Thiền Lâm
Quyết tâm thư ngày 3/9/2017 của người dân Đồng Tâm. Ảnh: vietnamthoibao.org
Việt Nam – Cali Today News – Đoạn đầu của bức thư “kêu gọi các cá nhân liên quan vụ hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, hồi trung tuần tháng 4 ra đầu thú” của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội lại giống hệt với giọng điệu trong bài viết của một dư luận viên vào tháng 6/2017 sau khi Công an Hà Nội “trở mặt” ra quyết định khởi tố vụ án Đồng Tâm cùng dồn dập đe dọa tống giam người dân vùng “rào làng kháng chiến”:
“Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội. Đối mặt với tình huống này, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm gì để được hưởng lượng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý với cá nhân mình.
Cha ông ta đã có lời chỉ dạy “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm khắc nhưng cũng thật nhân đạo, khoan dung. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật nếu thực sự ăn năn, hối lỗi bằng việc tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, góp phần khắc phục hậu quả tiêu cực cho xã hội mà mình đã gây ra luôn được xem xét, giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm pháp lý khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc…”.
Có thể cho rằng bức thư “kêu gọi tự thú” của Công an Hà Nội là chưa có tiền lệ trong ngành công an, là lần đầu tiên ngành công an Việt Nam phải áp dụng “thủ pháp nghệ thuật” này.
Vậy vì sao sau tháng Sáu khởi tố vụ án và đến tháng Bảy đã hung hăng triệu tập hơn bảy chục người dân Đồng Tâm cùng đe dọa bắt bớ, Công an Hà Nội lại chưa bắt ai mà phải tung ra bức thư “kêu gọi đầu thú” trên? Phải chăng “đảng và nhà nước ta” thật sự thể hiện “lòng nhân đạo, khoan dung” với dân chúng?
Hãy nhìn vào bối cảnh của thư “kêu gọi tự thú”:
Trong hai tháng Sáu và Bảy, chiến dịch răn đe và trấn áp của chính quyền là sử dụng Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội và cả Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng để vừa triệu tập người dân Đồng Tâm, vừa đe dọa bắt một số người dân, tìm cách “khủng bố” tâm lý người dân với mục đích lớn nhất là người dân phải đầu hàng mà không dám phản kháng việc chính quyền “chiếm” 59 ha đồng Sênh của dân để giao cho một nhóm lợi ích quân đội là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).
Nhưng sau vụ “trở mặt” của cựu giám đốc Công an Hà Nội và hiện là chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung dù ông Chung đã cúi mình ký sống và lăn tay vào bản cam kết “sẽ không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm”, sau vụ Công an Hà Nội “quay ngược mũi giáo”vào người Đồng Tâm trong một chiến dịch truy buộc khởi động từ tháng Sáu, vào đầu tháng Chín, người dân Đồng Tâm đã phẫn nộ tổ chức Hội nghị Toàn dân, xác định cuộc đấu tranh Chống Tham Nhũng của người dân đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, thách thức nhất, để sau đó ra đời Bản quyết tâm thư mang tính sinh tử chưa từng có với nội dung: “Từ ngày 3 – 9 – 2017 nhân dân xã Đồng Tâm tuyên chiến với bọn tham nhũng, giặc nội xâm. Nhân dân xã Đồng Tâm sẵn sàng đổ máu để giữ bằng được đất của nhân dân ta. Kẻ nào từ chính quyền, công an đến quân đội vào cướp đất sẽ bị tan xác. Thà mất tất cả xã Đồng Tâm, còn một người cũng quyết chiến đến cùng”.
Ngay sau đó, thói “lấy thịt đè người” của Công an Hà Nội chợt mất dạng, hoàn toàn không khác gì thói “mềm nắn răn buông” của toàn bộ ngành công an trong những vụ việc phải đối phó với một tập thể đông đảo dân oan đất đai hoặc biểu tình hàng ngàn người. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Hà Nội, và cũng không thể thiếu bóng dáng của “tập thể Bộ Chính trị”, đã hạ quyết tâm “kiên trì đối thoại, giáo dục thuyết phục” mà không còn hùng hổ đòi “trấn áp quyết liệt nhóm chống đối Đồng Tâm” nữa.
Theo logic đó, rất nhiều khả năng thư “kêu gọi tự thú” của Công an Hà Nội – lời lẽ như thể “mật ngọt chết ruồi” và không nêu ra thời hạn chót phải tự thú – không phải là dạng “tối hậu thư” đối với người Đồng Tâm, mà đây là một “sáng kiến” nhằm đối phó những đòi hỏi gấp gáp của một số “cấp trên” nào đấy – thậm chí có thể là Bộ Quốc phòng và kể cả Viettel, về “phải xử lý dứt điểm vụ Đồng Tâm” và “sớm thu hồi 59 ha đất đồng Sênh”. “Cơ chế phát hành” của bức thư này khi gửi rộng rãi cho báo chí nhà nước đăng tải càng cho thấy trạng thái bất lực của Công an Hà Nội trước ý chí phản kháng sắt đá của hàng ngàn người dân Đồng Tâm.
Nhưng cũng không loại trừ một khả năng cùng xảy ra với khả năng trên: sau khi Công an Hà Nội bất thần khởi tố vụ án Đồng Tâm và dồn dập triệu tập đến hơn bảy chục người dân nơi đây, nhiều dư luận đã bùng lên với mối nghi ngờ về việc tại sao tình hình đang yên lành, vụ khủng hoảng Đồng Tâm đang có chiều hướng lắng xuống mà công an lại “khơi lại”. Đặc biệt, một cựu đại tá công an có thâm niên nhiều năm làm việc trong ngành tình báo của Bộ Công an là ông Nguyễn Đăng Quang ở Hà Nội còn nêu nghi ngờ rằng liệu phía sau vụ “khơi lại” đó có phải là một thế lực chính trị nào đó muốn “gây rối tình hình” nhằm phục vụ cho ý đồ đấu đá phe phái trong nội bộ đảng…
Thực tế phản kháng và “xử lý biểu tình” ở Việt Nam ngày càng phong phú. Vào tháng 4/2017, Công an Hà Tĩnh đã tung ra liên tiếp ba lệnh khởi tố vụ án về “gây rối, bắt người trái phép tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh”. Chi tiết rất đáng phiếm đàm trong những lệnh khởi tố này là có đến vài ngàn người dân có thể rơi vào dạng “bị can”, nhiều đến mức không chỉ Công an Hà Tĩnh mà có huy động hết các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an cũng không “làm” xuể.
Tuy nhiên, nhiều “bị can” đã đồng lòng với nhau để phản kháng với các lệnh khởi tố của công an. Thậm chí một người dân “bị can” khi bị triệu đến làm việc với Cơ quan điều tra còn kéo thêm hàng trăm người dân khác đi cùng, tất cả cùng đòi được vào phòng hỏi cung và đều đòi được hỏi cung, khiến bầu không khí được phóng viên mô tả “cứ vui như trảy hội”…
Cho đến nay cả ba lệnh khởi tố trên của Công an Hà Tĩnh đều như “ngủ ngày”, còn người dân Hà Tĩnh cũng chẳng mấy quan tâm đến chúng nữa.
T.L.
Nguồn: http://www.baocalitoday.com/breaking-news/vu-dong-tam-dang-sau-thu-keu-goi-tu-thu-la-gi.html