Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ (Phần 6 – Những cuộc thi kỳ ảo)

David Tran Hieu

Lời mở đầu:

Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ, với 5 phần đã qua đề cập đến một số nhân vật cụ thể, liên quan đến công tác nhân sự nhiều tai tiếng tại Bộ Giao thông Vận tải khi Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng.

Kỳ này, Tác giả không đề cập tới một nhân vật cụ thể mà giới thiệu với bạn đọc một cách thức, hay nói chính xác là một mánh khóe liên quan tới công tác cán bộ mà Tư lệnh Đinh La Thăng đã lựa chọn: đó là các cuộc thi tuyển chọn cấp trưởng các cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

***

Chỉ cần gõ Google “Đinh La Thăng và đột phá”, chỉ 0,3 giây bạn sẽ có gần 800 ngàn kết quả về nội dung này. Quả thực, khi đương chức Tư lệnh Giao thông Vận tải, Đinh La Thăng rất thích dùng chữ “đột phá” trong các chỉ đạo của mình, một trong những chỉ đạo ấy là đột phá trong công tác thi tuyển lựa chọn cấp trưởng … làm báo chí đã tốn không ít giấy mực

Thực tế, các cuộc thi tuyển cấp trưởng trong ngành giao thông vận tải do Tư lệnh Đinh La Thăng chỉ đạo trong thời gian 2014-2015 có thể nói là kỳ ảo. Không kỳ ảo sao được khi mà người trúng tuyển các chức vụ Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty, … hầu hết nếu không cùng quê hương bản quán Nam Định với Đinh Tư lệnh, thì cũng là đệ tử rượu, cũng đâu đó gắn với Đinh La Thăng từ một chữ …”ệ” mà ra.

Để thể hiện cái vị trí “vô cùng khách quan” của mình, Đinh Tư lệnh thông báo Bộ trưởng và Vụ trưởng TCCB của Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn đứng ngoài những cuộc thi lựa chọn nhân sự cấp trưởng này.

Hội đồng do Tư lệnh Đinh La Thăng thành lập có 15 ủy viên, các ứng viên làm đề án và trình nộp cho Ban Tổ chức trước, để tới ngày thi sẽ lên bảo vệ trước Hội đồng; thành viên Hội đồng có thể đủ hoặc không đủ 15 người, do một Thứ trưởng Giao thông Vận tải làm Chủ tịch, điểm được chấm theo thang điểm 100.

Các cuộc thi kỳ ảo này của Đinh La Thăng kéo dài khoảng một năm, tới giữa năm 2015 thì bị Bộ Chính trị tuýt còi (https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-giao-thong-dung-thi-tuyen-lanh-dao-cac-don-vi-3234418.html). Chúng ta hãy thử quay lại lịch sử và kết quả một số kết quả kỳ thi tuyển cấp trưởng dưới thời Đinh Tư lệnh xem sao.

Cuộc thi tuyển Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam vào ngày 9-5-2015, kết quả công bố và các báo đưa tin ngay sau khi kết thúc cuộc thi, ông Vũ Quang Khôi đạt 86,79 điểm, người đứng thứ nhì cuộc thi đạt 86,69 điểm, tức là thua ông Khôi chỉ có 0,1 điểm. Đơn giản đã thấy tổng cộng ông Vũ Quang Khôi chỉ cao hơn vị đạt kết quả cao thứ hai của cuộc thi có vẻn vẹn 1,5 điểm (https://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-cuc-truong-duong-sat-trung-tuyen-cuc-truong-858335.tpo).

clip_image002

Các ứng viên dự thi Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải

Dư luận đều đánh giá bài thi của người đứng thứ hai xuất sắc hơn, tuy vậy với thang điểm 100, người chấm chỉ cần nhích lên cho thi sinh kia 2-3 điểm thì kết quả đã đảo ngược tình thế, chuyển bại thành thắng…

Trước đó, cuộc thi tuyển Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vào ngày 18-10-2014 với người trúng tuyển là ông Hoàng Hồng Giang (Phó trưởng khoa Công trình trường Đại học Hàng hải) với điểm số 82,60 điểm. Người đạt điểm cao thứ hai đạt 82,43 điểm, chỉ thua vị trí quán quân có 0,17 điểm. Với thang điểm 100 và 15 thành viên ban giám khảo, được hiểu là tổng điểm của người đứng đầu chỉ cao hơn người thứ hai có 2 điểm mà thôi. (http://www.baogiaothong.vn/giang-vien-dai-hoc-trung-tuyen-cuc-truong-cuc-duong-thuy-noi-dia-vn-d87088.html).

clip_image004

Hoàng Hồng Giang (ngoài cùng, bên trái) và các thí sinh dự thi Cục trưởng Đường thủy nội địa được Đinh La Thăng gặp gỡ trước cuộc thi

Chưa nói đến những tiêu chí của ông Giang khi dự thi còn thiếu mà Đinh Tư lệnh đã chỉ đạo bỏ qua, là phải có “5 năm công tác trở lên trong ngành, lĩnh vực liên quan đến công việc của chức danh thi tuyển; trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành liên quan đến công việc của chức danh thi tuyển”… Đối chiếu với tiêu chí này thì ông Hoàng Hồng Giang chỉ là Phó trưởng khoa Công trình của Trường Đại học Hàng hải, chưa đủ: “5 năm công tác trở lên trong ngành, lĩnh vực liên quan đến chức danh thi tuyển là Cục trưởng Cục đường thủy nội địa”, cũng chưa hề có “ít nhất 3 năm làm công tác quản lý lĩnh vực chuyên môn liên quan đến chức danh thi tuyển”… nhưng vẫn được Đinh ưu ái cho tham gia thi tuyển cùng 4 Cục phó và một Hiệu trưởng khác…

Một cuộc thi kỳ ảo khác, đó là thi tuyển Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, người trúng tuyển là Vũ Anh Minh, lúc đó là Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp. Kết quả Minh đat điểm thi cao nhất với 85,82 điểm, người thứ hai là một Vụ phó khác đạt 82,23 điểm. Đáng chú ý là một thành viên trong Hội đồng, là người ngoài Bộ được Đinh La Thăng đưa vào hội đồng, đã ra tay cứu Minh, mạnh tay cho điểm 100 nên điểm trung bình cộng của Vũ Anh Minh đang ở hàng chót được nhảy vọt lên đầu, hơn người thứ hai 3 điểm, và đương nhiên trở thành thủ khoa cuộc thi (http://tuyencongchuc.vn/tin-tuc-tong-hop/nguoi-dat-diem-cao-nhat-ky-thi-vu-truong-quan-ly-doanh-nghiep/).

Vũ Anh Minh được Đinh Tư lệnh đưa lên cầm đầu Vụ Quản lý doanh nghiệp này để sau đó thực hiện một loạt chỉ đạo của Tư lệnh trong những phi vụ vô tiền khoáng hậu: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, trường học… mà tác giả đã nêu tại bài trước (Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng: công tác cán bộ, phần 3: Vũ Anh Minh).

clip_image005

Vũ Anh Minh (bên phải) và các thí sinh dự thi Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp

Tuy Đinh Tư lệnh không trực tiếp làm Chủ tịch các Hội đồng thi tuyển, mà giao cho một Thứ trưởng, ngoài ra thành viên Hội đồng là các Thứ trưởng, một số vụ trưởng, hiệu trưởng, một số nhà khoa học nguyên là lãnh đạo Bộ hoặc ngoài ngành để thể hiện sự khách quan… nhưng Đinh Tư lệnh vẫn nắm các diễn tiến của cuộc thi và điều hành thông qua chủ tịch và đa số thành viên hội đồng.

Bài thi, với đầu bài được công bố công khai trước, các thí sinh đã chuẩn bị tài liệu và nộp từ trước cho Hội đồng, nên ai cũng như ai, khác nhau là phần trình bày, cũng nội dung đó mà thôi, điểm số sẽ không chênh lệch nhiều.

Vì thế khi Đinh Tư lệnh chỉ đạo cho một vài thành viên hội đồng chỉ cần nhích 2-3 điểm cho thí sinh mà Đinh đã “chấm”, thì lập tức thí sinh đó sẽ đạt điểm cao, thế mới có chuyện người đứng đầu và người thứ hai chỉ chênh nhau có 0,1 hay 0,17 điểm, trên thang điểm 100 như mấy vị thủ khoa nêu ở trên đây.

Trong khi hầu hết dư luận đều nhận định người đứng thứ hai có trình độ hơn, bài trình bày cũng tốt hơn, năng lực thực tế giỏi hơn, song người thứ hai đành chịu ngậm đắng nuốt cay, “học tài thi phận“ vậy…

Nhiều ứng viên biết Đinh Tư lệnh đang làm trò, nhưng không thể không đăng ký tham gia thi, vì Đinh La Thăng ra lệnh buộc tất cả lãnh đạo cấp phó của đơn vị đó phải tham gia, ngoài ra nhiều người ở các đơn vị khác cũng được vận động thi, là một cách ủng hộ “phong trào” của Tư lệnh…

Có ứng viên trong diện bắt buộc phải thi, là một Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ này nên phải đăng ký thi Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, biết đây là trò lố bịch của Đinh Tư lệnh nên tuy đã đăng ký nhưng đến trước ngày thi đã cáo ốm để khỏi tới trường thi nữa…

Đinh Tư lệnh cho tuyên truyền, quảng bá, đưa lên truyền thông rầm rộ về các cuộc thi. Báo chí tung hô các cuộc thi này rất khách quan, nào là để lựa chọn nhân tài, nào là Bộ trưởng và Vụ trưởng TCCB đứng ngoài cuộc thi lựa chọn nhân sự cấp trưởng, không ai can thiệp được, cứ có năng lực là được trọng dụng…

Việc bày đặt thi cử để tuyển chọn lãnh đạo cấp trưởng là mẹo mị dân của Đinh La Thăng, là lá bài để Đinh La Thăng dối trên, lừa dưới; chỉ khổ những thí sinh buộc phải đi thi, biết mình là quân cờ trên một bàn cờ tướng, nhưng cực chẳng đã phải thí thân; những …”ệ” của Thăng là những thí sinh đã được nhắm trước, được “thăng quan, thăng chức…” qua những cuộc thi kỳ ảo thế này đây. Nhưng, rồi cũng đến lúc họ cũng sẽ không còn thấy ảo ảnh nữa, để bất chợt một ngày nào, phải hứng chữ “giáng” mà thôi… ! ! !

D.T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.