bậc. Cùng với Indonesia, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có những bước cải cách mạnh mẽ nhất trong khu vực. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng dù những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá là vững chắc nhưng ở đâu đó vẫn còn băn khoăn, lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Dù kinh tế tăng trưởng cao hơn nhưng gần 60% doanh nghiệp (DN) trong tình trạng làm ăn không có lãi. Trong 10 tháng đầu năm 2017, có hơn 100.000 DN thành lập mới, là một kì tích, nhưng cũng tới 60.000 DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.
Theo ông Lộc, dù tăng trưởng cao hơn nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn không giảm xuống. Tỉ lệ thất nghiệp cao ở độ tuổi thanh niên với các tấm bằng cử nhân, cao đẳng, thậm chí là thạc sĩ vẫn đang là vấn đề mà chúng ta không thể cam lòng. Chúng ta cần tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng cao sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi đôi với tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, nhất là những người yếu thế trong xã hội. “Những năm qua, các con số thống kê cho thấy t lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4%, nhưng đó là tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị còn tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn chưa được nhắc đến trong các báo cáo của Chính phủ, dù rằng đây là nơi sinh sống và làm việc của gần 70% dân số nước ta” – ông Lộc nói.
Giao chỉ tiêu giảm biên chế vì lo “miệng ăn núi lở“
Theo Chủ tịch VCCI, tình hình thu – chi ngân sách nhà nước và nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Đó là chi thường xuyên chiếm tỉ trọng cao, tới hơn 64%, vẫn là nợ công đang sắp đụng trần 65% GDP mà Quốc hội cho phép, vẫn là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, tức là có tiền mà vẫn không làm sao tiêu được!
“Nhưng điều đáng nói là năm nào chúng ta cũng muốn tiêu tiền nhiều hơn năm trước và dường như càng nhiều thì càng tốt. Tốc độ tăng thu – chi ngân sách nhà nước cao luôn được coi là thành tích. Nhưng trong bối cảnh nợ công đang ở gần sát mức trần như hiện nay, tại sao lại coi việc thu – chi ngân sách nhà nước tăng 10% là tốt hơn so với chỉ tăng 7% hay 8%… Trong năm nay, khi thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ vượt dự toán khoảng 23 nghìn tỉ đồng thì số chi ngân sách nhà nước dự kiến cũng được điều chỉnh tăng theo. Tại sao chúng ta không sử dụng khoản vượt thu này để giảm nợ công?” – ông Lộc đặt vấn đề.
Chủ tịch VCCI cho rằng: “Với tư duy thu – chi như vậy, bao giờ chúng ta mới có thể đưa nợ công về mức mà chúng ta có thể an tâm? Chúng ta còn bao nhiêu đất đai có thể mang lại nguồn thu? Liệu việc thu cổ tức của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn vì nợ xấu để trả lương cho công chức hay bán tài sản của các doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền đầu tư sẽ kéo dài được bao lâu? Tất cả những câu hỏi nêu trên cho thấy vấn đề cân đối ngân sách nhà nước và giảm nợ công để bảo đảm an toàn là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay”.
Theo người đứng đầu VCCI, vì “miệng ăn núi lở” nên tình hình tài khoá của đất nước hiện nay lại không phụ thuộc nhiều vào Bộ Tài chính mà chủ yếu phụ thuộc vào năng lực cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy của Bộ Nội vụ. Ông Lộc đề nghị Chính phủ cần xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu cụ thể về cắt giảm biên chế, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, xuống đến tận cấp xã, phường trong thực hiện. Cách làm đó giống như cách mà Thủ tướng và Chính phủ đã áp đặt mệnh lệnh cho các bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 30-50% các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Cùng với đó, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách theo 3 tuyến giải pháp cơ bản: Thực hiện Chính phủ điện tử, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh không cần thiết để cởi trói cho người dân và doanh nghiệp; Giải phóng các bộ ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao chức năng này cho các công ty đầu tư tài chính để vận hành theo nguyên tắc thị trường, không thành lập thêm siêu ủy ban, siêu bộ. Chủ tịch VCCI cũng đề nghị thực hiện xã hội hoá dịch vụ công theo hướng cái gì dân và doanh nghiệp làm được thì Chính phủ không làm…
“Đó là những dư địa còn rất lớn để khởi động một cuộc cách mạng thực sự trong cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động và tinh giảm biên chế. Và chỉ như vậy, chúng ta mới có thể cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công mà không cần phải tăng thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và nhiều loại thuế, phí khác làm người dân bức xúc” – ông Lộc nói.
P.A