Paulus Lê Sơn
Ngày 13 tháng 10 năm 2017, Báo Công an Nhân dân đưa tin bức thư được cơ quan cảnh sát điều tra công bố kêu gọi người dân Đồng Tâm ‘tự thú và đầu thú’ về cái gọi là hành vi hủy hoại tài sản và bắt giữ người trái pháp luật diễn ra vào tháng 4. Trước đó, ngày 22 tháng Tư năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội đã có văn bản cam kết viết tay tại cuộc đối thoại hứa sẽ thanh tra quản lý, sử dụng đất đai ở Đồng Tâm và đồng thời không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân trong vụ giữ người này.
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, với kế sách rút củi đáy nồi, hệ thống cầm quyền Hà Nội “hạ nhiệt” sự phẫn uất của người dân bằng phương án đưa ra là một bản cam kết mị dân. Nó thực sự có tác dụng khi người dân Đồng Tâm…
Vẫn tin vào đảng?!
Thực đau lòng khi bối cảnh lúc bấy giờ người dân Đồng Tâm tin tưởng vào bản cam kết của Chủ tịch Chung. Thậm chí, ông Nguyễn Đức Chung được coi như một sứ giả hòa bình đem đến hi vọng và hạnh phúc cho người dân Đồng Tâm trong những hình ảnh đón chào với cờ hoa và tiếng vỗ tay reo mừng.
Đến nỗi người ta cho rằng buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm diễn ra tốt đẹp, bước đầu có những tín hiệu, kết quả tốt đẹp cho cả hai phía. Ngay khi đó, cụ Lê Đình Kình, một người được coi là tiên phong và mạnh mẽ nhất trong phong trào phản kháng đã phải thốt lên “Chủ tịch Hà Nội là ân nhân cứu mạng của tôi”.
Trên BBC, ông Lê Đình Kình nói rằng “Đến giờ phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo”.
Nguyễn Đức Chung có đáng tin hay tính đảng lừa dối?
Vẫn là ông Lê Đình Kình nói trong cuộc phỏng vấn với VTC rằng “ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã phản bội lại cam kết của mình”, ngay sau khi bức thư được cơ quan cảnh sát điều tra công bố kêu gọi người dân Đồng Tâm ‘tự thú và đầu thú’ được công bố.
Nếu ông Chung là một người không đại diện cho chính quyền dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì lời hứa của ông Chung đã không chạm vào được niềm tin của dân Đồng Tâm. Vì dân ở nơi đây “vẫn tin yêu đảng”. Dĩ nhiên, một cái tát thật đau đớn đối với niềm tin ngây thơ của dân Đồng Tâm lại đến từ cái tên và cái chức to nhất Hà Nội, chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Câu hỏi đặt ra là, ông Chung có đáng tin? Hay tính đảng lừa dối hiện nguyên hình? Hay nhân dân Đồng Tâm đặt niềm tin sai chỗ? Ba câu hỏi trên thực tế chỉ cần một câu trả lời. Khi trả lời được câu hỏi căn bản đó thì chúng ta nhận thức được rõ ràng sự dối trá, lừa lọc, phản phúc và bội tín đến từ đâu?
Có phải đến từ ông Chung?
Tác nhân chính trong câu chuyện cam kết bị phá vỡ chính là ông Chung. Tuy nhiên, ông Chung là sản phẩm trực tiếp của hệ thống cầm quyền cộng sản, những ý thức, tư duy, trái tim được tôi luyện trong lý luận của chủ nghĩa vô thần, vô gia đình và vô tổ quốc thì việc lừa dối nhân dân là chuyện hết sức bình thường.
Câu chuyện bất tín của cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến Mậu Thân năm 1968 là một ví dụ điển hình, cộng sản vi phạm quyết định hưu chiến, thời điểm cuộc tấn công diễn ra đúng vào giao thừa trong bối cảnh hai phía Bắc – Nam và cả quân đội đồng minh đã thoả thuận hưu chiến 36 giờ đồng hồ để người dân được yên hưởng một Tết truyền thống trong hoà bình, nhưng Việt cộng đã vi phạm thoả ước, họ tấn công đúng vào giao thừa để dành phần bất ngờ.
Từ khi cộng sản manh nha thành lập cho đến khi cướp chính quyền, cầm quyền tới ngày hôm nay đã có vô số bài học mà nhân dân bị lừa dối, từ cá nhân cho đến các tổ chức, đảng phái. Từ lừa lọc tiền bạc vật chất đến đánh cắp, dối lừa cả niềm tin của nhiều thế hệ.
Câu chuyện nhân dân Đồng Tâm bị đảng lừa năm 2017 chẳng qua chỉ là một nốt nhạc trong bản giao hưởng lừa dối của cộng sản trong suốt hơn 80 năm qua được nhấn phím bởi cái tên Nguyễn Đức Chung mà thôi.
Nhân dân Đồng Tâm sẽ làm gì khi “phát hiện” bị đảng lừa thông qua Nguyễn Đức Chung? Chúng ta hãy đợi chờ “Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo” hay không như lời người dân nơi đây đã tuyên bố.
15.10.2017
P.L.S.
Tác giả gửi BVN