Thiên Bình
TS Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Hồng Ngọc đã có những đánh giá rất xác đáng về nợ công ở Việt Nam nhưng lại “không tưởng” khi đề nghị “tăng tính công khai, minh bạch, tính hệ thống, đầy đủ, tính trung thực, khách quan, chính xác và tính cập nhật”. Đó toàn là những thứ nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay không thể làm, không dám làm.
Bauxite Việt Nam
Hai chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) là TS Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Hồng Ngọc vừa công bố báo cáo “Đánh giá Luật Quản lí nợ công tại Việt nam và một số hàm ý chính sách”. Trong bài nghiên cứu này, hai chuyên gia trên đã chỉ ra một số vấn đề nổi cộm trong vấn đề nợ công của nước ta.
Tại Việt Nam, nợ công đang là một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất trên các diễn đàn kinh tế. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, vay nợ có thể xem là một công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế còn có mức tích lũy thấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc vay nợ và sử dụng thiếu thận trọng nguồn tài chính này thì các khoản nợ sẽ thành một gánh nặng cho tương lai, khiến sự bền vững của nền kinh tế bị đe dọa.
Tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt kể từ năm 2011. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2011 đến 2015, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã tăng từ 50% lên đến 62,2%. Tới cuối năm 2016, nợ công ước tính đã lên tới 63,7% GDP. Với tốc độ tăng liên tục khoảng 5% mỗi năm như trong giai đoạn 2011-2016, mức trần nợ công 65% GDP do Quốc hội đặt ra có thể sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.
Tương tự, từ năm 2011 đến 2016, tỉ lệ nợ Chính phủ/GDP đã tăng từ 39,3% lên 52,7%, tiến rất sát tới mức ngưỡng kiểm soát 54% của Quốc hội.
Theo số liệu thống kê của IMF, nhóm nghiên cứu cho biết so với các quốc gia còn lại trong khu vực ASEAN cũng như so với các quốc gia mới nổi và đang phát triển trên thế giới thì tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, từ vị trí thấp nhất khu vực ASEAN giai đoạn 2000-2005 lên vị trí đứng đầu trong năm 2016 với nợ công ước tính lên tới 60,7% GDP.
Dẫn các số liệu, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng nhìn chung tỉ trọng nợ nước ngoài của Việt Nam so với GDP có xu hướng giảm trong giai đoạn 2011-2016, từ 61,1% xuống còn 41%. Tuy nhiên, xét riêng đối với nợ nước ngoài, tỉ trọng nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh lại có xu hướng tăng nhanh từ mức 40,5% trong năm 2011 lên mức 54,4% vào năm 2015. Theo nhóm nghiên cứu, điều này có thể tạo ra rủi ro khi nó có thể làm gia tăng đáng kể chi phí huy động vốn của Chính phủ, lãi suất phát hành trái phiếu sẽ chịu sức ép tăng.
Cụ thể, tỉ trọng các khoản vay với lãi suất thả nổi trong tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ đã tăng từ mức 7% lên 11% trong giai đoạn 2010-2015. Thêm vào đó, theo Bộ Tài chính, dự kiến từ tháng 7-2017, Việt Nam không còn được vay vốn theo điều kiện ODA từ Ngân hàng Thế giới, tiếp đến sẽ là các đối tác phát triển khác và sau đó Việt Nam sẽ phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường..
Với chiều hướng gia tăng quy mô và tính rủi ro của nợ công như hiện nay, quản lí nợ công đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhất đối với các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật cũng như dư luận tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiều biện pháp để kiểm soát nợ công
Nhóm khuyến nghị cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quản lí nợ công với Luật Ngân sách nhà nước (ban hành năm 2015, có hiệu lực từ năm 2017) và Luật Đầu tư công (ban hành năm 2014, có hiệu lực từ năm 2015), bên cạnh đó cũng cần bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ của luật này với Luật Doanh nghiệp (trong đó bao gồm các DNNN) và Luật Ngân hàng nhà nước. Ngoài ra, cần cải thiện việc thống kê, quản lí và công bố thông tin về nợ công theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, tính hệ thống, đầy đủ, tính trung thực, khách quan, chính xác và tính cập nhật.
Về tính toán các chỉ tiêu an toàn về nợ công, do các chỉ tiêu về nợ trên GDP phụ thuộc nhiều vào thống kê về GDP, dẫn đến những khó khăn trong công tác đánh giá, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tăng cường tính công khai và cập nhật của các chỉ tiêu nợ công tính toán dựa trên tổng thu ngân sách, dự trữ ngoại hối.
Thông lệ tốt trên thế giới cho thấy khuôn khổ pháp lí nên quy định thẩm quyền quản lí nợ chỉ thuộc về một cơ quan, thường là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, nhằm tránh tình trạng phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lí nợ. Cụ thể, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giải trình nợ công từ khâu đàm phán, vay nợ, quản lí sử dụng nợ cho đến lên kế hoạch trả nợ, từ đó tăng tính thống nhất và hiệu quả trong quản lí nợ, tạo điều kiện giảm thủ tục hành chính và tinh giản bộ máy.
Cuối cùng, đối với quản lí rủi ro bảo lãnh Chính phủ, nhóm nghiên cứu đề nghị cần có cơ chế theo dõi và hạn chế tối đa tình hình ngân sách phải trả nợ thay hoặc bảo lãnh nợ cho các khoản DNNN tự vay tự trả khi các doanh nghiệp này phá sản. Thực hiện các biện pháp siết bảo lãnh nợ và tăng tính công khai, minh bạch trong việc bảo lãnh nợ.
T.B
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn/thi-truong/kinh-te/no-cong-asean-on-dinh-hoac-giam-viet-nam-tang-deu-3321071/