Hãy tin Vingroup, nhưng chỉ một điều thôi

Trọng Nhân

“Hãy tin vào quyết tâm của Vingroup còn chuyện thành hay bại trên thị trường ô-tô Việt, có lẽ còn phải chờ may rủi” – câu kết bài này nghe quá quen. Không rõ tác giả Trọng Nhân là đảng viên cộng sản, luôn đau đáu nghĩ tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản hay là dân lô đề chuyên nghiệp, dám chấp nhận xanh – chín, hên – xui? .

Bauxite Việt Nam

Chuyện cũ

Hải Phòng có thể được coi là địa phương có… truyền thống với nghề sản xuất ô-tô. Từ khoảng hơn 20 năm trước, Hải Phòng đã là địa phương có 2 nhà sản xuất ô-tô lớn nhất nước thời điểm đó. Đó là Công ty TNHH Chiến Thắng và Công ty TNHH Hoa Mai, cũng là 2 trong số những nhà sản xuất ô-tô đầu tiên của Việt Nam. Sản phẩm “đầu tay” của cả hai doanh nghiệp này là những chiếc công nông “đầu ngang”, “đầu dọc” lắp trên khung gầm tự chế hoặc tận dụng.

Có thể phì cười với danh xưng nhà sản xuất ô-tô đầu tiên mà Hoa Mai và Chiến Thắng được gán cho nhưng không thể phủ nhận thực tế những chiếc xe lai lắp máy công nông lên khung gầm ô-tô của hai doanh nghiệp này đã giải đúng nhu cầu về phương tiện vận tải giá rẻ, chất lượng chấp nhận được cho giai đoạn đó. Suốt đầu những năm 2000, khách cả nước thậm chí phải đặt hàng và chờ một thời gian thì mới được nhận xe do hai doanh nghiệp này sản xuất.

Tất nhiên, là những doanh nghiệp mở đường, cả Hoa Mai và Chiến Thắng đều không chịu “ngồi yên” với công nông đầu ngang. Đây cũng chính là hai doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu động cơ, linh kiện ô-tô Trung Quốc và các nước khác về Việt Nam để sản xuất ra những xe tải mang thương hiệu và giá bán thuần Việt là Hoa Mai và Chiến Thắng. Đến thời điểm này, tức là những năm đầu thập kỉ 2000, Thaco Trường Hải chưa phải tên tuổi có thể so sánh với Hoa Mai và Chiến Thắng trong lĩnh vực sản xuất ô-tô. Khi đó, ông Nguyễn Sáng Mãi, chủ Công ty TNHH Chiến Thắng nhập linh kiện về và cho lắp ráp tại công ty một mẫu ô-tô 7 chỗ cỡ nhỏ của Trung Quốc. Ông tính giá thành mỗi chiếc ô-tô này khoảng 80 triệu đồng là đã có lãi. Giá này tương đương khoảng 3 chiếc xe máy Honda Dream Thái đang là mốt ngày đó. Ông Sáng Mãi tính nếu có tiền để đầu tư, có thể giảm giá chiếc xe xuống nữa, nhờ vào sản xuất nhiều linh kiện ngay trong nước, biến chiếc xe thành thuần Việt với khoảng 70% tổng thành được nội địa hóa. Gần 15 năm sau, Công ty TNHH Chiến Thắng của ông Sáng Mãi vẫn là một nhà sản xuất ô-tô cỡ nhỏ,  Thaco Trường Hải giờ đã là nhà sản xuất ô-tô lớn nhất Việt Nam, với quy mô công suất và doanh thu gấp hàng nghìn lần Công ty TNHH Chiến Thắng. Năm 2016, doanh số của Thaco đạt 110.548 xe, chiếm 32% thị phần ô-tô Việt Nam. Nhưng cả Công ty TNHH Chiến Thắng, Hoa Mai, hay Thaco Trường Hải đều không nâng được tỉ lệ nội địa hóa ở những khâu then chốt nhất. Giá thành ô-tô do các doanh nghiệp nội sản xuất vẫn ở mức cao quá khả năng thu nhập của đa số công chúng. Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa có một thương hiệu ô-tô Thuần Việt cho đến khi hi vọng ấy được xới lại bởi một tập đoàn  nổi tiếng về bất động sản và chưa từng làm quen với sản xuất công nghiệp: Vingroup.

Chuyện mới

Về bản chất, ô-tô thương hiệu Việt mà Vingroup vừa công bố đầu tư là tham vọng lớn hơn hẳn và là sự khác biệt hoàn toàn với giấc mơ nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô-tô. Nhưng đó chưa hẳn đã là nguyên nhân khiến sự kiện Vingroup chuyển qua sản xuất ô-tô lại ồn ào hơn câu chuyện Thaco đầu tư sang bất động sản vì nếu việc Thaco đầu tư sang bất động sản phần nào cho thấy sự bế tắc trong phát triển của công nghiệp ô-tô, khi doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phải tìm mảng đầu tư khác thì ngược lại, việc doanh nghiệp bất động sản số một “ném tiền” vào ô-tô lại cho thấy tham vọng, và cả hi vọng, vào thị trường này còn nguyên chứ chưa hề thất bại như quy hoạch phát triển ngành.

Tất nhiên, chừng ấy chưa đủ bảo đảm thành công cho Vingroup trong sản xuất ô-tô, dù cho nghe nói hãng bỏ hàng chục triệu USD mỗi năm thuê những cựu kĩ sư của Tesla thiết kế công nghệ xe điện hay bắt tay với BMW thiết kế động cơ, mời phòng thiết kế Ý thiết kế mẫu cho xe thương hiệu Việt… Tất cả những thông tin ấy công chúng đã nghe tới nhàm tai từ những nhà sản xuất ô-tô đã khởi công nhà máy tại Việt Nam trước đó nhiều chục năm.

Tại một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương về chiến lược phát triển ngành ô-tô Việt Nam, bộ này nhận định đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường ô-tô trong nước đạt khoảng 450.000 đến 500.000 xe mỗi năm, đến năm 2025 đạt khoảng 800.000 – 900.000 xe và năm 2030 khoảng 1,5 – 1,8 triệu xe. Nhu cầu ô-tô của thị trường trong nước được Bộ Công Thương dự báo như vậy là tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Đó có lẽ là sức hút để Vingroup đầu tư vào ô-tô dù phải ít nhất 2 năm nữa, những chiếc ô-tô đầu tiên của hãng mới có thể xuất hiện trên thị trường.

Mục tiêu sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 60%, những chiếc xe chạy xăng của Vingroup được cam kết sẽ có tiêu chuẩn khí thải châu Âu 5.0 và 6.0, và sau 24 tháng, những sản phẩm xe chạy xăng đầu tiên sẽ là mẫu Sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ… Phân khúc xe tầm trung là mục tiêu Vingroup hướng tới nhưng thách thức lớn nhất trong giấc mơ ô-tô của Vingroup có thể không chỉ ở việc tạo ra một thương hiệu xe thuần Việt hay dòng xe chạy xăng. Định hướng chiến lược sản phẩm của hãng là xe điện, bao gồm xe máy điện và ô-tô điện. Nhưng nếu xe máy điện đã hứa hẹn thành công về thị trường do nhu cầu cao, lượng tiêu thụ lớn thì thành công với ô-tô điện lại vẫn là ẩn số. Dẫu ô-tô điện đã bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc, Mỹ hay nhiều nước khác với lượng tiêu thụ hàng trăm nghìn xe mỗi năm thì tại Việt Nam, ô-tô điện vẫn chưa có đủ điều kiện để trở thành đại chúng. Hệ thống hạ tầng phục vụ ô-tô Việt Nam từ hàng chục năm qua xây dựng, vận hành là để phục vụ dòng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Do thế, để ô-tô điện có thể đại chúng hóa như xe chạy xăng, chạy dầu, việc hình thành hệ thống phục vụ loại xe này trên địa bàn cả nước có lẽ sẽ còn yêu cầu vốn đầu tư lớn hơn hẳn 3,5 tỉ USD để đầu tư sản xuất xe và hàng chục năm thay đổi thói quen sử dụng, lựa chọn của người tiêu dùng. Trong trường hợp xe điện, thương hiệu Việt hay thiết kế, chất lượng ngoại có lẽ không đóng vai trò quyết định bằng hệ thống chăm sóc, hạ tầng phục vụ xe.

Nói cách khác, với quyết tâm của mình, Vingroup đã phát động cuộc cách mạng về công nghệ giao thông tại Việt Nam và đó là một thách thức quốc gia chứ không là chuyện riêng của một doanh nghiệp có thể tự xử lí. Hãy tin vào quyết tâm của Vingroup còn chuyện thành hay bại trên thị trường ô-tô Việt, có lẽ còn phải chờ may rủi.

T.N

Nguồn: http://viettimes.vn/hay-tin-vingroup-nhung-chi-mot-dieu-thoi-138410.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.