Hãng phim truyện và chuyện hãng phim

Lê Trọng Hiệp

clip_image002

Bộ phim tài liệu Vietnam War mới vừa ra mắt tập một đã gây chú ý và tranh cãi khắp nơi. Trong khi đó Hãng phim truyện Việt Nam – với “gia tài” hơn 400 bộ phim trong đó phần lớn là phim chiến tranh cách mạng – thì lại kêu khóc vì cuộc bể dâu mang tên “cổ phần hóa”.

“Cổ phần hóa” cũng có nghĩa là “tư bản hóa”, và hiện các đạo diễn và tài tử gạo cội của nền điện ảnh “cách mạng xã hội chủ nghĩa” đang kêu rên thảm thiết cho số phận của hãng, và dĩ nhiên là cho đồng lương và việc làm của họ.

Một mặt, họ đồng ý rằng đó là “xu thế tất yếu của thời đại”, khi mà đảng chính trị từng nêu cao lý tưởng tiêu diệt chủ nghĩa tư bản đang vật vã thích nghi với những quy luật của thị trường tư bản.

Một mặt, họ cho rằng di sản của thời kỳ phục vụ lý tưởng chiến tranh cách mạng không phải là thứ “không đáng một xu” như những kẻ cầm cân nẩy mực trong công cuộc “tư bản hóa” này đã áp dụng.

Nhiều thức giả cũng lên tiếng bình phẩm, bênh vực có, mỉa mai có, tuy nhiên ít ai chú ý đến yếu tố này: hãng sản xuất phim này là một bản thu nhỏ của một hãng khác lớn hơn.

Hãng phim thì sản xuất phim, dĩ nhiên. Còn hãng lớn kia là hãng chuyên sản xuất nghị quyết và không nói ai cũng hiểu, “hãng” lớn này chính là Đảng. Hãng lớn sản xuất ra nghị quyết thì hãng phim phải làm phim để minh họa, để cổ vũ người người nhà nhà tin theo và làm theo nghị quyết.

Do đó sẽ không quá đáng nếu gọi phim của họ là “phim nghị quyết”.

Nhưng đầu tiên là chuyện của hãng phim cách mạng trong thời kỳ tư bản hóa.

60 năm + 400 phim =clip_image0040

Hãng phim truyện Việt Nam có tên tiếng Anh là “Vietnam Feature Film Studio”, viết tắt là VFS. Trụ sở chính 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, là khu đất vàng với diện tích 5500 mét vuông.

VFS được thành lập năm 1953, đến năm 1959 trình làng bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông”, đến nay đã sản xuất được 400 bộ phim. Nhưng do thời buổi kinh tế thị trường, phương tiện giải trí ê hề, chẳng ai xem phim nhà nước sản xuất nên VFS càng ngày càng lỗ.

Năm 2010 cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ Văn hóa) cho chuyển đổi VFS thành “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Truyện Việt Nam”, tuy nhiên tình hình vẫn không khá.

Tháng Ba năm 2014 Bộ Văn hóa quyết định giải tư, tiến hành việc cổ phần hoá và tháng Sáu năm 2016 tuyên bố chấp nhận Công ty vận tải thủy (Vivaso) là “cổ đông chiến lược”.

Tuy nhiên trên thực tế đây là trò “ốc mượn hồn” hay “kim thiền thoát xác”, vì chủ nhân ông của Vivaso lại là Công ty Vạn Cường, là một trong những nhà thầu có máu mặt nhất trong lĩnh vực làm đường và xây cầu tại Việt Nam. Công ty này ra đời năm 1992 với vốn điều lệ 300 tỷ, trong đó 99% cổ phần thuộc về tay chủ tịch Nguyễn Thủy Nguyên. Vivaso cũng đang điêu đứng vì thua lỗ và bị Vạn Cường nuốt chửng.

Tháng Bảy năm nay thì Vivaso trên chính thức làm chủ và từ đây giới nghệ sĩ điện ảnh càng kêu rên, cầu cứu, càng ngày càng thảm thiết. Trong đơn cầu cứu gởi lên Hội Điện ảnh Việt Nam, họ cho biết Vivaso “hứa thật nhiều mà làm chẳng bao nhiêu”: trước đó đã long trọng cam kết là sẽ bảo đảm việc làm, sẽ tôn trọng nghề nghiệp, sẽ bảo đảm mức lương 4,8 triệu đồng trong năm 2017 theo quy định của nhà nước với toàn bộ 85 thành viên còn lại của hãng. Tháng đầu họ còn nhận lương (tháng 7), đến tháng sau thì chỉ một số cán bộ, nhân viên được tạm ứng lương với mức thấp nhất là 1 triệu đồng, một số hoàn toàn không có lương.

Trong khi đó các phòng ban với chức năng riêng như biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật bị “gom về một mối”, dồn hết vào một phòng tân lập mang tên “Phòng nghệ thuật”: 24 người bị dồn vào một phòng chưa đầy 20 m2.

Kho đạo cụ, phục trang của hãng bị chuyển đến các nhà kho của Vivaso cách đó 40 km. Trong khi đó toàn bộ kịch bản từ bộ phim đầu bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam. Lý do là để lấy phòng cho tư nhân bên ngoài thuê để kinh doanh.

Mấy tuần liền báo chí đề cập đến những “lùm xùm” tại VFS khiến ông chủ mới nổi cáu, tổ chức buổi đối thoại vào ngày 19.9.2017.

Giới nghệ sĩ điện ảnh “bức xúc” vì 85 người của hãng phim nhưng chỉ có 20 người có lương, mà lương cực kỳ bèo, chẳng khác nào “sỉ nhục” các nghệ sĩ; thí dụ đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn nhận lương 540.000 đồng một tháng!

Ông chủ mới của VFS Nguyễn Thủy Nguyên thì nhấn mạnh đến yếu tố công bằng: có làm có hưởng, không làm không hưởng, nếu không làm thì ít ra cũng phải “đến hãng ngồi đúng giờ hành chính. Ông tuyên bố: “Tôi chưa hề cắt lương các đồng chí. Nhưng có những người 3 năm không đến cơ quan mà vẫn lĩnh lương, đóng bảo hiểm bình thường thì các đồng chí suy nghĩ gì? Tôi sẽ không trả lương nếu 2-3 năm không đến cơ quan hoặc đến mà không làm gì”.

Cụ thể với đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn, ông chủ này giải thích: từ 4 năm rưỡi nay đạo diễn này

không làm gì nhưng vẫn được trả lương đến năm 2017.

Sau đó ông chủ này cũng “rên” lại: trong khi hãng không làm ra sản phẩm sinh lời, ban quản trị đã phải gồng mình chi trả hàng chục tỉ đồng tiền nợ thuế của hãng.

Đến nước này, giới nghệ sĩ thắc mắc: lỗ thế thì tại chọn mua lại hãng phim này?

Ông chủ mới giải đáp: đó chiến lược kinh doanh của công ty, trong chuyện làm ăn thì đó là bí mật phải giữ kín.

Mâu thuẫn không giải quyết được và càng được báo chí khai thác, xoáy sâu vào “bí mật” ai cũng biết trong mục tiêu cổ phần hóa là ĐẤT. Vấn đề đặt ra là tính minh bạch của tiến trình cổ phần hóa, đặc biệt cách định giá VFS.

Vivaso này rót vào đây hơn 32 tỷ đồng, nắm 65% cổ phần. Trong khi đó thì toàn bộ “tài sản” của VFS chỉ được tính giá 19,7 tỷ đồng. Như vậy thì Bộ Văn hóa đã, thứ nhất, không tính giá trị đất đai vào tài sản của VFS; thứ hai, Bộ đã xem rẻ thương hiệu và uy tín của VFS, một hãng có “60 năm lịch sử và 400 bộ phim”: nó không đáng một xu.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là trò “thông đồng” giữa các quan chức Bộ Văn hóa và nhóm lợi ích. Bộ bao che để ông chủ Vivaso bỏ tiền ra để nhắm vào khu đất vàng rộng 5500 mét vuông giữa vị trí đắc địa của thủ đô mà VFS đang quản lý, không hề có ý định đầu tư cho phim ảnh.

Bị nhột, ngày 20.9.2017 Thứ trưởng Văn hóa Huỳnh Vĩnh Ái tổ chức họp báo, khẳng định việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam (VFS) “được làm đúng thủ tục, trình tự pháp luật của nhà nước”.

Sáng hôm sau các đạo diễn và diễn viên lừng danh của VFS tổ chức cuộc họp báo tố cáo tiếp ban quản trị mới, tại đây nhiều người đã khóc. Họ cho biết qua hai tháng đổi chủ, VFS bị xáo trộn tận gốc rễ.

Nếu Marx từng tuyên bố rằng “thời kỳ tích luỹ nguyên thủy tư bản chủ nghĩa thấm đẫm máu và bùn dơ…” thì tại đây có thể thấy tiến trình “tư bản hóa” VFS thấm đầy nước mắt của giới nghệ sĩ điện ảnh cách mạng!

Chính vì thế nên Chủ tịch Hội Điện ảnh Đặng Xuân Hải cho rằng phải xét lại “nhận thức của những người có trọng trách và ban chỉ đạo cổ phần hóa trong việc phát triển hãng phim”. Theo ông thì “với hơn 400 tác phẩm được tạo ra là đi theo định hướng văn hóa văn nghệ của Đảng và phục vụ tốt cho công tác tư tưởng của Đảng”, không ai có quyền “đánh giá thương hiệu của VFS là con số 0”!

Và hãng nghị quyết

Bây giờ trở lại chuyện hai hãng, hãng nghị quyết và hãng phim.

Ông Hải nói đúng, hãng phim VFS đã sản xuất hơn 400 tác phẩm “theo định hướng văn hóa văn nghệ của Đảng” và “phục vụ tốt cho công tác tư tưởng của Đảng”.

Tuy nhiên thời vàng son cho “công tác tư tưởng của đảng đã qua rồi” vì đảng đã hết thế độc quyền về truyền thông và phương tiện giải trí.

Thời vàng son là thời mà khối xã hội chủ nghĩa “vẹn toàn”, viện trợ đến mức tối đa.

Một thời “Hãng nghị quyết” có hậu phương lớn là Trung Quốc, sau đó “chuyển hệ” sang Liên Xô, lai rai thì có các nước Đông Âu. Còn hãng phim thì luôn có hậu phương lớn là… hãng nghị quyết: mọi thứ đều được bao cấp, phim làm ra thế nào cũng mặc, miễn là đúng với “định hướng văn hóa văn nghệ của Đảng và phục vụ tốt cho công tác tư tưởng của Đảng”.

Lấy thí dụ sản phẩm đầu tiên của hãng là phim “Chung một dòng sông”.

Phim nói về mối tình của Hoài và Vận sống ở hai bên bờ sông Bến Hải. Sau Hiệp định Geneve 1954 họ làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát miền Nam không cho lên bờ, mối tình của họ bị ngăn cản.

Phim được công chiếu lần đầu ngày 20.7.1959. Ngày 17.7 báo Nhân Dân đã có bài giới thiệu: “Đối với uất ức, căm thù, nhớ thương, hy vọng vào tình yêu nhất định thắng của Hoài và Vận, chúng ta đâu phải người ngoài cuộc. Mối đồng cảm sâu sắc giữa người xem và người trong phim sẽ là sức mạnh của bộ phim truyện đầu tiên của nước ta, bộ phim đã mạnh dạn đi thẳng vào thể hiện – dù chỉ khía cạnh nào đó – một tình cảm lớn nhất của nhân dân, của thời đại”.

Việc phim ra mắt vào tháng Bảy này không phải là ngẫu nhiên. Càng không phải là chuyện ngẫu nhiên khi báo Nhân Dân hô hào “chúng ta đâu phải người ngoài cuộc”.

Tháng Bảy năm 1959 là tháng mà Trung ương đảng tổ chức hội nghị và phổ biến Nghị quyết 15, cuộc họp tháng Bảy năm 1959 về việc sử dụng bạo lực cách mạng tại miền Nam. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh nội bộ giữa phe giáo điều thân Trumg Cộng với nhóm “hòa bình – xét lại” thân Nga.

Không nói thì ai cũng hiểu ê kíp làm phim đã phải căng mình ra để phim hoàn tất đúng kỳ hạn nhằm phục vụ mục tiêu chính trị,

Phim thì rất đúng với đường lối của phe thắng nhưng rất kém về nghệ thuật, như nhận định của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi trên Tạp chí Điện ảnh ngày 16.9.1959: “… tính tư tưởng của tác phẩm thì khá phong phú, nhưng tính nghệ thuật thì lại chưa đủ…”.

Lúc đó hãng lớn trông dựa vào hậu phương lớn “núi liền núi sông liền sông” thì phim nghị quyết của hãng nhỏ phải đúng theo tinh thần “tiến công cách mạng”, tránh tuyệt đối tư tưởng sống chung hòa bình, xét lại.

Nhưng tình hình thế giới lại “diễn biến phức tạp” và nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn quay ngoắc 180 độ, đưa ra khẩu hiệu “Đoàn kết với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược, là tình cảm cách mạng”. Lúc này thì hãng phim phải thi nhau sản xuất những nghị quyết bằng phim nhựa với bài ca “chống bành trướng bá quyền”.

Bây giờ khối XHCN đã tan, “hậu phương lớn” không còn, hãng nghị quyết phải loay hoay với những quy luật của kinh tế thị trường. Mấy mươi năm xây dựng CNXH nhưng “tài sản” lớn nhất hãng nghị quyết nắm trong tay vẫn chỉ là đất đai lãnh thổ mà cha ông để lại, thành thử cách kiếm tiền chủ đạo của họ là phương pháp cố hữu của đám con cháu bất tài, là… bán gia sản cha ông, bán ruộng đất hương hỏa, thậm chí mang gia sản cha ông ra cầm cố cho các khoản vay, nợ nần trút hết lên đầu con cháu.

Hãng phim méo mặt vì thời thế thời thế đã đổi thay. Xưa chẳng có gì để giải trí nên có phim là thiên hạ lũ lượt kéo nhau đi, vả lại mọi thứ đã có đảng bao cấp. Thời nay phương tiện giải trí ê hề, dẫu bỏ ra bao nhiêu tiền để thực hiện, những bộ phim nghị quyết có hoành tráng và màu mè cách mấy rồi cũng bỏ kho ngay sau khi ra rạp vì chẳng có ai thèm xem.

Mấy mươi năm xây dựng điện ảnh xã hội chủ nghĩa, xem ra tài sản lớn nhất mà Hãng phim tryện có trong tay cũng là… đất.

Đây chính là bi – hài kịch đang xảy ra tại VFS.

Bi hài kịch đất: quyền sở hữu nhập nhèm

Câu chuyện cổ phần hóa VFS cũng na ná bao nhiêu phi vụ cổ phần hóa công ty quốc doanh khác khi các nhóm lợi ích cùng với giới quản trị công quyền lạm dụng tình trạng nhập nhằng, không rõ ràng để chia chác tài sản công.

Đất trên danh nghĩa là “sở hữu toàn dân”, chỉ được cấp cho VFS để làm phim. Thời làm phim tuyên truyền đã hết khiến VFS ngoắc ngoải, trở thành đứa con vô dụng chỉ biết ăn bám vào chế độ và tài sản của họ chỉ còn là mớ đất đang quản lý: Vivaso nhìn vào đây với những lợi thế của việc kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Vivaso dám thò vào đây vì “sở hữu toàn dân” lại là một khái niệm mơ hồ: không phải 90 triệu dân trực tiếp quản lý bất động sản này mà phải có quan chức nào đó hay ban bệ nào đó thay mặt.

Nghĩa là quyền sở hữu này “tập trung” vào tay họ. Thí dụ như 16 tấn vàng dự trữ tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trên nguyên tắc thì số vàng này là sở hữu của toàn dân, thế nhưng nó được “tập trung” trong tay một nhóm thiểu số lãnh đạo sau khi vu khống cho ông Nguyễn Văn Thiệu.

Thực chất thì ý niệm “sở hữu toàn dân” này cần được gọi là “sở hữu tập trung” cho đúng với bản chất của nó và cũng là để… đủ bộ, vì chưng chế độ chính trị này tự xưng là “dân chủ tập trung.

 

“Dân chủ tập trung” là một trong những nguyên tắc căn bản của các tổ chức cộng sản, theo đó tổ chức được xây dựng từ dưới lên trên, quyền “dân chủ” được tập trung từ dưới lên theo từng nấc.

Nói cụ thể thì quyền lực cao nhất là đại hội đảng và đảng viên bầu chọn đại biểu dự họp đại hội cao hơn. Chi bộ cử đại biểu dự đại hội đảng cấp phường-xã; đại hội cấp xã-phường bầu chọn đại biểu dự họ đại hội cấp quận-huyện; đại hội quận-huyện bầu chọn đại biểu dự đại hội cấp tỉnh; sau đó đại hội tỉnh bầu chọn đại biểu dự họp đại hội toàn đảng.

Trên lý thuyết thì đại hội này sẽ quyết định ai là thành viên của Trung ương đảng, sau đó Trung ương đảng sẽ bầu ra Bộ chính trị: giữa hai đại hội thì “dân chủ” được tập trung vào đây! Thế nhưng thực tế lại khác xa điều đó: chủ yếu từ trên xuống, các lãnh đạo cấp trên quyết định “cơ cấu” hay “quy hoạch” ai thì kẻ đó sẽ là đại biểu dự đại hội cao hơn.

Cũng theo quy định thì mọi vấn đề của đảng sẽ được thảo luận cho đến khi ghi thành nghị quyết, sau đó thì nghị quyết sẽ được thực hiện mà không có sự tranh cãi, chống đối.

Trên thực tế thì các nghị quyết được nhào nặn theo thiểu số chi phối quyền lực trong đảng. Thí dụ như nghị quyết 15 thông qua năm 1959. Nghị quyết này là một mệnh lệnh áp đặt và những ai không đồng ý đều bị kết tội “xét lại chống đảng” và lâm cảnh tù tội, bị đày đoạ như Lê Liêm, Hoàng Minh Chính.

Sau đó, đến chiều 21.9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam và tuyên bố: “Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Tất cả phải minh bạch”.

Trên thực tế thì sẽ không có sự thật nào được bạch hóa toàn bộ vì chế độ chính trị hiện tại xây dựng trên những khái niệm nhập nhằng, sau sự nhập nhằng của “dân chủ tập trung”, “sở hữu tập trung” thì có sự nhập nhằng giữa “tổ quốc” và “chế độ”.

Các nhóm lợi ích đang kiếm chác dựa vào sự nhập nhằng này, sự thể chỉ bị phơi bày nếu có sự thay đổi từ trên, sau khi các ô dù quyền lực của họ bị thổi bay trong các cuộc đấu đá nội bộ!

Mảnh đất vàng 5500 mét vuông đang lâm vào thế “quần ngư tranh thực”, phải có nhiều nhóm lợi ích nhòm ngó, nhiều nhóm quyền lực tranh giành và ghen ăn tức ở.

Do đó báo chí lề phải mới có thể công khai bàn tán về những nhập nhằng tại đây!

Rõ ràng, khi bỏ tiền ra thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) với sự hỗ trợ “trên mức nhiệt tình” của các quan chức Bộ Văn hóa, ông trùm kinh doanh Nguyễn Thủy Nguyên đã nhắm vào thực trạng nhập nhèm trong ý niệm “sở hữu toàn dân” đối với 5500 mét vuông đất vàng tại trung tâm Hà Nội mà (VFS) quản lý.

Nhưng cả giới nghệ sĩ điện ảnh cũng nhập nhèm về quyền sở hữu này khi lu loa rằng Ban cổ phần hóa không tính giá trị khu đất mà VFS đang nắm trong tay. Khu đất đắc địa ấy là đất công, được “Hãng nghị quyết” (đảng nhà nước) cho VFS thuê với giá ưu đãi để sản xuất phim minh họa cho nghị quyết. Như vậy ngay trong thiết chế pháp luật của chế độ thì khu đất đó không phải là “tài sản riêng” của VFS, bằng chứng là cho đến khi cổ phần hóa, VFS còn nợ “Hãng nghị quyết” số tiền thuê đất đến 21 tỷ đồng.

Cổ phần hóa VFS thì phải định giá tài sản và tiền vốn của nó cùng khả năng sinh lãi từ số tài sản và vốn liếng này, phần đất đai này phải tách bạch qua một bên.

Như vậy thì “tài sản” của VFS có gì?

Tài sản hãng phim

Tài sản của một công ty hay xí nghiệp nào cũng bao gồm hai phần là phần xác và phần hồn, hay nói theo thuật ngữ kỹ thuật là phần “cứng” và phần “mềm”.

Phần “cứng” là hệ thống trường quay, máy móc quay phim, là kho đạo cụ, dụng cụ hóa trang. Tất cả hiện đã quá đát, lỗi thời và hư hỏng, chẳng giá trị gì.

Phần “mềm” của nó là uy tín của VFS, và giới nghệ sĩ nhấn mạnh đến “truyền thống”, “lịch sử” đầy tự hào với bề dày 60 năm lịch sử, đã sản xuất ra 400 bộ phim, trong đó có nhiều phim “kinh điển”.

Nhưng khi đã nói tới chuyện cổ phần hóa là nói đến giá trị đến mãi lực thị trường. Thị trường không mặn mà với những bài diễn văn “tổng kết” hay “đánh giá tình hình chung” chỉ để tự sướng và lên giây cót tinh thần cho nhau. Thị trường phải chú ý đến khả năng sinh lãi qua sức thu hút của thương hiệu VFS trên thị trường điện ảnh.

Như đã thấy, VFS bị lỗ suốt 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng, thì “uy tín” của nó trên thị trường giải trí là gì?

Giới nghệ sĩ điện ảnh bức xúc, khóc rưng rức vì niềm tự hào của họ đã bị rẻ rúng quá đỗi, nó chỉ bị định giá là 0 đồng.

Trên thực tế, nó được đánh giá như vậy cũng là… ưu ái: lỗ lã như thế, chỉ có tiền thuê đất không trả xong thì phải bị xếp hạng là số âm!

Có lẽ vì vậy nên cả thủ tướng can thiệp cũng không xong.

Ngày 28-12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu “rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam”. Theo ông thủ tướng thì cần phải “đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng Phim truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành công ty cổ phần”.

Nhưng thực ra thì “giá trị lịch sử truyền thống” là gì, phải định giá như thế nào?

Phát biểu ngày 20.9.2017 Chủ tịch Hội Điện ảnh Đặng Xuân Hải cho rằng phải xét lại “nhận thức của những người có trọng trách và ban chỉ đạo cổ phần hóa”. Theo ông thì “với hơn 400 tác phẩm được tạo ra là đi theo định hướng văn hóa văn nghệ của Đảng và phục vụ tốt cho công tác tư tưởng của Đảng”, không ai có quyền “đánh giá thương hiệu của VFS là con số 0”!

Đây là một phá biểu duy ý chí, sử dụng yếu tố chính trị để tác động đến quy luật kinh tế: “Chúng tôi đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đảng giao, không ai có quyền rẻ rúng chúng tôi!”

Như vậy chúng ta cần xem VFS đã hoàn thành tốt công tác được giao như thế nào!

Công tác được giao

Như đã nói, VFS là hãng sản xuất phim, đảng là hãng sản xuất nghị quyết. Để góp phần “định hướng văn hóa văn nghệ” và “phục vụ công tác tư tưởng”, hãng phim phải chạy theo minh họa cho các nghị quyết.

Mà các nghị quyết thì chỉ ra đời theo các đại hội, hội nghị trung ương, những loại phim như thế này thường phải ra đời cho “đúng ngày” để phục vụ những nhiệm vụ chính trị mang tính giai đoạn.

Làm phim mà như thể cưới chạy tang thì khó đạt đến giá trị trường tồn: một khi nhiệm vụ chính trị ấy đã lỗi thời, chúng sẽ không còn có giá trị gì.

Thí dụ cuốn phim đầu tiên “Chung một dòng sông” nói trên: ra mắt vào tháng Bảy năm 1959, trùng với Hội nghị trung ương, được báo Nhân Dân sử dụng như một cái bệ phóng: “Đối với uất ức, căm thù, nhớ thương, hy vọng vào tình yêu nhất định thắng của Hoài và Vận, chúng ta đâu phải người ngoài cuộc.

Phim thì rất đúng với đường lối của phe thắng nhưng rất kém về nghệ thuật, như nhận định của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi. Trên Tạp chí Điện ảnh ngày 16.9.1959 ông viết: “… tính tư tưởng của tác phẩm thì khá phong phú, nhưng tính nghệ thuật thì lại chưa đủ…”.

Tính nghệ thuật chưa đủ vì nhiều lý do, trong đó có lý do gấp rút thời gian: để phục vụ mục tiêu chính trị ấy cho đúng thời hạn, ê kíp làm phim đã phải căng mình ra để làm phim. Và khi căng mình ra như vậy, họ phải làm việc với tâm niệm cao nhất là không vấp sai lầm về chính trị.

Trong bài phỏng vấn Về phim “Kí ức Điện Biên” do Phạm Thị Hoài, đăng trên trang mạng talawas ngày 7.5.2005, Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết:

Làm một bộ phim nhựa vất vả đúng như trong một chiến dịch vậy. Tôi đã từng làm việc nhiều năm ở Hãng phim truyện Việt Nam, từng chứng kiến cảnh cả Hãng thức trắng đêm để làm cho xong một phim nào đó kịp ra mắt vào dịp nào đó. Kịch bản phim Ký ức Điện Biên của Nguyễn Thị Hồng Ngát, theo tác giả cho biết, được viết cách đây 10 năm, gợi ý từ một truyện ngắn của nhà văn Chu Phác. Còn bản thân bộ phim từ khi chuẩn bị đến khi quay xong chưa đầy 5 tháng thì cái tinh thần làm việc khẩn trương như chiến dịch là cần. (Phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer được làm trong 2 năm.) Cầm 14 tỷ trong tay mà làm phim không kịp chiếu đúng ngày kỷ niệm thì có mà đi tù vì tội lừa đảo! Tinh thần “Điện Biên năm xưa” chỉ có ý nghĩa như vậy thôi. Còn khán giả thì họ không cần biết anh làm với tinh thần gì. Họ chỉ biết phim có hay hay không mà thôi”.

Có thể nói tâm niệm bất thành văn của giới nghệ sĩ điện ảnh là thà dở, thà để sót những hạt sạn về nghệ thuật còn hơn là để sót các hạt sạn về chính trị.

Nếu “Chung một giòng sông” là bộ phim khởi nghiệp của VFS thì phim
Ký ức Điện Biên” lại là sản phẩm cho một dấu mốc lịch sử với ý nghĩa chính trị lớn lao khác, do đó được cấp một nguồn kinh phí khổng lồ.

“Ký ức Điện Biên”

Phim do Đỗ Minh Tuấn đạo diễn, hoàn tất vào tháng Năm năm 2004 để trình chiếu nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biện Phủ. Phim thực hiện với kinh phí 14 tỷ đồng (trên 1 triệu Mỹ kim vào thời điểm đó) để chiếu trên toàn quốc trong dịp kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Tuy nhiên chỉ sau vài ngày thì ngưng vì chẳng ma nào đi xem, như bản tin “Phim Ký ức Điện Biên: Một thất bại đáng buồn” trên báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 22/5/2004:

Bộ phim truyện Ký ức Điện Biên của Hãng Phim truyện VN với kinh phí làm phim ‘nặng ký’ nhất VN – cho đến thời điểm này – là trên 13 tỷ đồng đã rơi tõm vào sự thờ ơ của khán giả: chỉ tổng cộng được 60 vé lẻ suốt ba ngày chiếu tại rạp Đống Đa của TP. HCM (theo ông Lê Việt Hùng, phó rạp). Ngoài Hà Nội, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC) có đỡ ‘ê mặt’ hơn, ngoài hai suất chiếu phục vụ công ích cũng chỉ chiếu được tám suất doanh thu (bình quân 25-30 vé) – theo ông Thanh Hùng, giám đốc NCC”.

Phim chiếu đâu được bảy ngày thì số người xem giảm xuống chỉ còn… 0 và cuối cùng thì vào kho!

Báo Tuổi trẻ đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Nam, nguyên giám đốc VFS, sau một hồi quanh co, ông thú nhận: “Tôi nghĩ là vẫn tồn tại trong công chúng tâm lý xem những phim chiếu vào các dịp lễ là ‘phim cúng cụ’, họ không mấy quan tâm.”

Đó không chỉ là phim để “cúng” mà còn là phim cúng cực dở. Trên tạp chí Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, số 106, ra ngày 24.5.2004, tác giả Ðức Kôn, tiến sĩ nghệ thuật học chỉ trích nặng nề cuốn phim, cho rằng cuốn phim là một “tra tấn từ đầu đến cuối”.

Theo tác giả thì phim “Thiếu vắng những tầm vóc đã làm nên lịch sử!”, chỉ có hình ảnh mờ nhạt của vài ba cán bộ chỉ huy cấp thấp lèo tèo, hoạt bát hơn cả là anh đầu bếp nuôi quân. Trong khi đó thì phim lại “thừa thãi những cảnh khói lửa ngột ngạt, nhàm chán” và đầy những “Những “sáng tạo” ấu trĩ, lỗ mỗ và sống sít”:

Bao trùm là sự nặng nề, xem phim không khác nào bị tra tấn, đan xen là sự hư cấu chơi vơi, bịa tạc nếu không muốn nói là bất chấp hiện thực, gắn liền với sự chắp vá từ cốt truyện đến các “mảng”, các cảnh và khuôn hình. Vì thế mà phim hoàn toàn xa lạ với sự xúc động. Và lại một lần nữa thật đáng kinh ngạc và khó hiểu: Ðành rằng “gà nào, trứng nấy” nhưng từ một kịch bản lơ phơ, thậm chí vớ vẩn như thế, lẽ nào không nhận ra để rồi ai đó lại có thể moi được hàng chục tỷ đồng tài trợ để dựng một bộ phim… khó xem đến như vậy?! Rồi ai sẽ là người trả lời và chịu trách nhiệm về sự uổng phí tệ hại này?!”

Trong bài phỏng vấn của talawas nói trên, Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng hết lời chê phim này:

Ưu điểm nhất của bộ phim này là đã ra đúng dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðây là một cố gắng rất lớn của lãnh đạo Cục điện ảnh, của những người làm phim”.

Bỏ ra 1 triệu Mỹ kim để làm một phim cho đúng ngày lễ nhưng chẳng có mấy người xem, không nói là 400 bộ phim, có làm tới 4.000 bộ thì thương hiệu của VFS cũng bị rẻ rúng như thường!

Đáng nói là giới nghệ sĩ điện ảnh thuộc loại “công huân” từng ăn lương VFS. Họ không bao giờ thừa nhận cái dở, cái yếu kém của mình, thể hiện ngay ở trường hợp ông đạo diễn cuốn phim dở Ký ức Điện Biên: bị chê, ông cáu sườn chỉ trích kẻ chê còn làm phim dở hơn mình và thậm chí chính trị hóa việc bị chê, xem đó là một phần trong một âm mưu chính trị thâm cung!

“Hầu hết báo chí có bài viết về Ký ức Điện Biên đều khen phim hoành tráng, chân thực, ấn tượng và xúc động. Không ai nói phim có vấn đề về tư tưởng. Chỉ riêng báo Công an TP Hồ Chí Minh không biết xuất phát từ động cơ và mưu đồ tổ chức gì đã tung ra một bài viết dài đầy giọng hằn học của Thiên Ấn quy kết hàm hồ. Bài viết tự bộc lộ sự vội vã của nó khi được tung ra đúng vào ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch 19-5, là cái ngày mà nếu không có lý do gì quá đặc biệt người ta không dành cả trang báo để bôi bác, quy kết một bộ phim làm ra để chiếu trong đợt kỷ niệm chiến thắng Điện Biên.”

Đó là lời của Đỗ Minh Tuấn trong cuộc phỏng vấn của talawas đốp lại Đặng Nhật Minh.

Thực ra tờ báo nào cũng chê, chỉ có báo Công an TPHCM là chê “có hệ thống”, vị đạo diễn này mới nấp bóng “ngày sinh bác” để phản đòn y như một thứ Hồng vệ binh.

Vị đạo diễn còn dụng “thuyết âm mưu”, cho rằng phim bị chê dở vì có kẻ muốn giành cái ghế bộ trưởng văn hoá của ông Phạm Quang Nghị:

“Một số người cho rằng có một mưu đồ tấn công để thay ông Phạm Quang Nghị trong dịp họp Quốc hội lần này, nên một vài tờ báo phía Nam hợp đồng chặt chẽ liên tục tung ra các bài tấn công Ký ức Điện Biên, đánh đồng trách nhiệm của phát hành với trách nhiệm nghệ sĩ, đánh đồng việc một rạp ít khách với chất lượng của một bộ phim”.

Lý sự y như một Hồng vệ binh đấu tố, lập luận y như một nhà chính trị vỉa hè chuyên phân tích thế sự trong quán cóc cà phê, ai có thể mong đợi gì ở hiệu ứng nghệ thuật và thậm chí cả hiệu ứng giải trí từ những “tác phẩm” mà anh ta tạo nên?

Với những đạo diễn như thế và những cuốn phim như thế, VFS đi đến kết cuộc ngày hôm nay là điều dễ hiểu.

Tưởng rằng với “Ký ức Điện Biên”, VFS sẽ rút kinh nghiệm, nhưng không. Ngay sau thảm họa Ký ức Điện Biên tiêu tốn 1 triệu Mỹ kim” thì tới thảm họa “Giải phóng Sài Gòn”.

“Tiến về Sài Gòn” và tiến về nhà kho!

Phim do Long Vân đạo diễn, thực hiện với kinh phí 13,5 tỷ đồng để chiếu mừng ngày 30.4.2005, thế nhưng sau hơn 19 ngày, trên cả nước chỉ có hơn 12.000 khán giả mua vé. Phim phải bỏ kho sau khi thu được 170 triệu đồng, nghĩa là chỉ được chưa đầy 2% so với số vốn đầu tư, không kể kể sự hỗ trợ miễn phí về nhân sự, phương tiện của quân đội, nếu tính ra thì cũng phải thêm vài tỷ.

Tuy nhiên lúc đó nhà phát hành cho rằng phim này là phim khá nhất so với… những phim bị lỗ!

Trong bài “Cách đốt tiền của điện ảnh ta”, nhà văn Phan Thị Vàng Anh (với bút hiệu An Bằng) đã nhận xét:

Nếu tôi là một người nước ngoài, chưa bao giờ biết (hoặc chỉ biết lơ mơ) về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam thì tôi sẽ không hiểu gì cả. Đúng hơn, tôi chỉ biết là mình đang xem một phim nói về chiến tranh, trong đó có sự tham gia của mấy người Mỹ, nhưng cụ thể ai đang đánh nhau với ai, vì sao họ phải căng thẳng lo âu thế thì tôi chịu.

[…

Với tôi, bộ phim Giải phóng Sài Gòn hoàn toàn không hấp dẫn (trừ một vài cảnh ít ỏi, thí dụ xe tăng từ dưới đất chui lên). Cứ đều đều, đều đều, kéo dài từ trận đánh này đến cuộc họp nọ, lại đầy tính ‘mặt trận’, nghĩa là trận đánh nào cũng quan trọng như trận đánh nào, cuộc họp nào cũng quan trọng như cuộc họp nào, dàn ra chỉ để không bỏ sót. […]

Bộ máy đầu não của ta trong phim chỉ toàn gọi điện thoại cho nhau rồi nói những câu lên dây cót tinh thần theo một phong cách rất khẩu hiệu. Văn phòng nội các địch thì như đang mùa nghỉ mát ngồi lèo tèo một đám với nhau, nói những câu lo lắng, cũng chung chung nốt. Và ngạc nhiên nhất là những người Mỹ trong phim trông hết sứ ngớ ngẩn, đến mức ngớ ngẩn ta phải tự hỏi rằng nếu chúng ngớ ngẩn như thế, sao ta phải mất những 21 năm để đuổi chúng ra khỏi mảnh đất này?”.

Hình ảnh “người Mỹ ngớ ngẩn” này xuất phát tù chủ trương phi nhân hóa và lố bịch hóa kẻ thù. Có một thời người Việt Nam chỉ nhìn người người Mỹ qua hình ảnh của nhân vật cố vấn do diễn viên Robert Hải (Xưởng phim Tổng hợp TP.HCM) thể hiện với tuyên bố đầu môi “Người Mỹ chúng tôi”.

Bây giờ, trong thời đại này người xem đã mở mắt. Thế nhưng những “đạo diễn – nghệ sĩ Hãng phim truyện chúng tôi” vẫn chưa mở mắt nên mới “bức xúc” và “phẫn nộ” khóc lóc khi thương hiệu của hãng phim phục vụ nghị quyết của họ bị đánh giá 0 đồng!

L.T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.